Saturday, March 5, 2016

*** TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP




TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Tồn tại trên 2500 năm lịch sử trong một thế giới có rất nhiều tôn giáo, điều đó nói lên tính ưu việt của đạo Phật, một tôn giáo không có giáo điều mà chỉ tùy duyên truyền đạt, xuyên qua kinh nghiệm bản thân chứng đắc giác ngộ của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và chư lịch đại Tổ Sư đắc đạo. 

Đức hạnh từ bi hỷ xả cao cả, cung cách thuyết giảng và hành xử của Đức Phật vượt ra ngoài mọi đối đãi nhị biên, phá bỏ mọi chấp thủ, giải tỏa mọi phiền não, chế ngự được tâm lý sôi nổi và kích động đầy sai lầm của con người. Lời giáo huấn của Đức Phật từ bi lắng dịu, tinh khiết, trong sạch, không có tham ái ô nhiễm, dễ điều phục và luôn tỉnh giác. Vì vậy đạo Phật sẽ mãi mãi thăng hoa, tồn tại và tiếp tục được sứ mệnh hóa giải khổ đau cho nhân loại cho nhiều thế hệ sau nữa.

Đức Phật đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni nước Ấn Độ. Phật tử Việt Nam ở xa xôi ngàn dặm mà lại có duyên hạnh ngộ với Phật Pháp, còn một số rất nhiều con người sanh sống ngay tại Ấn Độ, nhưng hoàn toàn không biết gì về Phật và cũng không nghe được lời giáo huấn của Ngài. Hoàng đế Võ Tắc Thiên là vị nữ hoàng Trung Hoa đã phải thốt lên rằng: “Bá Thiên Vạn Kiếp Nan Tao Ngộ”, trăm ngàn muôn kiếp không dễ gì mà gặp được. Một sự kiện chân thật, vô cùng hiếm hoi quí giá đến bực nào để có thể giác ngộ và hiểu được lời Đức Phật dạy.

ĐẠO PHẬT BÌNH ĐẲNG VÀ TỰ DO
Đạo Phật bình đẳng và tự do chọn lựa các pháp môn tu, miễn sao hợp với căn cơ, hoàn cảnh và khả năng hiểu biết của từng người. Không có sự cưỡng ép hay áp đặt hù dọa, hoặc phân biệt giai cấp chủng tộc trong Phật giáo chân chánh. Trong đạo Phật có nhiều pháp môn tu, ba pháp môn tu điển hình và thực hành nhiều nhất có thể kể là: Tu thiền, niệm Phật và trì chú. Tất cả các pháp môn đi từ nhiều con đường, nhưng đều nhắm mục đích cứu cánh Đức Phật dạy là: Giác Ngộ và Giải Thoát. Giác Ngộ Chân Lý và Giải Thoát Sanh Tử.
1.- Tu thiền: Hành giả tu thiền thực tập chánh niệm, oai nghi trong sự đi, đứng, nằm, ngồi, chung qui là trụ tâm nơi hiện tại, loại bỏ vọng tâm, thanh tịnh thân khẩu ý, phương tiện của giới định tuệ. Điều phục tâm bình khí hòa, bình thường tâm là đạo.

2.- Nim Pht: Hành giả tu hướng tâm theo Phật, niệm Phật cầu vãng sanh, đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật, niệm thiện giới, loại bỏ niệm bất thiện, niệm ma, an tịnh thân khẩu ý, phương tiện của giới định tuệ. Chánh tâm biệt niệm, tịnh tâm thì có tịnh độ.

3.- Trì chú: Hành giả trì chú, đi đứng nằm ngồi đều trì chú, trụ tâm nơi thần chú, loại bỏ tâm lăn xăn vọng động, tập trung vào sự tỉnh thức không bị mê loạn, không cần phải đếm mới là trì, phương tiện của giới định tuệ. Thanh tịnh thân, tâm sáng trí thông.

Người thấm nhuần chánh pháp
Thanh lọc thân và tâm
Sống trong niềm hạnh phúc
Thiền định thật an lạc
Như kẻ tìm kho báu
Được lợi lớn cho mình
Hiền trí điều phục tâm
Tham ái chẳng mong cầu
Như tảng đá kiên cố
Bão tố không lay động. (Kinh Pháp Cú)

ĐẠO PHẬT THỰC TẾ VÀ CHÂN THẬT
Một Phật tử giác ngộ Phật tâm Phật tánh chân thật sáng suốt, nhận biết giữa đúng sai, thiện ác và không bị mê lầm điên đảo chấp chặt thành kiến, nhận sự ảo mộng là thật.
Đạo Phật làm biến đổi sự suy nghĩ vô minh của người kiêu mạn, nóng nảy, cố chấp. Giáo lý đạo Phật giúp thấy rõ bản chất thực tế của luật vô thường và luật nhân quả chi phối con người trong nhiều đời kiếp sanh lão bịnh tử.
Lời dạy của Đức Phật thực tế vô cùng, thích hợp mọi hoàn cảnh mọi trình độ và căn cơ của chúng sinh. Thân tâm bớt loạn động, bớt phiền não, dứt nghiệp chướng, thì điều phục được tâm tham, tâm sân, tâm si, chủ động được “thân khẩu ý”.
Giới-Định-Tuệ. Giữ gìn tịnh giới, tập tu thiền định, phát sanh trí tuệ. Những việc khó có như rùa mù nổi lên mặt nước gặp bọng cây, nhưng được thân người lại có nhiều phước duyên nghe được  giáo huấn Phật dạy qua kinh điển, cố gắng hành trì thì cũng sẽ thắp sáng được ngọn đuốc trí tuệ.

1. Hiểu được kinh Phật là khó.
2. Bần cùng bố thí là khó.
3. Bỏ danh sắc rất là khó.
4. Nhục không sân là khó.
5. Quyền thế không khinh người là khó.
6. Tâm hành bình đẳng là khó.
7. Không dính cảnh thị phi là khó.
8. Gặp thiện tri thức là khó.
9. Chánh tín học đạo là khó.
10. Bỏ thân hành đạo là khó.

Hằng ngày trong cuộc sống, nơi công sở nếu mọi người biết áp dụng Phật pháp với lòng bao dung, tâm hỷ xả, không ngã mạn cố chấp, bình tỉnh, cư xử tốt với đồng nghiệp, bớt ganh tị đố kỵ, bớt hơn thua, thì bớt phiền não và sẽ cải thiện được môi trường sống, xung quanh trở nên thân thiện tốt đẹp hơn
Trong mọi tình cảnh khó khăn nào, nếu thực hiện sự chánh niệm tỉnh thức, tâm được an thì sự thông minh sáng suốt, năng lực về tinh thần tăng gấp bội, công nhân viên chức sẽ cống hiến được nhiều sáng kiến tiến bộ, việc làm bền vững hoàn hảo, đem lợi ích nhiều cho bản thân, gia đình và cho xã hội.
***
Tóm lại, Phật giáo không hứa hẹn là có thể thỏa mãn khát vọng hạnh phúc vĩnh cửu phàm tục chứa đầy nghiệp báo cho riêng bất cứ ai. Nhưng kết quả từ giáo lý thực tế và chân thật của đạo Phật luôn luôn đem lại hòa bình hạnh phúc và an lạc cho mọi người. Sự bình an hạnh phúc bền vững chỉ tìm thấy ở tâm thiền định, thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt của người đã đạt được giác ngộ. 

Nếu như xã hội có nhiều người tu theo lời Phật dạy, phát tâm thiện lành, lòng tràn đầy nhân ái của bậc thánh nhân và bồ tát, cõi thiên đàng cực lạc tại thế gian, ngày an lành đêm an lành, giấc ngủ được bình yên, thánh thiện.
Qua nhiều niên kỷ và thời đại con người đã có dịp kiểm nghiệm vai trò tôn giáo của đạo Phật qua thực tế áp dụng trong đời sống hằng ngày. Những vị đắc quả A La Hán sinh ra đời thời Đức Phật, bản thân cũng tự giác ngộ được những tri kiến như Phật, để lại tam tạng kinh điển dạy người đời sau đường lối tu chứng. 

Khi liễu ngộ được sự nhiệm mầu vi diệu của Phật Pháp, con người dĩ nhiên đã không ngớt lời tán thán Đức Thế Tôn là bậc Thầy chỉ đường cho người chưa có phương hướng trong cuộc sống, đem đèn sáng vào trong bóng tối. Nói một cách khác, Đức Phật là một lương y đại tài, chữa được hằng vạn tâm bịnh khác nhau của chúng sinh. 

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa.

 ***
Pháp Phật vi diệu lại cao sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy, chuyên tu học
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


 BẤT NHỊ TRONG LỜI DẠY ĐỨC PHẬT
 Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ

"Tâm tịnh thì độ tịnh. Tâm địa bình thì thế giới bình".
Nghĩa là: Khi những vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm đã dứt sạch, người tu tập không còn tham, không còn sân, không còn si. Đến đây, người tu tập đạt được cảnh giới bất nhị, tức là không còn kẹt hai bên, không còn thị phi, không còn phải quấy, không còn tranh chấp, không còn hơn thua, không còn tạo tội, không còn tạo nghiệp, không còn cố chấp. Trong kinh sách gọi đó là cảnh giới: vô tâm vô niệm, hay là cảnh giới: nhứt tâm bất loạn. Lúc đó, tâm tịnh, tâm địa bình, tâm vô quái ngại, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, tức là tâm an nhiên tự tại, không còn điều gì có thể ngăn ngại được, gây lo sợ khủng khiếp được. Do đó, chúng ta xa rời những thứ điên đảo, là bỏ được mộng tuởng, đạt được cứu kính niết bàn. Mọi người chung quanh cảm thấy an ổn, yên tâm, khi sống gần người tu tập có tâm tịnh, tâm địa bình. Thế giới chung quanh thanh bình, quốc độ an ninh, chính là nghĩa như vậy.

  Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: 
"Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình". 
"Tự thắng tâm mình là điều cao quí nhứt". 
Thắng được vạn quân, con người tóm thu được quyền lực, danh vọng, tiền tài, của cải vật chất, đủ mọi thứ trên trần đời.  Nhưng tâm người đó vẫn sống trong tam giới: dục giới, sắc giới, và vô sắc giới, cho nên vẫn còn phiền não khổ đau, vẫn còn sanh tử luân hồi. 
Muốn  xuất được tam giới gia, chúng ta phải luôn luôn quán sát tâm chính mình: Khi nào tâm tham, tâm sân, tâm si nổi lên liền biết, không theo. Lúc đó chúng ta đã tự thắng mình: tức là tự kềm chế hành động, ngôn ngữ, suy nghĩ của chính mình. Người ta công kích, khích bác, vu khống, phỉ báng, phê phán, mạ lỵ, sỉ nhục, mắng nhiếc, người nào phản ứng nhanh, trả đũa nặng nề thì dễ quá, thường quá.  Người nào tự thắng tâm mình, nhẫn nhịn được mà không thấy nhục nhằn, nhịn mà không nhục, tâm trí vẫn an nhiên tự tại, mới đáng kính phục, mới là điều cao quí nhứt.

  Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: 
"Tâm khẩu nhứt như". Nghĩa là: "Tâm khẩu không khác".
Tâm nghĩ sao, miệng nói vậy. Miệng thường nói tốt, tâm nên nghĩ tốt. Như vậy, cuộc sống mới được an lạc. Ngược lại, tâm nghĩ một đàng, miệng nói một nẻo, miệng nói như vậy, tâm không như vậy, nên sách có câu: Miệng thì nói tiếng nam mô. Trong lòng chứa cả một bồ dao găm. Ở trên đời này, đố ai lấy thước để đo lòng người. Trong sách có câu: “Tri nhân tri diện bất tri tâm,” nghĩa là: biết người chỉ biết mặt, không biết được tâm địa. Cho nên chư Tổ có dạy: Phản quan tự kỷ, nghĩa là: hãy quay lại, quán sát tâm chính mình, để giữ tâm khẩu nhứt như.

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy: "Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện".
Nghĩa là: Khi khắc chế được tâm ư, trụ tâm ở một chỗ, bằng cách tụng kinh, niệm Phật, thiền quán, qua sự hiểu biết chánh pháp, tâm trí bình tĩnh thản nhiên, không còn chuyện gì để cãi vã nữa, để tranh chấp nữa, cho nên không có sự việc gì người tu tập không hiểu biết sáng tỏ, rõ ràng, không biện luận được một cách thông suốt.  Điều này giải thích rằng: không có vị Phật nào không biết thuyết pháp độ sanh.

- Thưa Thầy, kính xin Thầy giải thích câu: "Phật pháp tràn đầy trong thế gian".
- Đức Lục Tổ Huệ Năng, trong Kinh Pháp Bảo Đàn, có dạy:

Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mích bồ đề
Kháp như tầm thố giác.

Nghĩa là:
Người đời thường nghĩ Phật pháp là chuyện trên trời dưới biển, xa vời đâu đâu, không có thực tế, hoặc chỉ dành cho Phật tử hay người tu trong chùa mà thôi. Không ngờ rằng:  Phật pháp tràn đầy ngay tại thế gian này, ngay trước mắt, trong đời sống hàng ngày, áp dụng bình đẳng, đồng đều cho tất cả mọi người, không phân biệt Phật tử hay không Phật tử.  Nếu sống cách ly thế gian, con người không thể giác ngộ chân lý, cho nên không giải thoát phiền não khổ đau được.  - Tại sao vậy? Bởi vì lìa thế gian thì mất sáng suốt.  Khác chi đi tìm sừng thỏ!
Người nào nhận ra được như thế, tất sẽ được an lạc và hạnh phúc hiện đời, giác ngộ và giải thoát sau này.

- Kính xin Thầy giảng rõ hơn.
- Ví dụ, luật nhân quả có ngay tại thế gian, không cần đi tìm đâu xa. Gieo nhân nào, gặt quả nấy. Người gieo nhân hạt cam, chăm sóc, bón phân, tưới nước, tất sẽ gặt hái được quả cam, không thể nào được quả khác.

- Luật nhân quả đem lại an lạc và hạnh phúc như thế nào?
- Hiểu và tin sâu luật nhân quả, con người sẽ không buồn giận khi gặp nghịch cảnh (vận xui, bất trắc, nghe lời chướng tai, thấy cảnh gai mắt) và không vui mừng khi gặp thuận cảnh (vận hên, như ý, nghe lời tán tụng, thấy người hạp nhãn).

- Tại sao vậy? Bởi vì khi gặp nghịch cảnh, chúng ta hiểu ngay rằng: đó là nghiệp quả, nghiệp báo (quả báo) do chính mình đã tạo nghiệp nhân xấu ác trước đây.

Khi gặp thuận cảnh, chúng ta hiểu ngay rằng: đó là phước báo do chính mình đã tạo nghiệp nhân thiện lành trước đây.

Buồn giận hay vui mừng đều làm tâm loạn động. Tu theo Phật, cốt tủy là giữ bản tâm thanh tịnh.

Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.

Đây là luật nhân quả, chí công vô tư, không do cầu nguyện mà được hưởng may mắn, không do cầu nguyện mà tránh được xui xẻo.- Trước đây, vì chưa hiểu Phật pháp, con người lỡ gây bao tạo nghiệp xấu ác, bất lương thiện, trong ý nghĩ, hành động và lời nói. Chẳng hạn như nghi ngờ, nghĩ xấu người khác, giựt hụi quịt nợ, vu khống cáo gian, ganh tỵ đố kị, gièm pha phỉ báng, chửi rủa mắng nhiếc, đâm bị thóc, thọc bị gạo, chờ người làm sẵn cho mình được hưởng, tìm nhẹ lánh nặng.

Giờ đây con người hiểu biết luật nhân quả, hết lòng sám hối, không gây thêm nghiệp nữa, nhưng rất lo sợ phải gánh chịu nghiệp báo nặng nề, nếu không thể van xin cầu khẩn mà tránh được, thì phải làm sao ?

- Theo kinh sách, Phật dạy: chỉ có phước báo mới có thể giảm thiểu, hoặc tiêu trừ quả báo mà thôi.
- Kính xin Thầy giảng rõ thêm.
- Phước báo là kết quả tốt đẹp trở lại với mình, do các điều thiện lành tạo ra phước báu. Chẳng hạn như tụng kinh, niệm Phật, bố thí cúng dường, cứu người giúp đời, thấy người làm việc phước đức, từ thiện, mình sanh tâm hoan hỷ, hoặc làm theo nếu có khả năng, bên ngoài luôn tránh việc tranh cãi, bên trong luôn khắc chế các tâm niệm không tốt, khi khởi lên niệm xấu về người khác liền ngưng và biết tàm quý (xấu hổ). Cũng giống như lấy công chuộc tội, hay dùng tiền tiết kiệm để trả nợ xưa vậy.

Nhờ đó, chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ sẽ hóa không. Ví dụ như đáng lẽ mình phải trả nghiệp báo nặng đến mức tán gia bại sản, thân bại danh liệt, tai nạn chết người, nhưng nhờ có phước báo che chở, mình chỉ gặp bất trắc nhẹ hơn, có thể vượt qua được, người đời thường gọi là may mắn, hay số hên. Đây là chân lý không dành riêng ai. []  





HÃY THONG THẢ SỐNG

Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào. Ta hối hả sống, vui, buồn, khỏe, yếu, ta cứ lướt qua rồi không ngoái đầu lại nhìn chuỗi ngày tháng ta đã tiêu hao của một đời người.

... Cho đến khi có một người bạn vừa ngã bệnh, bệnh nặng, không biết sẽ mất đi lúc nào, lúc đó ta mới xa, gần, hốt hoảng gọi nhau. Tưởng như chưa từng có người bạn nào “Chết” bao giờ. Hay ta có một người thân trong gia đình, đang rất khỏe vừa báo tin bị bệnh hiểm nghèo. Gia đình, họ hàng cuống lên, sợ hãi như chưa nghe đến ai nói về cái chết bao giờ, chưa chứng kiến cảnh vào bệnh viện, cảnh tang ma bao giờ.

Cả hai người trên có thể đã ngoài 70 tuổi. Lạ thật! Cái tuổi nếu có chết thì cũng đã sống khá lâu trên đời rồi, sao những người chung quanh còn hoảng hốt thế. Hóa ra người ta, không ai muốn nghe đến chữ “Chết” dù chữ đó đến với mình hay với người thân của mình.

Hình như không ai để ý đến mỗi sáng chúng ta thức dậy, nhìn thấy mặt trời mọc (nếu còn để ý đến mặt trời mọc) là chúng ta đã tiêu dùng cái ngày hôm qua của đời sống mình. Có người vì công việc làm ăn, cả tuần mới có thời giờ ngửng mặt nhìn lên mặt trời. Buổi sáng còn tối đất đã hấp tấp ra đi, buổi chiều vội vã trở về lúc thành phố đã lên đèn, làm gì nhìn thấy mặt trời. Nhưng mặt trời vẫn nhìn thấy họ, vẫn đếm mỗi ngày trong đời họ. Họ tiêu mất cái vốn thời gian của mình lúc nào không biết. Tiêu dần dần vào cái vốn Trời cho mà đâu có hay. Rồi một hôm nào đó bỗng nhìn kỹ trong gương, thấy mình trắng tóc. Hốt hoảng, tiếc thời gian quá! Khi nghe tin những người bạn bằng tuổi mình, bệnh tật đến, từ từ theo nhau rơi xuống nhanh như mặt trời rơi xuống nước, họ vừa thương tiếc bạn vừa nghĩ đến phiên mình.

Thật ra, nếu chúng ta bình tâm nghĩ lại một chút, sẽ thấy “Cái chết” nó cũng đến tự nhiên như “Cái sống”. Đơn giản, mình phải hiểu giữa sống và chết là một sự liên hệ mật thiết, vì lúc nào cái chết cũng đi song song từng ngày với cái sống. Dẫu biết rằng, đôi khi có những cái chết đến quá sớm, nhưng ta cũng đâu có quyền từ khước chết.

Tôi biết có người mẹ trẻ, con của bạn thân tôi. Chị bị ung thư, chị cầu xin Thượng Đế cho sống đến khi đứa con duy nhất của mình vào Đại Học. Chị không cưỡng lại cái chết, chị chỉ mặc cả với Thượng Đế về thời gian vì con chị lúc đó mới lên 3 tuổi. Thượng Đế đã nhận lời chị. Ngày con chị tốt nghiệp Trung Học, chị ngồi xe lăn đi dự lễ ra trường của con và tuần lễ sau chị qua đời. Trong suốt mười mấy năm trị bệnh, chị vẫn làm đủ mọi việc: chị đội tóc giả đi làm, đến sở đều đặn, lấy ngày nghỉ hè và ngày nghỉ bệnh đi trị liệu.

Những bạn làm chung không ai biết chị bị ung thư, ngay cả xếp của chị. Khi họ biết ra, thì là lúc chị không đứng được trên đôi chân mình nữa. Chị sửa soạn từng ngày cho cái chết với nụ cười trên môi. Vẫn vừa đi làm, vừa cơm nước cho chồng con, ân cần săn sóc cha mẹ, hiền hòa giúp đỡ anh em trong nhà, chị mang niềm tin đến cho tất cả những người thân yêu của mình. Sau ba năm chị mất, cậu con trai mỗi năm vẫn nhận được một tấm thiệp sinh nhật mẹ viết cho mình (Mẹ đã nhờ qua người dì gửi hộ). Hôm sinh nhật 21 tuổi của cậu cũng vào ngày giỗ năm thứ ba của Mẹ, cậu nhận được tấm thiệp mừng sinh nhật mình, với dòng chữ nguệch ngoạc, chị viết cho con: "Mừng sinh nhật thứ 21 của con. Hãy bước vui trong đời sống và nhớ rằng mẹ luôn luôn bên cạnh con.". Tôi đọc những dòng chữ mà ứa nước mắt.

Tôi nghĩ đến chị với tất cả lòng cảm phục. Chị là người biết sống trong nỗi chết. Khi không thắng được bệnh tật, chị biết hòa giải với nó để sống chậm lại với nó từng ngày cho con mình. Chắc “Cái chết” cũng nhân nhượng với chị, thông cảm với chị như một người bạn.

Một chị bạn kể cho nghe về một bà bạn khác. Bà này mới ngoài sáu mươi, nhanh nhẹn, khỏe mạnh và tính nết vui vẻ, yêu đời. Nhưng khi nào đi ra khỏi nhà bà cũng mang theo một bộ quần áo đặc biệt, đủ cả giầy vớ bỏ vào một cái túi nhỏ riêng trong va-li. Hỏi bà, sao lại để bộ này ra riêng một gói vậy, bà thản nhiên nói: “Nếu tôi chết bất thình lình ở đâu, tôi có sẵn quần áo liệm, không phiền đến ai phải lo cho mình.” Bà mang theo như thế lâu lắm rồi, tôi không biết có khi nào bà ngắm nghía mãi, thấy chưa dùng tới, bà lại đổi một bộ mới khác cho ưng ý không? Giống như người phụ nữ sắp đi dự tiệc hay cầm lên, để xuống, thay đổi áo quần sao cho đẹp. Đi vào cái chết cũng có thể coi như đi dự một đám tiệc.

Tôi nghĩ đây là một người khôn ngoan, sẵn sàng cho cái chết mà bà biết nó sẽ đến bất cứ lúc nào. Bà đón nhận cái chết tự nhiên, giản dị như đi dự tiệc, hay một chuyến đi xa, đi gần, nào đó của mình. Nhưng không phải ai cũng nghĩ về cái chết giản dị như vậy. Phần đông muốn được sống lâu, nên bao giờ gặp nhau cũng thích chúc cho nhau tuổi thọ. Thích hỏi nhau ăn gì, uống gì cho trẻ trung mãi. Loài người nói chung, càng ngày càng thích sống hơn chết. Họ tìm kiếm đủ mọi phương thuốc để kéo dài tuổi thọ. Người ta ức đoán, trong một tương lai rất gần, loài người có thể sống đến 120 tuổi dễ dàng với những môn thuốc ngăn ngừa bệnh tật và bồi dưỡng sức khỏe.

Rồi người ta sẽ còn tạo ra những bộ phận mới của nội tạng để thay thế cho những bộ phận gốc bị nhiễm bệnh. Gan, ruột, bao tử v.v... sẽ được thay như ta thay những phần máy móc của một cái xe cũ. Chúng ta, rồi sẽ sống chen chúc nhau trên mặt đất này. Chỉ tiếc một điều là song song với việc khám phá ra thuốc trường thọ người ta cũng phải phát minh ra những người máy (robot) để chăm sóc những người già này, vì con cháu quá bận (chắc đang chúi đầu tìm thuốc trường sinh) không ai có thời giờ chăm sóc cha mẹ già. Theo tôi, ngắm nhìn hình ảnh một cụ ông hay một cụ bà lưng còng, tóc bạc, đang cô đơn ngồi trong một căn buồng trống vắng, được một người máy đút cơm vào miệng, thật khó mà cảm động, đôi khi còn cho ta cái cảm giác tủi thân nữa.

Nhưng sống như vậy mà có người vẫn thích sống. Một người đàn ông ngoài bẩy mươi, bị bệnh tim nặng, đang nằm trong phòng đặc biệt (ICU) lúc mơ màng tỉnh dậy, nhắn với các con cháu là khi nào vào thăm không ai được mặc áo mầu đen. Ông kiêng cữ mầu của thần chết. Ông quên rằng thần chết, đôi khi, có thể đến với chiếc áo mầu hồng.

Thật ra, chính nhờ “cái chết” cho ta nhận biết là “cái sống” đẹp hơn và có giá trị hơn, dù có người sống rất cơ cực vẫn thấy cuộc đời là đẹp.

Những bậc thiên tài, những nhà văn lớn đã tự tìm về cái chết khi họ bắt đầu nhìn thấy cái vô vị trong đời sống như nhà văn Ernest Hemingway, Yasunari Kawabata và họa sĩ Vincent van Gogh, v.v... Chắc họ không muốn sống vì thấy mình không còn khả năng hưởng hết vẻ đẹp của “cái sống” nữa. Họ là một vài người trong số nhỏ trên mặt đất này sau khi chết để lại tên tuổi trên những trang sử, lưu lại hậu thế, còn phần đông nhân loại, sau khi chết một thời gian, không để lại một di tích nào. Con cháu có thờ cúng được một hai thế hệ, sau đó tên tuổi mờ dần, mất hẳn theo ngày tháng, vì chính những kẻ thờ phụng đó lại tiếp theo nằm xuống cùng cát bụi.

Ðời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích. Chúng ta cứ thong thả sống từng ngày, khi nào chết thì chết, mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, bông hoa nở rồi bông hoa tàn, thế thôi. Tại sao ta phải cay cú với cái chết? Hãy dùng trí tưởng tượng của mình, thử hình dung ra một thế giới không có cái chết. Chắc lúc đó chúng ta sẽ không còn không khí mà thở chứ đừng nghĩ đến có một phiến đất cho bàn chân đứng.

Trần Mộng Tú



Giải thoát trong Phật giáo
HT. Thích Thiện Siêu

 Mục đích của người theo đạo Phật là sự giải thoát nên Phật tử không được chú trọng việc cầu tài, cầu phúc, cầu quả báo tốt đẹp ở nhân thiên. Mà cần phải phát tâm hướng mạnh về giải thoát, thì sự tu hành mới càng lâu càng bền, càng khó càng dai và có ngày mới đạt được mục đích cuối cùng như chư Phật. Trái lại như Ngài Lục Tổ nói trong Kinh Pháp Bảo Ðàn: "Nếu tự tánh chân thật đang mê thì phước nào cứu đặng?" Nhưng giải thoát hoàn toàn là thế nào? Muốn hiểu, trước cũng nên biết thế nào là giải thoát chưa viên mãn.

***Giải Thoát Hoàn Cảnh
Hoàn cảnh bên ngoài vẫn gây nên đau khổ, cho nên tất cả chúng sanh đều cần đến sự giải thoát cho mình trong đời sống hiện tại, nghĩa là được sống với quyền sống rộng rãi thiêng liêng của mình đang ở giữa cõi trần này, mà không bị kềm hãm trong sự bất công mạnh hiếp yếu, khôn hiếp dại, lớn hiếp bé v.v... Có hai cách giải thoát khỏi những ràng buộc đau khổ của hoàn cảnh đối với bản thân:

1. Cải tạo hoàn cảnh vật chất cho thật hết sức tốt đẹp như xứ Bắc Câu Lô Châu theo trong kinh Phật dạy. Nhân loại ở đây chẳng có đâu bằng, vì ở đây nhân loại đã đến trình độ văn minh vật chất cực điểm. Ðồ ăn mặc khí dụng lúc nào cũng sẳn sàng để cho người ta dùng tùy ý, không cần làm việc mà không thiếu thốn, không lập cơ quan cai trị mà vẫn đặng thuận hòa an ninh, cho đến sanh con đẻ cái chỉ do công chúng nuôi, không nhọc nhằn cha mẹ cấp dưỡng. Họ đẹp đẽ, họ mạnh mẽ, họ giàu sang, họ trường thọ, không bị điều chi đau khổ. Nhưng Phật kết luận sanh về Bắc câu lô châu là một cái nạn, vì ở đấy người chỉ biết đắm say theo vật dụng không phát đạo tâm và thường phải sa đọa.

2. Không chú trọng đến hoàn cảnh bên ngoài như những người xuất gia trong Phật giáo, họ ẩn mình vào nơi thanh vắng của chùa chiền, rừng núi, thâu hẹp đời sống vật chất mà mở rộng đời sống tinh thần. Vật chất phồn hoa đối với họ là mồi ngon của dục vọng, trợ lực của cạnh tranh, và nhân đó chúng sanh sẽ gieo trồng ác nhân mà sẽ nhận lấy ác quả, vật chất đã không hay nên cần phải xa lìa để huân tu về đạo lý. Ðến khi đời sống vật chất trở nên món đồ phụ thuộc hẳn, thì không cần lợi danh vinh nhục gì bên ngoài đến ràng buộc và lay chuyển. Sánh với hạng trên thì hai đàng khác nhau, một bên tìm sống trong vật chất đầy đủ, một bên không quan tâm đến vật chất bên ngoài. Cả hai đều mới đến phương diện của giải thoát, giải thoát về hoàn cảnh.

***Giải Thoát Về Tự Tâm
Tuy đã vượt khỏi những ràng buộc của hoàn cảnh chi phối bên ngoài nhưng bên trong còn bao nhiêu giống phiền não si mê thì vẫn chưa thoát hết nỗi thống khổ lớn lao và vững chắc do chúng gây nên, đấy là vì thấy có ta và có mọi vật. Tại sao mà giận? Tại thấy có ta và có mọi vật, tức đã nhận không làm có, nhận giả thành chơn nên mới có đau khổ. Chúng sanh hàng ngày, suốt từ sáng đến tối, thức cũng như ngủ chỉ sống với giả tướng giả danh chứ chưa bao giờ được chứng nhập với sự thật. Trái lại còn cho bao nhiêu giả ảnh ấy là thật, dùng ý thức phân biệt, để đòi hỏi tham lam, giận hờn và nghi hoặc. Không nhận sự vật một cách khách quan lại thêm vào chủ quan và tư kiến nên mãi mãi mê lầm. Tất cả phiền não từ đó mà ra thì tất cả buộc ràng đau khổ cũng từ đó mà sanh trưởng, nếu quan sát biết rõ ràng tất cả, dù hiện tượng, trừu tượng, khái niệm v.v... đều là giả dối, biến tướng của thức tâm, thì mê lầm bị tiêu diệt, trí tuệ hiện ra ứng hợp với thật lý thật sự, và đồng thời những đứa con đẻ của mê lầm như phiền não, như nghiệp, như khổ đều bị tiêu tan mà giải thoát luân hồi sanh tử. Nghĩa là giải thoát tất cả nhiễm ô trược ác, tất cả những gì của tam giới chúng sanh hiện đang chịu...

***Giải Thoát Hoàn Toàn
Dứt bỏ mọi điều triền phược nơi tự tâm, thoát khỏi chốn lao tù ba cõi là một công trình lớn lao thiết thực, nhưng chưa phải là tuyệt đối hoàn toàn, chưa phải đã phá hết mê lầm thầm kín nhỏ nhiệm, đến đó chỉ phá được mê lầm về nhân ngã mà vẫn còn mê lầm về pháp ngã, nên phần trí giải cũng như phần thực hành còn ở trong vòng tương đối cả. Trí giải tương đối vì còn thấy có giải thoát và chưa giải thoát, đau khổ và an vui, Niết bàn và sanh tử, thực hành tương đối chỉ vì cải thiện hành vi xấu xa nơi mình mà tự giải thoát hành vi cá nhân còn e dè chướng ngại, chưa đủ năng lực tự tại ra vào chỗ uế trược khổ não, cũng như ra vào chỗ thanh tịnh an vui để hành động những công việc lợi lạc vị tha mà không bị nhiễm trước. Trái lại giải thoát hoàn toàn và tuyệt đối thì trí thức không còn bị thời gian và không gian hạn chế, không còn bị tâm lý sanh lý tầm thường chi phối. 

Trí tuệ đã chứng nhập nhân tướng của sự vật rồi nên tất cả cảnh giới đều vô ngại hiện ra trong trí Bát nhã viên dung, ngoài trí không có cảnh, ngoài cảnh không có trí , cảnh trí đều như như thì đối với uế cũng như với tịnh, ở trong sanh tử cũng tức an trú Niết bàn không thấy có chi sai khác phải bị buộc ràng, hay tìm cách giải thoát ra ngoài ba cõi.

Như kinh Duy Ma Cật nói: "Không xa lìa văn tự tức là tướng giải thoát". Nhưng được giải thoát ấy chỉ là các vị Pháp thân Bồ Tát và các Ðức Phật. Chư Phật tức như Chân như tự tánh mà luôn luôn khởi diệu dụng độ sanh, thi hành tất cả thiện sự, dù ở địa ngục, dù ở chư Thiên, dù ở Niết bàn hay sanh tử, cũng như hoa sen sinh ở trong bùn. Giải thoát tất cả mà không thấy có tướng giải thoát, tự tại trong công việc lợi tha, không phân biệt thân sơ, không có nhân ngã, tuy hướng dẫn mọi người mà mọi người không nhục, trên tất cả chúng sanh mà chúng sanh không cảm thấy nặng nề, thế thì còn chi ràng buộc mà không phải là giải thoát hoàn toàn tuyệt đối? 

Trở lại với trên kia, thấy hạnh phúc khoái lạc của phàm phu chưa phải là giải thoát, cho đến cảnh giới của Niết bàn xuất ly sanh tử của nhị thừa cũng chưa phải giải thoát hoàn toàn, chỉ duy có Ðức Phật mới được như thế. Nhưng nếu trong hành vi cũng như ý nghĩ của ta mà có được đôi phần đức tính của cái chơn giải thoát ấy thì mới thật là ta có giải thoát, thiệt an vui và lợi ích thực sự cho tất cả mọi người mọi loài. 
HT. Thích Thiện Siêu
  





PHÁP TU CĂN BẢN CỦA PHẬT TỬ
NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU (CTLĐ TẬP 1)
NHẸ GÁNH LO ÂU
CHÚNH SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH
 QUA CƠN MÊ - Ý NGHIÃ CÚNG HOA - HƯƠNG - ĐÈN
TÌM TỈNH L ẶNG TRONG ĐỜI SỐNG - XUÂN BÌNH YÊN
ĐẦU NĂM ĐI CHUÀ
CẦU TRỜI CÓ ĐƯỢC GÌ KHÔNG?  -  PHƯỚC BÁU