Saturday, July 2, 2016

***BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN



BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Ban ngày trời chiếu sáng
Ban đêm trăng chiếu sáng
Như hào quang Đức Phật
Chói sáng cả ngày đêm.
**
Đèn hoa sen chiếu sáng
Người trí tuệ sâu xa
Như trăng khỏi mây mù
Soi sáng khắp nhân gian.

Hằng năm, mùa Phật Đản đèn hoa sen được thắp sáng khắp nơi trên đường phố toàn thế giới. Trong đó gồm có Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan cùng các quốc gia đông Nam Á khác. Lễ hội với những lồng đèn rực rỡ, ngoài việc thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Phật giáo và niềm hân hoan hạnh phúc mừng Đấng giác ngộ ra đời. Những người con Phật còn phải tự nhắc nhở tri ân và luôn củng cố niềm tin sáng suốt đầy trí tuệ vào giáo Pháp từ bi bình đẳng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó chính là ý nghĩa toàn mỹ trong dịp kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Từ Phụ, vị Phật giác ngộ và giải thoát chúng sanh ra khỏi biển khổ sông mê.

BẰNG CON TIM VÀ MỘT TẤM LÒNG
Sống trong nhân gian xuất gia hay tại gia và còn có rất nhiều hình tướng, giai cấp, trình độ, tùy hoàn cảnh, tùy phước duyên tu học, tùy căn cơ mà xiển dương chánh pháp. Bằng con tim chân thành và một tấm lòng bao dung con người có thể giải quyết được vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gấm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nổi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.

Trong một mùa Phật đản, Chư Tăng Ni đưa Phật tử đi thăm một cảnh Đức Phật thành đạo trong khu vườn xung quanh chùa. Cảnh được diễn tả là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ở gốc cây bồ đề đang tọa thiền, cùng trong cảnh có ba tượng người nữ rất đẹp đang múa. Hai người Phật tử nhìn tượng ba cô gái, người thứ nhất buộc miệng khen:
-      Ồ ba cô tiên đẹp thật !
-      Tiên gì mà đẹp chứ? Không biết đừng có nói bậy! Là ba con ma nữ phá Phật đó! Đọc thêm giáo lý đi bà ơi!
-      Đẹp thì tôi nói đẹp có sao đâu? Bà giỏi dữ hén?

Qua lời đối đáp của câu chuyện trên chúng ta thử suy ngẫm. Trong khi Đức Phật chứng Niết Bàn, quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lâu xa rồi, tại sao vẫn còn quá nhiều chúng sanh chìm đắm trong luân hồi, vậy Ngài đã dạy những gì? Chúng ta thực hành được nhiều hay ít trong tu tập? Hay chỉ là dùng Phật Pháp để hơn thua, được mất, danh và lợi?

Đúng sai không chấp thủ
Thương ghét khéo lìa xa
Thấu suốt từ vô ngại
Thân nầy là thân chót
Bậc đại trí đại nhân
Không nhiễm lụy pháp nào
Ái diệt tự giải thoát
Nhờ vậy chứng Niết bàn.
(Kinh Pháp Cú)

Thuốc không có hay dở mà chữa được bịnh là thuốc tốt. Pháp không có cao hay thấp mà Pháp nào đem lại an lạc hạnh phúc và chữa được tâm bịnh là Chánh pháp. Không có gì là khó để tìm được ánh sáng Phật pháp, nếu thấy rằng đời người rất ngắn, tự mình cố gắng xua tan bóng đêm trong tận cùng thâm tâm. Bóng đêm càng lớn, con người càng nhỏ bé và một ngày nào đó sẽ bị nhấn chìm vào địa ngục đau khổ.

THÚC LIỄM THÂN TÂM
- Khi đang tu tập, con người còn sống trong cảnh giới tương đối nên tâm còn động. Từ lời nói, suy nghĩ, hành động chỉ theo bản tánh vui buồn, hờn giận, khi thương khi ghét. Như vậy, rõ ràng là tâm động. Tâm động thì còn trong cảnh giới luân hồi. Vẫn biết giữa đời thường có tốt có xấu, tâm thường bị lòng đố kỵ chi phối, thấy cái xấu của người thì dễ, ít thấy được cái tốt, như lòng bàn chân úp xuống mặt đất khó nhìn thấy được. Khi hành động, lời nói có sự suy nghĩ và trí hiểu biết, chứ không vì bị ép buộc hay thành kiến, nguy hiễm nhất là tâm sân hận đưa tới sự hối hận muộn màng.

Tùy trình độ giác ngộ tu tập chuyển nghiệp, do đó nhiệm vụ nặng nề của người Thầy là dẫn dắt chúng Phật tử, thức tỉnh họ trong khi còn sống là còn cơ hội, khi bỏ thân xác này thì đã trể rồi. Mọi người đều phải đối diện với nghiệp tốt xấu đã tạo trong suốt cuộc đời, mà thọ lãnh quả báo (gieo giống nào thì gặt quả đó).
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, người tu vào được cảnh giới tự tại sáng suốt, cũng có nghĩa là lúc bấy giờ tâm giống như Chư Phật, luôn luôn sống trong chánh định chánh giác, lời nói suy nghĩ hành động đều thanh tịnh. Không có tham vọng hay mong cầu ích kỷ riêng tư, không còn phiền não, dứt trừ được tam độc tham lam, sân hận, si mê. Từ giác ngộ đi đến mục tiêu giải thoát sanh tử đau khổ là cứu cánh chân thật của đạo từ bi trí tuệ.

- Khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca đã trải qua những tháng năm tu tập và giác ngộ ngay dưới cội cây bồ đề, trên thế gian này và theo lịch sử ghi chép lúc đó Ngài 35 tuổi. Vị sa môn Cồ Đàm sau khi chứng đạo thấy được tam thiên đại thiên vô số thế giới trong sáu cõi (thiên, nhân, atula, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh) và hiểu rõ vô thường, nhân quả, sanh lão bịnh tử chi phối sáu cõi đau khổ trong sanh tử luân hồi. Danh từ Niết bàn là trạng thái của tâm Phật ở hiện tại lúc còn sống, không phải sau khi chết mới thấy được. Tự tại hoàn toàn - Tâm tỉnh lặng - Chính là niết bàn.
Mong muốn được trạng thái tâm sáng suốt trí tuệ như Chư Phật, ngoài việc làm phước để trưởng dưỡng lòng từ bi, chúng ta còn phải cố gắng học hiểu giáo lý của Đạo Phật một cách tường tận, rồi áp dụng vào đời sống hằng ngày. Hãy đem ngọn đuốc trí tuệ của mình mồi với ngọn đuốc Chánh Pháp, để được Niết bàn an lạc giải thoát và được hạnh phúc ngay hiện đời.

Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.
(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh).

Đức Phật sống trọn cuộc đời, trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc, tự tại và giải thoát, dù cho cuộc đời cũng gặp những sóng gió khó khăn, nhưng Đức Phật không cảm nhận phiền não và khổ đau như tất cả chúng sanh khác. Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được các bậc truyền nhân chân tu thật học, chân chính rao giảng khắp nơi trên thế giới. Tấm lòng vị tha vô ngã, vô chấp, vô phân biệt của những bậc xuất gia trưởng tử Như Lai, là cố gắng đem chánh pháp thức tỉnh chúng sanh giác ngộ, mong họ sớm xa rời tà kiến, mê tín, xem nhẹ danh lợi và buông bỏ được lòng tham lam ích kỷ từ nhiều đời nhiều kiếp.

"Trên đời này, không có sự ghen tị tranh đấu chính là từ bi, không phân biệt cao thấp, hay dở chính là trí khôn, không nghe thấy đàm tiếu chính là sự thanh tịnh, không nhìn thấy hơn thua là tự tại, không tham vọng chính là bố thí, từ bỏ ác là hành thiện, sửa đổi chính là sám hối, nhún nhường là lễ Phật, tha thứ là sự giải thoát".

BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN
Tâm là vô thường, thay đổi khi tối khi sáng. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Người tu không có ích kỷ, không cố chấp, không cầu danh lợi, sống trong bao dung và tha thứ đó là hương thơm của hoa sen biểu tượng của từ bi. Ngọn đèn trí tuệ thắp sáng trong hoa sen là người tu biết thiện ác, chánh tà, đúng sai, nhưng không có sự phân biệt. Tâm trong sáng như gương, khéo léo hành sử, tán dương thiện xa lìa ác chứ không khinh chê, cũng không phân biệt đối xử yêu hận trói buộc.

Trí tuệ và lòng từ bi giúp cho hành giả trên đường tu giữ được tâm chân chánh, thanh tịnh và sáng suốt. Tự giác ngộ rồi thì ly tham, ly sân và si mê, chấm dứt được giải thoát. Sự hạnh phúc an lạc không do ai ban tặng hay do cầu xin mà được, mà do ở bản thân của mỗi người tự tu, tự chuyển đổi, luôn luôn chánh niệm thanh lọc tâm thật trong sạch và chánh định (thanh tịnh). Biểu tượng hoa sen là hương thơm đức hạnh người tu có niềm tin đúng chánh pháp, trên đường hành đạo có lòng từ bi cao thượng và tuệ giác sáng suốt như Chư Phật. Ngọn đèn chiếu sáng bên trong tượng trưng người tu thoát ra khỏi bóng đen tâm tối của vô minh trong sanh tử và đạt được giác ngộ và giải thoát.

Câu chuyện giáo lý cần suy ngẫm như sau:
Có một anh mù, đến thăm người bạn, đến lúc trời tối mới ra về. Người bạn đưa cho cây đèn. Anh mù bèn nói không cần, bởi vì đối với anh, trời sáng cũng như tối, ban ngày cũng như ban đêm, không có gì khác, không phân biệt được gì cả. Người bạn khuyên hãy cầm cây đèn, để người khác thấy mà tránh. Anh mù nghe có lý bèn nhận cây đèn và ra về, trên đường về, anh đụng phải một người đi đường. Anh mù bèn la lên: bộ không thấy cây đèn tôi đang cầm đây hay sao? Người kia đáp: Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!

Thế mới biết chúng ta cần cây đèn của chính chúng ta, để giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, để giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi. Cây đèn do người khác trao cho, có khi không được hữu dụng. Cây đèn luôn luôn hữu dụng đó phải là cây đèn của chính chúng ta. Cây đèn đó chính là trí tuệ bát nhã của tất cả mọi người tu cần phải có.
ĐÈN HOA SEN biểu tượng niềm tin
Hạnh phúc thay, Đức Phật Đản Sanh
Hạnh phúc thay, Chánh Pháp trường tồn
Hạnh phúc thay, Tứ chúng đồng tu
Hạnh phúc thay, thiên hạ thái bình.

Kính chúc quí vị an lạc và hạnh phúc trong giới pháp của Chư Phật. Mùa Phật Đản hãy cùng nhau sám hối, cùng nhau thứ tha, giải bớt nỗi oan khiên nghiệp báo, xoa dịu thống khổ của kiếp người, cho nhau niềm yêu thương, xóa tan thù hận, có được sự cảm thông và hiểu biết, sớm thoát ly biển sanh tử luân hồi. Nguyện cùng tất cả chúng sanh trong pháp giới đều trọn thành Phật đạo. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN Thích Nữ Chân Liễu


Đừng bao giờ để cuộc đời mình phải nói ‘giá như’


Những chia sẻ đầy tiếc nuối trong những ngày tháng cuối đời của bác sĩ Richard Teo Keng Siang, là bài học quý báu mà mỗi chúng ta cần ghi nhớ.
Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi, triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore, phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng. Vào những giây phút cuối của cuộc đời mình, vị bác sĩ này đã chia sẻ những tâm sự khiến tất cả mọi người đều cảm thấy xúc động. Bởi đó không chỉ đơn giản là cuộc đời của một vị bác sĩ, mà còn là thực tế cuộc sống và những giá trị quý báu mà mỗi có thể chúng ta đều đã lãng quên.

Richard mở đầu câu chuyện của mình bằng những năm tháng thiếu thời của ông. Rằng ông đã từng là một đứa trẻ khó khăn như thế nào, phải nỗ lực nhiều bao nhiêu để có thể trở thành người giỏi nhất. Tuy nhiên, khi có trong mình học vị, chức tước, vị bác sĩ này tỏ ra không hài lòng với số tiền mà mình kiếm được ở bệnh viện công, ông cho rằng nếu phải mất cả một quãng thời gian dài đầy khó nhọc để đánh đổi với số tiền bèo bọt ấy thì chẳng đáng.

Vậy là, Richard quyết tâm mở bệnh viên thẩm mỹ của riêng mình. Với tài năng của mình, ông nhanh chóng giàu lên khi đem chúng phục vụ cho những người giàu. Cứ thế, Richard chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ dừng lại, bởi vì theo ông, việc chạy theo đồng tiền và các giá trị vật chất đã làm cho ông mê muội.

Sau khi trở thành một trong những người giàu có vào bậc nhất, Richard nhanh chóng gia nhập vào cuộc sống của giới thượng lưu. Từ việc mua sắm những chiếc xe đắt đỏ, những khu biệt thự cao cấp, đến việc tận hưởng những dịch vụ với mức giá trên trời… Richard đều lấy làm sẵn lòng, tự hào lẫn vui thích. Theo ông, thì đó mới chính là tận hưởng một cuộc sống đích thực.

Tuy nhiên, niềm vui cũng chẳng kéo dài cho đến khi Richard biết được tin mình mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Kể cả khi ông chấp nhận xạ trị thì cuộc sống của ông cũng không kéo dài được thêm là bao. Richard đã đau khổ tột cùng khi nhận ra rằng, những chiếc cup danh hiệu, những chiếc xe hiệu đắt tiền,… đều không thể giúp ông trải qua những ngày yên ổn với sự giày vò từ bệnh tật.

Ông thú nhận rằng ông không thể ôm lấy chúng, cũng như ôm lấy đống tiền của mình mà ngủ ngon lành như trước đây. Và Richard đã nghĩ về những bệnh nhân mà ông từng tiếp xúc trong khoảng thời gian làm việc ở bệnh viện công. Ông nhớ tình trạng thoi thóp đáng thương của họ - mà ông chưa một lần cố gắng đồng cảm với họ trên cương vị là một bác sĩ. Trước đây, ông chỉ đơn thuần là cố gắng hoàn thành công việc trong khoảng thời gian ở bệnh viện, và nhanh chóng trở về nhà khi giờ làm việc kết thúc.

Cuối cùng, Richard muốn nhắn nhủ với những người bạn trẻ của mình rằng, hãy làm một công việc mà đem lại cho bạn một cuộc sống có ý nghĩa. Tất nhiên, bạn làm giàu bằng tài năng và tri thức của mình thì không sai, nhưng điều đó sẽ không bao giờ đem lại cho bạn sự thỏa mãn. Nếu bạn cần tiền, bạn sẽ chỉ trở nên cần tiền nhiều hơn, và nhiều hơn nữa mà thôi.
Cho đến một ngày, bạn cũng sẽ rơi nước mắt hối hận bởi cuộc sống của bạn trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Thay vào đó, hãy cố gắng giúp đỡ những người xung quanh, những con người khốn khó, hãy chia sẻ và lan tỏa tình yêu thương. Mỗi nụ cười, câu cảm ơn mà bạn thu lại được không có giá trị về vật chất, nhưng chắc chắn sẽ có giá trị về tinh thần vô cùng to lớn.

Những lời tâm sự trước khi qua đời của bác sĩ Richard đã khiến bất cứ ai trong chúng ta cũng phải suy nghĩ về mục đích sống ở trên đời. Giống như Richard trước những ngày cuối cùng của cuộc đời, điều làm ông cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn đương nhiên không phải là số tiền mà ông có được trong suốt thời gian tuổi trẻ đã bán sức để làm. Mà đó là sự quan tâm, chăm sóc, những cái nhìn trìu mến và thân thương của người thân, bè bạn, gia đình.
 
Richard cho rằng, nếu có cơ hội để lựa chọn một lần nữa, ông sẽ chọn sống một cuộc sống khác hơn. Một cuộc sống mà ở đó, Richard có thể trở thành một bác sĩ nghèo vật chất, nhưng giàu có về tinh thần, và ông sẽ chẳng bao giờ cảm thấy vui vẻ được khi chứng kiến những bệnh nhân của mình phải đau đớn đối chọi với bệnh tật.

Dưới đây là trích dẫn lời tâm sự của bác sĩ Richard trước khi ông rời xa thế giới này. Ông đã hy vọng rằng ai đó sẽ lắng nghe, và ai đó sẽ thay ông làm cho cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn.
“Đừng quên, khi các em được thành danh, hãy với tay đến những người cần sự giúp đỡ. Bất cứ việc gì các em làm đều có thể mang đến sự khác biệt lớn cho họ. Bây giờ tôi ở vị trí của người tiếp nhận, tôi hiểu rõ, thấy khác khi có người thật sự chăm lo, khuyến khích mình. Nhờ vậy mà tôi vẫn có thể nói chuyện với các em hôm nay.
Mọi người đều biết rằng sẽ có ngày phải chết, chúng ta ai cũng biết như vậy. Nhưng sự thật, không ai tin, vì nếu tin chúng ta đã sống một cách khác. Khi tôi phải đối diện với cái chết, tôi lột bỏ mọi thứ, chỉ tập trung vào thứ thiết yếu. Thật trái ngược rằng, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

Đừng để xã hội bảo ban các em cách sống. Đừng để môi trường bắt các em phải làm gì. Điều này đã xảy ra cho tôi. Tôi tưởng như vậy là hạnh phúc. Tôi hy vọng các em suy nghĩ lại và sẽ tự quyết định cuộc sống của chính các em. Không phải do người khác bảo ban mà là các em quyết định, sống cho mình hay mang đến sự tốt đẹp cho đời sống của người khác. Hạnh phúc thật sự không có được khi chỉ sống cho mình. Sự thật không như tôi đã tưởng.

Trong cuộc sống, chúng ta biết sắp xếp thứ tự trước sau càng sớm, càng tốt. Đừng giống như tôi. Tôi không còn cách nào khác và đã phải trả giá đắt cho bài học của chính cuộc đời mình…”
Mong cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc


Việt Nam là một quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời. Nhiều người Việt Nam, dù theo đạo Phật, cũng không có sự hiểu biết tối thiểu về đạo Phật hoặc biết một cách rất mơ hồ, sai lạc, thậm chí nguy hại. Dưới đây là vài điều hiểu lầm rất phổ biến hiện nay.

1. Đức Phật là đấng
thần linh không có thật
Với một tín đồ Phật giáo, điều này nghe có vẻ rất buồn cười, nhưng rất nhiều người hiện nay vẫn không biết Đức Phật là một người có thật. Ngài sinh vào khoảng năm 624 trước công nguyên, tên thật là Tất Đạt Đa, thuộc dòng họ Thích Ca, Thái Tử xứ Ca Tỳ La Vệ, do cha Ngài làm quốc  vương. Lãnh thổ hiện nay thuộc về khu vực giáp ranh Nepal và Ấn Độ.
Đức Phật Thích Ca sống thọ đến 80 tuổi, nơi sinh, nơi mất và nơi ở của Phật Thích Ca hiện nay đều được các nhà khoa học tìm ra với các chứng tích lịch sử.
Đức Phật sinh ra bình thường như một con người, không phải thần thánh. Lớn lên, Ngài rời khỏi hoàng cung, đi tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau trên thế gian.
Sau khi đắc đạo, trong 45 năm, Ngài thuyết pháp, truyền dạy, hướng dẫn mọi người hãy đi trên con đường giác ngộ đó để được giải thoát.
Việc thờ phượng Đức Phật dưới hình thức một tôn giáo là do người đời sau bày vẻ ra, thậm chí quên mất việc quan trọng chánh yếu là tự nổ lực tu tập, hành đạo, ứng dụng giáo pháp trong đời sống thực tế để giác ngộ và giải thoát.
Phật là một quả vị, hay có thể nói là một danh hiệu  dành cho các vị giác ngộ tuyệt đối, vì vậy nên có nhiều vị được gọi là Phật. Có vị tồn tại trong lịch sử như Phật Thích Ca, có vị được biết đến chỉ trong kinh điển như Phật A Di Đà, Phật Di Lặc và  chưa ai gặp ngoài đời cả.

2. Mong cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc
Mục tiêu của đạo Phật không phải là cõi thiên đường hay Cực Lạc, mà là thoát hết phiền não khổ đau. Tất nhiên đó là một công trình vĩ đại trải qua thời gian vô cùng lâu dài, chứ không thể trong một kiếp người vài chục năm đã đạt được ngay. Đức Phật cũng phải  trải qua nhiều kiếp sống thực hành liên tiếp chứ chưa nói đến  người  bình thường.
Chính vì vậy, trong đạo Phật có một số vị chủ  trương hướng dẫn cho Phật tử thực hành từng bước một. Bước đầu một  người có thể tu tập để được tái sinh vào kiếp sau tại một nơi hạnh  phúc hơn, sau đó tại nơi ấy họ sẽ tiếp  tục tiến bộ để được thoát khổ hoàn toàn.
Tuy nhiên cũng có những vị không cần thông qua con đường ấy mà tập trung thực hành ngay tại đời sống con người cũng đạt được kết quả giác ngộ và giải thoát. 
Trong lịch sử rất nhiều đệ tử của Đức Phật đều là người có thật và các vị xuất gia sau thời Phật đạt được giác ngộ ngay khi  đang sống ở cõi người.
Vì vậy, có thể nói vãng sanh Tây Phương Cực Lạc không phải là mục đích cứu cánh của đạo Phật.

3. Cầu khẩn van xin đức Phật ban phát tài  lộc
Ngày nay phần lớn các ngôi chùa đều có sự thờ cúng hương khói. Có những chùa, người tu hành ít, nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho lữ khách thập phương diễn ra  vô cùng sôi động. Rất nhiều người đến Lễ Phật với tâm mong cầu Đức Phật mang lại nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái. Thực ra  đây là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật.
Đức Phật chỉ dạy giáo pháp hướng dẫn con người tự nổ lực tu tập thanh lọc tâm thức để giác ngộ giải thoát phiền não khổ đau. Đức Phật không có ban phước giáng họa hay đáp ứng những lời cầu khẩn van xin các điều mà Đức Phật khuyên nên bỏ.
Còn vấn đề cầu xin sức khoẻ, hạnh phúc và bình an thì sao? Sức khoẻ do đời sống điều độ không do đức Phật ban cho. Người thường đi chùa nhưng ăn uống không điều độ, tiêu thụ các món có hại thì làm sao mạnh khoẻ được. Khi có bệnh về thân thì đi khám bệnh uống thuốc, chứ tụng mấy biến chú đại bi, chú dược sư thì làm sao hết bệnh được. Nhà sư trong chùa cũng bệnh, cũng uống thuốc đó.
Hạnh phúc do thực hành bát chánh đạo trong đời sống, cũng không do đức Phật ban cho. Người thường đi chùa, nhưng khinh miệt chồng con không biết tu như mình, mình phải lén chồng con để đi chùa, làm sao có hạnh phúc được.
Còn muốn bình an thì giữ gìn ngũ giới, không sinh sự thì sự không sinh. Ăn ở hiền lành tạo phước thì được bình an. Người thường đi chùa nhưng tánh nóng, hay gây gỗ, đâm bị thóc thọc bị gạo, nhiều chuyện thị phi thì
làm sao bình an.

4. Niệm Phật là đọc danh hiệu Phật
Tụng kinh, niệm Phật là phương pháp tu hành phổ biến ở các chùa, nhất là ở miền quê. Trong đó mọi người cố gắng để tụng các bài kinh cho thuộc nằm lòng, đọc lên cho hay mà có khi chẳng tìm hiểu nghĩa.
Bên cạnh đó, việc liên tiếp đọc "Nam Mô A Di Đà Phật" cũng được coi là một công đức, điều này khiến giới trẻ cảm thấy hồ nghi và không hứng thú với đạo Phật. Tuy nhiên, tại chùa hay tại gia, khi thực hành niệm liên tc "Nam Mô A Di Đà Phật" cũng là phương pháp thực hành chánh niệm để đạt chánh định, chứ không phải vô ích, tránh sự hồ nghi. Chỉ khi nào người niệm như vậy để tính sổ công đức là mê tín.
Thực ra, chữ  "niệm" ở đây có nghĩa là nhớ, giống như trong chữ tưởng niệm, hoài  niệm. Niệm Phật hay thường xuyên nhớ đến Phật, tránh niệm Ma, tránh nghĩ đến điều sai quấy, để khỏi làm hay nói điều sai quấy cũng là  phương pháp hiệu  quả giúp tâm trí chúng ta bình an và sáng suốt. Như vậy, người tu hành có thể niệm trong tâm, gọi là tâm niệm, chứ không phải niệm to tiếng ồn ào, vang vang chánh điện để được khen tặng là niệm Phật giỏi.

5. Người tu hành theo Đạo Phật có phải ăn chay
Ăn chay được khuyến khích do tâm tự nguyện để trưởng dưỡng tâm từ bi chứ không phải là qui định bắt buộc.
Trong đạo Phật chỉ cấm người tu hành sát sinh hại vật để thỏa mãn, còn việc ăn chay nếu có điều kiện thuận lợi nên thực hiện.
Thời xa xưa, nhà sư đi khất thức tha phương và người dân chưa quen ăn chay nên có khi cúng cho các vị tăng cả thịt cá, các thầy ăn đồ ấy không coi là phạm giới.
Ngày nay điều kiện kinh tế khá hơn, khắp nơi chùa chiền được lập nên, Phật tử chuẩn bị được đồ chay cho chùa chiền nên các nhà sư mới có thể ăn chay trường được.
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi ốm bệnh, các nhà sư cũng cần bồi dưỡng để có sức khỏe chóng bình phục, tiếp tục việc tu hành. Và việc ăn chay không phải là điều kiện để vãng sanh hay là kỳ tích để đem khoe khắp xóm làng.

6. Người tu hành theo Đạo Phật đều phải thuộc lòng các bộ kinh mới gọi là tu
Nhiều người nói đến việc tu hành liền khoe ngay mình đã học thuộc bao nhiêu bộ kinh, đã tu qua những  phẩm nào, đọc mỗi chữ lạy một lạy, đã mấy chục năm qua, nhưng đó không phải điều cốt yếu mà đức Phật chỉ dạy.
Giáo pháp quan trọng nhất, căn bản nhất trong đạo Phật chính là Luật Nhân Quả, Lý Vô Thường, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo.
Tìm hiểu đạo Phật mà chỉ thích những giáo lý cao siêu, con người càng dễ xa rời  chân lý, lạc vào tà đạo, huyễn hoặc, mơ hồ. Có nhiều kinh điển do ngụy tạo hoặc chỉnh sửa không còn đúng với cốt tủy của đạo Phật nữa.
Do đó, để khỏi bị lầm lạc, người tu cần phải nắm vững
các giáo pháp căn bản nói trên trước khi tiến xa hơn.

7. Đạo Phật chỉ dành cho người già
Thường khi người ta thấy chỉ có phụ nữ và người già đến chùa, nam giới số ít hơn liền vội cho rằng đạo Phật chỉ dành cho người già, sắp lià đời, không thích hợp cho giới trẻ. Thật ra, đạo Phật dành cho bất cứ ai muốn chuyển hóa, thăng hoa đời sống để được hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, đặc biệt rất thích hợp cho giới trẻ.
Tuy nhiên ở nước ta lâu nay lại tồn tại quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui  chùa”, coi việc đến chùa, học Phật chỉ dành cho những người cao  tuổi, không còn việc gì khác để làm. Quan niệm như thế thật quá sai lầm. Đừng đợi đến tuổi già, thân thể bệnh tật, tâm trí lu mờ mới tìm đến cảnh chùa. Khi đó quá muộn rồi. Muộn màng hơn nữa có người đợi chui vô hũ tro cốt, hay nằm trong quan tài mới chịu nghe tụng kinh niệm Phật. Đạo Phật rất thích hợp cho bất cứ tuổi tác nào, càng tìm đến với chánh pháp càng sớm, càng có nhiều thời gian tu tập. Tu mau kẽo trể chính là nghĩa này. []

 llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
Không nên tin ngay tất cả những gì người xưa nói, tất cả những gì người có thế lực đạo cũng như đời nói, tất cả những gì người bề trên nói, tất cả những gì có nhiều người tin theo, 
hay có ghi trong sách vở.
Chỉ nên tin những gì có thể kiểm nghiệm được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ sáng suốt, thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người.
Bởi vậy, Đức Phật dạy ba môn học phát sinh trí tuệ, đó là: Văn-Tư-Tu.
Nghĩa là con người hãy Văn: nghe giảng, đọc sách,  nghiên tầm, học hỏi, 
rồi Tư: suy nghĩ, tư duy, quán chiếu cho chính chắn, thấu đáo, 
trước khi Tu: thực hành, tu tập theo. []
BBT.PHTQ.CANADA
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

 Giá trị tinh thần chính là Giáo Pháp của đức Phật.
 TK Thích Chân Tuệ
Muốn tu tiến bộ, cần học giáo lý, hiểu rõ chánh pháp, nắm vững cốt tủy của đạo Phật, và tinh tấn thực hành trong đời sống hàng ngày. Sự vi diệu mầu nhiệm chính là nơi giáo pháp. Các hình thức nghi lễ, các chùa chiền hay các tôn tượng giúp người tu giữ gìn giới bổn, bình an và thiền định, phát triển trí tuệ hay tuệ giác để giác ngộ và giải thoát. Trong Phật giáo, không có nghi lễ nào, chùa chiền nào, tôn tượng nào hay nhà sư nào gọi là linh thiêng, huyền bí hay phép lạ có thể cứu người lâm nạn, thay đổi vận mạng con người. Chỉ có tự lực mới thực là tu, thanh lọc và chuyển hóa tâm thức.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc". Nghĩa là: Chuyện quá khứ đã qua rồi, nhớ nhung, xót xa, tiếc nuối, chẳng ích lợi gì. Chuyện hiện tại thấy đó rồi cũng qua mau, luyến tiếc, luyến lưu, chẳng ích lợi gì. Chuyện vị lai chưa tới, lo lắng, ưu tư, chẳng ích lợi gì. Như vậy, chỉ chuốc khổ vào thân, nhức óc, mệt tim.
Nhờ sự phát tâm tùy hỷ này, chánh pháp được truyền bá rộng rãi đến nhiều người hữu duyên khắp nơi, đang mong cầu học hiểu ánh sáng Từ Bi & Trí Tuệ của Đức Thế Tôn.
Nguyện đem Công Đức & Phước Đức cúng dường thanh tịnh hồi hướng TAM BẢO chứng minh và thùy từ gia hộ cho toàn thể bửu quyến được thân tâm an lạc, sức khoẻ dồi dào, trí tuệ khai mở, vạn sự cát tường, giác ngộ giải thoát, và Cư Trần Lạc Đạo.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT

Trong các sinh hoạt hay nghi lễ của Phật giáo, các hình tượng chư Phật, chư Bồ Tát luôn luôn được tôn trí nơi trang nghiêm thanh tịnh nhất, để  mọi người chiêm ngưỡng, lễ bái, cầu nguyện và phát khởi tín tâm.

Các hình tượng được làm bằng bất cứ vật liệu nào, đơn sơ như gỗ, đá, xi măng, thạch cao, hay quí giá hơn như vàng, bạc, đồng, ngọc thạch, đá quí, kim cương, cũng chỉ có giá trị vật chất, giúp cho việc hành lễ được long trọng, trang nghiêm, giúp cho người tu theo Phật tăng trưởng sức tinh tấn tu tập theo chánh đạo, hướng tín tâm ban đầu theo chánh tín và chánh kiến.

Giá trị tinh thần đích thực chính là Giáo Pháp của đức Phật.

Người tu theo Phật nương theo hình tượng chư Phật, để lễ bái, cầu nguyện, cúng dường, phát tín tâm tìm hiểu những lời dạy của đức Phật để tu tập và áp dụng vào trong thực tế đời sống hàng ngày.

Nhờ đó, người tu theo Phật mới thấy và cảm nhận được pháp vị mầu nhiệm thực tế của chánh pháp.  Từ đó, người tu theo Phật ngộ đạo, thoát khỏi cảnh vô minh, tà kiến, mê tín, dị đoan, không còn ngộ độc như bấy lâu nay.

Người tu theo Phật khi đã khai mở được trí tuệ bát nhã, khác với trí thức thế gian, sẽ thấy giáo lý đạo Phật rất hữu ích cho đời sống thực tế của mọi người, giúp con người vượt qua được những phiền não và khổ đau, không phân biệt là Phật tử hay không là Phật tử.

Nói một cách khác, một người không phải là Phật tử, không cần đi đến chùa lễ bái thường xuyên, không cần phải thờ lạy tượng Phật, nhưng luôn luôn thực hành lời dạy:
 1. Không làm các điều ác.
2. Siêng làm các điều thiện.
3. Giữ tâm luôn thanh tịnh.

Người này sẽ sống đời an lạc và hạnh phúc. Tiến thêm bước nữa, sẽ được giác ngộ và giải thoát.
 Cho nên, chúng ta cần ghi nhớ: trong đạo Phật không có hình tượng nào gọi là linh tượng, theo nghĩa linh thiêng huyền bí, cầu gì được nấy, cũng không có hình tượng nào gọi là thánh tượng, theo nghĩa các vị thánh là bậc bề trên không ai đạt được, chuyên ban phước giáng họa.

Trong đạo Phật, chỉ có tôn tượng, theo nghĩa hình tượng để tôn thờ, lễ bái, noi theo gương tu hành và công hạnh cao quí, đáng tôn kính, để sống đời và tu tập đúng chánh pháp, hành đúng chánh đạo, cuối cùng là trọn thành Phật đạo. Cũng có những hình tượng gọi là bảo tượng, theo nghĩa hình tượng quí báu, vật chất và tinh thần, hoặc có giá trị theo chiều dài lịch sử.
 


ÁNH SÁNG TỪ CÂU KINH PHẬT
ĐI CHÙA BƯỚC ĐẦU HÀNH TRÌNH TÂM LINH
ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP
MƯỜI NGHIỆP LÀNH
CHỮ DUYÊN TRONG ĐẠO PHẬT
SỐNG TỬ TẾ VỚI NHAU
NGUỒN GỐC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
GIẢI THOÁT TRONG PHẬT GIÁO
http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2014/04/giai-thoat-trong-phat-giao.html