Saturday, December 15, 2012

***KINH LIỄU NGHĨA VÀ KINH KHÔNG LIỄU NGHĨA



Hoàng Liên Tâm

Liễu Nghĩa là nghĩa lý được giải bày đầy đủ trọn vẹn, tức là nghĩa đã trọn, đã hết. Đối nghịch với liễu nghĩa là không (bất) liễu nghĩa tức là nghĩa chưa trọn vẹn, chưa hết nghĩa. Liễu nghĩa và bất liễu nghĩa là tên gọi khác của Cứu Cánh (liễu nghĩa) và Phương Tiện (không liễu nghĩa). Trong kinh điển Phật giáo có kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa. Cho nên Phật dạy; phải y vào kinh liễu nghĩa (Kinh Đại Bát Niết Bàn - Phẩm Tứ Y). 

Nói một cách giản lược, kinh liễu nghĩa là kinh điển trình bày về chân lý tuyệt đối, chân lý chân thật, đúng mức và rốt ráo. Kinh không liễu nghĩa là những kinh phương tiện, chỉ nói về chân lý tương đối, chưa đúng mức, chưa hết nghĩa. 

Ví dụ như nói: Như Lai nhờ sự ăn mà sống còn, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai thường trụ không biến đổi, đây gọi là lời (kinh) liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Niết Bàn như củi hết lửa tắt, đó là lời (kinh) không liễu nghĩa. Nếu nói Như Lai nhập Pháp tánh, đấy là lời (kinh) liễu nghĩa.

Ý niệm về kinh liễu nghĩa và kinh không liễu nghĩa song hành với ý niệm về hai sự thật: Sự Thật Tương Đối và Sự Thật Tuyệt Đối. Sự Thật Tuyệt Đối tương đương với liễu nghĩa, thuật ngữ Phật học gọi là Chân Đế, Đệ Nhất Nghĩa Đế; còn Sự Thật Tương Đối là Tục Đế, cũng còn gọi là Sự Thật Công Ước.

Trong sự thật công ước, tất cả mọi hiện tượng đều diễn bày thật một cách công ước, có nghĩa là, chúng cũng thật như thể một giấc mộng. Chúng xuất hiện và hành động qua tiến trình duyên khởi tạo nên bởi tâm vọng tưởng. Ngược lại, trong sự thật tuyệt đối, tất cả mọi hiện tượng đều không có tự tính và vượt trên mọi khái niệm, vượt trên mọi phân biệt nhị nguyên đối đãi.

 Một vị Thiền sư cho một ví dụ rất hay khi đề cập đến hai sự thật này là ở trong một căn nhà, người ta muốn thờ Phật ở tầng trên và ngủ ở tầng dưới, tại vì nếu thờ Phật ở tầng dưới, đi đứng, nằm ngồi ngủ nghỉ ở tầng trên thì có cảm giác mang tội. Đó là một sự thật tục đế được mọi người công ước. Mình tin rằng thờ Phật ở tầng trên và mình ở tầng dưới, nhưng khi quả địa cầu quay ngược lại, thì mình ở trên và nơi thờ Phật lại ở dưới. Thành ra ý niệm về trên và dưới là một ý niệm tương đối. Đối với sự thật tuyệt đối thì không có trên dưới.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết, chúng ta đang sống trong thế giới công ước, sống trong những thật tại tương đối, mặc dầu không hoàn toàn, không tuyệt đối, nhưng nó rất là quan trọng vì nhiều khi chúng ta phải nương vào nó để hiểu, để tới thế giới tuyệt đối. Đạo Phật có giảng về tục đế, như là những phương tiện dẫn dắt chúng sinh tiến dần tới chân đế. Đối với kinh, khi thấy một lời kinh (hay) một quyển kinh được cho là không liễu nghĩa, đừng cho rằng kinh này là sai, không phải là kinh của Phật, không phù hợp với tinh thần giáo lý của Phật. 

Không nên nói và nghĩ như vậy, vì có thể những kinh đó đã được nói ra đễ dẫn dắt những người mới bước chân vào đạo hay những người chưa đủ căn cơ để tiếp nhận giáo pháp cao hơn. Mặc dầu kinh đó chưa diễn bày hết nghĩa lý thâm sâu của Phật, nhưng nó có tác dụng đưa người ấy ra khỏi cảnh khổ, ra khỏi vũng bùn lầy lội hiện tại.


Một Phật tử được khuyên bảo là vì lòng từ bi với muôn loài chúng sinh nên đừng sát sinh và ăn chay là tránh sát sinh. Mục đích đích thực của việc ăn chay trong đạo Phật là tôn trọng và bảo vệ sự sống. Tôn trọng sự sống không những bằng cách giúp nhau để sống còn, mà còn có khi phải hy sinh sự sống để bảo vệ sự sống, nghĩa là có khi tiêu cực như ăn chay để cứu muôn loài, có khi tích cực như thay khổ cho chúng sanh để cứu vạn loại”. 

Mặc dầu nghe êm tai nhưng thấy chuyện đó xa vời quá nên vị Phật tử này không quan tâm đến việc ăn chay. Cho đến khi có một người bạn thân lấy một đoạn kinh Bắc Truyền nói rằng “ăn miếng thịt trả miếng thịt, giết mạng sống đền mạng sống”, thế là vị Phật tử này nghe liền và ăn trường chay luôn. Vậy thử hỏi ai khuyên đúng? Ai khuyên sai? Không có ai nói sai nói đúng hết. Chỉ có vấn đề có phù hợp với căn cơ người nghe không mà thôi.

Đức Phật là một vị đại lương y, trước khi Ngài diễn nói, Ngài thường quán sát thính chúng để biết căn cơ của người nghe pháp nhằm đưa ra những giáo pháp thích hợp chữa trị cho họ hết tâm bệnh. Cố nhiên khi Phật nói với người này thì người khác cũng nghe và có thể họ không nghe lọt lỗ tai vì họ không cùng hoàn cảnh,

Vì vậy từ xưa và đến ngày nay vẫn có những người hiểu lầm Ngài và có khi tỏ vẻ chống báng chỉ trích. Cho nên, Chúng ta nên biết rằng mỗi lời Phật nói nhắm vào một mục đích tương đối nào đó, dành cho một đối tượng thính chúng nào đó và ở một quốc độ hay thời gian nào đó, để tháo gỡ cái kẹt cho họ. Nếu chúng ta thấy được hoàn cảnh của họ mới mong hiểu được lời tuyên bố của Phật. Vì Phật muốn độ chúng sinh mà phương tiện nói pháp.

Ngày xưa Tổ Triệu Châu nói với đệ tử về Phật tánh: Con chó có Phật tánh hay không? 
Trong các kinh Phật đều nói rằng “trên từ chư Phật dưới tới con sâu con kiến đều có Phật tánh” Theo đó thì con chó thế nào cũng có Phật tánh, nên một hôm đệ tử biết chắc như vậy bèn hỏi để thầy ấn chứng cho sở học của mình: “Thưa thầy, con chó có Phật tánh hay không? 

Tổ trả lời: Không. Cũng chính Tổ hôm trước nói con chó có Phật tánh mà, sao hôm nay lại nói không!
Vì Tổ biết vị đệ tử này tin chắc chắn con chó có Phật tánh nên Tổ mới nói không nhằm phá chấp có của đệ tử, tháo gỡ cái vướng mắc “có không” của thế giới nhị biên, đối đãi. Nếu chúng ta căn cứ vào lời nói mà bảo rằng Tổ này nói đúng, Tổ kia nói sai, là sai cả.

Đúng là đúng với ai? Sai là sai với ai? Có khi nó đúng với người này mà nó sai với người khác. Các Ngài nói với từng người một, mỗi người có căn cơ riêng, có hoàn cảnh riêng. Một vị Bác sĩ trước khi cho thuốc phải khám nghiệm, chẩn mạch, phải biết được tình trạng cơ thể bệnh nhân. Bác sĩ hay, là người khéo biết bệnh, biết thuốc và áp dụng thuốc trị liệu đúng phương pháp. Vì thế, đối với Phật pháp gọi là “phương pháp trị liệu” hay pháp phương tiện.

Nói tóm lại kinh nào của Đức Phật nói về pháp sinh diệt, pháp Có hay pháp Không,  đều là kinh không liễu nghĩa.  Còn kinh nói về pháp không sinh không diệt, về Chân Như, Phật Tánh, nói về Tánh Không, Trung Đạo là kinh liễu nghĩa.

Hoàng Liên Tâm





SUY NGẪM

Trong thời đại ngày nay, với hệ thống thông tin toàn cầu, người phương đông có thể tìm hiểu văn hóa phương tây hay ngược lại, một cách dễ dàng, dù ở bất cứ phương trời nào.

Trong lãnh vực giáo dục gia đình, nếu biết áp dụng giáo lý đạo Phật một cách khéo léo, chúng ta có thể xây dựng một gia đình hạnh phúc. Giáo lý đạo Phật có hai yếu tố: từ bi và trí tuệ.

1. Với từ bi, cha mẹ và các con cảm thông và thương yêu lẫn nhau. Bày tỏ sự cảm thông và tình thương yêu qua lời nói (ái ngữ, chánh ngữ), cũng như qua hành động (chăm sóc, quan tâm lẫn nhau).

Cha mẹ biết tu tâm dưỡng tánh, trải rộng tâm từ bi hỷ xả, các con được hưởng phước nhờ đó, cho nên có thể nói lời từ ái với các con, có thể bỏ qua lỗi lầm của các con, không cố chấp, không có vấn đề đánh đập hay hành hạ các con, cho bỏ ghét, không đòi hỏi các con cung phụng một cách quá đáng.

Cũng vậy, do biết tu tâm dưỡng tánh, các con cảm thông với hoàn cảnh chung của gia đình, có lúc dễ dàng, có lúc khó khăn, nên không trách hờn, không đòi hỏi cha mẹ phải lo lắng, chăm sóc, cung cấp nhu cầu vật chất cũng như tinh thần theo ý các con mong đợi.

2. Với trí tuệ, cha mẹ và các con cùng hiểu rõ rằng: mỗi người đều có nghiệp lực riêng; dù có cộng nghiệp là: cùng sống chung trong một gia đình. Cho nên cha mẹ chỉ hướng dẫn các con xây dựng tương lai, chứ không áp đặt ý muốn, mơ ước của cha mẹ, bất chấp ý kiến và khả năng của các con.

Do biết tu tâm dưỡng tánh, biết rõ mọi người đều có bản tâm sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh, thường gọi là chân tâm, cho nên cha mẹ và con cái kính trọng, tôn trọng lẫn nhau, luôn luôn ngồi xuống cùng nhau bàn bạc, giải quyết chuyện gia đình trong tinh thần cảm thông và thương yêu lẫn nhau.

Tóm lại, nếu gia đình nào biết tu tâm dưỡng tánh; biết giáo lý trung đạo: không quá khắc khe, không quá nuông chiều; 

Biết giáo lý vô ngã: không có ta đây bắt vợ con phải tuân lệnh dù đúng hay sai, không có ta đây dễ giận, dễ hờn, dễ tự ái;

Biết giáo lý nhân quả: không dám tạo nghiệp xấu, ngược đãi cha mẹ hay ngược đãi các con, thì gia đình này nhứt định sống trong an lạc và hạnh phúc, không nghi. []

 BBT PHẬT HỌC TỊNH QUANG



Chùa một mái

Một mái chùa xưa giữa trần ai

Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài

 
Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xóa

 
Bạch vân triền núi một cành mai



Ngắm cảnh chiều Thiên Trường

Thôn trước thôn sau tựa khói nhòa

Nửa không nửa có mé chiều sa

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,

Cò trắng từng đôi ruộng xuống sà. 

Đồng quê

Sông nước bao la cảnh hữu tình  

Nắng tràn thung rộng sóng lung linh

Chim bơi cá nhảy trên sông vắng 

Đâu biết ngày xưa cảnh chiến chinh
 
Đàn dê gặm cỏ bên chân núi  

Mục đồng thổi sáo dắt trâu về 

Lam chiều vương khói trên giàn mướp

Ráng hồng nhuộm thắm cánh đồng quê


Trăng  Yên Tử

Trăng treo lơ lửng trên cành tùng
 
Trăng rắc vàng trên cánh hoa nhung
 
Sương đêm sực nức mùi hoa đại
 
Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng…

Lung linh huyền ảo ánh trăng rơi
 
Tiếng hạc trong đêm tận cõi trời
 
Hạ giới thần tiên hay đất Phật
 
Chị Hằng chú Cuội mãi rong chơi?



Thơ  Non Thiêng Yên Tử

SỰ TĨNH LẶNG TRONG MÂU THẪN CUỘC ĐỜI
THẬN TÁNH KHỞI TU
TÂM CÓ AN THÂN MỚI KHỎE
TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG ĐẠO PHẬT
ĐỨC HỶ XẢ
CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG