Wednesday, December 2, 2015

*** CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH





 CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH

TKN.Thích Nữ Chân Liễu



Trong Phật giáo, xuất gia hay tại gia, dù có sinh hoạt trong chốn Thiền môn hay không, chắc hẳn nhiều người cũng có nghe nhắc lại hoặc biết đến câu nói, từ kim khẩu của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngay khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác sau 49 ngày đêm thiền tọa dưới cội bồ đề: “TA LÀ PHẬT ĐÃ THÀNH - CHÚNG SANH LÀ PHẬT SẼ THÀNH”.

Có nghĩa là Đức Phật tuyên bố đã thành Phật ngay rạng sáng hôm đó và tất cả chúng sanh trong sáu cõi, gồm: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh, đều sẽ thành Phật trong tương lai. Trong hiện tại, tất cả đều là nhân, là hạt giống, nếu biết tu tập theo đúng chánh đạo, hành đúng chánh pháp, tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, trở thành một vị Phật.

Ở đây, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vai trò của cõi người đang sống và phải chịu trách nhiệm về số phận nghiệp duyên và nhân quả của chính mình. Bao giờ thì thành Phật, hay mãi mãi là chúng sanh? Câu hỏi nầy có bao giờ con người nghĩ đến hay chưa?

Ngày nào đó với tâm thái trầm mặc, an bình, con người chọn cho riêng mình một không gian tĩnh lặng, hít thở nhẹ nhàng, ngồi xuống thiền tọa, chân xếp hình hoa sen, sau đó thực tập­ làm Phật vài ba phút.

TÂM CHƯ PHẬT ĐÃ THÀNH
Phật tại Tâm, không phân biệt Tướng - xuất gia tại gia, nam nữ, đẹp xấu, giàu nghèo. Phật Tâm không cố chấp, không phiền, không giận, không trách. Ai tôn kính, ai không tôn kính cũng chẳng khác gì nhau, chính là nghĩa bất tùy phân biệt. Tâm Phật là tâm bình đẳng, thanh tịnh tuyệt đối. Lòng từ bi của Chư Phật là vô ngã vị tha, thương chúng sanh như cha lành thương con.

Phật là Tâm sáng suốt, trí tuệ hiểu biết tất cả thiện ác trong thế gian một cách rõ ràng, không nghi, nhưng bất tùy phân biệt. Tâm Phật không phê phán, không chê trách, không thiên vị riêng tư một cá nhân hay một tôn giáo nào, không kết án vội vã một ai, không tranh cãi, không hận thù, không tà niệm, yêu thích người thiện, bỏ mặc người ác, khen mình chê người, không dùng lời phỉ báng nặng nề bất chấp sự đau khổ của người để thỏa mãn cái tôi - tự ngã.

Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đắc đạo ngay nơi cõi ác thế Ta Bà “ngũ trược” (tức là cõi có 5 điều dục vọng và si mê):

1. Kiếp trược: Nhiều căn bịnh hành hạ đau đớn, nạn đói, chiến tranh, thiên tai.
2. Kiến trược: Nhiều tà kiến, sai trái, dụ dẫn tạo nghiệp ác, cuồng tín si mê.
3. Phiền não trược: Nhiều tham vọng, tâm lăng xăng điên loạn, không tự chủ.
4. Chúng sanh trược: Chúng sanh chưa hiểu suốt nhân quả thiện ác, nên gây thù oán, thân quyến tương tàn.
5. Mệnh trược: Thọ mệnh chúng sanh ngắn ngủi, vô thường biến đổi, luân hồi sanh tử đau khổ muôn trùng.

Đức Phật vì lòng từ bi, không nhập Niết Bàn sau khi chứng đạo. Ngài ở lại thế gian thuyết muôn vạn pháp môn tu và chỉ dạy con đường tu thành Phật bằng thân giáo. Cử chỉ và hành động đầy khiêm tốn, bình đẳng, từ bi và hết sức tế nhị. Trong thời gian Đức Phật còn tại thế, nhiều người không hiểu biết thế nào là thành Phật. Có những vị còn không tiếc lời phỉ báng và nhiều lần muốn giết Đức Phật để giành ngôi Thế Tôn. Giá trị tình thương chúng sanh và đức độ kham nhẫn trong tâm lý hoằng pháp của Đức Phật là bậc trí tuệ tuyệt diệu và thâm sâu vô cùng.

Chư Phật và Chư Tổ thường dạy:
Lấy từ bi và trí tuệ làm thăng tiến đạo nghiệp
Lấy sự hy sinh và phụng sự chúng sanh làm niềm hạnh phúc
Lấy bao dung và hỷ xả để cư xử với mọi người
Lấy sự nghiệp giác ngộ và giải thoát làm cứu cánh.

Chư Phật tùy duyên thuyết pháp, cứu độ cho tất cả những ai thật sự mong cầu một đời sống thánh thiện tốt đẹp. Chúng sanh nghe lời dạy của Chư Phật, phát tâm tìm hiểu rõ ràng chân lý của sự giác ngộ và giải thoát. Sau đó, con người thực hành ba chặng đường VĂN, TƯ, TU (nghe hiểu, suy nghĩ, thực hành). Phát sanh trí tuệ sáng suốt mới mong vượt ra khỏi sự trói buộc đau khổ của luân hồi sanh tử.

“Như Lai là người chỉ con đường chứng được cứu cánh Niết Bàn tịch tịnh.
Thế Tôn là vị đã đoạn trừ phiền não của thế gian và đem lại nhiều thiện pháp cho chúng sanh”. (Tăng Chi Bộ Kinh)

Phật Tánh không do cầu khẩn van xin mà có, cũng không phát sinh từ lòng ái dục, hay tình cảm hạn hẹp ích kỷ. Phật Tánh phát xuất từ tâm từ bi, bao la tươi nhuần và bình đẳng như tâm Chư Phật vậy. Đó là những giây phút vô cùng trân quí, khi tâm vô trụ, vô chấp, đạt được an nhiên và tự tại, hạnh phúc và giải thoát.

Bản tâm thanh tịnh của Chư Phật không tạp niệm, không tà ý, ví như mặt biển thái bình lặng yên lúc không sóng không gió, mọi thời mọi khắc đều an nhiên tự tại và hạnh phúc giải thoát. Nói chung tất cả niệm do tâm chấp, tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm đố kỵ, tâm khinh khi, tâm lúc thuận lúc nghịch, lúc thân lúc thù, khi thương khi ghét, đó là những tạp niệm vọng tâm vọng chấp mà Chư Phật đã hoàn toàn chế ngự, điều phục được tất cả, nên Chư Phật là những vị “Phật đã thành”.

TÂM NHỮNG VỊ PHẬT SẼ THÀNH
Người tu theo Phật tuy chưa được trọn thành Phật đạo, nhưng ai cũng có nhân Phật Tánh và tâm ý thiện lành. Trong những giây phút con người thật sự để lặng yên tâm thức, chẳng khởi lên một niệm suy tính so đo, hơn thua, tranh chấp, phiền não, vọng động, thương ghét, đau khổ, thù hận và xóa bỏ hết ranh giới của nhỏ nhen cố chấp nhị biên, thiện và ác, đúng và sai, khi đó con người sẽ cảm nhận được Phật Tánh của mình hiển hiện vô cùng kỳ diệu. Đó chính là tâm từ bi hỷ xả như Chư Phật. Nguồn an lạc hết sức trong sáng với muôn ngàn thương yêu của lòng bao dung, đồng cảm và tha thứ.

Câu nói của Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát: Tôi không dám khinh các Ngài vì các Ngài cũng sẽ thành Phật. Có tu nhiều đời nhiều kiếp mới được làm thân người. Có tài, có sắc, có phước, vinh hiển trong đời, không phải ai cũng có được. Nhưng dù sanh vào hoàn cảnh như thế nào cũng là do nhân quả, đều có Phật Tánh sáng suốt để đi đến giác ngộ và sẽ thành Phật, nhanh hay chậm, tùy theo nghiệp duyên, phước đức và công phu tu tập của mỗi người.

Chúng sanh bao gồm những con người còn sống trong luân hồi sanh tử, chưa giác ngộ toàn vẹn, cho nên tâm vẫn còn hỷ, nộ, ái, ố, tham lam, sân hận và si mê. Không một ai muốn phạm lỗi lầm, cũng không một ai muốn bị hình phạt, hay bị sỉ nhục. Con người phàm tục vì những cảnh trần lôi cuốn, đôi khi mất cảnh giác, phải chịu nhiều đau khổ và phiền não.

Cực Lạc Quốc là nơi chốn thanh tịnh trong sạch, không phiền não, không ô nhiễm, không tham sân si. Đó là cõi Phật, là nơi chư Thượng Thiện Nhơn (người tốt hoàn toàn) đồng câu hội. Người Phật tử sống ở thế gian ai ai cũng muốn, sau khi xả báo thân nầy, được về cảnh giới tịnh độ của chư Phật. Cho nên ngoài việc mỗi thời khắc nhất tâm niệm Phật, thiền tọa tập làm Phật, để phát sanh trí tuệ. Phật Tánh luôn sáng suốt, chân thật và thanh tịnh tuyệt đối.

Chư Tổ dạy có bốn pháp cao thượng tu hành như sau:
1. Giới đức cao thượng.
2. Định tâm cao thượng.
3. Trí tuệ cao thượng.
4. Giải thoát cao thượng.

Có nghĩa là giữ giới bền chặt, giữ tâm chánh trực, có trí tuệ nhận rõ đúng sai, thiện ác, lòng không cố ý khoe khoang chứng đắc, tự hào hơn thua, không vướng mắc một giả danh nào hết, cũng không tự gạt tâm mình hay gạt người, không tạo khẩu nghiệp, thân nghiệp và ý nghiệp. Cuối cùng là tâm được khinh an, thanh thản, tự tại và giải thoát.

Nước mắt chúng sanh như biển cả, thế gian đau khổ nhiều lắm rồi. Nếu biết được ai ai cũng có một thứ quí giá vô cùng, đó là “Phật Tánh Chân Như”, là nhân lành đưa đến hạnh phúc an lạc vĩnh cửu, không có khổ đau sanh tử, thì con người cần gì phải tham gia vào sự tranh đua, sân hận, lỗi phải những chuyện danh lợi thế gian. Buông bỏ hết thì tâm được khinh an.

Suy cho cùng có ai trên đời không một vài lần phạm lỗi, hối hận, khổ đau. Thường thì con người có rất nhiều cách biện minh và dễ dàng tha thứ cho chính bản thân, nhưng đối với người khác, kể cả người thân sống chung quanh, thì không muốn tha thứ hoặc cảm thông, luôn luôn đòi công bằng và xử lý thỏa lòng. Do đó, con đường đi đến cảnh giới Chư Phật thật là xa xôi ngàn trùng.

Chúng sanh của thế kỷ 21 nầy có nhiều phương tiện và phước duyên gặp Phật Pháp. Giáo pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca được thế giới tôn kính và đón nhận như nước cam lộ diệt trừ muôn ngàn phiền não. Sống với Tâm Phật qua cung cách ứng xử đạo đức hằng ngày, tức là có được hạnh phúc tại thế gian rồi đó. Con người cùng nhau phát nguyện tinh tấn tu học, nhân Phật tánh càng ngày càng hiển lộ, cây bồ đề đâm chồi nảy lộc đơm hoa kết trái.

Trong kinh sách Chư Tổ có dạy:
Nội cần khắc niệm chi công
Ngoại hoằng bất tranh chi đức.

Đó là công phu và đức độ của người tu. Bên trong tâm, giữ gìn chánh niệm, gọi là công phu. Bên ngoài thân, không hơn thua, không tranh cãi, gọi đức độ. Thân và Tâm song hành tu tập gọi là Công Đức. Còn gọi là Phúc Tuệ song tu.

Điều quan trọng là muốn tu phải phát tâm học hiểu Phật Pháp cho thấu đáo và thực hành trong đời sống hằng ngày. Khi đó giới hạnh được vẹn toàn, tâm định được phát triển, trí tuệ được khai mở, con người cảm thấy được niềm an lạc thanh tịnh không thể nghĩ bàn.

Dù là người xuất gia hay tại gia, con người muốn tu mà không tha thiết mong cầu giác ngộ Phật Pháp, thì cuộc đời đi tu sống trong sự mệt mõi buồn chán, quanh năm suốt tháng, tin vào sự linh thiêng huyền bí và chỉ biết chờ đợi phép lạ một cách tiêu cực. Khi cái chết gần kề, lúc đó hoảng loạn, bơ vơ, tâm trạng vô thức, không biết rơi vào cảnh giới tốt xấu nào đây, có phải muộn quá hay không?

Đạo Phật được thế giới tôn vinh là đạo bình đẳng và từ bi trí tuệ bậc nhất. Tuyệt vời hơn nữa là tất cả người tu phát nguyện: “Vì chúng sanh đạt thành ngôi chánh đẳng chánh giác. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn”. Nghĩa là: tự thân giác ngộ và cứu độ tha nhân, cho đến khi hạnh giác ngộ tròn đầy, tất cả chúng sanh ra khỏi lục đạo luân hồi.

Trong thời gian qua, nhân loại trên trái đất chịu đựng quá nhiều thiên tai. Sóng thần Nhật Bổn, bão tố Sandy, đã cướp mất bao nhiêu tài sản và nhân mạng của những người vô tội. Cảnh màn trời chiếu đất, cha mẹ mất con, vợ chồng ly tán, đau khổ tột cùng. Nhưng sau đó, họ không thể ngồi một chỗ than trời trách đất, suy sụp, buông trôi, hay giận cho trời già cay nghiệt, hận bản thân vô phước. Họ cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà, vườn cây, khóm hoa, đem trở lại sự sống mãnh liệt trong tình người với người đầy lòng nhân nghĩa thân ái và bao dung. Đó chính là sức mạnh của Phật Tâm, Phật Tánh trong mỗi con người, trong cuộc sống hàng ngày, trên thế gian này.

Nói tóm lại, để sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn, với Tâm Phật sẵn có, con người cần được thăng tiến trên con đường giác ngộ, giải thoát. Con người cần phải luôn phát nguyện vun bồi công đức và phước đức, cho đến khi được đầy đủ từ bi và trí tuệ, lý sự viên dung. Đây chính là điểm siêu việt của đạo Phật đối với chúng sanh với câu Phật ngôn bất hủ: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Ai ai cũng có thể tu theo con đường Phật dạy và đều có nhân duyên trọn thành Phật đạo.

Xin thành tâm cầu chúc cho những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia, cùng là chúng sanh ở cõi ta bà, buông bỏ được tảng đá nặng nề của cái “ta” nhiều đau khổ phiền lụy và chuyển đổi những bất thiện nghiệp thành chư thiện nghiệp. Trước mắt còn đầy dẫy những khó khăn và thử thách cho người tu hành Phật đạo, con người cùng mạnh dạn bước từng bước chân chánh niệm, sáng suốt, an lạc, đi trên con đường tìm cầu giác ngộ.

Nguyện cầu tất cả chúng sanh trong pháp giới đều chứng ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đồng thành Phật Đạo.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN.Thích Nữ Chân Liễu



MỘT NĂM XUÂN

“Một năm xuân trọn một năm xuân
Hoa nội cỏ đồng tươi mấy lần
Trời sáng chẳng do chuông trống động
Trăng lên đâu phải khách đi đêm”.

Trời sáng thì trong chùa thường đánh chuông trống, nhưng có phải là trời sáng để chùa đánh chuông trống không? Không phải. Đúng thời tiết nhân duyên thì trời sáng là sáng vậy thôi. Cũng vậy, không phải trăng cố ý sáng để soi rọi cho người đi đêm mà đúng thời tiết nhân duyên thì trăng sáng. Khi mùa xuân về thì hoa nở, đó cũng là đúng thời tiết nhân duyên, chứ không phải đợi hoa nở mới có xuân. Khi mùa xuân về, Thiền sư Thiên Tùng có nói hai câu thơ:

“Sáng nay người bảo thêm một tuổi
Tôi nói ngày này bớt một năm”.
Thêm một mùa xuân về nghĩa là sao? Đối với mọi người là thêm được một tuổi, là thêm một lần vui. Nhưng với Thiền sư Thiên Tùng, thêm một mùa xuân về có nghĩa là tuổi thọ của chúng ta bị giảm bớt đi một năm, tất cả chúng ta đều bị giảm bớt đi một năm sống.

Có một vị làm bài thơ:
“Tuổi thanh xuân bao nhiệt huyết tuôn trào
Con lạc lối không tìm đâu lẽ sống
Thương chính con, thương trần gian huyễn mộng
Thương mẹ cha, thầy bạn đượm ân tình
Thương anh em, thương tất cả hàm linh
Con mơ một thiên đường cho tất cả”.



 

    TÂM BÌNH AN LÀ TÂM PHẬT
HT Thích Thiện Siêu
 
Người có tu tập là người hiểu biết tâm, khi tham tâm khởi, sân tâm khởi, tâm kiêu mạn khởi, v.v... thì phải điều phục tâm, chế ngự tâm để trở thành tự tại, tâm giải thoát. Được thế, thì trước bất cứ một hoàn cảnh nào cũng được tĩnh giác, tâm không bị chi phối. Đã thế, ta lại còn chủ động, biết sử dụng mọi phương tiện, mọi đối cảnh, để phục vụ những mục đích cao đẹp. Làm chủ được đời sống cả vật chất lẫn tinh thần là cách sống an lạc, tự tại giải thoát.

Hàng năm khi những ngày đông ảm đạm giá rét trôi qua, bầu trời lại được sưởi ấm và trên những cành cây trụi lá đã nẩy lộc đơm hoa, lòng người theo đó cũng hớn hở đón xuân với bao niềm ước vọng. Trong khung cảnh Minh niên đầy hân hoan, lòng người con Phật lại thành kính hướng về Tam Bảo để cầu nguyện.Trong đời sống không ai không khỏi bất an trước bao nỗi lo toan phiền muộn, nên cầu an là điều ai cũng đều mong ước. Người ta cầu nguyện bằng nhiều cách, tùy ở niềm tin và nhận thức.
 

Nếu ai chưa thấm nhuần Chánh pháp, thì họ đi khấn vái am này đền nọ, hoặc cúng sao giải hạn đầu năm. Người thấm nhuần Chánh pháp không cho lối cầu nguyện ấy là thích đáng, là lợi lạc viên mãn. Người Phật tử nghĩ rằng: Duy chỉ đem tâm thành kính thanh tịnh trang nghiêm trì tụng kinh chú trước ngôi Tam Bảo và vâng lời Phật dạy làm những việc ích mình lợi người, bố thí phóng sanh để cầu cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, thì sự cầu nguyện ấy mới đúng với Chánh pháp.

Sự an hay bất an được thể hiện ở trên hai lãnh vực là thân và tâm. Khi thân bị bệnh, bị đói khát, rét mướt, tai nạn, tật nguyền, bị tra tấn đánh đập v.v... đó là những bất an của thân. Khi tâm sầu muộn, bi ai, âu lo, sợ sệt, ân hận hay uất hận, giận hờn, bị các phiền não của tham, sân, si chi phối đó những mối bất an của tâm.

Ở đời cũng có những hạng người sống hời hợt, chỉ biết tìm cầu sự an lành ở thể chất qua sự đáp ứng cho những đòi hỏi như: ăn ngon, mặc đẹp, lắm của nhiều tiền, mong cho tai qua nạn khỏi, công thành danh toại, chứ ít khi nghĩ đến sự an lành cho tâm hồn, nên họ thường thản nhiên để cho tham tâm khởi, si tâm, kiêu căng, ngã mạn khởi. Kết quả họ là phải chuốc lấy nhiều phiền muộn, ray rứt ân hận đè nặng lên tâm thức hằng ngày, hằng giờ, từng phút, từng giây không bao giờ nguôi.

Trong mối tương quan tương duyên giữa thân và tâm quyện vào nhau thì những nỗi bất an hoặc sự an lành của thân và tâm khó mà trình bày một cách tách bạch. Hơn nữa, vấn đề cảm nhận còn tùy vào nhận thức và khả năng tu tập.Trình bày một cách giản lược, thì sự bất an và an lành được tác động trên hai lãnh vực là bên ngoài và chính tự trong ta.


Những cái bất an đau khổ từ bên ngoài đưa đến, đó là sự bất an của hoàn cảnh, như bị tai nạn, bị đánh đập, tai trời vạ người. Muốn tránh, ta phải có những hành động thích ứng để đem lại an lành. Nếu bị bất an do đói rét, ta phải tìm công ăn việc làm, phải cần mẫn, làm việc có phương pháp để đem lại cơm no áo ấm. Khi thân nhuốm bệnh, ta phải điều trị, uống thuốc, biết đi dưỡng và đề phòng.

Còn sự bất an chính tự trong ta là những sầu, bi, khổ, ưu, não. Muốn tránh những bất an ấy, ta phải trì tụng kinh chú, tức là trau giồi tâm ta bằng cách tu tâm dưỡng tánh, thực hành theo giáo lý của đức Phật dạy. Như đau khổ vì tham tâm, ta cố gắng tu pháp môn bố thí. Quán rõ thật tướng của vạn pháp là vô thường, khổ, vô ngã cho lòng tham lắng xuống. Khi sân làm ta đau khổ, thì phải tu pháp quán từ bi, tu pháp nhẫn nhục, để đập tan ngọn lửa sân hận đang hừng hực đốt cháy từ tâm của ta. Nếu đau khổ vì si mê tật đố, ta phải tu pháp quán nhân duyên, để nhận thức rõ ràng tất cả sự vật đều do nhân duyên giả hợp, là trống rỗng, là hư dối, chứ không phải là chắc chắn như ta tưởng. Khi đã quán rõ được các pháp như vậy, thì tự nhiên tâm bỉ thử, tật đố lắng xuống nhường chỗ cho một nhận thức rộng rãi hơn, sáng suốt hơn, không bị cái bỉ thử, tham lam chấp thủ làm điên đảo.
Giải trừ được sự tác động của tham, sân, si trong tâm, đó là cách cầu an làm cho tâm hồn nhẹ nhàng trong sáng.

Ngài Thần Quang đến cầu xin Tổ Bồ-đề-đạt-ma an tâm cho mình, cũng chính vì lẽ này.
Thần Quang là một cao tăng Trung Hoa, sau khi mệt nhọc lặn lội tìm đến gặp Tổ Bồ-đề-đạt-ma đang ngồi lặng nhìn vách tại chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, ân cần tha thiết van xin Tổ giải thoát nổi thống khổ ray rứt của lòng mình, nhưng Tổ vẫn yên lặng, lầm lì thản nhiên một cách tàn nhẫn. Thần Quang không nản chí, đứng suốt đêm giữa tuyết với đôi mắt long lanh, hoài vọng. Tổ cảm thấy động lòng, liền hỏi:
- Ngươi đến đây để cầu việc gì?
Thần Quang rưng rưng nước mắt vội thưa:
- Bạch Thầy, tâm con không an, xin Thầy an tâm cho.
- Người hãy đem tâm ngươi ra đây, ta an cho.
Thần Quang sửng sốt một hồi lâu, rồi thưa tiếp:
- Bạch Thầy, con kiếm tâm mà chẳng thấy đâu cả.
Tổ đáp:
Đó, ta đã an tâm cho người rồi đó (Vô môn quan).
Đây là một cách an tâm thâm thúy nhất trong muôn vàn cách an tâm mà đức Phật đã dạy, được ghi lại thành văn và không thành văn. Nếu ai có một tâm hồn tha thiết cầu an tâm và biết tiếp thu thấu đáo pháp an tâm của đức Phật thì chắc chắn cũng được an tâm như ngài Thần Quang.

Vậy vấn đề cầu an không phải chỉ một mực cầu an thân mà bỏ mất sự cầu an nơi tâm hồn. Nếu thân không có tâm thì đó là một đống thịt, một xác chết. Cho nên, thể xác được an lạc khi có sự cảm nhận ấy của tâm thức, và cấp độ an lạc cũng tùy thuộc vào sức mạnh của tâm thức. Như có người dù bệnh nhẹ, nhưng tâm hồn yếu đuối, khiếp nhược thì nỗi khổ đau của cơn bệnh sẽ tăng gấp bội. Và ngược lại, người bị bệnh nặng, nhưng với tâm thức bình tĩnh sáng suốt, có ý chí vững mạnh, không giải đải buông xuôi, thì nỗi khổ đau của cơn bệnh cũng được giảm thiểu. Với sức mạnh của tâm hồn, tức là tâm an lạc, có tác động làm vơi đi những khổ đau ở thân xác.

Ở đời thường có hai hạng người sống theo hai lối sống thái quá: - Có hạng chỉ chú trọng cưng dưỡng thân xác, tạo an lạc cho thân xác bằng sự thỏa mãn những ham muốn nhục dục. Lại có hạng quá khổ hạnh bằng sự tiết chế tất cả những nhu cầu tối thiểu và tự hành hạ thân xác. Đó chỉ là những lối sống không trung đạo, thiếu cân bằng mà ngày xưa đức Thế Tôn đã từ bỏ và cấm các đệ tử thực hành.
Trong bài pháp Tứ đế đầu tiên cho năm vị Tỷ-kheo, câu mở đầu Ngài dạy rằng:
Có hai thái cực cần phải tránh xa:
- Thái cực thứ nhất là sống xa hoa trụy lạc vật dục, đó là lối sống thấp hèn, không đưa đến giải thoát, cần phải tránh.
- Thái cực thứ hai là sống ép xác khổ hạnh, nhịn ăn nhịn mặc, chịu đói chịu rét, đứng giữa trời, nóng lạnh hành hạ, thì đó cũng là lối sống tà vạy không đưa đến giải thoát, cần phải tránh.

Đức Phật khuyên cần phải tránh xa hai lối sống ấy để tu hành mới đưa đến giải thoát. Như vậy Ngài không phủ nhận đời sống về thể xác, nhưng Ngài cũng không tán dương cái lối sống tham đắm vật chất, chỉ biết chú trọng đến thân mà không chú trọng đến tâm. Lời dạy của đức Phật nhắc nhở cho tất cả ai muốn đi trên con đường an lạc, thì trước nhất phải có lối sống quân bình, chứ không phải bỏ ăn, bỏ làm, ghét bỏ của cải hoặc phung phí của cải, nhưng phải biết sống không say mê vật chất, không say mê theo đời sống dục lạc, xa hoa, không tìm hạnh phúc, không chôn vùi cuộc đời vào cần sa thuốc phiện, chén rượu sòng bạc. Đức Phật đã bỏ quốc thành, thê tử đi xuất gia là dạy cho chúng ta bài học đó. Nhiều tiền chưa hẳn có hạnh phúc, chức trọng quyền cao chưa chắc có hạnh phúc. Các yếu tố vật chất chỉ là những phần phụ thuộc, còn cái hạnh phúc chân thật bao giờ cũng chính là trong lòng chúng ta.

Khi lòng ta khởi tham lam do bị tiền của chi phối, bị quyền lợi danh vọng chi phối, thì tấm lòng của ta trở nên hẹp hòi ích kỷ, khi đã ích kỷ thì nó không thể trải rộng để hứng lấy những hạnh phúc cao thượng, chân thật được. Bởi vậy, trên bước đường tu tập cầu giải thoát an lạc, người Phật tử phải chú trọng tu tập cả hai mặt thể xác lẫn tâm hồn. Với thể xác luôn luôn phải biết tri túc, cần có cơm đủ no, mặc đủ ấm, cần đủ những tiện nghi tối thiểu mà không nên hưởng thụ tham đắm vật chất tức là phải sống quân bình không để rơi vào hai thái cực như Phật đã dạy. - Với tinh thần, phải giữ cho tâm hồn luôn luôn được trong sáng, được rộng rãi. Người Phật tử càng biết mở rộng từ bi tâm, càng diệt trừ được chấp thủ, tham ái thì càng có hạnh phúc chân thật. Khi tâm hồn không trong sáng nhiều tham đắm thì dù ở trên vàng trên bạc họ vẫn không cho là đủ, vì còn mong cầu là còn khổ. Hạnh phúc chỉ đến với những tâm hồn biết tiết chế, có đạo đức cao cả, có tu tập theo giáo pháp đức Phật, sống trong sáng, hướng thiện, sống vô tham, biết đủ như trong kinh Di Giáo đã dạy: "Người nhiều ham muốn, nhiều tham cầu lợi dưỡng nên khổ não cũng nhiều. Người biết đủ tuy nằm dưới đất mà vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ, dù ở thiên đường vẫn không vừa ý".

Chúng ta nhìn lên gương chư Tổ đức, quý ngài có đời sống vật chất rất đơn sơ, đạm bạc, thế mà tâm hồn quý ngài rất tự tại, rất khoan khoái, rất an nhiên vui vẻ. Không hề thoáng những nét cau có, giận hờn hoặc buồn rầu. Vì sao như vậy? Bởi vì tâm hồn của quý ngài đã lướt trên tất cả những tầm thường của đời sống thế gian, đời sống của tham lam ích kỷ. Quý ngài đã làm chủ được tâm, điều phục được tâm, để tâm không bị chi phối bởi ngoại cảnh, bởi tham, sân, si, nên đối trước hoàn cảnh nào quý ngài vẫn tự tại an vui. Đúng là "Tâm bình thế giới bình, tâm xuân vũ trụ xuân".
Cho nên Phật đã dạy: "Tự tại với tâm, tự tại với pháp". Thường chúng ta chỉ đi tìm sự an bình trong thế giới hiện tượng, tìm nguồn vui trong vũ trụ vật chất luôn chuyển biến vô thường, nên chúng ta chỉ nắm bắt được những bào ảnh an lạc. Và chính cái lạc ấy lại là nhân của cái khổ, nhân quả quả nhân, mãi vận hành, trong quá trình sinh tử.
Có một hôm, đức Thế Tôn ngồi một mình trên đám cỏ, một người đi qua thấy vậy liền hỏi:
- Sa-môn Cù-đàm có sầu muộn hay sao mà ngồi một mình cô độc thế?
Đức Phật trả lời:
- Ta mất gì mà Ta sầu muộn?
Ông ta lại hỏi:
- Nếu không sầu muộn thì chắc là Ngài hoan hỷ, mà hoan hỷ thì sao lại ngồi cô độc một mình?
Ngài lại trả lời:
- Ta được gì mà Ta hoan hỷ?
Người đó ngạc nhiên hỏi lại:
- Không sầu muộn thì hoan hỷ, không hoan hỷ thì sầu muộn. Ngài không hoan hỷ, không sầu muộn là nghĩa làm sao?
Ngài trả lời rằng:
-Hoan hỷ chỉ đến với người có tâm sầu muộn, sầu muộn chỉ đến với người có tâm hoan hỷ. Ta đã dứt bỏ nguồn gốc của sầu muộn rồi, cho nên Ta không sầu muộn, cũng không hoan hỷ. Tâm ta không dao động.

Qua lời dạy ngắn gọn, nhưng hàm chứa một ý nghĩa thâm sâu vô cùng, giúp ta soi rọi vào thực tế cuộc đời để thấy rằng: hoan hỷ là điều người đời mong muốn, và chỉ đạt sự mong muốn qua sự nắm bắt, chấp thủ, như mong cho được trúng số độc đắc, mong sự ước muốn tìm cầu của cải vật chất, như vậy thì cái hoan hỷ đó là những hoan hỷ đi đến với người có tâm thiếu thốn và sầu muộn, và sau hoan hỷ đó chắc chắn là những sầu muộn âu lo của mất mát. Như người vừa trúng số thì sung sướng vô cùng nhưng liền sau đó không khỏi lo sợ bà con biết sẽ đến xin, đến mượn, hoặc bị mất, hoặc bị cháu con tranh giành làm mất hòa khí gia đình. Nếu cố giấu không cho ai biết thì cũng phập phồng sợ người ta biết.
Tham cầu là một nỗi khổ, khi thành đạt là một sự hoan hỷ, rồi mất mát lại là một nỗi khổ. Sầu muộn rồi hoan hỷ, hoan hỷ rồi sầu muộn cứ nối đuôi nhau mãi.

Có người đang cồn cào vì cơn đói, đang khổ vì đói, nếu ai đem cho ổ bánh mì thì họ rất sung sướng, rất hoan hỷ. Thế là hoan hỷ đi đến với người có tâm sầu muộn.
Có người trong ngày Tết mặc chiếc áo đẹp, đang hoan hỷ trong chiếc áo đẹp, bỗng bị một kẻ tinh nghịch ném pháo làm áo bị rách, loang lỗ làm người ấy tức tối, sầu muộn, như vậy là sầu muộn đi đôi với người có tâm hồn hoan hỷ.
Cuộc đời chúng ta cứ mãi diễn đi diễn lại, hoan hỷ rồi sầu muộn; sầu muộn rồi hoan hỷ. Ngày qua tháng lại. Suốt cả cuộc đời mãi loanh quanh ở trong cái vòng, cái tâm lượng của chúng sanh phân biệt, so đo nhơn ngã mà có như thế.

Đức Phật, Ngài đã dứt hết nguồn gốc chấp thủ, tức là diệt hết nguồn gốc của khổ đau. Ngài luôn hoan hỷ, một sự hoan hỷ không tạo nên bằng tiền tài danh vọng, chức quyền mà là một sự hoan hỷ đã dứt sạch nguồn gốc khổ đau, tức dứt sạch vô minh, tham ái, chấp thủ. Bởi vậy, Ngài dạy: "Ta không hoan hỷ cũng không sầu muộn". Nhưng chính cái không hoan hỷ không sầu muộn trong đối đãi ấy, mới là một sự hoan hỷ không thể diễn đạt bằng cái quan niệm so sánh, bỉ thử của nhị nguyên, của người trúng số đầy mong cầu và tham đắm.
Cái hoan hỷ của đức Phật được tạo nên bằng trí giác ngộ, bằng tâm từ bi, lòng hỷ xả, đó là sự hoan hỷ vi diệu, vĩnh cửu. Một sự hoan hỷ phát xuất từ nội tâm của một người tu tập đã tự tại với nguồn tâm. Đó là sự hoan hỷ không bị ai cướp mất vì không phải giành của ai mà có được, nhưng lại ban bố cho tất cả.

Cho nên, hễ học Phật, chúng ta cố gắng xây dựng niềm hoan hỷ, an lạc bằng những công phu tu tập, trưởng dưỡng từ bi, khơi sáng nguồn tri giác, thì sự hoan hỷ an lạc đó đằng sau không nhuốm bóng dáng sầu muộn, sợ hãi.
Người có tu tập là người hiểu biết tâm, khi tham tâm khởi, sân tâm khởi, tâm kiêu mạn khởi, v.v... thì phải điều phục tâm, chế ngự tâm để trở thành tự tại, tâm giải thoát. Được thế, thì trước bất cứ một hoàn cảnh nào cũng được tĩnh giác, tâm không bị chi phối. Đã thế, ta lại còn chủ động, biết sử dụng mọi phương tiện, mọi đối cảnh, để phục vụ những mục đích cao đẹp. Làm chủ được đời sống cả vật chất lẫn tinh thần là cách sống an lạc, tự tại giải thoát.

Là người Phật tử còn sống trong tương quan giữa cuộc đời, chúng ta cần phải có tiền, cần có cơm ăn, áo mặc, cần có mọi tiện nghi cần thiết trong cuộc sống. Song cũng phải cần có từ bi hỷ xả, cần có trí tuệ, có bố thí, trì giới v.v...
Thực hiện lời Phật dạy để xây dựng bản thân và xã hội tốt đẹp là cách cầu an đầu năm thiết thực nhất, đem lại an lạc cho nhiều đời, hiện tại cũng như tương lai.
Chúng ta tụng kinh, lạy Phật cũng chỉ với mục đích trưởng dưỡng thiện tâm và tiến dần đến giải thoát tâm vậy.



TU MÀ KHÔNG HỌC LÀ TU MÙ
TẬP SAN TỪ BI TRÍ TUỆ SỐ 30
http://phtq-canada.blogspot.ca/2015/11/tap-san-tu-bi-tri-tue-phtq30-tet-nguyen.html
NGUỒN GỐC ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
GIẢI THOÁT TRONG PHẬT GIÁO
CHUYỆN BÀ LÃO CÚNG ĐÈN THỜI ĐỨC PHẬT
ĐỨC PHẬT LÀ VÔ THƯỢNG Y VƯƠNG
LÒNG BIẾT ƠN MANG LẠI HẠNH PHÚC
ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
NHÂN NÀO QUẢ NẤY (CTLĐ 3)