Tuesday, February 21, 2012

*** MƯỜI DANH HIỆU ĐỨC PHẬT THÍCH CA







**1. NHƯ LAI: 
Bậc thành đạo, Phật tánh chân như, Niết Bàn thường trụ, bất biến. Như lai là thật tướng vi diệu, không có đi cũng không có đến.

**2. ỨNG CÚNG: 

Bậc phước điền và trí tuệ đầy đủ được thọ lãnh sự cúng dường. Mọi hương hoa, anh lạc, tràng phan, thất bảo cúng dường đều được hưởng phước báo.

**3. CHÁNH BIẾN TRI: 

Bậc chánh trí và thể tánh sáng suốt, giác ngộ hoàn toàn. Hiểu biết rõ sự biến đổi mọi sự vật trong trời đất một cách đúng đắn và chân thật.

**4. MINH HẠNH TÚC: 

Bậc đức hạnh viên mãn, thiện nghiệp hoàn toàn và đầy đủ. Chứng đạt tam minh lục thông, thấu triệt chân lý nguyên nhân các duyên sanh diệt.

**5. THIỆN THỆ: 

Bậc hoàn thiện tất cả mọi việc lành, hạnh nguyện tế độ đã rốt ráo đến nơi. Chấm dứt những duyên nghiệp, không còn luân hồi nữa.

**6. THẾ GIAN GIẢI: 

Đấng hiểu biết sự lý viên dung và thấy rõ ràng mọi chuyện ở thế gian. Từ loài hữu tình đến vô tình đều rõ suốt thấu đáo.

**7. VÔ THƯỢNG SĨ, ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU: 

Bậc cao tột, có thể chế ngự và đối trị mọi nhân duyên trong pháp giới, giáo hóa điều phục đến giác ngộ và giải thoát.

**8. THIÊN NHƠN SƯ:

Bậc Thầy của cõi trời và người, chỉ dạy con đường tu phước đức và tu trí tuệ để thoát khỏi đau khổ sanh tử luân hồi.

**9. PHẬT:  

Phật là thể tánh thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt. Bậc giác ngộ hoàn toàn, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Phúc Tuệ lưỡng toàn.

**10. THẾ TÔN: 

Bậc đức hạnh vẹn toàn muôn loài đều tôn kính. Thế tôn còn có tướng lành cao quí, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp, người trời đều cung kính. 

LOTUS LANTERN   
      
PHẬT VÀ TÂM


Cái Tâm muôn pháp là Tâm Phật

Tâm là Phật, Phật Tâm là một

Lẽ ấy như nhiên khắp cổ kim

Xuân đến tự nhiên hoa xuân nở

Cũng không tội, cũng không có phước

Cũng không được, cũng không gì mất

Phàm thánh trời người như điện chớp

Tâm thể không thị cũng không phi

Đi cũng thiền, ngồi cũng là thiền

Trong lò lửa rực, một hoa sen

Bọt trong bể cả, nổi khi chìm

Cái hạnh vô thường tất cả không

Tỉnh thức tỉnh thức, chớ ngủ mê

Phật thánh nơi tâm thường hiển hiện.



Cá và Sóng

Dòng tư tưởng trong tâm ta, niệm niệm sinh khởi bất tuyệt như sóng trào, chẳng cách chi dừng lặng. Chỉ khi niệm ngừng sinh khởi, cõi yên bình trong tâm ta mới hiển lộ, và ta hưởng được cảm giác tĩnh lặng, an nhiên, giống như con cá nhỏ lặn xuống biển sâu tận hưởng niềm an tĩnh.
Một con cá nhỏ bơi lội tung tăng, thả nổi và ngoi lên mặt nước ngắm bầu trời xanh. 

Một lượn sóng ùa tới, nó đùa giỡn ngụp lặn với sóng và nhìn sóng cuồn cuộn tiến vào bờ, thích thú hỏi:

- Cuộc sống hàng ngày của anh luôn vui nhộn, náo nhiệt như thế hả?

Sóng đáp:

- Không phải mỗi ngày mà mỗi khắc đều lăn tăn, náo động không ngừng! Có khi còn dữ dội hơn bây giờ. Chỉ cần giông to gió lớn, lúc ấy tôi như bay bổng, cuồn cuộn dâng cao, mạnh mẽ vũ bão khó mà tả cho hết!

- Chà! Oai nhỉ? Ước gì tôi được hóa thành sóng để mỗi ngày nương theo mưa gió, hào hùng lướt trên triều lưu chắc tuyệt lắm?

 – Cá thèm thuồng ước ao.

Cá nô đùa trên sóng chẳng mấy chốc đã thấm mệt. Nó bảo bạn:

- Sóng này! Tôi nhớ đến đáy biển yên bình rồi, anh có muốn cùng tôi xuống đó chơi không?

Sóng chưa kịp đáp thì một cơn sóng to khác đã hung hãn ập tới, đẩy nó đi xa. Con cá nhỏ đành lặn xuống đáy biển một mình, lim dim mắt nghỉ ngơi.

Ngày ngày, cá đều trồi lên mặt biển nô đùa với sóng. Lần nào nó cũng khẩn khoản mời sóng xuống đáy biển chơi, nhưng cứ gặp cảnh sóng chưa kịp trả lời thì đã bị xô dạt xa tít.

Ngày nọ, cá dặn lòng nhất định phải mời sóng cho bằng được, nên vừa gặp sóng nó nói ngay:
- Anh hãy xuống thám thính cho biết đáy biển yên tĩnh và chơi đùa cùng tôi nhé?

Nói xong, cá te te kéo sóng đi nhưng nó lại bị sóng cuốn đến một vùng xa tít.
Sóng đành thú nhận với cá:

- Thật lòng tôi cũng muốn xuống đáy biển với anh. Nhưng quả là không được. Sóng chỉ có thể lướt đi trên mặt biển, hễ xuống đáy sâu là chết ngay. Hơn nữa loài sóng chúng tôi không được tự do làm theo ý mình, luôn bị làn sóng phía sau xô đẩy chạy tới trước mãi. Hễ gặp gió nổi lên thì chạy mệt bứt hơi, mà triều lưu biến động thì toàn thân đảo lộn, nhồi vật ngất ngư. Thiệt tình tôi chỉ mơ được làm con cá nhỏ như anh, lặn xuống đáy biển yên bình, nghỉ ngơi…

Sóng chưa nói dứt câu thì đã bị một cơn sóng lớn đẩy bắn lên cao mấy thước. Cá sợ quá, không dám nán lại thêm phút giây nào, lặn tuốt xuống đáy biển náu thân và nghĩ thầm:

Cuộc đời như sóng thiệt tội nghiệp! Chẳng có lấy một khoảnh khắc bình an, cũng không được tự do quyết định, đâu sướng bằng một con cá nhỏ như ta!

(Theo Truyện ngụ ngôn của Lâm Thanh Huyền)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ
Dòng tư tưởng trong tâm ta, niệm niệm sinh khởi bất tuyệt như sóng trào, chẳng cách chi dừng lặng. Chỉ khi niệm ngừng sinh khởi, cõi yên bình trong tâm ta mới hiển lộ, và ta hưởng được cảm giác tĩnh lặng, an nhiên, giống như con cá nhỏ lặn xuống biển sâu tận hưởng niềm an tĩnh.
Tâm con người giống như những đợt sóng cuồn cuộn. 

Các kinh điển, giáo pháp luôn nhắc ta hàng phục tâm, đừng để dòng thác nghĩ tưởng lôi cuốn mê hoặc, làm ta mất tự chủ. Niệm khởi dù sôi động, vui nhộn nhưng chỉ là lớp mặt nổi, biến hóa liên miên, sinh rồi diệt tiếp nối nhau thành dòng. Theo nó, ta chẳng thể an thân và chẳng có được một khoảnh khắc bình yên. Trong cuộc sống, có nếm qua kinh nghiệm nội tâm tĩnh lặng mới biết được mùi vị an bình, có từng bị khổ nhồi vật ngất ngư, mới biết quý và trân trọng hạnh phúc tĩnh lặng.

Nếu như ta dành nhiều thời gian tĩnh tâm, quán sát và theo dõi dòng tâm thức diễn hành mà không đồng hóa hay để chúng nhấn chìm, ta sẽ hưởng được mùi vị an lạc, giản dị, thanh bình và tự do. Chỉ khi tâm bình an ta mới có nhận định tinh tế, sáng suốt và bao dung. Đây chính là chỗ mà Thiền tông nói: Cao cao sơn đỉnh lập, thâm thâm hải để hành” là vậy.

 Hạnh Đoan

HỎI ĐẠO

 -  Sư tỷ à! Tiểu muội hỏi đạo nha! 
  Tại sao con người ai cũng phải già, rồi cũng phải chết vậy.
-  Vô thường!
-   Nhưng mà Tiểu muội thì lại không muốn già, cũng không muốn chết.
-  Vô ngã!
-   Cái gì là “vô thường rồi vô ngã” Tiểu muội không hiểu gì hết?
-   Vô minh!
 -  Tiểu muội giận à nghen! Thôi không học, không hỏi cũng không muốn tu nữa!!!
-   Vô duyên!
-   Hả?!!
-   Ý của Sư tỷ là, cái gì Tiểu muội cũng không muốn, thì vô duyên với đạo đó mà.

CHIẾC LÁ KHOAI 

-  Hồi nảy giờ cô giảng cho con nghe nhiều lắm, con còn nhớ gì không?
Con có thể nhắc lại một vài điều mà con nhớ được không?

-  Thưa cô, tâm con như chiếc lá khoai, đổ bao nhiêu nước, ra ngoài bấy nhiêu!!

-  Trời!!

LÀM ĐẸP

-  Chị hai có thấy em của chị đẹp hơn những người bạn của em không vậy?

-  Đẹp! nhưng đẹp hay không quan trọng là đẹp nết ở bên trong.

-  Ở bên trong đâu có ai thấy được, trong khi đẹp ở ngoài thì so sánh là thấy liền!

BBT LOTUS LANTERN 


Mời xem bài viết *TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU* theo link:


Wednesday, February 15, 2012

***ĐỪNG LẠM DỤNG HAI CHỮ "PHƯƠNG TIỆN"!

TÁC GIẢ: HOÀNG ĐỘ
TVĐĐ - 02/14/2012 

Nhìn cảnh tượng người ta chen lấn, giẫm đạp nhau để vào chùa làm lễ “dâng sao giải hạn” ở chùa Phúc Khánh (Hà Nội) tối 14 tháng Giêng vừa rồi và những cảnh chen lấn ở các lễ hội mà không khỏi ngao ngán!
"Dâng sao giải hạn" xâm thực vào một số chùa chiền!!

Cầu an đầu năm cho bản thân và gia đình là nhu cầu tâm linh chính đáng, cần tôn trọng, nhất là trong xã hội hiện nay. Cuộc sống vốn không có gì chắc chắn lại chồng chất thêm nhiều sự lo lắng vì đời sống kinh tế quá bấp bênh, con người càng ngày càng có nhiều nỗi lo sợ hơn. Để yên tâm, và theo niềm tin “lan truyền” từ người này qua người khác, từ đời này sang đời sau, người ta tìm đến các chùa để làm lễ cầu an, dâng sao giải hạn…

Cũng chưa bao giờ một số chùa lại lạm dụng giáo lý “tùy thuận chúng sinh” như hiện nay. Trước nhiều phản ánh của dư luận, những thắc mắc của bạn đọc là Phật tử, phóng viên Giác Ngộ đã thực tế nhiều chùa cả ba miền Bắc, Trung, Nam và nhận thấy điều đáng buồn là một số chùa đã bày biện việc tổ chức lễ “dâng sao giải hạn” (vốn không phù hợp với giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo mà Đức Phật đã dạy) một cách công khai bằng các bảng niêm yết “cách tính sao”, “thời khóa các lễ dâng sao giải hạn”… Một số phản ánh cho biết các hoạt động này có thu phí dưới dạng “phiếu công đức”.

Tùy duyên để thức tỉnh con người theo tinh thần từ bi và trí tuệ là điều đúng. Nhưng “phương tiện” đến mức làm cho nhiều người rơi vào “thiên la địa võng” của thế giới mệnh danh là “tâm linh” mơ mơ hồ hồ, hiểu sai về Phật giáo thì đó là sự lạm dụng giáo lý này một cách thái quá.

Báo chí đã phản ánh sự ta thán của nhiều người. “Giải hạn” nhưng nạn vẫn cứ đến, nửa tin nửa ngờ vào những điều mà mình không thể nhận thức, biết được. Nhưng không đi “dâng sao giải hạn” thì lòng cảm thấy… không an! Để có được một cảm giác “bình an” cho bản thân và gia đình mình như thế, nên người ta sẵn sàng xô đẩy, chen lấn, nhịn đói, chịu rét để tranh một chỗ ngồi ở nơi mà người ta cũng nghe “đồn” là… thiêng liêng!

Hàng ngàn lượt người đã đến đăng ký như thể cảnh tượng mua bán bên ngoài thế tục, không một lời dẫn giải khuyến tấn sự ý thức trách nhiệm với suy nghĩ, lời nói và hành vi của mỗi cá nhân, làm việc phước đức, cải thiện nghiệp xấu, hướng đến nhân cách tương đối giữa đời sống này. “Dâng sao giải hạn”, cuối cùng cũng chỉ là cầu sự bình an. Đó là nhu cầu có thật (nếu không muốn nói là rất nhiều) nhưng nhà chùa không thể đáp ứng tâm lý ấy bằng cách “phương tiện” một chiều như thế.

Giá mà các chùa “phương tiện” số đông với nhu cầu cầu an kiểu đó, tổ chức các buổi thuyết giảng, phần nào thức tỉnh con người, hướng dẫn họ dần dần có nhận thức đúng hơn, phù hợp với quan điểm Phật giáo, gần gũi với đức tin theo Chánh pháp và đời sống hiện đại. Đồng thời qua đó, hướng dẫn con người điều chỉnh hành vi, có những ứng xử phù hợp nơi chốn tôn nghiêm cũng như trong đời sống hàng ngày bằng các tài liệu Phật pháp nhỏ, dễ đọc, dễ hiểu…

Được biết, đây không phải là điều mới mẻ, mà đã được thực hiện từ lâu, từ thời kỳ chấn hưng Phật giáo, đặc biệt là qua các bậc danh tăng ở miền Bắc như các ngài Tố Liên, Trí Hải, Thiều Chửu ở những năm giữa thế kỷ XX… Và đây cũng không phải là điều “hão huyền” ở hiện tại, vì một số chùa đã kiên nhẫn thực hiện, bước đầu đã có dấu hiệu rất tốt, điều chỉnh hành vi do bắt chước của người dân đến chùa lễ Phật, cầu nguyện, đặc biệt là trong các ngày trọng lễ như Tết, rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy.

Xin hãy vận dụng đúng nghĩa thâm diệu của giáo lý “phương tiện”, và xin đừng lạm dụng hai chữ này!


Kính mời quí vị xem bài viết cùng chủ đề:

DÂNG SỚ CẦU AN CÚNG SAO GIẢI HẠN THEO LINK;


 
PHƯỚC BÁU CỦA NGƯỜI HỌC ĐƯỢC CHÁNH PHÁP


Hôm nay chúng ta, ngoài sự may mắn được làm người, lại còn được may mắn hơn vô số người khác, gặp được giáo pháp của PHẬT. Vậy hãy có quyết tâm, ngay trong kiếp này, phải học và phải đắc cho được CHÁNH PHÁP, đừng để chết đi rồi trầm luân ngụp lặn thêm một lần nào nữa. Cũng cố gắng học đúng CHÁNH PHÁP của PHẬT. Đừng phung phí hết cả cuộc đời tu theo những TÀ PHÁP hoặc những pháp tu MÙ MỜ, không giúp bạn thấy được NIẾT BÀN ngay trong kiếp này. 
 

Bạn mến:
1.* Bạn nghĩ thế nào về trường hợp của 2 người chạy xe: Một người chạy xe không thắng (brake), và một người chạy xe có thắng. Người nào sẽ bị đau khổ vì tai nạn? Người nào có khả năng chạy nhanh hơn? Bạn có hiểu ý tôi muốn nói gì không? Đời không có Đạo cũng như người chạy xe không thắng, chắc chắn sẽ bị đau khổ. Đời có Đạo như người chạy xe có thắng, dầu hưởng thụ nhiều cũng khó bị khổ đau. Các bạn đang say sưa xây đắp cuộc đời thường có thành kiến thấy Đạo như là một cái gì ngăn cản những thú vị của Đời. Nhưng bạn đâu có biết rằng Đạo cũng như cái Thắng xe, Thắng là để ngăn cản sự chạy. Nhưng nhờ có Thắng bạn mới dám Chạy Nhanh.

2.* Bạn nghĩ thế nào về trường hợp của một người vì quá hớn hở cho một cuộc đi chơi xa mà không kiên nhẫn nghe những lời dặn dò về những khó khăn trên con đường đi, những sửa soạn cần thiết cho những bất thường có thể xảy ra của thời tiết. Người hăm hở sống, không muốn bỏ thì giờ học Đạo cũng như vậy đó! Mặc dầu Đạo nói nhiều điều không vui về Đời, nhưng để sửa soạn cho bạn đầy đủ khả năng đối phó và sẽ không than thở về những bất thường có thể xảy ra.

3.* Bạn nghĩ thế nào khi một người đang nghèo túng, trúng được số độc đắc. Hạnh phúc biết mấy phải không! Người gặp được Chánh Pháp còn có Phước báu nhiều hơn thế. Vì hạnh phúc do Tiền Của mang lại có lúc cũng mất (ta không mất nó thì nó cũng mất ta, khi ta chết) rồi chỉ thêm đau khổ vì tiếc nuối; Trái lại hạnh phúc do Chánh Pháp thì vô điều kiện, trong hoàn cảnh nào vẫn thấy an vui, đời này qua đời khác. Chính vì vậy mà nhiều vị vua chúa, có trí tuệ, kể cả Đức Phật, đã đánh đổi cả cung vàng điện ngọc để đi tìm Chánh Pháp, Đạo Hết Khổ.

4.* Bạn nghĩ thế nào khi một người bị bệnh kinh niên, hoặc bị ung thư, bỗng nhiên tìm được thuốc, chữa lành hết bệnh. Rất vui mừng và may mắn phải không! Người tìm được Chánh Pháp còn may mắn hơn thế. Vì Chánh Pháp còn có khả năng chữa hết mọi bệnh KHỔ triền miên từ đời này qua đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác.


 Bạn mến! 
Có phải nắng vừa lên sáng nay mà bây giờ nắng chiều sắp tắt rồi không? Một ngày đi qua như một chớp mắt và cuộc đời cũng đi nhanh như thế. Tiếng hát ai kia, mới ngày nào còn đầy mộng mơ mà bây giờ đầu đã bạc. Bạn còn muốn làm giàu thêm bao nhiêu năm nữa để bạn có thể thành triệu phú? Tiền của nào có thể đi theo bạn, khi bạn lìa đời? Những vinh hiển thế gian rồi cũng chỉ để mất mát trong đau khổ, tiếc nuối, làm cho tâm thức u tối dễ đi vào đọa xứ mà thôi. 

Các bậc Trí Tuệ như Đức Phật vì đã thấy trước như vậy nên dễ dàng từ bỏ cung vàng điện ngọc để đi tìm con đường giải thoát cho chúng sanh. Người con Phật há không đủ trí tuệ bỏ được chút ít thì giờ của cuộc đời phiền não, để học Phật hay sao? Dầu bạn xả thân sống hết cho Đời, chắc chắn Đời vẫn phũ phàng làm khổ bạn. Bản chất của nó là giấc mơ! Dầu bạn chưa tin như thế, nhưng chắc chắn bạn sẽ tin, trong hơi thở cuối cùng. Bao nhiêu công sức miệt mài, bây giờ còn nắm giữ được gì, mang theo được gì trong sự ra đi bơ vơ và vô định. Giờ phút này bạn sẽ bối rối vô cùng nếu bạn không có Chánh Pháp để hộ thân.

Chánh Pháp như một người mẹ hiền, luôn luôn che chở, an ủi bạn trong những lúc buồn khổ. Nếu hiện tại, bạn đang ở trong hoàn cảnh kém vui, thì đây cũng là dịp may mắn để bạn tìm về Chánh Pháp, chấn chỉnh lại Phước Trí cho đời này và đời sau. Phước Đức và Trí Tuệ, là vốn liếng duy nhất mà bạn có thể đem theo sau khi chết, để tạo dựng cuộc đời mới, bảo đảm hạnh phúc, trong kiếp tới. Cho nên nếu phát tâm học Đạo thì không những kiếp này bạn được vui, mà kiếp sau bạn cũng được vui.

Hỡi những ai thiết tha đi tìm Chân Lý! Phật tử hoặc không phải Phật tử, thân người khó được, Chánh Pháp khó gặp. Ngày mai chết đi, ta lại hòa nhập với các sinh linh trùng trùng điệp điệp trong vũ trụ, biết đến chừng nào mới lại được làm người trở lại! Nếu chết đi mà có thể được làm người trở lại một cách dễ dàng thì có lẽ ta đã đắc đạo giải thoát từ lâu rồi. Thế nhưng từ vô thủy cho đến giờ, tại sao ta vẫn chưa được giải thoát? Tại vì thân người mỗi khi đã mất đi rồi, khó được làm người trở lại lắm bạn ạ (xem Tương Ưng bộ kinh).

Khoa học ngày nay cũng đã chứng minh điều đó. Hẳn bạn cũng biết rằng ánh sáng mỗi giây đồng hồ đi được 300000 km. Thế mà các nhà thiên văn đã nhìn ra xa ngoài vũ trụ bao la, đến tận các hành tinh cách đây nhiều tỉ năm ánh sáng vẫn chưa tìm thấy được một xã hội loài người khác. Trong khi đó chúng ta ra vườn cuốc lên một chút đất, thì đã thấy lúc nhúc vô số chúng sanh khác. Rõ ràng số chúng sanh thấp kém thì vô số lượng, mà số chúng sanh được làm người thì vô cùng nhỏ nhoi. Như vậy, sinh được làm người thật vô cùng đại Phước phải không bạn?

Hôm nay chúng ta, ngoài sự may mắn được làm người, lại còn được may mắn hơn vô số người khác, gặp được giáo pháp của PHẬT. Vậy hãy có quyết tâm, ngay trong kiếp này, phải học và phải đắc cho được CHÁNH PHÁP, đừng để chết đi rồi trầm luân ngụp lặn thêm một lần nào nữa. Cũng cố gắng học đúng CHÁNH PHÁP của PHẬT. Đừng phung phí hết cả cuộc đời tu theo những TÀ PHÁP hoặc những pháp tu MÙ MỜ, không giúp bạn thấy được NIẾT BÀN ngay trong kiếp này. 

Thân ái. Hoavouu.com

 Kính mời quí vị xem bài viết "Đi Chùa Đúng Chánh Pháp" theo link



Saturday, February 11, 2012

***XUÂN CÙNG VỚI HOA THỦY TIÊN







HOA THỦY TIÊN


Chân Y Nghiêm

Này em ơi, nhìn kìa
Một bông hoa Thủy Tiên
Hai bông hoa Thủy Tiên
Ba bông hoa Thủy Tiên
Hàng ngàn,
hàng vạn bông hoa Thủy Tiên
nhô lên từ mặt đất
như những vị Bồ Tát,
mang tình thương vào đời
bằng những nụ cười
chào đón  mùa Xuân.
**
Này em ơi,, nhìn  kìa !
Trong đóa hoa vàng tươi
Có vạn hạt sương rơi
Trong tháp ngà Đa Bảo
Muôn trái tim Bồ Tát
Mắt Bụt ngời sáng soi.
**
Này em bé thơ ơi, nhìn  kìa !
Trong ánh nắng ban mai
Muôn cánh hoa xinh tươi
Như bàn tay Bồ Tát
Mang tình thương vào đời
Làm vơi bớt khổ đau
**
Nhìn  kìa Em !
Bình minh đang lên
Trời Phương Đông rạng rỡ
Tươi sáng ngàn cây cỏ
Muôn đóa hoa tươi cười
Chim hát ca vang trời
Mang tin yêu vào đời
Làm sống dậy Mùa Xuân


XUÂN

Ngàn hoa nở dại bên đường

Nghĩ gì một chút lạ thường cỏ cây

Xuân về én liệng cung mây

Tiếng chim chóc gọi vương đầy khóm hoa

Muôn sau mây gió đi qua

Tiết xuân quyện lẫn chiều tà nên duyên

Thẫn thơ tiếng động cung huyền

Ngẩn ngơ hoa gọi trên miền tuyết thơm

Sưởi lên đôi cánh hoa mềm

Bướm vàng ẩn hiện trước thềm xuân sang

Tảo thanh khói bụi mơ màng

Đất gầy guộc thở mây đàng hoàng trôi.

Xuân là hơi thở trong tôi

Là muôn trẻ dại trên đời đáng yêu

Xa đi ý tưởng hoang liêu

Nằm nghe tục lụy tiêu diêu cõi ngoài

Hồng trần chẳng khác thiên thai

Chim muông cũng giống nhân loài đó thôi

Lối chung ở giữa đất trời

Trăm năm cũng muốn đón mời tiết xuân

Thông Triêm


ĐÓN XUÂN

Nhớ độ Xuân về trên xứ tôi
 
Hồng đào he hé nụ hoa đầu

Mai vàng mim mỉm cười trong gió

Nêu dựng chòi cao nếp thành xôi

Nhẩm đọc mấy hàng câu đối đỏ

Đồ ông gác cọ vuốt hàm râu

Cành mềm buông tỏa bên lều nhỏ

Nườm nượp người ta nhóm chợ xuân

Xác pháo giao thừa reo dưới nắng

Áo màu dù lọng rộn mây giăng

Trẻ già nô nức mừng năm mới

Chúc tụng cho nhau phước thọ tăng

Xuân này lưu lạc cõi trời xa

Chạnh lòng thương tưởng đến quê nhà

Ngoài kia cơn lạnh còn ray rứt

Viễn xứ nghe hồn xuân tái tê!

 ***
Kính mời quí vị xem bài viết theo link:

XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU

Monday, February 6, 2012

***DÂNG SỚ CẦU AN - CÚNG SAO GIẢI HẠN


Dâng sớ cầu an & Cúng sao giải hạn
Thích-Chân-Tuệ
Cơ-sở Phật-học Tịnh-Quang Canada
 **
Dâng sớ cầu an 
Tiền mất tật mang
Cúng sao giải hạn
Tai nạn vẫn tới

Thiền môn chân chánh
Dạy người thực hành
Tu tâm dưỡng tánh
Theo bát chánh đạo

Việc ác không làm
Nên làm việc thiện
Giữ tâm thanh tịnh
Như chư Phật dạy

Trong đời sống này, dù đông hay tây, Việt Tàu Phi Ấn, Anh Pháp Mỹ Nga, hễ là người ta, không hề phân biệt, dù nam hay nữ, biết chữ hoặc không, tông môn giáo phái, tín đồ tu sĩ, bác sĩ luật sư, xuất xứ ngành nghề, trẻ già bé lớn, thường dân quan chức, học thức ít nhiều, không điều riêng tư, da trắng da đen, da vàng da đỏ, không bỏ một ai, thảy đều thường gặp:

Những chuyện may rũi, chuyện được chuyện mất, chuyện hên chuyện xui, chuyện vui chuyện buồn, luôn luôn thay đổi, trong mỗi phút giây, lúc được tán thán, khi bị phỉ báng, nhiều khi chán ngán, cái cảnh tình đời, lúc được lên voi, khi bị xuống chó, không ai thèm ngó, vợ bỏ con chê, lúc được lên hương, khi bị lọt mương, hết đường chạy chọt, lúc được hiển vinh, khi bị tủi nhục, ở tù rục xương, lúc được sung sướng, khi bị khổ đau, không sao kể xiết.  

Những lúc vui sướng, cuộc đời lên hương, chỉ biết thụ hưởng, phủ phê hỉ hả, không nhớ gì cả. Nhưng khi quá khổ, chịu đựng không thấu, tranh đấu đảo điên, khổ nạn liên miên, bấy giờ mới nhớ, đến chuyện cầu nguyện, khấn vái thần linh, van xin bồ tát, khẩn cầu thượng đế, ban cho phép lành, dành cho phép lạ, hy vọng cầu may, đổi thay vận mệnh.

Bởi vậy cho nên, mỗi dịp đầu năm, sau tết nguyên đán, mùng tám tháng giêng, người ta thường hay, chạy ngay vào chùa, nhân mùa thượng ngươn, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, cầu cho nạn khỏi, cầu cho tai qua, cầu cho toàn gia, bình an vô sự, kể từ đầu năm, chí những cuối năm. Sẵn dịp trăng rằm, cầu luôn đủ thứ: nào được buôn may, gặp hên bán đắt, một vốn bốn lời, nhất bổn vạn lợi, không đợi kiếp sau, kiếp này trúng số, con cháu đỗ đạt, tiền bạc như nước, sắm xe tậu nhà, tha hồ sung sướng. Các chuyện cầu nguyện, van xin cầu khẩn, khấn vái như vậy, có thực hay không, có được gì không?  

Người thì nói có, hễ cầu thì được, linh ứng vô cùng, nên tin là có, mất mát gì đâu. Kẻ lại nói không, trông chi chuyện đó, nằm mơ thì có, mở mắt tay không, không vẫn hoàn không, uổng công dâng sớ, mất tiền cúng sao, mau mau tỉnh thức! Tại sao như vậy? Bởi vì, thử hỏi: Sớ kia ai đọc? đọc cho ai nghe? chấp nhận hay không? thực không ai biết! Sao nọ ở đâu? ảnh hưởng thế nào? thực không ai biết! Hãy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau, xét thử xem sao, cái chuyện đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, có đúng chánh pháp, có ích lợi gì, thực tế hay không? Thực ra nếu như, người ta tu nhân, tích phước nhiều đời, từ trước đến nay, thì được gặp may, không cần cầu nguyện, chẳng cần van vái, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Những người đạo khác, đâu có bận tâm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng họ có phước, họ vẫn gặp may, tiêu tai khỏi nạn, tam tai đại hạn, chẳng nghĩa lý gì, chẳng cần cúng sao, tào lao quá xá! Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Bởi theo thông lệ, từ xưa tới nay, nhiều người thường hay, vào chùa đầu năm, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn, nhưng mà tai nạn, vẫn tới ào ào, làm sao giải thích? Theo đúng chánh pháp, chúng ta phát tâm, giúp đời giúp người, gặp chuyện khó khăn, khốn khó khổ đau, cùng nhau tu tập, hạnh nguyện bố thí, tài thí pháp thí, cùng vô úy thí, cứu nhân độ thế, giúp đỡ tiền của, giúp công giúp sức, giúp lời chỉ dẫn, khuyên lơn an ủi, cho người bớt lo, cho đời bớt khổ, bớt cơn sợ hãi, thấy đâu là phải, việc đúng thì làm, đúng với chánh đạo.


Làm được như vậy, chúng ta được phước, dù không mong cầu, chắc chắn không nghi. Khi tích được phước, dù ít hay nhiều, phước báo lai đáo, nghiệp báo tiêu trừ, chúng ta gặp may, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, tưởng như phép lạ. 

Thử xét thí dụ: trên chuyến phi cơ, xe hơi xe lửa, xe đò tàu thủy, chỉ khi gặp nạn, mới biết người nào, có phước bao nhiêu. Người nào phước nhiều, thoát nạn hiểm nguy, đường tơ kẻ tóc, một cách lạ lùng, hoàn toàn an ổn, người đời cho là: phép lạ hiển linh, thần linh cứu độ, người đó số hên, cho nên mạng lớn. Người nào kém phước, cũng được người cứu, chậm hơn một chút, xây xát ít nhiều, người đời cho là: người đó cũng hên, nên còn cứu kịp. Người nào vô phước, rước họa vào thân, các kẻ ác nhân, làm việc thất đức, không chịu tích phước, chẳng chịu tu nhân, thân không giữ được, người đời cho là: tới số mạng vong, không ai cứu nổi! 
Lúc gặp hiểm nguy, người cầu Đức Mẹ, kẻ khấn Quán Âm, lâm râm cầu nguyện. Nếu như cả hai, cùng được thoát hiểm, vị nào cứu họ? Còn nếu cả hai, đều bị thảm tai, chúng ta thử hỏi: Hai ngài ở đâu, chẳng nghe kêu cứu? Bác ái từ bi, sao nghe chẳng cứu?  Thực ra đó là: chẳng có vị nào, cứu hay không cứu, các người gặp nạn. Chúng ta nên biết, sự thực chính là: chỉ có phước báu, do ở thiện tâm, cứu giúp con người, khi gặp tai biến, dù ở nơi đâu, trên đất trên không, trên sông trên biển. Còn phước thì sống, hết phước mạng vong, đừng mong cầu khẩn, hãy mau giác ngộ.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: Chỉ có phước báo, mới có thể làm, giảm thiểu nghiệp báo. Phước báo là do, việc làm phước thiện, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế ban cho, hay do cầu nguyện. Nếu cầu nguyện được, tại sao nhiều người, cùng cầu cùng nguyện, kẻ chết người sống? kẻ qua người vướng? 

Chúng ta nên biết, sự thực chính là: người nào tích phước, từ trước đến nay, không cần cầu nguyện, cuộc đời cũng an, ít gặp nguy nan, ít có sóng gió, ít có trắc trở, đở bớt phiền muộn, tai qua nạn khỏi, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chuyện khó hoá dễ. Khi tích phước đức, dù ít hay nhiều, đều được hưởng phước, rước được điều may, không hay thất bại, tại thế an vui, tai qua nạn khỏi, gặp thầy gặp thuốc, không chuốc ưu phiền, người hiền thường gặp, bệnh tật tiêu trừ, tưởng như phép lạ. Còn như cầu nguyện, mà không tích phước, thì cũng như không, chẳng nên trông mong, phép lạ xảy đến!  

Nghiệp báo cũng do, chính mình tạo ra, chứ không phải do, thượng đế thần linh, hay bất cứ ai, xúi bảo mình làm. 

Chính do tâm tham, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin tiền tài, giàu sang sung sướng, một chút phẩm vật, nhỏ nhoi chút xíu, dâng cúng cho chùa, nhà thờ đền miếu, cầu xin bạc triệu, liệu còn chưa đủ, ngủ nghỉ ăn uống, muốn danh muốn lợi, tài sắc phù du, muốn tu nên bỏ. Chính do tâm sân, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu xin thắng kiện, tàn hại kẻ thù, triệt hạ đối thủ, người họ không ưa, vui mừng khi thấy, kẻ thù thê thảm, sống trong khổ nhục, chết cũng không xong, họ mới hài lòng. Chính do tâm si, xui khiến người ta, nổi lên tâm ma, cầu nguyện vãng sanh, tây phương cực lạc, mà không cần tu, không gìn giữ giới, ngay trong hiện đời, đợi lúc hấp hối, nói với người nhà, rước nhiều ông bà, đến nhà hộ niệm, chỉ niệm mười tiếng, liền khiến được lên, cảnh giới Di Đà: thiệt là vô minh! Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy, thí dụ như sau: Nếu một người nào, phải bị trừng phạt, nuốt một nắm muối, thì sẽ đau khổ, biết là dường nào. Nếu bỏ nắm muối, vào một tô nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, hơn một chút xíu. Nếu bỏ nắm muối, vào một lu nước, rồi mới phải uống, thì sẽ dễ chịu, nhiều hơn chút nữa. Nếu bỏ nắm muối, vào một hồ nước, rồi mới uống vào, thì dễ như không, không còn lớn chuyện.

Nắm muối tượng trưng, cho các nghiệp nhân, bất thiện chẳng lành, con người đã tạo, từ trước đến nay, bây giờ phải lãnh, nghiệp quả nghiệp báo, nói chung đó là: quả báo khổ đau, không sao tránh khỏi. Chỉ có phước báo, ít hay là nhiều, tượng trưng tô nước, lu nước hồ nước, mới có thể giúp, con người vượt qua, sóng gió ba đào, nạn tai đau khổ, như vậy mà thôi. Đó mới thực là: chí công vô tư. Mình làm mình hưởng. Mình làm mình chịu. Con người nên lo, dừng nghiệp chuyển nghiệp, tự mình suy xét, chính bản thân mình, đừng nhìn người khác, tu sửa ba nghiệp: thân khẩu và ý, đừng làm bậy bạ, đừng nói tốt xấu, đừng nghĩ vẫn vơ, ngay từ bây giờ, đừng đợi đến khi, nghiệp báo xảy ra, dù có rên la, không còn kịp nữa, nghiệp báo vay trả, chẳng ai thoát cả, van xin cầu khẩn, thì cũng muộn màng! Cầu nguyện van xin, dù tin hay không, thực sự chẳng giúp, chẳng ích gì đâu. Hãy thử suy nghĩ: Tại sao như vậy?

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy: Dù cho lên non, xuống biển vào hang, nghiệp báo đã mang, vẫn theo con người, như hình với bóng, không ai có thể, tránh được thoát được.

Tóm lại xưa nay, cuộc đời đổi thay, vui buồn sướng khổ, cũng tại con người, tạo phước cũng có, tạo nghiệp cũng có, tạo phước hưởng phước, hưởng phước báo lành, tạo nhân lãnh quả, nhân thiện quả hiền, nghiệp ác quả dữ. Đúng luật nhân quả, áp dụng ba đời: quá khứ hiện tại, và cả vị lai, chẳng hề sai chạy, chẳng vị nể ai, bất cứ người nào, dù tin hay không, nếu đã gieo nhân, cũng đều gặt quả. Trong sách có câu, cổ nhân thường dạy: Lưới trời tuy thưa, mà chưa ai thoát. Chữ "trời" có nghĩa: nghiệp báo đã mang, đến giờ phải trả, chưa ai thoát được.

Thượng đế thần linh, ơn trên thiêng liêng, chí công vô tư, không bao giờ làm, theo lời cầu nguyện, van xin khấn vái, của những con người, chẳng tích phước đức, lại gây ác nhân, thất đức vô cùng. Chẳng hạn như là: nay đâm bị thóc, mai thọc bị gạo, vu khống cáo gian, khai man lý lịch, lợi dụng pháp luật, xúi người kiện tụng, lợi dụng thần thánh, kiếm tiền bất chánh, giựt hụi quịt nợ, sang đoạt tài sản, chiếm hữu tác quyền, làm tiền trắng trợn, hung tợn hiếp người, bần cùng cô thế, bất kể khổ đau, của bao người khác. 

Ngày xưa chư Tổ, có lòng dạy dỗ, con người phát tâm, làm lành lánh dữ, tạo nên phương tiện, dâng sớ cầu an, cúng sao giải hạn. Mục đích khuyến dụ, mọi người về chùa, cúng kiến lễ lạy, mong cầu an tâm, gia đạo hòa bình, tánh tình hướng thiện, rồi nhân dịp đó, truyền bá chánh pháp, thuyết giảng giáo lý, chỉ bát chánh đạo, đó là: chánh kiến, và chánh tư duy, chánh ngữ chánh nghiệp, cùng là chánh mạng, và chánh tinh tấn, chánh niệm chánh định, giảng luật nhân quả, giải lý vô thường, phước đức công đức, phước báo quả báo, đọc tụng kinh điển, chí tâm tu tập, dạy các pháp môn, niệm Phật ngồi thiền, hiền lành tạo phước, việc thiện làm trước, từ khước ác nhân, tu tâm dưỡng tánh, giúp đỡ con người, giác ngộ chân lý, thấy được sự thực, giải thoát khổ đau, xây dựng cuộc sống, an lạc hạnh phúc.

Ngày nay chúng ta, tâm Phật tâm ma, lẫn lộn khó phân, cho nên tạm dùng, phương tiện thiện xảo, cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, khi còn hoang mang, tâm thường bất an, gian nan khốn khổ, không chỗ nương tựa, vì chưa hiểu đạo, chẳng biết làm sao, thực hành thế nào, cho đúng chánh pháp.

Giờ đây thấu hiểu, rõ ràng không nghi, đâu là chánh pháp, chúng ta phát nguyện: dừng nghiệp chuyển nghiệp, quày đầu hướng thiện, quyết tâm trì chí, ý hướng tu hành, tu tâm dưỡng tánh, tránh làm điều ác, chỉ làm điều thiện, giữ tâm thanh tịnh, tích cực chuyển hóa, cuộc sống tâm linh, của bản thân mình, ngày được tốt hơn, tâm được an hơn, cuộc sống tốt hơn, an lạc hạnh phúc. Như vậy thực tế, những người xung quanh, cùng chung phúc lạc, cho đến một ngày, ngộ được chánh đạo, đạt được đỉnh cao: niết bàn giải thoát.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Bài viết cùng tác giả: Đầu Năm Đi Chùa Đúng Chánh Pháp"
http://lotus-lantern-canada.blogspot.com/2012/01/au-nam-i-chua-ung-chanh-phap.html




 DIỆU ĐẠO NAN CẦU

                                
TKN Thích Nữ Chân Liễu 



Ngài Viễn Công nói:  
“Trong trời đất thực có những vật dễ sinh. Nhưng, một ngày ấm mà mười ngày lạnh, thì cũng chưa thấy vật nào có thể sinh được. Diệu đạo vô thượng rõ ràng ở nơi tâm, và ngay trước mắt mình, nên cũng dễ thấy được. Song cốt yếu là chí phải bền, làm phải tận lực thì ngay nơi mình, đứng, ngồi cũng có thể mong đợi mà đạt tới được. Nếu một ngày tin, mười ngày ngờ, sớm siêng tối nản, thì không những ngay trước mắt khó mà thấy được, tôi sợ rằng suốt đời cũng vẫn cách xa diệu đạo vậy”. (Thiền Lâm Bảo Huấn - Phẩm Tự Cường).

“Thiền Lâm Bảo Huấn”   là cơ duyên may mắn cho tứ chúng đồng tu, cảm nhận hỷ lạc trong mưa pháp, kiếp sống con người vén được màn vô minh, khổ đau phiền não do sự chiêu cảm từ nhiều đời kiếp luân hồi như được giải tỏa. Trên đời không có cuộc vui nào vui hơn sống trong biển giáo pháp.
Nhân thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu.
(Thân người khó được
Diệu đạo khó cầu).
Từ khi được cha mẹ sanh ra, có được thân người đầy đủ trang nghiêm, đó là phước báo thiện lành. Hãy thường tư duy rằng trải qua nhiều đời nhiều kiếp ta mới được nhàn cảnh thân người như vậy. Nhưng đã sanh ra đời thì có khổ, nhờ đau khổ mà ta phát sinh tâm chán lìa sinh tử, kiêu căng tan biến, phát tâm thương xót những chúng sanh trong cõi luân hồi, tự hổ thẹn về việc ác và hoan hỷ làm điều lành.

Tuổi đời càng thêm lớn, chướng duyên, thuận duyên đưa đến càng nhiều, thân tâm có lúc an vui, có lúc phiền não, buồn giận, thương ghét, tự ti, tự tôn, tâm sanh diệt luôn luôn hiện hữu chi phối làm cho con người đôi khi quên mất mình và quên luôn thời gian đang lướt qua trước mắt, khi giật mình thì tóc đã đổi màu, vô thường kề ở bên mình. Tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp đều theo luật nhân quả mà thọ sanh. Đường sinh tử luân hồi sáu nẽo không biết về đâu?!

Tâm đại từ đại bi của Đức Phật vì thương xót sự vô minh của chúng sinh mà thị hiện ra đời, để chỉ diệu đạo - con đường vi diệu - ngay trước mắt. Diệu đạo là những gì Đức Phật đã chứng nghiệm và đã trải qua bằng trí tuệ giác ngộ cao thượng của bậc chánh đẳng chánh giác. Diệu đạo không do mong cầu mà có được, cũng không do lễ bái khấn nguyện mà thấy được.

Trong Tăng chi bộ kinh, Đức Phật dạy:
“Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành. Trong cuộc sống ta có thể tự giải thoát cho chính mình. Giải thoát không tự nhiên mà có, cũng không do cầu xin mà được, mà chỉ cần phát triển nổ lực vào trí tuệ. Ta không nên tin một cách mù quáng bất cứ việc gì mà chưa thông qua trí tuệ, phải sáng suốt nhận định một cách rõ ràng đứng đắn rồi mới hành trì. Nếu thấy bình an và hạnh phúc là giải thoát. Nếu thấy trói buộc và phiền não là sai đường”.


Tu theo Phật nghĩa là phải chuyên tâm giữ chánh niệm, không theo tạp niệm, như kẻ đội bát dầu trên đầu, bị người đưa gươm kề cổ dọa sẽ giết chết nếu đổ đi một giọt.

Bản chất thực sự của đời sống, là nguyên nhân sanh đau khổ và nguyên nhân sanh hạnh phúc, người tu thấy rõ bằng mắt rất chân và rất thật, thì khi ấy mới quyết tâm chuyển đổi trở nên con người đạo đức nhằm đưa đến giải thoát cùng tột, đồng thời đem về trạng thái quân bình cho cuộc sống. 

Giây phút hiện tại, chúng ta có thể nhận thức được thực tế cuộc đời không mơ hồ, không mộng tưởng điên đảo, thì sẽ cảm nhận và thấu hiểu được sự chân thật của diệu pháp không còn xa cách nữa, mà ở trong từng hơi thở, trong từng tâm thức vắng lặng vô trụ và vô niệm.

Trong kinh thường nói, chỉ có trí tuệ mới đem đến cho người tu một sự kiên nhẩn bền chí để đi đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Nhu cầu cuộc sống nếu biết đủ, sống thanh đạm, không đòi hỏi nhiều, không tranh chấp hơn thua được mất, thì người tu có rất nhiều thì giờ để tận dụng khả năng nghiên cứu, suy tư học đạo, giữ tâm ý trong sạch. Phụng trì giới luật, trang nghiêm thân tướng, ngày đêm suy nghĩ, sớm hôm thực hành thì không lo gì không thấy được diệu đạo vậy.

Theo như Ngài Viễn Công dạy, nếu như có ngày tu học tinh tấn, có ngày buông xuôi trì trệ, bản tánh dễ duôi, khiến con người rơi vào tình trạng giãi đãi, mất hết năng lực tự tin về mình, hiện tượng vọng tâm vọng niệm xấu ác, ganh tị đố kỵ sẽ xâm nhập và quấy nhiễu chế ngự người tu một cách dễ dàng. Diệu đạo suốt đời khó gặp, thật uổng phí một đời tu!

Khi bước trên đường đạo, chúng ta mang nhiều nghiệp bất tịnh của luân hồi cho nên hành động từ thân, khẩu, ý tha hồ tạo tác.  Do đó khi chuyển thân trên bước đường tu hành thường rơi vào trạng thái mê và tỉnh, thiện và ác lẫn lộn. 

Cho nên không phải xấu tốt ở bên ngoài không thôi, mà xấu tốt thiện ác nằm thật sự ở ngay trong tâm, biết xấu hổ, sợ quả báo, tâm an tịnh, siêng năng đem an vui cho mình và cho người, nhận thức sớm được chừng nào thì “diệu đạo” ngay trước mắt. 


Để giúp hành giả tiến đến đời sống thánh thiện và trọn lành vi diệu trên đường tu, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ban truyền các giới luật cao thượng. Giới luật mới nghe qua chừng như một sự răn cấm khắt khe, đầy những điều kiện khó khăn, nhưng khi thấu hiểu và cố gắng sống với thân tâm một cách chân thành và thực sự, thì giới luật giúp ích cho người tu rất nhiều. 

Khi ấy, giới là người bạn đạo chân thật, là phương pháp thực tập chánh niệm hữu hiệu nhất, là sự bảo vệ an lành nhẹ nhàng trong sáng của thế giới tuyệt đẹp, mà người tu theo Phật được thừa hưởng, như một chuỗi ngọc vô giá sáng ngời trí tuệ của Bồ tát Quán Tự Tại cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm trong phẩm “Phổ Môn” vậy.

Tóm lại, an lạc thay khi sống trong pháp vị, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, mưa pháp cam lồ liên tục đã nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng. Phước báo thay tứ chúng đồng tu, đều hoan hỷ vì thấm nhuần được sự lợi ích khi đem vào cuộc sống tỉnh tu hằng ngày ở nơi trụ xứ. Mưa pháp làm hạt giống Phật tánh ở nơi mỗi người từ lâu bị chôn vùi khô cạn, nay như được nẩy mầm, đâm chồi kết lộc.

“Qua lẽ tuần hoàn của vũ trụ, sự vật có trải qua sự nghiêm khắc của mùa đông, khi sức sống trỗi dậy, trăm hoa đua nở, cây cỏ xanh tươi, mới thấy ánh xuân đầm ấm là quí. Tất cả hiện tượng tốt xấu của xã hội đều do tâm chúng ta sáng tạo. Chúng ta phải có tinh thần tự chủ. Tự thân chúng ta, luôn luôn phải thúc liễm, phải tỉnh thức, phải trong sạch hóa tâm hồn, hành động, nói năng, suy nghĩ, mới có thể đem lại lợi ích cho tha nhân, cho quốc gia, cho cộng đồng và cho nhân loại”.

Đối trước mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, con xin chắp tay đảnh lễ, chí thành cầu khẩn các Ngài trụ thế lâu dài và hãy vì chúng sanh đau khổ mê mờ mà đốt lên ngọn đuốc chánh pháp. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
TKN Thích Nữ Chân Liễu




TỰ TRÁCH

Trách đời sao quá khổ!
Nếm đủ mùi đắng cay
Trách người sao ở bạc!
Tìm đâu thấy lòng nhân
Trách số phần không tốt!
Phiền não với thị phi
Trách trời cao quá xa!
Tiếng than không nghe được.

 **
Trách mình ngôi sao lạc!
Mãi mãi chịu luân hồi
Trách mình chẳng biết tu!
Làm bao người phải khổ
Trách mình không chịu chuyển!
Nghiệp xấu vẫn đeo mang
Trách mình chẳng thiện tâm!
Làm sao thấy được PHẬT.