Tuesday, April 5, 2016

***CÁC PHÁP DUYÊN SANH KHÔNG THẬT



Các pháp duyên sinh, không thật

HT THÍCH THANH TỪ

Trong kinh A Hàm đức Phật có dạy, người nào thấy được lý nhân duyên thì người đó thấy được pháp. Thấy được pháp tức là thấy đạo hay thấy Phật. Qua đó chúng ta thấy tầm quan trọng của lý nhân duyên như thế nào rồi. Cũng như vậy, con người do nhân duyên sinh nên không chủ thể, không cố định. Muôn vật trên thế gian này do nhân duyên sinh cũng không chủ thể, không cố định. Tuy không cố định, không chủ thể nhưng muôn sự muôn vật vẫn có, đủ duyên thì nó hiện tiền. Hiểu lý này rồi chúng ta mới hiểu chữ Không trong kinh Bát Nhã.

Chúng ta đừng lầm chữ Không trong kinh Bát Nhã là trống rỗng, không có gì hết. Không là đối với có. Nhưng chữ Không đây là ngay nơi sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được song chủ thể nó là không, không cố định. Như vậy dù mắt thấy, tay sờ mó được mà nói là Không, đó là không chủ thể, không cố định. Bát Nhã nói Không vì nó do nhân duyên sinh nên không chủ thể. Cho nên chữ Không trong kinh Bát Nhã còn gọi là tánh Không. Hệ thống Bát Nhã gọi đó là tự tánh Không. Tức là không có chủ thể, không tự tánh nhưng sự vật vẫn có giả tướng của nó khi đủ duyên tụ hội.

Con người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, cố định. Vậy gọi ta được không ? Chỉ là cái ta tạm bợ, còn mất theo duyên, không có giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận ta là thật, sự vật là thật. Nhà Phật gọi lầm nhận đó là vô minh, là si mê. Người học Phật phải có trí tuệ sáng suốt, thấy đúng như thật. Những gì Phật dạy chúng ta quán sát, thấu suốt mới đem ra hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, chớ không phải học hiểu suông mà thấy được lẽ thật.

Chúng ta thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không ? Nếu thân chắc chắn chân thật thì không bao giờ hoại. Vì do duyên hợp nên thiếu duyên thì nó sanh ra bệnh tật rồi đi đến bại hoại. Đó là lẽ thật, không còn gì nghi ngờ nữa. Vì vậy đức Phật nói thân này vô ngã. Vì vô ngã nên không chủ thể, bởi không chủ thể nên tùy duyên mà thành, tùy duyên mà hoại, không phải lúc nào cũng nguyên vẹn.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa của chữ Không rồi thì đối với sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được là thật có hay thật không ? Nói thật có hay thật không đều sai cả vì nó tạm bợ, chỉ có giả tướng hiện tiền. Như vậy phải nói sao ? Nói các pháp không thật có, do duyên sinh, chỉ tạm có nên nhà Phật gọi như huyễn, như hóa. Đến đây tôi nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở đời Lý có bài kệ:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.
Tạm dịch:
Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có không trăng đáy nước,
Đừng mắc có không không.


Ngài Từ Đạo Hạnh diễn đạt hình ảnh cho chúng ta thấy rất linh động. Tất cả sự vật nếu nói có thì vật nào cũng có hết. Tại sao ? Vì trên giả tướng mắt thấy, tay sờ mó được. Còn nếu nói không thì tất cả đều không hết, vì chúng là duyên hợp không thật. Không thật nên nói là không. Như vậy nói có và không giống như mặt trăng dưới đáy nước. Đêm rằm ta nhìn xuống hồ nước, thấy mặt trăng hiện dưới đáy nước. Mặt trăng ở đáy nước là thực có hay thực không ? Nếu thực có sao đưa tay vớt lên không được. Nếu thực không sao mắt chúng ta thấy rõ ràng. Nên gọi là có mà chỉ là cái bóng, chớ không phải không ngơ. Nhưng là bóng thì nó không thật.

Muôn sự vật ở thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước, nhìn thấy như có nhưng rốt cuộc không thực thể. Cho nên có cũng như không, chỉ vì duyên hợp tạm có. Người ta cứ ngỡ rằng những gì mắt thấy tai nghe là thực có, nhưng không ngờ chúng là duyên hợp. Đã là duyên hợp, chúng ta đừng lầm chấp nó thật thì sẽ không đau khổ. Đây là chỗ khó của người học Phật. Nếu thấy được lý này thì chúng ta sẽ thấy đạo Phật hay đáo để.

Chúng ta tu khó khăn vì chúng ta thấy cái gì cũng thật nên dễ nhiễm, dễ kẹt. Nhiễm kẹt thì sự tu không tiến, còn thấy các pháp không thật thì chúng ta không có gì để chấp, mà không chấp thì đường tu hết sức dễ dàng. Cho nên si mê là động cơ chủ yếu đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Từ sai lầm đó khiến chúng ta không thấy lẽ thật, rồi bị chìm đắm trong sinh tử kiếp này kiếp nọ không cùng. Các pháp là tướng duyên hợp không thật, nhưng không khéo tu chúng ta sẽ không ra khỏi nó, chỗ này rất là quan trọng.

Kinh Bát Nhã có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là, Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát Nhã, Ngài xem thấy tất cả sự vật, tất cả pháp đều không có thực thể, không cố định. Khi thấy như vậy Ngài liền qua hết thảy khổ nạn.

Ngày nay chúng ta tụng kinh Bát Nhã từ lúc mới vào chùa cho tới năm sáu mươi tuổi, biết bao nhiêu biến ? Trăm ngàn biến mà khổ ách vẫn là khổ ách. Bởi vì tụng Bát Nhã thì tụng mà nhìn thấy thân năm uẩn thật. Nếu thấy thân năm uẩn duyên hợp hư dối thì có ai chửi chúng ta thấy sao ? Thân năm uẩn đã không thật thì lời chửi có thật đâu. Chẳng qua cũng là tạm bợ hư giả thôi. Mình hư giả, người hư giả, lời nói hư giả, có gì mà khổ, có gì mà phiền. Cho tới tất cả những thiệt thòi, khổ sở khác, nếu xét kỹ chúng có thật không ? Cũng không thật. Như vậy có gì làm chúng ta khổ sở đâu ? Chỉ cần dùng trí tuệ Bát Nhã soi thấu muôn sự vật, soi thấu lại bản thân mình đều là duyên hợp hư giả. Thấy được như vậy thì khổ ách nào cũng qua hết.

Chúng ta đọc kinh đúng ra là đọc cho mình nhớ và thực hành theo lời Phật dạy. Nhưng thường Phật tử cứ nghĩ rằng đọc như vậy có phước. Đọc hai lần phước nhiều hơn một chút. Do không biết lời Phật dạy để ứng dụng quán chiếu lại bản thân và mọi vật chung quanh, thấu triệt được lẽ thật của nó nên chúng ta cứ đọc cho Phật nghe hoài, còn mình thì không dính dáng gì hết. 
Phật nói chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách, chúng ta tụng hoài sao không qua được khổ ách ? Bởi vì có chiếu kiến đâu ! Chiếu kiến là soi sáng, mà chúng ta không chịu soi sáng thì làm sao thấu tỏ được. Đó là lầm lẫn của chúng ta.

Tất cả sự vật đến với ta, ta không chấp thì dễ tu biết mấy. Mình có phải khổ sở để dẹp nóng giận, dẹp phiền não không ? Sở dĩ chúng ta phiền não, chúng ta nóng giận là vì chúng ta chấp nó thật. Nếu biết rõ nó không thật, chỉ tạm bợ do duyên hợp thì có gì mà chấp. Do không chấp nên thảnh thơi tự tại đi giữa cuộc đời mà chúng ta không dính mắc gì cả.

Như vậy Phật độ chúng ta hết khổ, hay chúng ta dùng trí tuệ thấy muôn sự vật xảy đến với mình không thật, liền vượt qua các khổ. Nỗi khổ không ai cứu ta được mà do ta nhận ra chân tướng của nó không thật thì có gì làm ta phiền hà, khổ sở nữa ! Thấy tường tận đạo lý thì không còn chấp. Nên nhớ chấp là gốc từ si mê, là nhân của đau khổ. Nhờ trí tuệ sáng không chấp nên đau khổ cũng không còn. Tụng một bài kinh Bát Nhã mà thấu triệt rồi thì chúng ta tự tại đi trong cuộc đời. Đó là điều chắc chắn vậy.
H.T Thích Thanh Từ



THA THỨ CHO NGƯỜI 
TK Thích Chân Tuệ

Một thiền sinh hỏi:
“Thưa sư phụ, con đau khổ vì cha mẹ tàn nhẫn, người yêu con ruồng bỏ, anh em phản bội, bạn bè phá hoại… Con phải làm sao để hết oán hờn và thù ghét đây?”
Vị sư phụ đáp:
“Con ngồi xuống tịnh tâm, tha thứ hết cho họ”.
Vài hôm sau, người đệ tử trở lại:
“Con đã học được tha thứ cho họ sư phụ ạ. Thật nhẹ cả người! Coi như xong!”

Sư phụ đáp:
“Chưa xong, con về tịnh tâm, mở hết lòng ra thương yêu họ”.
Người đệ tử gải đầu:
“Tha thứ thôi cũng đã quá khó, lại phải thương yêu họ thì… Thôi được, con sẽ làm”
Một tuần sau, người đệ tử trở lại, mặt vui vẻ hẳn, khoe với sư phụ là đã làm được việc thương những người mà trước đây đã từng đối xử tệ bạc với mình.
Sư phụ gật gù bảo:
“Tốt! Bây giờ con về tịnh tâm, ghi ơn họ. Nếu không có họ đóng những vai trò đó thì con đâu có cơ hội tiến hóa tâm linh như vậy”.
Người đệ tử trở lại, lần nầy tin tưởng rằng mình đã học xong bài vở.
Anh tuyên bố:
“Con đã học được và ghi ơn hết mọi người đã cho con cơ hội học được sự tha thứ!”
Sư phụ cười:
“Vậy thì con về tịnh tâm lại đi nhé. Họ đã đóng đúng vai trò của họ chứ họ có lầm lỗi gì mà con tha thứ hay không tha thứ.”

SUY NGẪM:
Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông xuống.

Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.
Tha thứ chính là một tiến trình tiến hóa tích cực của nội tâm, khi chúng ta thật sự đối diện và buông xuống những đau thương, mất mát, bất công… chúng ta sẽ không còn mang lòng oán hận, giận dữ…
từ đó giúp cho chúng ta không nuôi dưỡng những niềm cay đắng, phẫn uất, trả thù…
để rồi tạo thêm những điều bất thiện ở hiện tại và tương lai lại phải nhận sự khổ đau.
Qua đó, chúng ta nhận rõ tha thứ giúp cho chúng ta sống an ổn hiện tại và tương lai.
Vì vậy, có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”,
vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an.

Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương từ bi cho mình và cho tất cả.
Đọc và suy ngẫm câu chuyện một lần nữa, chúng ta thấy rõ như một trình tự khi bạn biết tha thứ , bạn sẽ có lại tình thương với những đối tượng đã gây cho mình đau khổ mà bấy lâu mình đánh mất vì thiếu lòng khoan dung , hiện khởi Tâm Từ Bi rộng lớn, nhớ ơn tất cả đã cho chúng ta sự thành tựu này và chợt nhận ra rằng “vạn pháp vốn bình đẳng”.
Trên bước đường tu tập của người con Phật, chúng ta phải cảm ơn những bậc thiện hữu tri thức đã đưa đến cho mình nghịch duyên để chúng ta có cơ hội nâng cao đời sống tâm linh của chính mình.

Nghịch tăng thượng duyên là vậy!
Thật vậy, nếu lúc nào cũng thuận duyên, cũng đều được quí mến thì ta dễ dàng bị ru ngủ trong niềm tự hào, hãnh diện , ta đang biến mình thành nô lệ cho sự cống cao ngã mạn… tự đánh mất chính mình lúc nào không hay.
Vì vậy, vị Sư đã dạy người học trò của mình phải biết ghi ơn những người đã đem đến cho mình những phiền não, oan uổng…. để chúng ta có cơ hội nhìn lại chính mình, thực hành và chuyển hóa nội tâm, để nhận chân sự thật “chẳng có ai là người tha thứ và được tha thứ cả!”
Với tôi, việc học cách tha thứ và hành theo những lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ không phải đơn giản và dễ dàng nhưng cũng không phải là quá khó nếu mình muốn và tôi đã bắt đầu cho những sự việc nhỏ nhất từ trong cuộc sống của chính mình với mọi người xung quanh…để có được sự bình an hạnh phúc chân thật!

Cổ Đức có câu này: 
Càng buông bỏ dưới chân này.Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao. Tha thứ hay không tha thứ là lối suy nghĩ nhị biên.
Con người thường sống trong thế giới nhị biên nên thường phiền não và khổ đau.
Thế giới nhị biên là sự suy nghĩ: thị/phi, đúng/sai, phải/quấy, tốt/xấu, trắng/đen.
Người nào đạt được "thế giới bất nhị" hay hiểu được và hành được "pháp môn bất nhị"
người đó đạt an lạc và hạnh phúc, xa hơn, người đó đạt được "giác ngộ và giải thoát".  


TÙY DUYÊN
Mọi việc trên đời này đều tùy duyên.
Việc gì đến - đúng lúc - đúng ngày giờ - đủ duyên - nó sẽ đến.

Tu tâm sẽ đưa con người đến chỗ ngộ đạo (giác ngộ). Khi đạt giác ngộ, con người sẽ giải thoát phiền não khổ đau và được an lạc hạnh phúc. Đạt được bao nhiêu giác ngộ, con người sẽ giảm nhẹ bấy nhiêu phiền não khổ đau. Cũng như mây đen tan biến bao nhiêu, mặt trời tỏ rạng bấy nhiêu.

Mây đen ví dụ cho phiền não. Mặt trời ví dụ cho trí tuệ sẵn có của con người. Con người ai ai cũng có trí tuệ, nhưng do phiền não che lấp, con người trôi lăn trong tâm tham sân si không nhận ra trí tuệ của mình mà thôi. Khi con người bớt phiền não, thì trí tuệ sẽ sáng ra. Điều này không do cầu nguyện mà được.

Làm sao biết mình giác ngộ (ngộ đạo) hay chưa?
Khi ngộ đạo, con người sẽ bật khóc vì xúc động, tâm tư bàng hoàng, không ngờ đạo ở ngay trước mắt, ở ngay trước mặt, tự bấy lâu nay, mà mình không hay, không biết, không nhận ra đó thôi. Đồng thời con người sẽ cảm thấy hoan hỷ, như chưa từng hoan hỷ.

Trái cây (quả) đủ ngày tháng thì sẽ chín tới, không thể sớm hơn hay muộn hơn. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Đó là cách tu nhân tích phước, tích đức, để chuyển hóa cuộc sống của mọi người.

Thí dụ: Hôm nay, phát tâm ấn tống kinh sách để truyền bá chánh pháp, giúp người khai ngộ, thì chính mình là người được khai ngộ trước tiên. Quả báo phước lành đến ngay khi phát tâm, tuy chưa kịp hành động gì cả. Con người nên hiểu rõ đâu là chân lý, đâu là chánh pháp, để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.[]

BBT.PHTQ.CANADA

CỨU KÍNH CỦA ĐẠO PHẬT
Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ

Trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy: "Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo". Nghĩa là chúng ta không làm tất cả các việc bất thiện, không làm những việc ác, tránh những việc tổn người hại vật, cố gắng làm tất cả những việc thiện, những việc ích lợi cho người khác, nhưng đừng ghi nhớ, đừng chấp chặt vào những việc ích lợi đã làm, thì tâm ý của chúng ta sẽ được thanh tịnh. Ðó là tu tâm dưỡng tính, đó là điều cốt yếu chư Phật mười phương ba đời muốn dạy như vậy.

Thí dụ chúng ta đã làm những việc ích lợi cho bất cứ ai mà chấp chặt vào đó thì tâm của chúng ta sẽ bực dọc, bất an khi không được ai khen tặng hoặc không được ai đáp ứng như ý. Nếu như quên đi những việc thiện đã làm, giúp đỡ người với tâm "thi ân bất cầu báo đáp", thì chúng ta sẽ yên ổn, bình an, tâm của chúng ta sẽ không loạn động, không bực bội khi gặp phải người vô ơn. Trong Kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: "Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức". Hay: "Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức".

Nghĩa là "bên trong" chúng ta phải chuyên cần vận nội lực loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, hạ mình, nhún nhường, tùy hỷ công đức. Ðồng thời, chúng ta cũng phải vận nội công để khắc phục các tạp niệm, để tâm không còn có các vọng tưởng. Mỗi khi tạp niệm, vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền giác ngộ, liền nhận biết và dừng ngay, không tiếp tục theo dòng tâm thức, đi lang thang từ đông sang tây, từ quá khứ đến hiện tại và vị lai, từ chuyện này đến chuyện khác. Như vậy chúng ta có được "công".

Ðiều quan trọng cần biết là: chúng ta đừng sợ có vọng tưởng, tạp niệm khởi lên trong tâm thức. Ai ai cũng có vọng tưởng và tạp niệm. Chỉ sợ chúng ta không giác ngộ, không nhận biết kịp thời, nên bị vọng tưởng, tạp niệm lôi cuốn, đi lang thang làm khách phong trần, quên mất cố hương, từ bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Khi dong ruổi theo các vọng tưởng, tạp niệm như vậy, tâm của chúng ta sẽ loạn động với thất tình lục dục, tức là quên mất "bản tâm thanh tịnh" sẵn có của chúng ta.

Còn "bên ngoài" chúng ta thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, bởi vì mọi người ai ai cũng có "Chân Tâm Phật Tính" như nhau, mọi người ai ai cũng có ưu điểm để chúng ta học hỏi, noi theo, không phân biệt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng. Như vậy chúng ta được nhiều người thương mến, gần gũi. Như vậy chúng ta có được "đức".
Thêm nữa, người Phật Tử muốn có công đức thì bên trong không có tâm chấp ngã, tâm chấp pháp, nói chung là tâm cố chấp; bên ngoài hành động luôn luôn ngay thẳng, bình đẳng, công minh, chính trực.

Hãy phát tâm tìm học kinh điển, biết đúng Chính Pháp mà hành theo, tránh chuyện tu mù, tu mò, để khỏi lạc sang tà giáo, ngoại đạo. Công đức là ở "Pháp Thân", phát sinh trí tuệ bát nhã, không do tu phúc, không do làm những việc phúc thiện mà được. Chúng ta ngày nay cũng hay lầm lẫn cho rằng lập chùa, giúp chư tăng tu học, bố thí, cúng dường, làm Phật sự, đi chùa lạy Phật là được nhiều công đức và tự hào rằng mình làm vô lượng vô biên công đức, cần phải được tán thán, rồi chờ đến ngày được vãng sinh về cõi tây phương cực lạc quốc của Ðức Phật A Di Ðà!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật dạy rất rõ ràng cõi Tây phương cực lạc là nơi chỉ có các bậc bồ tát "nhứt sinh bổ xứ", tức là các bực "thượng thiện nhơn" sắp thành Phật, những người hiền thiện bậc thượng, gặp gỡ nhau mà thôi.

Những người còn đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy nghiệp chướng, đầy dẫy phiền não thì nhứt định không thể nào đạt được cảnh giới đó. Không thể chỉ lấy có một chút ít thiện căn phúc đức làm nhân duyên, để cầu nguyện về cõi cực lạc đó được.
Ví như người đeo nặng qua sông thì phải chìm, không thể nổi được. Chứ không phải Ðức Phật A Di Ðà không có lòng từ bi cứu độ chúng ta. Chư Phật có tâm đại từ đại bi muốn cứu độ chúng ta, nên chỉ dạy các pháp môn tu học, các phương pháp, để chúng ta noi theo đó mà tự mình tu tập, để tự được cảnh giới an lạc và hạnh phúc hiện đời và vãng sinh mai sau.

Có người quan niệm "đới nghiệp vãng sinh", nghĩa là con người vẫn còn mang nghiệp chướng, nhưng nhờ biết niệm Phật A Di Ðà, nên được Ngài thương xót cho vãng sinh về cõi tây phương cực lạc, rồi tu tiếp sướng hơn

Ðiều này có vẻ "phe đảng" cũng như quan niệm cứ chấp nhận rước thượng đế vào lòng thì sẽ được thượng đế cho về thiên đàng, hưởng phúc đời đời, không cần biết đó là người như thế nào! Thực ra, đạo Phật không có dạy như vậy. Nếu thực sự muốn tu cho thành người tốt, thì chúng ta hãy tu ngay ở cõi đời này, đừng hẹn. Còn mang nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nếu về tây phương, chỉ làm nơi đó ô uế mà thôi.

Dù có được về bên đó chăng nữa, không thấy thích hợp, cũng sẽ đòi về trở lại mà thôi!
Sống với những người thế tục, chúng ta mới cần phải tu, mới có cơ hội để tu. Chứ về bên đó gặp toàn người tốt thì đâu cần phải tu nữa.

Cũng như người còn nhiều phiền não quá, nhiều nghiệp chướng quá, dù có được đưa vào chùa ở, mà không quyết tâm trì chí, cũng khó mà tu được, có ngày cũng xuất, nếu không xuất thì sẽ gây biết bao nhiêu việc đáng tiếc cho cảnh thiền môn!

Trong Kinh A Di Ðà, Ðức Phật cũng dạy nếu có thiện nam, thiện nữ nào nghe được danh hiệu Phật A Di Ðà, luôn luôn trì giữ danh hiệu đó trong tâm trí, lúc nào cũng niệm Phật, nhớ nghĩ tới Phật, trong một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, đạt được tâm yên không loạn.

Khi thọ mệnh hết, người như vậy giữ gìn được tâm không điên đảo, tức thời được vãng sinh cõi nước tây phương cực lạc của Ðức Phật A Di Ðà. Tại sao vậy?

Bởi vì khi tâm của người đó luôn luôn niệm Phật, không còn lăng xăng, lộn xộn, không còn loạn động vì các việc đối đãi thị phi, hơn thua, tốt xấu, cho nên cảm ứng được cảnh giới tịnh độ của Ðức Phật A Di Ðà vậy.

Nói cách khác, tâm của người đó thấy mọi sự đúng như thực, thấy mọi việc không còn điên đảo, gọi là "tâm bất điên đảo", cho nên người đó thấy được "Tự Tính Di Ðà, Duy Tâm Tịnh Ðộ".

Nghĩa là nhờ tâm được thanh tịnh, bất loạn động, bất điên đảo, cho nên người đó thấy được "Phật Tính", tức là "Pháp Vô Sinh", không còn sinh tử luân hồi, tức đắc vãng sinh tây phương cực lạc.

Nếu còn nghiệp chướng nặng nề, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc, nghĩa là tâm còn điên đảo, tâm còn loạn động, làm sao vãng sinh được mà mong cầu!

Cõi tây phương cực lạc hay cõi thiên đàng là cảnh giới "bất tùy phân biệt", bình đẳng tuyệt đối, chí công vô tư, làm gì còn chia giai cấp có chín phẩm, ba hạng, thượng trung hạ, như con người tưởng tượng cho thêm lộn xộn và phức tạp! Không thể lấy tâm lượng phàm phu xét cảnh giới bồ tát! Như vậy, cốt tủy của đạo Phật, không phải là van xin cầu nguyện, cúng kiến lễ lạy cho nhiều, mà chính là lúc nào cũng nhớ nghĩ tới hạnh nguyện của chư Phật, nói lời như Phật dạy, hành động như Phật dạy, luôn luôn giữ gìn tâm ý thanh tịnh, bình an, yên tĩnh, không loạn động, không điên đảo.

Ðược như vậy, tam nghiệp hằng thanh tịnh, chúng ta vừa có phúc đức vừa có công đức đầy đủ, phúc tuệ trang nghiêm, tùy tâm mãn nguyện. Kinh sách có câu: "Phúc Tuệ Lưỡng Toàn Phương Tác Phật". Cứu kính của đạo Phật chính là nghĩa đó vậy.


ĐÔI ĐIỀU VỀ LỄ HỘI Ở CHÙA
Trương Hoàng Minh

Mỗi năm đến hẹn lại lên, sau tết Nguyên đán là vào mùa lễ hội từ Bắc vô Nam kéo dài đến hết mùa Xuân: Tháng giêng ăn tết ở nhà, Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè.

Năm nay, theo phản ánh của giới truyền thông báo chí thì tình trạng chen lấn, tranh giành, cướp giật những cái gọi là “phúc lộc” ở các lễ hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Ở một số chùa cũng có rất đông người chen nhau cầu xin chư Phật và Bồ tát ban phước lành bằng nhiều hành động sặc mùi mê tín. Rất nhiều người đứng ngồi hàng hàng lớp lớp từ trong chánh điện đến ngoài sân chùa và tràn ra cả đường phố để chờ nhà chùa phát lộc, cúng sao giải hạn! Nhìn những hình ảnh ấy thật buồn! Dục vọng, tham ái của con người tập nhiễm lâu ngày trở thành thói quen, thành định kiến trong đời sống tâm linh được thể hiện lộ liễu, trâng tráo nhất vào dịp nầy!.

Theo lịch sử thì đạo Phật có nhiều ngày lễ nhưng chủ yếu là ba ngày lễ chính: Phật Thích Ca đản sinh (15.4 âl), Thành đạo (8.12 âl) và Nhập niết bàn (15.2 âl). Hàng năm, vào các ngày ấy, các chùa đều làm lễ kỷ niệm cho Phật tử và tín đồ đến dâng hương, dâng hoa lễ Phật, niệm Phật, nghe kinh. 

Lễ Phật là ngưỡng mộ, tôn kính đức độ, noi theo gương sáng của Ngài. Niệm Phật để nhớ công ơn của Ngài đã chỉ đường cho chúng sinh thoát khổ
Nghe kinh để hiểu nghĩa lý và biết phương pháp của Ngài chỉ ra mà theo đó hành trì, tu tập. Phần hội của các ngày lễ đó thông thường là tăng ni thuyết pháp, biểu diễn văn nghệ của Gia đình Phật tử hoặc chiếu phim Phật giáo giúp vui. 
Ngày đầu xuân không phải ngày lễ của Phật giáo nhưng đến chùa lễ Phật vào ngày này là một nét đẹp của Phật tử, tín đồ và cùng một mục đích như vào những ngày lễ kỷ niệm nhưng không có hội.

Tại sao ở một số chùa người ta lại bày ra chuyện cúng sao giải hạn và “phát lộc” trong những ngày đầu xuân? Tại sao Phật tử, tín đồ lại tranh giành cướp giật những vật vô tri giác do người phàm mắt thịt tạo ra rồi bảo là “lộc” là ‘phúc” linh thiêng và ban phát cho người khác? Tại sao Phật tử, tín đồ lại tự hạ thấp mình cầu khẩn van xin phước đức như những người ăn mày cầu khẩn van xin vài đồng bạc lẻ? 
Nếu cầu được ước có thì Phật Thích Ca đã không đưa “cầu bất đắc” vào tám cái khổ của thế gian? (sinh-lão-bệnh-tử, cầu bất đắc, ái biệt ly, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh). Tại sao Phật tử, tín đồ không tin vào lời dạy của đức Phật Thích Ca, không tin vào chính mình mà đặt hết niềm tin vào các thực thể tâm linh hay còn gọi là thực thể siêu nhiên?

Thực thể tâm linh là gì? Thực thể tâm linh là sản phẩm của các tôn giáo hữu thần, tín ngưỡng dân gian, thần thoại và thần luận. Người ta cho rằng con người có một cách duy nhất giao tiếp và tác động đến các thực thể tâm linh bằng cúng tế, dâng lễ vật, cầu khẩn, đọc tụng kinh…Họ tin tưởng làm như vậy sẽ thuyết phục được chúng, làm cho chúng cảm động rồi ban phước cho họ, đồng thời che chở, bảo vệ và giải trừ tai họa khi nó đến với họ!

Những khái niệm đó hoàn toàn nằm ngoài thực chất của Phật giáo. Mặc dù được khai sinh tại một đất nước do đạo Bà la môn, một đạo đa thần, thống trị nhưng đạo Phật hoàn toàn đối lập với Bà la môn. Căn cứ vào các giáo lý ban đầu của đức Thích Ca chúng ta thấy không có bất cứ hình bóng thực thể tâm linh nào, còn Thượng đế hay Ngọc hoàng tương đương với Nghiệp trong đạo Phật. Chính nó định mạng mình, ban phước giáng họa cho mình chứ không có thế lực siêu nhiên nào định đoạt, ban giáng cả, chứng tỏ đạo Phật vô thần, không tạo niềm tin vào thực thể tâm linh.

Vậy thì người ta tin tưởng vào thực thể tâm linh bắt nguồn từ đâu?
Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt, đạo Phật chia thành hai nhánh Nam, Bắc tông khi truyền bá ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Nhánh Bắc tông lại chia thành nhiều tông phái, mỗi tông phái đều có hệ thống giáo lý, hệ thống nghi lễ, hệ thống biểu tượng, phương pháp hành trì riêng nhưng vẫn theo tông chỉ ban đầu của Phật Thích Ca. 
Các bộ kinh Đại thừa cũng xuất hiện cùng thời điểm ấy, tuy có kế thừa giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca nhưng lại thêm thắt nhiều vị Phật và Bồ tát mang tính tôn giáo và thần thánh hóa các vị đó như những đấng “cứu rỗi” của các tôn giáo hữu thần.

Phật giáo nước ta lại theo Bắc tông hàng ngàn năm nay nên có một số tông phái Đại thừa hoạt động và phát triển rất mạnh, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Kinh điển Đại thừa được truyền bá rộng rãi từ thành thị đến nông thôn, được nhiều Tăng ni, học giả viết sách luận giải, phổ biến, thuyết giảng thường xuyên. 
Phật giáo Trung Quốc cùng các tư tưởng Khổng Mạnh, Lão Trang, Dịch lý và tín ngưỡng dân gian cũng tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần, tâm linh quần chúng. Phần lớn Phật tử, tín đồ thuộc bậc thấp, trình độ nhận thức hạn chế nên dễ dàng đến với các thực thể tâm linh hoặc cầu cứu các vị Phật, Bồ tát tôn giáo khi họ đối diện với khó khăn, trở ngại, thử thách trong cuộc sống mà chính họ và cả thiết chế chính trị đều bất lực, không giải quyết được…

Không chỉ ở các thời trước, ngay thời hiện đại mà người ta còn tin tưởng thái quá vào các loại thần luận, thần thoại rồi đâm ra mê tín, đua nhau tôn thờ, sùng bái quyền năng siêu việt của thực thể tâm linh rồi bỏ quên những lời dạy thiết thực của đức Thích Ca, quên cả chính mình! Theo các vị cao tăng và các nhà bác học có uy tín nhất thì việc tin tưởng đó đã làm cho đạo Phật ngày càng xa rời cái nền tảng ban đầu, lệch hướng, thậm chí biến tướng trầm trọng như hiện nay.

Trong khi đó, những giáo lý ban đầu của Phật Thích Ca lưu truyền chủ yếu ở nhánh Nam tông với số tu sĩ và tín đồ khiêm tốn. Phật giáo Nam tông không thần thánh hóa đức Thích Ca, không cho Ngài là vị thần linh mà là con người từ bi trí tuệ bậc nhất, là vị Phật lịch sử duy nhất trên thế gian nầy, tính con người của Ngài không thể bác bỏ được. 
Sự nghiệp của Ngài là chỉ dạy chúng sinh giải thoát khổ não, sinh tử luân hồi và sự nghiệp đó thành toàn khi Ngài nhập diệt..Tuy nhiên, Phật giáo Nam tông không vì sự nghiệp vĩ đại, công lao to lớn của Ngài mà gán cho Ngài những quyền năng siêu việt như các vị Phật tôn giáo trong kinh Đại thừa. 
Còn các vị Bồ tát? Đây là danh hiệu cao quí của những bậc chân tu đạo cao đức trọng, siêng năng học tập, tinh tấn tu hành và mức độ giác ngộ của họ cao hơn người thường, chứ không phải họ có phép mầu, thần thông quảng đại mới có danh hiệu Bồ tát.

Phật Thích Ca có câu nói nổi tiếng “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”  nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là đáng tôn quí. Nhiều người cho đây là thái độ tự cao tự đại. Không phải thế, nếu tự cao tự đại Ngài đã không tuyên bố “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. 
Một tinh thần bình đẳng trên cả tuyệt vời, thử hỏi có vị giáo chủ tôn giáo nào dám đặt mình ngang hàng với tín đồ như Ngài? Thực ra, đây là sự từ chối thẳng thừng, phủ nhận dứt khoát của Ngài đối với tha nhân và các thực thể tâm linh.

Trước khi đạo Phật ra đời, đất nước Ấn Độ đã có đạo Bà la môn. Đây là tôn giáo đa thần. Trên hết là đấng Brahman thống trị muôn loài. Kế đến là Atman làm chủ thân người. Tiếp theo là các thần Shiva, Vishnu, Shakti cùng hàng ngàn vị nữa phụ trách các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. 

Đạo Bà la môn còn chia xã hội Ấn Độ thành bốn giai cấp, trong đó giai cấp Tăng lữ đứng đầu, chịu trách nhiệm chăm lo đời sống tinh thần, tâm linh của dân chúng. Kế đến là giai cấp Quí tộc gồm vua chúa, quan lại các cấp, chịu trách nhiệm chăm lo cuộc sống vật chất… Thế mà xã hội vẫn đầy dẫy áp bức bất công, nghèo khó, khổ đau bất hạnh nhưng không có một vị thần linh, một chức sắc tôn giáo, một ông vua, một ông quan hay bất cứ người nào khác đứng ra giải quyết được. 

Thái tử Tất Đạt Đa bèn tự nguyện làm việc đó. Trải qua một thời gian dài dấn thân tìm tòi, học hỏi đầy gian nan nguy hiểm và suýt mất mạng, cuối cùng Ngài cũng tìm ra được chân lý sau bốn mươi chín ngày đêm thiền định quán chiếu. 

Chân lý đó là, chỉ có chính mình mới giải thoát khổ não cho mình chứ không ai giải thoát cho mình được. Ví như mình đói khát thì chính mình ăn uống mới hết đói khát chứ không ai làm cho mình hết đói khát. Về phương diện tu hành cũng vậy, tự mình giác ngộ chứ không ai đem giác ngộ đến cho mình, cho nên Ngài mới nói lên câu nói trên và ai làm được như Ngài đều có thể nói được.

CHÚNH SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH
http://lotus-lantern-canada.blogspot.ca/2015/12/chung-sanh-la-phat-se-thanh.html
 QUA CƠN MÊ - Ý NGHIÃ CÚNG HOA - HƯƠNG - ĐÈN
TÌM TỈNH L ẶNG TRONG ĐỜI SỐNG - XUÂN BÌNH YÊN
ĐẦU NĂM ĐI CHUÀ
CẦU TRỜI CÓ ĐƯỢC GÌ KHÔNG?  -  PHƯỚC BÁU
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DÊ GẶP