Monday, December 10, 2012

*** CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG


Tác giả: Thích Chúc Đại

Qua lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta phải ý thức được rằng, đời sống của mỗi người có hạnh phúc và thánh thiện hay không, không nằm ở sự nguyện cầu van xin, hay dựa dẫm vào một thế lực thần linh nào khác, hay ước vọng một sự che chở nào của thế lực bên ngoài, mà ở chính sự tu tập của chính mỗi người, nếu mỗi người biết tu tập chuyển hóa những nghiệp ác thành nghiệp thiện. 

Con người sinh ra trên cuộc đời này, có người được sống an vui hạnh phúc, có người lại chịu nhiều khổ đau bất hạnh, thiết nghĩ tất cả sự đau khổ hay hạnh phúc đều có sự tác động mật thiết của ý nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi người. Nếu ai biết thực hành những thiện pháp thì sẽ hưởng được đời sống an lành hạnh phúc, còn trái lại nếu thực hành những pháp bất thiện thì sẽ tự chuốt lấy khổ đau.

Như vậy, cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ là do chính mình quyết định, chứ không phải một ai khác can thiệp vào. Điều này được minh chứng qua lời dạy minh triết của Bậc Giác Ngộ cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, lời dạy ấy được ghi lại trong kinh Tạp A Hàm thông qua cuộc đối thoại giữa Đức Thế Tôn và vua Ba Tư Nặc.

Kinh ghi chép rằng, một ngày nọ khi Đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên Tịnh Xá, vua Ba Tư Nặc đến đảnh lễ bậc thầy tôn kính và thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những vị Bà-la-môn sau khi chết sẽ tái sanh trở lại dòng họ Bà la môn hay tái sanh vào nhà Sát lợi, Tỳ xá, Thủ đà la? để trả lời cho vấn đề này, Đức Phật đã nêu ra bốn hạng người ở đời: Thứ nhất, hạng người từ bóng tối đi vào bóng tối; thứ hai, hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng; thứ ba, hạng người từ ánh sáng đi vào bóng tối; thứ tư, hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng. Bốn hạng người này được giải thích như sau:

Thứ nhất:  Hạng người từ bóng tối đi vào bóng tối
Có những người sanh vào nhà thuộc dòng họ thấp hèn, như sanh vào nhà Chiên-đà-la, nhà người săn bắn, bắt cá, làm đồ tre, nhà người kéo xe và những nhà làm nghề nghiệp thủ công hạ tiện khác; bần cùng, đoản mạng, hình thể tiều tụy mà lại sống theo hạnh nghiệp thấp kém, cũng lại bị người hạ tiện sai khiến. Đó gọi là sanh ra trong bóng tối. Ở nơi bóng tối này, người ấy thân lại làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. 

Vì những lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào ác xứ đọa lạc, rơi vào trong địa ngục. Giống như người từ bóng tối đi vào bóng tối, từ nhà xí đi vào nhà xí, lấy máu rửa máu, bỏ ác lấy ác. Người từ bóng tối đi vào bóng tối cũng lại như vậy, cho nên gọi là từ bóng tối đi vào bóng tối.

Thứ hai: Hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng
Những người sanh vào gia đình thấp hèn cho đến bị người sai làm những điều hèn hạ. Như vậy gọi là sanh ra trong bóng tối. Nhưng người sống nơi bóng tối này, thân luôn làm việc lành, miệng thường nói lời lành, ý nghĩ đến điều lành; vì những lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được tái sanh vào đường lành, được hóa sanh cõi trời.

Ví như người từ đi kiệu lên cưỡi ngựa, từ cưỡi ngựa tiến lên cưỡi voi; người từ bóng tối đi ra ánh sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là hạng người từ bóng tối đi ra ánh sáng.

Thứ ba: Hạng người từ ánh sáng đi vào bóng tối
Có người hiện đời sanh vào những gia đình giàu sang khoái lạc thuộc dòng họ Sát-đế-lợi, dòng họ Bà-la-môn, dòng họ Trưởng giả, cũng như sanh vào những gia đình giàu có khoái lạc khác, có nhiều tiền bạc, của cải, nô tỳ, người sai khiến, thường nhóm họp quyến thuộc, thân tướng đoan chánh, thông minh trí tuệ. Đó gọi là sinh ra từ ánh sáng. Nhưng từ nơi ánh sáng này, thân người ấy lại luôn làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. 

Vì lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào đường ác, rơi vào trong địa ngục. Giống như có người từ lầu cao, xuống cưỡi voi lớn, từ voi lớn xuống cưỡi ngựa, từ cưỡi ngựa xuống đi xe, từ xe xuống ngồi giường, từ giường bước xuống đất, từ đất rơi xuống hầm hố. Người từ ánh sáng đi vào bóng tối lại cũng như vậy.

Thứ tư: Hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng
Có người sanh vào nhà giàu sang vui vẻ,... cho đến hình tướng đoan nghiêm. Đây gọi là sanh ra từ ánh sáng. Từ nơi ánh sáng này, người ấy thân luôn làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành. Vì lý do này, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào đường lành, được hóa thân vào cõi trời. Giống như có người từ lầu quán đến lầu quán;... cho đến từ giường đến giường; hạng người từ ánh sáng đi vào ánh sáng cũng lại như vậy. Đó gọi là từ ánh sáng đi vào ánh sáng. [1]

Từ dẫn chứng của kinh văn, chúng ta có thể nhận biết nơi an trú của chính mình. Nghĩa là, chúng ta tự biết rõ nhất về hành nghiệp của chính mình, mình đang đi trong bóng đêm, hay đi trong ánh sáng. Bên cạnh đó, mỗi người cũng tự biết rằng, đời sống của chúng ta ở hiện tại cũng như vị lai là do chính mình quyết định. Hay nói cách khác, đời sống thanh cao hay hạ liệt của mỗi người đều do nghiệp của chính họ tạo tác ra, thông qua sự huân tập hằng ngày của ý thức, lời nói và việc làm.

 

 “Các loài hữu tình vừa là chủ nhân của nghiệp (kamma), vừa là kế thừa nghiệp, nghiệp là thai tạng từ đó họ sinh ra, họ là quyến thuộc của nghiệp, vừa là cư trú trong nghiệp của mình. Nghiệp phân chia các loài hữu tình thành các hạng hạ liệt và ưu thắng”. (Thích Minh Châu, Trung Bộ kinh tập III-481, VNCPHVN –2001) 

Nhưng trong Phật giáo ý thức luôn là chi phần đầu có tác dụng đưa đẩy làm sinh khởi hành động và lời nói. Chính vì thế, chúng ta cần thanh lọc và chuyển hóa những tâm thức bất thiện, luôn tưới tẩm hạt giống thiện, để hạnh phúc có mặt trong ta, quanh ta ngay trong đời sống này.
Ngoài ra, qua lời giảng dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta phải ý thức được rằng, đời sống của mỗi người có hạnh phúc và thánh thiện hay không, không nằm ở sự nguyện cầu van xin, hay dựa dẫm vào một thế lực thần linh nào khác, hay ước vọng một sự che chở nào của thế lực bên ngoài, mà ở chính sự tu tập của chính mỗi người, nếu mỗi người biết tu tập chuyển hóa những nghiệp ác thành nghiệp thiện. 

Vì, nghiệp quyết định vận mệnh hiện tại của mỗi người và nghiệp cũng làm thay đổi vận mệnh hiện tại của con người và quyết định vận mệnh tương lai của người ấy, và nên ghi nhớ rằng: Không phải do sinh trưởng mà một người trở nên cao quý hay hạ tiện, mà do nghiệp hay hành động có tác ý khiến người ấy trở nên cao quý hay hạ tiện. 

Quan điểm này của Đức Phật cho thấy cái nhìn mới mẻ của Ngài về con người và giá trị của con người, hơn hết là giá trị về một con đường hướng thượng. Như vậy, con đường hướng thượng, là con đường tu tập chuyển hóa những nghiệp nhân bất thiện, hướng đến sự đoạn tận khổ đau, đạt đến quả vị giải thoát. Con đường hướng thượng ấy, mỗi người là chủ nhân của chính mình và phải tự mình cất bước.


Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.  (Đức Đạt Lai Lạt Ma)


Tự do, Bình an và Hạnh phúc

Tự do, bình an và hạnh phúc là quyền của mỗi người, do chính con người định đoạt.
Đạo Phật thường được gọi là “viên ngọc như ý” vì nó đáp ứng cho mọi nhu cầu, mọi đòi hỏi, mọi ước muốn của con người, dù thấp hay cao. Đáp ứng điều gì? Đáp ứng cho con người tự do, bình an và hạnh phúc, tùy theo mức độ đầu tư và khai thác kho tàng bên trong của mỗi con người.

Tự do, bình an và hạnh phúc là quyền của mỗi người, do chính con người định đoạt.
Con người không phải xin xỏ tự do, bình an và hạnh phúc ở ai cả, dù đó là một vị thần tối cao, một Thượng đế. Chúng là kết quả do chính con người làm ra. Tự do, bình an, hạnh phúc là kết quả của những hành động của nó. Những hành động là Karma, được dịch là nghiệp. Nếu những hành động của nó là nhân của tự do và hạnh phúc, thì quả của những hành động đó phải là tự do và hạnh phúc.

Tiến trình nhân quả này được gọi là nghiệp báo (quả chín từ những nhân là những hành động đã tạo) và tiến trình này xảy ra không chỉ một kiếp sống. Người xưa nói “Người quân tử chẳng oán Trời, chẳng trách người”, không đổ thừa sự bất hạnh của mình cho ông Trời, cho người khác, hay cho hoàn cảnh. Đây là thái độ can đảm, thực tế, dựa trên sự công bằng của định luật nhân quả. Cái gì tôi đã phóng ra, cái ấy phải trở lại với tôi. Nếu muốn sửa đổi, cải tạo cuộc đời mình thì phải sửa đổi cải tạo cái nhân đang có trong lúc này, không buồn chán vì cái quả phải chịu lúc này.

Tin và biết hành động theo nhân quả, người ta “sửa đổi” số mệnh của mình. Người ta có tự do: tự do làm điều tốt để có được điều tốt, tự do tránh điều xấu để không phải gặp điều xấu. Con người là chủ nhân của cuộc đời mình, nắm giữ tài sản của mình là những gì mình đã làm trong quá khứ, và là chủ nhân của cuộc đời mình ngay trong hiện tại và tương lai, tùy theo mình muốn trở thành thế nào.

Nhân quả cũng như những bậc thang, tùy ý chúng ta muốn đi lên hay đi xuống, đi nhanh hay đi chậm. Tạo ra những nhân tốt, cao đẹp, ít nợ nần ai chúng ta sẽ nhẹ nhàng tiến lên. Tạo ra những nhân xấu, thấp kém thân tâm chúng ta sẽ nặng nề, đi xuống. Nếu chúng ta làm được nhiều điều tốt cho người khác thì gánh cuộc đời chúng ta sẽ nhẹ nhàng, gặp nhiều điều tốt đẹp. Nếu chúng ta làm nhiều điều xấu cho người khác, nợ nần với cuộc đời này nhiều, gánh cuộc đời sẽ nặng nề, chứa những điều tiêu cực, những món nợ nần và cuộc đời chúng ta lẩn quẩn trong vòng vay trả.


Nhân quả không phải là định luật phá hoại tự do của chúng ta. Trái lại, nó là điều kiện tất yếu để chúng ta có tự do và hạnh phúc. Như trong định luật vật lý, một máy bay muốn bay lên phải dựa vào trọng lực, sức cản của không khí, tốc độ chạy lấy đà…

Cũng nhờ quan sát những dấu hiệu của nhân quả biểu hiện trong cuộc đời mình mà chúng ta biết học hỏi để sửa đổi, hoàn thiện con người mình càng ngày càng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn.

Tự do và hạnh phúc thứ nhất là tự do chọn lựa, xây dựng đời mình theo hướng đúng hơn, tốt hơn, đẹp hơn và do đó, hạnh phúc hơn. Bình an là khi mình đã thực s chịu trách nhiệm đối với cuộc đời mình.

Cả ba nền văn hóa văn minh làm nền tảng cho thế giới hiện đại là Tây phương , Hy Lạp, Ấn Độ, và Trung Hoa đều nhìn nhận rằng chính những đức tính của con người tạo ra hạnh phúc cho nó. Con người có nhiều đức tính là con người có nhiều tự do, bình an và hạnh phúc. Hiện nay, những sách “học làm người” của Âu Mỹ để dạy cho thanh thiếu niên về những đức tính của con người thì rất nhiều và được dịch ở Việt Nam cũng rất nhiều.

Nước Nhật vừa vượt qua được thảm họa động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử bằng một tâm thái khiến các cường quốc hàng đầu của Âu Mỹ phải thán phục, vì họ can đảm, tự chế, trật tự không hỗn loạn, hy sinh, không tham tiền của lương thực một cách không hợp pháp, lạc quan không bi lụy, trách nhiệm, tự trọng…cho đến cả những em bé. Những đức tính đó là những đức tính Phật giáo đã đi vào thâm tâm của người Nhật từ thời Thánh Đức thái tử cách đây 15 thế kỷ.

Chúng ta cũng cần nhớ lại, năm 2006, cựu Thủ tướng Nhật Fukuda đã nói: “Nhật Bản và Việt Nam có cùng chung Phật giáo Đại thừa, cùng ăn cơm bằng đũa”.

Với hơn 2500 năm có mặt của mình đồng hành cùng nhân loại, hầu như không có đức tính nào cần thiết cho con người mà đạo Phật không nêu ra. Hơn thế nữa, đạo Phật không phải chỉ là một hệ thống triết học, mà còn là một hệ thống thực hành gắn liền với cuộc sống con người để hiện thực hóa những đức tính ấy trong thân tâm con người và xã hội.

Những đức tính tạo nên nhân cách một con người. Những đức tính tạo nên nhân cách,bản sắc của một dân tộc. Và cũng những đức tính tạo nên hạnh phúc cho dân tộc đó.
Tự do và hạnh phúc thứ hai là trau dồi nuôi dưỡng cho mình những đức tính. Những đức tính đó chính là tự do, bình an và hạnh phúc. Trong khi xây dựng những đức tính, con người tìm thấy ý nghĩa của đời mình. Trong khi xây dựng những đức tính đó con người đã hưởng được tự do và hạnh phúc.

Nhưng con người còn mong muốn nhiều tự do, bình an và hạnh phúc hơn nữa. Con người sở dĩ tiến bộ vì sự bất mãn của nó, vì sự bất toại nguyện của nó. Đến một lúc nào, con người nhận ra rằng mình vẫn bị hạn chế trói buộc, bị cầm tù giam nhốt trong một cuộc đời, một thân tâm chật hẹp. Cuộc đời chúng ta vẫn hạn hẹp, quanh quẩn, lặp đi lặp lại cũ mòn trong một giới hạn khó thấy nào đó.

Thân chúng ta không tự do vì nó nằm trong quy luật sanh, già, bệnh, chết. 
 Tâm của chúng ta không tự do, vì những ý nghĩ vẫn làm chủ chúng ta, đẩy đưa chúng ta không yên nghỉ được. 

Tâm của chúng ta không tự do, vì nó chứa chấp nuôi dưỡng những ám ảnh, những lo sợ, những ghét giận, những ghen tỵ…Không thể kể hết những khổ đau này. Ngày nào nhân loại còn văn chương, còn nghệ thuật thì văn chương và nghệ thuật vẫn còn làm chứng cho sự khổ đau của con người.

Sự khổ đau không có bình an, tự do và hạnh phúc bởi vì suốt ngày và suốt đời của chúng ta bị giam nhốt, chỉ sinh hoạt giữa hai bức tường “tôi và cái của tôi”. Chúng ta có làm gì, có thêm được những cái gì, thì cũng chỉ làm cho hai bức tường ấy dày thêm, kiên cố thêm mà thôi. Hai bức tường suốt đời giam nhốt chúng ta đó, là “tôi và cái của tôi”. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, hai bức tường đó là “ngã và pháp”, còn nói theo hiện đại là “chủ thể và đối tượng”.

Để thoát khỏi hai bức tường khiến ta mất tự do, bình an và hạnh phúc này, đạo Phật có rất nhiều phương pháp cũng như rất nhiều vị thầy hướng dẫn. Nhưng chúng ta không nói điều đó ở đây. Chỉ biết rằng thoát khỏi sự chuyên chế của ngã và pháp là chủ đề chính của đạo Phật. Và trong suốt lịch sử đạo Phật Việt Nam, đã có không ít người giải thoát ra khỏi thân phận tù đày trong ngã và pháp. Nếu không có những người đó, thì làm sao đạo Phật còn sống đến ngày nay?

Thoát khỏi ràng buộc của sự phân chia và cách biệt của chủ thể - đối tượng, sự ràng buộc tạo nên thân phận con người, đó là tự do giải thoát. Thoát khỏi sự xung đột thường trực cho đến suốt đời giữa chủ thể và khách thể, sự xung đột là tính chất của thân phận làm người, đó là bình an. Xóa bỏ được ranh giới mãi mãi phân lìa chủ thể và khách thể, sự xung đột là tính chất của thân phận làm người, đó là bình an.

Tự do, bình an và hạnh phúc thứ ba là thoát khỏi ngục tù của “cái tôi và cái của tôi”, của “chấp ngã và chấp pháp”.
  
Nhưng có người còn đòi hỏi hơn nữa. Có thể nào trong khi làm việc để thoát khỏi cái tôi và cái của tôi, tôi vẫn sống trong xã hội, vẫn giúp đỡ được người khác thoát ra khỏi ngục tù của chính họ? có thể nào sự giải thoát của tôi vẫn đồng hành với sự giải thoát của người khác? Có thể nào tự do, bình an và hạnh phúc của tôi vẫn không tách lìa với công cuộc tìm kiếm tự do, bình an và hạnh phúc của người khác? Hơn nữa chính sự giải thoát của người khác làm cho tôi thêm giải thoát, tham dự một cách căn bản vào sự giải thoát của riêng tôi?

Đây là chủ đề của Đại thừa? Việc thực hành vượt thoát khỏi ngã và pháp của tôi không ra ngoài đời sống thường nhật, không ra ngoài xã hội. Trái lại, nhờ đời sống xã hội, nhờ người khác mà sự giải thoát của tôi càng thêm sâu rộng; tự do, bình an và hạnh phúc của tôi càng thêm đơm hoa kết trái.

Nhu cầu cao hơn nữa của tôi là vừa giải thoát cho mình đồng thời lo giải quyết cho người khác. Nói theo thuật ngữ, đây là sự kết hợp của tánh Không và từ bi. Tự do, bình an và hạnh phúc thứ tư là mình và người không phân biệt trong tiến trình giải thoát, phương tiện và cứu cánh không lìa nhau trong tiến trình giải thoát. Đây là sự tự do, bình an và hạnh phúc lớn nhất vì nó không còn bị lệ thuộc vào một cái gì nữa cả, cái thấp nhất cũng như cái cao nhất.


 
Trăng nghiêng....!

Trăng đã nghiêng soi nữa giấc sầu
 
Gió còn ru mộng đến bao lâu?
 
Gió trăng vốn dĩ là hư ảo...
 
Cảm..thấy..!nhưng...!cầm..bắt..được đâu?!?
 
Ta vẫn riêng ta vạn mối sầu
 
Tình còn hoài vọng còn thương đau
 
Mộng lòng ta gửi theo trăng gió...
 
Hờn trách chi đời có bao lâu!!!

Khiết Tâm
Sài Gòn_Tân Bình 8/10/2012.


 
CHÁNH TÍN TRONG ĐẠO PHẬT
NGƯỜI BIẾT TU PHẬT THÌ NHẸ NHÀNG
LÒNG TIN NGƯỜI CON PHẬT
THẾ NÀO LÀ THẬT SỰ TỪ BỎ
AI VÀO ĐỊA NGỤC
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG PHẬT GIÁO