Saturday, May 14, 2011

*** Ý NGHĨA CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN



 Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ 
 
Năm nay, dương lịch 2011, Phật lịch 2555, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 2635 Ðức Phật Thích Ca đản sanh, vào ngày rằm tháng tư (15 - 4) âm lịch, nhằm ngày 17-5-2011, chúng ta cùng nhau ôn lại lịch sử và tìm hiểu ý nghĩa thâm trầm của ngày lễ trọng đại này. 

Ðức Phật Thích Ca đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni thuộc xứ Ca Tỳ La Vệ, được gọi là Thái tử Tất Ðạt Ða (hay Sĩ Ðạt Tha), con của đức vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia.  Ngài lớn lên trong hoàng cung, vâng lệnh song thân lập gia đình với Công chúa Gia Du Ðà La, và hạ sanh Thái tử La Hầu La. 

Trong các chuyến xuất cung du ngoạn ngoại thành, Ngài chứng kiến các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử trong nhân gian. Từ đó, Ngài luôn luôn trầm tư mặc tưởng, muốn tìm phương tự độ và cứu giúp chúng sanh thoát khỏi cảnh trầm luân sanh tử, cho nên Ngài lìa bỏ hoàng cung, lên đường tìm đạo giải thoát. Sau 6 năm tu khổ hạnh ở chốn rừng già, và 49 ngày đêm ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề, tâm trí thanh tịnh, Ngài hoát nhiên giác ngộ, thành Phật, thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vào năm Ngài được 35 tuổi. 

Sau đó, Ngài đi khắp nơi thuyết pháp, đem chân lý giác ngộ giải thoát giảng dạy cho mọi người trong 45 năm ròng rã, và Ngài thị tịch, nhập niết bàn, năm 80 tuổi tại khu rừng ta la song thọ. 

Toàn bộ lịch sử của Ðức Phật Thích Ca từ ngày đản sanh, đến thành đạo và nhập niết bàn, cũng như toàn bộ giáo lý của Phật giáo, không phân biệt tông phái, nêu lên những điểm quan trọng như sau: 


*1) Mọi người trên thế gian đều có thể trở thành một vị Phật, một bậc sáng suốt giác ngộ, không phân biệt dân tộc, nam nữ, xuất xứ, đẳng cấp, trẻ già, thời đại, đã có gia đình hay chưa, nếu người đó biết phát tâm tìm hiểu và tu tập theo đúng Chánh pháp, theo đúng bản đồ tu học.  Do đó, có hằng hà sa số các vị Phật, từ quá khứ, đến hiện tại và vị lai, chứ không phải chỉ có một vị Phật duy nhất làm giáo chủ là Ðức Phật Thích Ca, còn tất cả các loài chúng sanh khác đều phải thờ lạy theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực.  Đây chính là ưu điểm nổi bậc của giáo lý đạo Phật vậy.

*2) Ðức Phật không phải là vị thần linh hay thượng đế tưởng tượng chuyên ban phước ra ơn hay giáng họa trừng phạt. Cho nên những ai cúng kiến, tin tưởng, thờ lạy Ðức Phật theo tinh thần van xin, cầu khẩn một cách tiêu cực, dù ở chùa hay ở nhà, đều không đạt được những ước muốn như ý. Bởi vậy, cúng kiến nhiều thì buồn phiền nhiều, tin tưởng nhiều thì thất vọng nhiều, xin xỏ nhiều đau khổ nhiều. Trái lại, những người sống đúng theo tinh thần những lời dạy của Ðức Phật, dù tại gia hay xuất gia, dù có thờ lạy Ðức Phật hay không, cũng đều được an lạc và hạnh phúc hiện thời, giác ngộ và giải thoát mai sau. Đây chính là điểm chí công vô tư của giáo lý đạo Phật vậy.

          *3) Từ trước thời Ðức Phật xuất hiện trên thế gian này, cuộc đời vẫn thường đầy dẫy những sự đau khổ, bất trắc, đấu tranh, lừa đảo, chứ không phải chỉ có thời hiện tại mà thôi.  Do đó, giáo lý của đạo Phật thường được ví như chiếc thuyền, gọi là thuyền bát nhã, tức là thuyền từ bi trí tuệ, giúp đỡ con người vượt qua bể khổ, sông mê, lướt qua bát phong của cuộc đời, đến bến bờ giác ngộ và giải thoát.  Ðức Phật vẫn sống ngay trên thế gian này, vẫn gặp bao nhiêu khổ nạn của cuộc đời, nhưng tâm trí của Ngài vẫn an nhiên tự tại, không cần phải đợi đến lúc về tây phương cực lạc hay thăng lên thiên đàng!  Ðây chính là cốt tủy của đạo Phật vậy. 

         *4) Ðạo Phật là một tôn giáo, cho nên cũng có những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện, cốt để giúp đỡ những người đang đau khổ trên thế gian này tìm đến với đạo, trong những bước ban đầu. Nếu như con người, dù tại gia hay xuất gia, đến với đạo Phật nhưng chỉ biết những hình thức cúng kiến, lễ lạy, cầu nguyện mà thôi, cứ đứng ở đó bao nhiêu năm trời, cho rằng như vậy là đủ rồi, không chịu bước thêm bước nữa, thì đau khổ vẫn hoàn khổ đau, có khác chi bao nhiêu người khác đâu?

Bước đó chính là: phát tâm học hỏi, tìm hiểu Chánh pháp, xem Ðức Phật dạy những gì, để có thể áp dụng trong cuộc sống thực tế hằng ngày, đạt an lạc và hạnh phúc, thêm nữa đạt được: giác ngộ và giải thoát. Ðây chính là chánh kiến và chánh tín của đạo Phật vậy.





 *5) Các buổi lễ của Phật giáo, quan trọng nhứt là Lễ Phật Ðản, đều nhằm mục đích dẫn dắt con người đến với đạo, xoa dịu bớt những nỗi khổ đau của cuộc đời.  Và mục đích quan trọng hơn hết là:  "Hãy bước vào cửa đạo", chứ không phải chỉ bước vào cửa chùa rồi thôi, hay vẫn cứ đi lang thang, lòng vòng bên ngoài, bằng lòng với các hình thức cúng kiến, lễ lạy, các buổi văn nghệ xổ số, các cuộc hành hương thương mại, các cuộc vận động in sách cầu vãng sanh lưu xá lợi, kêu gọi đóng góp tạo chùa to tượng lớn, mà không quan tâm việc tu học, không lo việc tu tâm dưỡng tánh, không biết đến Chánh pháp là gì? 

Bước vào cửa đạo nghĩa là: phải biết tu học theo lời Ðức Phật dạy trong các kinh sách, để đạt giác ngộ và giải thoát, chứ không phải là: không chịu học hỏi, chỉ biết tu mù, bảo sao làm vậy, nói sao nghe vậy, người trước làm sao, người sau y vậy, chẳng hiểu ý nghĩa, nhiều điều hết sức, mê tín dị đoan! Ðây chính là mục đích cứu cánh của đạo Phật vậy.

Một điều căn bản khác, chúng ta cần biết là: Phật lịch được tính kể từ năm Ðức Phật nhập diệt, 544 năm trước dương lịch. Cho nên năm nay dương lịch 2011, Phật lịch chính là 2555 (2011 + 544 = 2555). Tuổi thọ của Ðức Phật là 80 tuổi, cho nên năm đức Phật đản sanh được cộng thêm 80 năm vào Phật lịch, tức là năm nay kỷ niệm Lễ Phật Đản lần thứ 2635.

Tóm lại, năm nay dương lịch là 2011, Phật lịch là 2555, Phật đản là 2635.


Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Chủ-Nhiệm PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA

Email: cutranlacdao@yahoo.com
Kính mời viếng thăm: http://phtq-canada.blogspot.com/

Friday, May 13, 2011

*** ĐỨC HỶ XẢ


HT THÍCH THANH TỪ

Sống trên đấu trường nhân loại, trong cõi đời trần tục nhiễm ô, nếu ai cố ôm chặt lòng thù hận chấp nê thì không sao tránh khỏi cảnh lầm than đau khổ. Muốn thoát khổ được vui, con người phải gỡ bỏ những mối dây oán hận, tẩy sạch những vết nhơ ô nhiễm trong cõi lòng mình cho được nhẹ nhàng trong sạch. Phương pháp gỡ bỏ và tẩy trừ ấy là đức hỉ xả.

Hỉ xả là vui vẻ tha thứ những lỗi lầm mà người đã phạm đến ta, cũng như vui vẻ bỏ tất cả danh vọng, tài sắc cho đến thân mạng của ta, nếu thấy cần và lợi ích cho chúng sanh. Có tha thứ, lòng ta mới thênh thang, tim ta mới hòa nhịp cùng tim của mọi người, có xả bỏ, tâm ta mới thanh thoát và an tịnh.

Cuộc đời đen tối và sầu khổ nhất là cuộc đời của kẻ hay cau có, oán thù. Vì kẻ hay cau có thì trên gương mặt luôn luôn hiện đầy những nét nhăn gay gắt, đôi mi chau lại lộ vẻ khó khăn. Kẻ còn ôm nặng khối hận thù thì lửa hận thù thiêu đốt cả tim gan và buồng phổi của họ. Còn gì khổ đau hơn khi tim gan bị thiêu đốt. Còn gì xấu xí bằng khi gương mặt nhăn nhó, héo sầu. 

Sống trên đời này, nếu ta gặp điều trái ý liền mang lòng thù hận, thì chắc đời ta sẽ thấy toàn thù hận và oán hờn. Như Tý dùng lời thô bỉ mắng Thân, Thân cố trả thù phải dùng lời bỉ ổi hơn, ban đầu còn trả thù nhau bằng miệng, kế trả thù bằng tay chân và sau cùng phải trả thù nhau bằng dao, búa. Khi sơ khởi chỉ là mối thù riêng của cá nhân, rồi lan dần đến mối thù chung của gia đình, của thân tộc. 

Cứ thế, oán thù chập chùng thêm mãi biết bao giờ dứt. Đức Phật dạy: “Lấy oán trả oán, oán mãi chất chồng; lấy ân trả oán, oán liền tiêu diệt.” Người trong lòng mãi ôm ấp hận thù thì lúc nào cũng tưởng chừng chung quanh đều là kẻ thù muốn hại mình, vì vậy họ sống những ngày đầy lo sợ. Chỉ có ai biết lấy ân trả oán mới mong dứt sạch được hận thù. Như người Đình Trưởng nước Lương trả thù người cào dưa mình bằng cách ra công tưới dưa cho người, nhờ đó mà hận thù dứt sạch.

Còn gì vui sướng hơn, kẻ có tâm lượng bao dung sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho người. Khi nào trong lòng ta không còn một mảy may thắc mắc, không còn một chút bợn hận thù, đó là lúc ta hoàn toàn an lạc. Người mà lòng được thanh thoát nhẹ nhàng thì gương mặt vui tươi, lời nói thanh nhã, cử chỉ thư thái, toàn thân hiện ra một phong độ khả ái khả kính. Con người ấy có mấy khi phải buồn khổ, vì thế nên họ trẻ mãi, sống dai. 

Sách có câu: “Thù ghét là sâu mọt đục khoét người ta, làm cho người ta chóng xấu, chóng già, chóng chết; yêu thương và tha thứ là suối nước cam lồ tưới vào lòng người, làm cho người tươi đẹp, trẻ dai và sống mãi.”

Danh vọng, tài sắc... ở đời là những cạm bẫy chực hại người, nhưng vì nó có công năng hấp dẫn quyến rũ khiến người phải mê mẩn say sưa để rồi chịu khổ, cũng như miếng mồi vì có mùi thơm hấp dẫn, con lươn phải lao đầu vào hom trúm. Phần đông người đời ngỡ rằng đuổi bắt tài sắc, danh vọng... là hạnh phúc, chớ đâu ngờ càng đuổi bắt nó càng chuốc khổ về mình. Đây, một chàng thanh niên ủ dột ngồi dưới lùm cổ thọ, phải chăng chàng đã trật chân trên nấc thang danh vọng? Kia, một thiếu nữ sầu bi đứng dựa mé sông sâu, phải chăng vì tình duyên ngang trái? Tóm lại, bởi đắm nhiễm sắc, tài, danh vọng... người đời phải luống chịu đau khổ. Dứt bỏ những tham nhiễm là điều không phải dễ, mà dứt bỏ một cách vui vẻ lại càng khó hơn. Nếu ai mắt thấy sắc đẹp, tai nghe tiếng hay... mà lòng không ái nhiễm, ấy là bậc siêu nhân. 



Ngài Phù Dung thiền sư nói: “... ngộ thanh ngộ sắc như thạch thượng tài hoa, kiến lợi kiến danh như nhãn trung trước tiết...” nghĩa là: “... nghe tiếng hay, nhìn sắc đẹp như hoa trồng trên đá, thấy tài lợi danh vọng như bụi rơi vào mắt...” Con người được như vậy mới hẳn là tự tại an vui. 

Chúng ta nhìn qua tượng đức Di-lặc sẽ thấy năm đứa nhỏ móc tai, chọc mắt... Ngài, mà trên gương mặt Ngài vẫn nở một nụ cười tự tại. Hình dáng ấy để tượng trưng cho người đã hỉ xả ngũ trần toàn vẹn. Đức Di-lặc không cười sao đặng, vì ngoại cảnh còn gì quyến rũ được Ngài, tâm Ngài lúc nào cũng an nhiên thì quyết định trên gương mặt hẳn luôn luôn hoan hỉ.

Tài, sắc, danh vọng là vật bên ngoài, xả bỏ không lấy gì làm khó, đến như thân mạng là cái mà người phàm phu tuyệt đối mến yêu, muốn xả bỏ nó thì sự khó khăn lại gấp bội phần. Người đời vì trìu mến thân nên đã gây biết bao tội lỗi, ngược lại:
Bồ-tát vì chúng sanh bỏ thân mạng dễ dàng hơn người tham lẫn bỏ một vắt cơm.
(Luận Đại Trượng Phu)

Người đã quên mình vì chúng sanh thì đối với sự khổ vui còn mất của thân mình không đáng kể, như thế là họ đã vượt khỏi cái khổ vì thân. Lão Tử nói: “Ngô hữu đại hoạn vị ngô hữu thân, ngô nhược vô thân hà hoạn chi hữu.” Thật vậy, nếu không còn thấy có riêng mình thì còn hoạn gì làm cho mình khổ. Vui lòng bỏ thân mạng để cứu độ chúng sanh, đó là đức hỉ xả cứu kính.

Tóm lại, hỉ xả những oán thù cho lòng được nhẹ lòng thanh thoát, đó là cái vui của phàm nhân. Hỉ xả những tài, sắc, danh vọng... cho tâm được tự tại, đó là cái vui của bậc giải thoát. Hỉ xả thân mạng để cứu độ chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh được an lạc, đó là cái vui của bậc Bồ-tát. Người Phật tử quyết tâm dứt khổ tìm vui, phải tu đức hỉ xả theo thứ tự của nó, hỉ xả một phần là chúng ta được vui một bậc. Đến khi nào hỉ xả toàn vẹn rồi là ta được cái vui cứu kính. Như vậy, vui và khổ không phải do ai đem đến hay ban cho, mà chính ta tự tạo lấy.

HT. Thích Thanh Từ

*** TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh


Tu Phước là gieo nhiều hạt giống phước đức (punya), như bỏ tiền vào trương mục tiết kiệm, như giúp người và làm những điều lành khác để sau này được hưởng hạnh phúc. Tu huệ là quán chiếu học hỏi luôn để mỗi ngày trí tuệ mỗi lớn thêm và có công năng giải phóng mình ra khỏi những ràng buộc khổ đau.


Ở Việt Nam đôi khi mình nói: "người đó chỉ tu phước thôi chứ không tu huệ" câu nói có vẻ chê bai; nhưng thật ra nếu không có huệ thì cũng khó có phước lắm. Tại sao người ta tu phước? Tại thấy rằng tu phước đem lại hạnh phúc cho mình và cho người: như vậy trong hành động tu phước đã có huệ rồi và những người tu học thông minh thì vừa tu phước vừa tu huệ (gọi là phước huệ song tu). Nếu tu hành cho vững chãi, ta sẽ thấy rằng trong phước có huệ và trong huệ có phước.

Có nhiều cách tu: khi quán niệm hơi thở thì gọi là tu an ban, khi ngồi thiền gọi là tu thiền tọa, khi đi thiền hành là tu thiền hành, khi rửa nồi gọi là tu rửa nồi, khi lau bát lau nhà gọi là tu lau bát lau nhà. Nếu tu đúng cách mình sẽ thấy rằng khi lau bát hoặc chùi cầu tiêu hoặc giúp một người đói... không phải ta chỉ tu phước mà cũng tu huệ. Khi tu tập ở Làng Hồng, giữ gìn chánh niệm, gieo trồng những hạt giống tươi mát an lạc vào tâm thức hàng ngày, không chỉ ta chỉ tu huệ mà cũng đang gieo trồng rất nhiều hạt giống phước đức. Nói một cách đơn giản hơn, đó không phải chỉ là phước hay là huệ, chỉ là tu thôi.

Tu như vậy là để đạt tới sự giải thoát ra khỏi những khổ đau và đem lại thêm an lạc và hạnh phúc. Hành động tu học của mình không phải là một cái gì tách ra khỏi kết quả của sự tu học; trong khi tu học mình phải cảm thấy được cái hạnh phúc của sự tu học; như vậy mới đúng tinh thần tu học ở đây. Phương tiện và cứu cánh là một. Bước một bước chân trong chánh niệm, hớp một hớp trà, thở một hơi thở... những hành động đó gọi là tu tập. Những hành động đó phải mang tánh chất hạnh phúc trong tự thân chúng thì đó mới đúng pháp môn của chúng mình.

Tu ở đây biểu lộ khả năng có hạnh phúc của mình (the capacity to be happy). Thật ra trong tâm thức người nào cũng có một hạt giống gọi là khả năng có hạnh phúc. Nếu mỗi ngày biết tưới tẩm hạt giống đó thì mình sẽ có hạnh phúc và có liền trong phút giây mình tưới. Điều mà chúng ta phải làm là biết tưới tẩm hạnh phúc của mình ngay bây giờ, để cho khả năng cho hạnh phúc trong con người mình được phát triển, và như thế mình có hạnh phúc ngay trong giờ phút mình đang tu học. 

Nếu xét lại phương pháp tu học ở đây, ta sẽ thấy rằng hằng ngày chúng ta ngồi thiền, đi thi?n hành, uống trà, ăn cơm trong chánh niệm... là để tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc nơi chúng ta. Nếu trong khi làm những điều đó mà chúng ta an trú được trong hiện tại và chúng ta có hạnh phúc thì chúng ta đã làm đúng và tu đúng. Nếu trong khi làm những thứ đó mà ta vẫn thấy u sầu, vẫn nghĩ rằng ta chỉ có được hạnh phúc trong tương lai thì ta đã không làm được đúng pháp môn mà thầy đã trao truyền và ta đang thực tập.

Khi thiên hạ hỏi "ở Làng Hồng quý vị tu theo pháp môn nào? Vipassana, thiền đại thừa hay Phật Giáo Việt Nam thống nhất?" Ta có thể nói: "Chúng tôi đang thực tập hạnh phúc." Khi mình có thể cắt đứt được những lo lắng, bực bội và sầu đau đã qua (những gì vừa xảy ra hồi nảy, vài giờ trước, vài ngày trước hay vài tháng, vài năm trước) và có thể cắt đứt được những tính toán và lo lắng về những chuyện sẽ xảy ra trong vài giờ, vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm nữa (thuộc về tương lai), thì mình đã có thể bước được những bước chân có an lạc và khỏe khoắn trong giờ phút hiện tại, nở được một nụ cười, và lúc đó mình đã thật sự có tự do để có thể tiếp xúc với sự sống. 

Mình có thể thấy rõ là mình còn sức khỏe, còn hai mắt sáng thấy đủ hết các màu sắc, hình dáng, và đường nét; tai mình còn nghe được gió thổi, mưa rơi, chim hót, tiếng nói của người thương và đủ thứ âm thanh khác... Được như vậy, mình có hạnh phúc lập tức, và đồng thời làm cho khả năng có hạnh phúc của mình biểu lộ ra, và người khác nhìn sẽ thấy liền.
Khi được người ta khen ngợi mình, nói rằng cô ấy hay anh đó có sức chịu đựng lớn, làm việc siêng năng, thông minh... mình chưa thực sự cảm thấy hãnh diện. Nhưng nếu được khen là có khả năng có hạnh phúc, có an lạc, nhẹ nhàng, thảnh thơi và tươi mát, thì ta sẽ sung sướng hơn, bởi vì một người hạnh phúc và tươi mát như vậy sẽ biết cách chia xẻ niềm vui cho rất nhiều người. Cần cù siêng năng mà cau có buồn bã thì chẳng sung sướng gì lắm.

Người ta thường nói tu phước là chất chứa công đức để sẽ có hạnh phúc trong tương lai. Đó là một định nghĩa chưa được chính xác trong tinh thần Bụt dạy. Thật ra nếu tu phước đúng pháp thì hạnh phúc đó nằm trong phút giây hiện tại. Và mình biết rằng trong hiện tại mà có hạnh phúc như thế này thì trong tương lai nhất định sẽ có hạnh phúc. Tương lai được làm bằng hiện tại. Dù mình có cực khổ cách mấy mà trong hiện tại mình không có hạnh phúc thì tương lai mình cũng không có hạnh phúc đâu, lý do là tương lai được làm bằng chất liệu hiện tại.

Ngày hôm nay nếu bạn mỉm cười được, thảnh thơi được, an trú được trong hiện tại, vui hưởng được từng bước chân, từng tách trà, và từng nụ cười, thì cái vốn liếng hạnh phúc ngày hôm nay sẽ làm ra cái vốn liếng hạnh phúc cho ngày mai. Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ý tưởng là hôm nay phải cực khổ, ngày mai mới có thể sung sướng. Ví như câu ca dao:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Hôm nay khó nhọc ngày mai mới có thiên đường của hạnh phúc. Không chắc lắm đâu. Tôi thấy hai câu sau có chân lý nhiều hơn và đẹp hơn hai câu đầu. Hai câu ấy cho thấy rằng làm việc chung, có đủ vợ, chồng và con trâu là vui biết mấy! Cùng đồng tâm làm việc, đó đã là hạnh phúc rồi, đâu có cần ngày mai ngày mốt gì nữa. Nếu đã đồng tâm làm việc trong hạnh phúc hôm nay thì tương lai dĩ nhiên sẽ được làm bằng hạnh phúc.

Khả năng có hạnh phúc của mình được biểu lộ trong hai trường hợp: trường hợp không làm việc và trường hợp làm việc. Đi thiền hành cũng hạnh phúc mà chùi nồi cũng hạnh phúc. Đi thiền hành, cắt đứt hết những tính toán lo âu, sợ sệt, bước những bước thật thanh thản và nhẹ nhàng, miệng nở nụ cười tươi mát, hít thở không khí trong lành buổi sáng, đó hạnh phúc đã đành mà chùi nồi cũng vậy: trong khi chùi nồi ta cắt đứt những lo lắng, lăng xăng, những suy tư tính toán, ta không hấp tấp, ta làm việc thật thanh thản, thì việc chùi nồi không thua kém gì việc đi thiền hành hay ngồi thiền tọa. Trong những lúc đó mình thật sự có hạnh phúc, mình an trú trong giây phút hiện tại, mình là một con người thật sự tự do. 

Trong khi chùi nồi, nếu ta không bị kéo đi bởi chuyện đã qua và chuyện sắp tới, nếu ta cắt đứt được những sợi dây phiền lo tính toán bất an, thì ta thực đang chùi nồi một cách thật thanh thản, an lạc, và ta không làm hấp tấp như đang bị ma đuổi. Bị ma đuổi là cố làm cho mau xong để còn đi học kinh. Nếu nghĩ rằng học kinh mới là hạnh phúc còn chùi nồi không có hạnh phúc, thì khi học kinh ta cũng có thể không an trú được trong việc học kinh, ta sẽ vừa học kinh vừa tính toán tiếp: học kinh cho giỏi thì mới có hạnh phúc trong tương lai, phải học cho cực khổ thì sau này mới hạnh phúc. Học kinh đâu có quan trọng bằng sống theo lời kinh dạy. 

Tu là thực tập sống theo lời kinh dạy, tập an trú thảnh thơi trong từng hơi thở, từng giây, từng phút, từng bước chân và từng hành động. Khi an trú thảnh thơi được trong từng phút giây của sự sống, ta tiếp xúc được với tất cả những sâu sắc mầu nhiệm của sự sống.

Ta nhìn sâu vào hiện tại để thấy hiện tại bao gồm hết quá khứ và tương lai, bao gồm cả vũ trụ vạn hữu. Thấy quá khứ và tương lai nhưng ta không trôi lăn vào quá khứ và vào tương lai, bởi vì trong chánh niệm, hiện tại vẫn là nền tảng. Mình phải chứng minh khả năng hạnh phúc thảnh thơi của mình trong từng giây phút. 

Những phương pháp thực tập để ta tự biến từng phút giây của sự sống ta thành những phút giây an vui hạnh phúc thảnh thơi đã được trao truyền, và nếu quý vị nghĩ rằng tới Làng Hồng chỉ để học kinh Đại Thừa thôi thì rất là uổng. Quý vị nào mới tới chưa được hướng dẫn xin hỏi quý vị thọ giáo của Làng vì những người đó biết cách làm mà cũng thực sự đang tự làm hạnh phúc cho chính mình.

                                                                         (trích "Lá Bối)



Sunday, May 1, 2011

*** Nền Tảng Đạo Đức Phật Giáo Nhập Thế


Tác giả: CHÚC VIÊN
 


Trong sự phát triển của xã hội ngày nay, mọi giá trị về khoa học kỹ thuật, chính trị, các học thuyết và tôn giáo đều chịu ảnh hưởng tương tác lẫn nhau.

Phật giáo đi vào đời từ những nỗi đau khổ bất hạnh nhất của con người. Phật giáo xuất hiện vì thế gian và cũng tồn tại vì thế gian. Sứ mệnh của Phật giáo là làm nhẹ bớt nỗi đau thương của nhân loại và hơn thế nữa là hướng dẫn con người trong việc kiến tạo đời sống an lạc căn cứ trên nền tảng đạo đức, trí tuệ và từ bi.

Lật lại trang sử ngày xưa, hình ảnh các vị Thiền sư, nhất là vào thời Lý, Trần luôn sống đúng lời dạy của đức Phật: “Này các Tỳ-kheo! Hãy du hành vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và loài người, và hành động theo chuẩn mực đạo đức"

Mà đạo đức Phật giáo được xây trên nền tảng Giới luật. Nền tảng này lấy Ngũ giới làm căn bản. Đây là nền tảng đạo đức vững chãi nhất để bảo vệ hòa bình, an lạc và đem đến hạnh phúc cho nhân loại. Nó thể hiện sự bình đẳng, nhân bản, dân chủ và cũng là chuẩn mực đạo đức chung của con người sống trên hành tinh này. Giá trị toàn cầu của nó đã được các nhà Đạo đức học, Xã hội học, Triết học trên thế giới công nhận. Ông Albert Schweitzer, nhà triết học người Đức viết: 

“Đức Phật đã sáng tạo ra nền đạo đức nội tâm hoàn thiện qua năm điều răn cấm đầu tiên của Ngài. Đức Phật là một trong những nhà Đạo đức học vĩ đại kỳ tài nhất mà thế giới có được”.

                                   NGŨ GIỚI PHẬT GIÁO

1*. Giới không sát sanh: Thật vậy, với giới không sát sanh là nuôi dưỡng lòng từ bi, tôn trọng lẽ công bằng nhân đạo đối với đồng loại và tất cả chúng sanh, nhờ đó mà xua tan bóng tối sân hận và ganh ghét. Thiếu căn bản đạo đức này, dù có nói đạo đức cao siêu đến đâu cũng chỉ là nói suông, là người mất nhân tính và hủy hoại lương tri, bởi:

“Ai cũng sợ gươm đao
Ai cũng thích sống còn”

Mỗi người, mỗi nhà đều giữ giới không sát sanh thì chiến tranh không thể có, hận thù không thể sanh. Trái lại còn  có thể sống hài hòa với người khác, biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ của con người và tất cả mọi loài.

2*. Giới không trộm cắp: Khi giới không trộm cắp được tuân giữ thì có được lòng tin, mối giao hảo đối với người khác và bản thân mình không sợ hãi; và nhất là tránh khỏi sự sai lầm, tội lỗi, trừng trị của luật pháp. Hành vi trộm cắp, bao gồm hành vi buôn lậu, tham nhũng, việc khai thác tài nguyên bừa bãi, giết hại loài động vật quí hiếm.

Phật dạy mỗi người cần phải sống trung thực, lương thiện, tuyệt đối không xâm phạm của cải người khác, không làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của kẻ khác, bằng cách lừa lọc, phi nhân bản, thiếu đạo đức, vì tác hại của trộm cướp, tham nhũng làm bại hoại đạo đức.

3*. Giới không tà dâm: Lại nữa, giới thứ ba, không được tà dâm. Ngoài quan hệ vợ chồng chính thức, tất cả những quan hệ nam nữ khác không được luật pháp quốc gia và xã hội thừa nhận đều gọi là tà dâm. Không tà dâm là bảo vệ nhân cách của mình, bảo vệ thuần phong mỹ tục, tạo đời sống ổn định về tinh thần.

Trước đổ dốc nhanh chóng về đạo đức, giới thứ ba này càng quan trọng như một nhu cầu cần thiết, cấp bách cần được giữ gìn để tránh những căn bệnh hiểm nghèo. Nếu muốn các mối quan hệ trong gia đình được ổn định, làm cơ sở cho xã hội được an vui thì mọi người nên có quan hệ chính đáng, vừa có tình, vừa có nghĩa.

4*. Giới không nói dối: Giới thứ tư, không nói dối tức là không nói những lời trái với sự thật để mưu cầu lợi mình hoặc hại người. Nói dối khiến mất lòng tin, mất uy tín, thường lo sợ bị phát hiện, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu mọi người sống chung đều nói dối với nhau, đó là dấu hiệu của sự tan rã, gia đình ly tán, giá trị đạo đức mất chỗ đứng.

Cổ Đức có dạy “Kẻ mất tiền mất ít, kẻ mất lòng tin thì mất tất cả”. Nếu mọi người đều sống chân thật, xã hội sẽ bớt đi những tệ nạn trộm cắp, tham ô, dối gạt... và hạnh phúc luôn ngự trị trong mỗi gia đình, xã hội từ đó cũng an bình, thịnh vượng.

5*. Giới không uống rượu: Giới thứ năm, không được uống rượu. Giới này không có ở tôn giáo khác; tuy nghe có vẻ như bình thường nhưng thực chất nó rất quan trọng. Bởi vì, uống rượu không những làm cháy gan, thui phổi mà còn là nhân sanh ra các tội lỗi và làm mất giống trí tuệ. Thuốc độc chỉ giết người trong một đời còn rượu giết người trong hiện tại và tương lai.

Thực tế cho thấy say rượu là nguyên nhân làm tan nhà nát cửa, gây gỗ, đánh chém, tai nạn giao thông... Công năng của giới này giúp ta luôn làm chủ được mình, nuôi dưỡng tánh trầm tĩnh, tinh thần được minh mẫn, nhất là tạo cho con người có tác phong đứng đắn, luôn ý thức được địa vị và tư cách của mình; từ đó, loại bỏ những hành động xấu ác, đáng khiển trách.

Như vậy, Ngũ giới của Phật giáo không mâu thuẫn với luật pháp của bất kỳ quốc gia nào. Bởi mục đích của nó là đào tạo con người toàn diện, xây dựng thế giới an lạc, hạnh phúc. Năm giới không những là căn bản phạm hạnh mà còn là căn bản cho sự thăng tiến tâm linh, là phương tiện để cá nhân người tu tập đạt được lợi ích an lạc.

Tác dụng của nó vô cùng lớn lao đối với tha nhân và xã hội, không những mang lại lợi ích thiết thực cho hành giả đời này mà cả đời sau, cả thế gian và xuất thế gian. Ngày nay lễ truyền thọ Tam quy, Ngũ giới được tổ chức nhiều lần trong năm, làm nền tảng cho việc giáo hóa chúng sanh. Đây cũng chính là tinh thần nhập thế của đạo Phật.■

*** Thơ Như HUỆ Như SEN

Tác giả: THANH THANH




GIỮA MÙA CHAY THANH TỊNH

LÒNG NHƯ HUỆ NHƯ SEN 

DÒNG NƯỚC TRONG NHƯ KÍNH

SOI TỪNG KIẾP NHÂN SINH

                 ****

TÂM NHẸ TÊNH DANH LỢI

NGHE TIẾNG CƯỜI CỎ CÂY

RỘN RÀNG ÂM THANH MỚI

THÂN NHẸ NHƯ ÁNG MÂY.


*** Thơ EM, NỤ CƯỜI HOA BỒ TÁT

  Cư sĩ Liên Hoa




Em cười hoa Bồ tát
nở giữa cõi nhân gian
ta, một người lãng tử
rong chơi, lời tâm niệm
sớm mai, hoa cười nói
chim hót trên cành cây
mang trong lòng hương gió
có tiếng chuông vọng về
bên ngọn đồi hư vọng
ta thầm hỏi sắc không
vào trong trái tim nhỏ
ngàn lối, ngộ ta bà
một mai, mở tâm hương
ta gọi thầm pháp giới
trong vô lượng hải hà
giữa trùng khơi, em ngự.. 


***

Đường biển rộng, rõ soi in chiếc bóng
nước từ nguồn, dấu cũ vẫn nguyên sơ
đã ngàn năm, phiêu dạt mọi chốn đời
ta đi nhặt lá thu vàng để đếm
cõi tử sinh, nối tiếp bước hành trình
từng lặng lẽ, giữa đời nghe thu sớm
quét lá vàng, ôm giấc mộng tung bay
còn lại chút, lòng son cho sen nở
ta dâng người khi gom đầy lá biếc
thu có về, đổ xuông trận thu phong
lời im lặng, ta hong từng lá mỏng
vẳng nghe tâm, vừa sáng giữa chợ đời
chân trời đó, là lắng lòng vô niệm
bầu bạn cùng nhật nguyệt lúc ưu tư
có ánh sáng rạng ngời từ suối ngọt
gió miên man, gọi đến cõi vô cùng
Ta từng chép lời Kinh đầy mái tóc
mở rộng đời cho ánh mắt vì sao*
đem khổ đau gửi vào chốn Kinh chiều*
đem ánh sáng, gọi tự tình Kinh sớm*
Ồ em, giữa cõi đời muôn hữu hạn
lấy Tâm kinh, tô vẽ nét môi em
ta chấm điểm, cho ngàn trùng biến động*
cho em cười, nụ bồ tát thơm ngon…




*** Ý Nghĩa Quan Trọng Của TỤNG KINH

THÍCH NHẬT TỪ

                                      Ý NGHĨA TỤNG KINH

Có nhiều Phật tử khi được hỏi "Tại sao anh / chị /ông / bà tụng kinh?" liền trả lời không ngần ngại rằng "Vì tụng kinh có nhiều phước báo, nên chúng tôi tụng".

Đối với nhiều Phật tử, tụng kinh là con đường gặt hái phước báo cho bản thân, người thân quyến và gia đình mình. Nhiều người khác thì cho rằng tụng kinh để được các đức Phật và Bồ-tát phù hộ cho tai qua nạn khỏi, mua may bán đắc, làm ăn phát tài, cửa nhà thịnh vượng. Nói chung tụng kinh để mang lại phước lộc và thọ cho mình và gia đình mình. Mặc dù không phản ánh đúng ý nghĩa và mục đích của sự tụng kinh trong Phật giáo nhưng những câu trả lời như vậy đã trở thành nếp nghĩa của nhiều Phật tử.

**1. Kinh là lời Phật dạy về đạo đức, phương thức tu tập, cải hóa thân tâm, đem lại hạnh phúc cho mình và người ở đời này và đời sau, do đó, sự tụng kinh có ý nghĩa đạo đức rất lớn. Tụng kinh trước nhất và quan trọng hơn hết là để "hiểu chính xác lời Phật dạy, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày, đem lại lợi lạc cho bản thân và tha nhân." Tụng kinh là dịp tốt nhất để chúng ta có thể học hỏi, tư duy về lời Phật dạy rồi áp dụng chúng vào đời sống hằng ngày của chúng ta.

Chính sự áp dụng lời Phật dạy, sau quá trình tư duy và thể nghiệm, giúp chúng ta gặt hái những điều chúng ta mong muốn trong cuộc sống, như sự an lạc và hạnh phúc. Bản thân của sự tụng kinh vốn không có phước báo nào cả, nếu người đọc tụng không chịu chú tâm vào lời kinh để tìm ra ý đạo ẩn chứa trong đó. Các hình thức và thói quen tụng kinh như một cái máy lập, rõ ràng không mang lại kết quả thực tiễn nào, trái lại còn làm mất thời giờ, công sức mà không có ích lợi gì cả.

Kinh điển của Phật là tấm bản đồ, là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta sống đời chân chánh, để gặt hái kết quả hạnh phúc ở đời này và đời sau. Đọc tấm bản đồ để biết được con đường, để đi đúng đường, để đến đúng đích. 

Con đường đó là con đường thánh gồm tám yếu tố: quan điểm chân chánh, tư duy chân chánh, lời nói chân chánh, hành vi chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nỗ lực chân chánh, chánh niệm và thiền định chân chánh. Đây là con đường mà ba đời chư Phật đã đi qua, diệt trừ tận gốc rễ của khổ đau, đạt được an lạc và giải thoát. Người Phật tử cần phải siêng năng nhớ nghĩ, ứng dụng con đường trung đạo đó để tự cứu độ chính mình, thông qua sự hướng đạo của Phật trong kinh điển. Nói cách khác, tụng kinh là cách học hỏi chánh pháp của Phật để ứng dụng chánh pháp vào đời sống, đem lại an lạc và hạnh phúc cho tự thân.


**2. Tụng kinh trong Phật giáo còn là một dịp tốt giúp chúng ta trau dồi và phát triển ba nghiệp trong sạch và an tịnh. Trong giờ phút tụng kinh, nhờ sự chú tâm chuyên nhất vào lời kinh, tâm ý của chúng ta chấm dứt sự bám víu vào các duyên thế sự. Tâm ý của chúng ta nhờ đó trở nên thanh tịnh và thuần khiết. Tâm của chúng ta xa lìa các tâm lý tham lam, sân hận, si mê và các tâm lý âm tính khác, có hại cho tâm tư, tình cảm, nhân cách và đạo đức của bản thân. 

Trong tư thế ngồi bất động để tụng kinh, thân thể chúng ta đang từng bước trở nên an tịnh, thuần khiết, nhờ đó chúng ta tránh được tất cả các hành vi xấu ác của thân như giết chóc, trộm cướp, quan hệ tình dục bất chánh. 

Ngoài ra, do miệng đọc tụng lời kinh, các lời nói mang tính chất sai sự thật, ác độc, thêm bớt và nói lời vô nghĩa không có cơ hội để phát triển. Khi đọc kinh thì miệng của chúng ta xướng lên những lời lẽ đạo đức, trí tuệ, nhờ đó chúng ta có cơ hội vun trồng các hạt giống thiện. Như vậy, trong hành động tụng kinh, chúng ta xa lìa được mười nghiệp ác, ba của ý, ba của thân và bốn của lời. Nói cách khác, trong khi tụng kinh chúng ta đã huấn luyện 3 nghiệp của mình về con đường lương thiện và đạo đức.

Sự huấn luyện đó giúp chúng ta xa lìa các nghiệp ác, huân tập các điều thiện. Sự tụng kinh do đó đã trở thành một sự tu tập thân, khẩu và ý trong đạo Phật.

Nói chung, mục đích tụng kinh trong đạo Phật không phải để trả bài hay tính công với Phật, mà là nhằm tìm hiểu chính xác lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Tụng kinh không phải để cầu nguyện Phật và Bồ-tát gia hộ cho mình, gia đình và thân quyến tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức, làm ăn thịnh vượng, tuổi thọ tăng trưởng, sở nguyện tùy tâm, kết tường như ý.

**3.Tụng kinh cũng không phải là sự mua bán hay trao đổi về sức khỏe, tài sản, giàu sang và phước báo. Tụng kinh để trau dồi ba nghiệp thanh tịnh, phát triển các hành lành, sống đời đạo đức, vô ngã và vị tha, để mình và người được an lạc và hạnh phúc. Muốn được vậy, khi tụng kinh, người Phật tử phải chí thành, hướng tâm về nội dung kinh, ghi khắc sâu chân lý Phật dạy, ứng dụng vào từng trường hợp cụ thể của cuộc sống, để khắc phục đau khổ, nhổ sạch gốc rễ của khổ đau là tham lam, sân hận, si mê.

Tụng kinh như vậy là một sự tu tập: bỏ ác làm lành, một sự an tịnh ba nghiệp, phát triển các đức tính tốt trong mỗi chúng ta. Tụng kinh có nhiều lợi ích như thế cho nên người Phật tử phải chuyên cần tụng niệm lời Phật dạy.

                               CÁCH THỨC TỤNG KINH


**1. Cách thức tụng kinh trong Phật giáo có phần khác nhau tùy theo từng truyền thống. Trong Phật giáo nguyên thủy, sự tụng kinh chỉ đơn thuần là sự trùng tuyên lại lời Phật dạy, để nhớ lời ngài dạy sâu hơn và để ứng dụng vào cuộc sống khi có cơ duyên thích hợp. Trong Phật giáo Bắc tông, tụng kinh đã trở thành một nghi thức và nghi lễ hẳn hoi, với sự hỗ trợ của các pháp khí và nhạc cụ, như chuông, mõ, trống, kiểng, khánh, v.v... Sự tụng kinh ở nhiều nơi đã trở thành một lễ nhạc có âm điệu trầm bổng, du dương, gây nhiều cảm hứng tốt ở người nghe.

Dù bạn theo truyền thống nào đi nữa, điểm quan trọng mà bạn phải chú ý là tụng kinh để hiểu và ứng dụng lời Phật dạy vào trong cuộc sống. Do đó, trong khi tụng niệm, bạn đừng để cho kỹ thuật tán tụng trở thành cái chánh yếu của khóa lễ, mặc dù kỷ thuật này có thể giúp cho người tụng lẫn người nghe dễ lắng tâm và phát khởi niềm tin.

**2. Nội dung và ý tưởng của kinh là phần "cốt lõi nhất" mà ta cần phải chú tâm thật sâu thì mới có thể lãnh hội hoàn toàn. Do đó, chỉ chú trọng đến "kỹ thuật tụng hay" mà không nắm bắt được ý kinh thì việc tụng kinh có thể trở nên vô ích và mất thời giờ. Người tụng phải chú tâm hoàn toàn vào nghĩa lý của kinh, tư duy và liên tưởng về nghĩa lý đó, để hiểu rõ lời dạy của Đức Phật (tụng kinh giả minh Phật chi ly) rồi ứng dụng sự hiểu biết đó vào cuộc sống hằng ngày. 

Chính sự ứng dụng lời kinh vào cuộc sống mới thật sự đem lại phước báo, an lạc và giải thoát cho chúng ta. Do đó, ta không nên chỉ tụng niệm bằng miệng mà còn phải tụng niệm bằng tâm. Tụng niệm bằng tâm thì ta mới tránh được thái độ tụng niệm như để trả bài cho Phật hay như một cái máy lặp, chỉ phát ra âm thanh về chánh pháp nhưng không phát khởi được niềm tin chân chánh cũng như sự hiểu biết và thái độ quyết chí hành trì chánh pháp ấy. 

**3. Tụng niệm bằng tâm thì ngay khi tụng niệm, chúng ta đang an trú trong từng giây phút của trạng thái định và đây là nền tảng để trí tuệ vô lậu, giải thoát phát sanh. Như vậy, trong một hành vi tụng niệm bằng tâm, ba trạng thái giới định huệ đã có thể hội đủ nhờ vào thái độ chuyên chú để tìm ra lý đạo.


***Nói tóm lại tụng Kinh không phải là dịp để cầu phước mà là cơ hội để trau dồi ba nghiệp cho thanh tịnh, an lạc. Tụng kinh không phải là buổi cầu nguyện, van xin mà là lúc chúng ta nên chuyên chú, lắng tâm, tư duy về lời Phật dạy, để ứng dụng vào đời sống hằng ngày. Tụng kinh còn là cách học hỏi chánh pháp, phát khởi niềm tin chân chánh về lời Phật dạy.

Tụng kinh để gieo rắc các hạt giống từ bi, trí tuệ vào trong tâm khảm, để gặt hái hoa trái của an lạc và hạnh phúc ở hiện tại và tương lai, cho mình và cho người.

Tụng kinh mang nhiều ý nghĩa đạo đức tích cực như thế, phàm làm đệ tử Phật phải nên siêng năng đọc tụng kinh điển để thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật tỏa sáng sự sống của chúng ta và tất cả chúng sanh.


Tác giả: Thầy Thích Nhật Từ


*** LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT

TK THÍCH CHÂN TUỆ


Nhân dịp làm lễ kỷ niệm Ðức Phật Thích Ca sinh ra trên thế gian này, để cứu độ chúng sanh, hãy thử suy nghĩ: chúng ta đã từng thấy Phật chưa? Nếu chưa, chúng ta làm sao tìm thấy Phật? Có phải đợi sau khi chết rồi, vãng sanh tây phương cực lạc, mới thấy được Phật chăng? Có phải chỉ có Phật Tử mới thấy được Phật chăng? Hoặc có phải chăng: tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy Phật, ngay trên thế gian này, ngay trong cõi đời này, bất luận người đó là Phật Tử, hay không là Phật Tử, bất luận người đó tại gia hay xuất gia? Dường như ai ai cũng có các thắc mắc này, vậy chúng ta hãy lần lượt cùng nhau tìm câu trả lời dựa theo giáo lý của đạo Phật. 

Hầu như mọi người Phật Tử đều biết lịch sử Ðức Phật Thích Ca: Ngài đản sinh ở vườn Lâm Tỳ Ni, được gọi là Thái Tử Tất Ðạt Ða, con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc nước Ấn Ðộ bây giờ.  Nhân những chuyến ra khỏi hoàng cung, nhận thấy các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử, của kiếp con người, cho nên Ngài quyết tâm xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát và thành đạo dưới cội bồ đề năm 35 tuổi. Sau đó, Ngài chuyển pháp luân, thuyết pháp cứu độ chúng sanh trong 45 năm, cuối cùng nhập niết bàn ở vườn Ta La năm 80 tuổi. Như vậy, Ðức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn, chúng ta đi tìm Phật ở đâu bây giờ, làm sao chúng ta gặp được Phật? Thực ra, chúng ta chẳng cần đi tìm Phật ở đâu xa, chẳng cần phải qua Ấn Ðộ, hay vào chùa mới gặp Phật. Phật luôn luôn ở trong cuộc đời, ngay trên thế gian này, hiện hữu khắp nơi, nhưng chúng ta không thấy đó thôi! Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên xử dụng con mắt trí tuệ, để quan sát những gì tiềm ẩn bên trong, hoặc ý nghĩa của những việc làm.


Nơi các tôn tượng chư Phật, con mắt trí tuệ được tượng trưng bởi viên ngọc quí ở giữa chặn mày, luôn luôn chiếu sáng, mang ý nghĩa: tuệ đăng thường chiếu, tức là ngọn đèn trí tuệ thường chiếu sáng, còn đôi mắt thịt, luôn luôn khép lại, không duyên theo cảnh trần. Tuệ đăng thường chiếu nghĩa là con người sống luôn luôn tỉnh thức, không bị mê mờ, không bị dục lạc thế gian lôi cuốn, sống trong thế gian, nhưng không phiền lụy, cũng chẳng khổ đau. Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất cả mọi loài chúng sanh. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian và thời gian, không hạn hẹp trong trăm năm của một kiếp con người.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi tiếp xúc giao thiệp với mọi người chung quanh, chúng ta thường nhìn người đời bằng cặp mắt thịt, trong kinh sách gọi là nhục nhãn, cho nên chỉ nhìn thấy được hình tướng bên ngoài của con người, sanh tâm phân biệt: nam nữ, cao thấp, đẹp xấu, già trẻ, lớn bé, giàu nghèo, mập ốm. Chính vì con người có cái nhìn phân biệt như vậy, cho nên cảm thấy phiền não và khổ đau nhiều hơn là an lạc và hạnh phúc. Tại sao vậy? 


Bởi vì, khi có cái nhìn phân biệt như vậy, con người chỉ thấy chung quanh toàn là chúng sanh, cho nên khởi tâm thương ghét, làm cho cuộc sống đảo điên, tâm trí bất an. Chẳng hạn như khi gặp người nào đẹp đẽ, hạp nhãn, hay gặp vật gì quí giá, hiếm hoi, thì sanh lòng tham lam, ưa thích ngắm nhìn, muốn chiếm hữu làm của riêng. Toại nguyện thì hả hê, thích thú, bằng không được như ý, thì sanh tâm oán thù, ghét bỏ, bực dọc, tức tối. Chẳng hạn như gặp người nghèo hèn, ít học, thì sanh tâm khinh khi, kỳ thị, rẻ rúng, còn gặp người giàu sang, học thức, thì thèm muốn, ước mơ, nịnh bợ. Chẳng hạn như gặp người mập ú thì cười, gặp người gầy ốm thì chê. Con người thường có ước mơ muốn được bình yên, nhưng tâm trí cứ chạy theo cảnh trần đời như vậy, lăng xăng lộn xộn cả ngày, suốt tháng, quanh năm, làm sao cuộc sống bình yên, an vui cho được? 
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
"Ly nhứt thiết thướng, thị danh thực tướng". 
Nghĩa là: Khi nào lìa bỏ được tất cả các hình tướng bên ngoài, không chấp vào nhân dáng thế này thế khác, chúng ta mới có thể nhận ra thực tướng của tất cả mọi người.  
Thực tướng đó là gì? Thực tướng đó chính là con người chân thật của tất cả mọi người trên thế gian này. Con người chân thật đó đồng nhất, không khác, không phân biệt nam nữ, già trẻ, lớn bé, màu da, sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo, văn hóa, giai cấp, xuất xứ, kiến thức, học lực, bằng cấp. Mọi người đều có thực tướng đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có khác. Chẳng hạn như là: Người tham gian xảo, cặp mắt bất hảo, đảo qua đảo lại, láo liên đảo điên. Người hay sân hận, cặp mắt dữ dằn, trợn trừng tóe lửa. Người còn si mê, cặp mắt lờ mờ, lờ đờ khờ khạo.
 
*1. Tu theo đạo Phật, không phải chỉ có: cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện, cầu an cầu siêu, cầu được bình an, cầu sang cực lạc, cầu đủ thứ chuyện, cầu cho sung sướng, biểu diễn hình tướng, không còn gì khác! Không phải như vậy!  
*2. Tu theo đạo Phật, là phải luôn luôn, thúc liễm thân tâm, chuyên cần chăn trâu, trâu đen tâm ý, đừng để chạy rong, ngông cuồng phá phách, giẫm đạp ruộng người, húc càn đàng đông, xông qua đàng tây, từng giây từng phút. 
*3. Tu theo đạo Phật là phải tìm ra con người chân thật, hay giác ngộ thực tướng của chính mình. Thực tướng đó bất sanh bất diệt. Ngộ được thực tướng thì thoát ly sanh tử luân hồi, theo đúng lời dạy của tam thế thập phương chư Phật. Còn con người bằng xương bằng thịt, trong kinh sách gọi là tấm thân tứ đại, chỉ tồn tại hơn kém trăm năm là nhiều! 


Trong khi bình thường, hai người tánh tình giống nhau, hòa đồng, nhã nhặn, vui vẻ, lịch sự, không khác. Khi có biến cố xảy đến, người biết tu tâm dưỡng tánh, giữ gìn được sự bình tĩnh thản nhiên, không khởi tâm tham lam, không khởi tâm sân hận, không khởi tâm si mê. Nếu người nào hoàn toàn giữ gìn được bản tâm thanh tịnh, trong mọi hoàn cảnh trên thế gian, trước những bát phong của cuộc đời, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù vinh hay nhục, dù sướng hay khổ, tâm tánh vẫn luôn luôn bình tĩnh thản nhiên, luôn luôn mỉm nụ cười an nhiên tự tại, người đó chính là một vị Phật. Một vị Phật thành đạo từ nơi con người biết tu tâm dưỡng tánh, đi đúng Chánh Ðạo, hành đúng Chánh Pháp. Người nào chưa đạt được hoàn toàn như vậy, chính là những người đang trên bước đường tu tập, công phu được bao nhiêu, người đó được an lạc và hạnh phúc bấy nhiêu. Chứ không phải van xin cầu nguyện mà đặng đâu! Đại đa số người đời, khi có biến cố xảy ra, tâm tham lam liền khởi lên, không thể dừng được, luôn luôn nghĩ đến những việc tranh giành quyền lực, lợi mình hại người, xúi người hại nhau, bất chấp thủ đoạn, thưa gửi kiện tụng, sang đoạt tài sản, chiếm hữu bản quyền, giựt hụi quịt nợ.


Khi có biến cố xảy ra, người ta không còn hợp tác, không còn qua lại với mình, mình liền ngậm máu phun sau lưng người, không kể người cười miệng mình dơ, đâm bị thóc thọc bị gạo, bêu riếu đàm tiếu đủ điều, vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ, chứng nào tật nấy, không bao giờ chừa! Cũng do tâm si mê xui khiến, con người tin chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan, van xin thượng đế, cầu nguyện thần linh, tìm sông lội suối, nước kém vệ sinh, cho là nước thánh, trị được bá bệnh, cầu gì được nấy, cũng mang về uống, dù cho người đó, có nhiều bằng cấp, dù thấp hay cao, ở ngoài thế gian, hay trong nhà đạo! Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh". Nghĩa là: "Tất cả mọi chúng sanh đều có tánh giác"
Tất cả mọi người đều có tánh giác, sáng suốt đồng nhau, không khác, trong kinh sách gọi là Chân Tâm hay Phật Tánh, nhưng chỉ vì nghiệp lực khác nhau, tâm tham sân si khác nhau, cho nên bị phiền não khổ đau cũng khác nhau, hình tướng bên ngoài cũng khác nhau. 


Như vậy, câu hỏi tìm Phật ở đâu, làm sao gặp Phật, thật là quá dễ, ai cũng có thể trả lời được. Trước hết, Phật có nghĩa là Ðức Phật Thích Ca, vị Phật có thực trong lịch sử, sinh ra ở Ấn Ðộ, tu hành và thành đạo, cách đây hơn 2500 năm, ngay trên thế gian này, ở ngay cõi ta bà này, không phải cõi nào khác, không phải tây phương cực lạc.Ðó là câu trả lời gần nhứt, đơn giản nhứt, rõ ràng nhứt.  Tuy nhiên, trong kinh sách có câu: "Phật biến nhứt thiết xứ", nghĩa là Phật có ở khắp mọi nơi, Phật ở chung quanh chúng ta, nhưng chúng ta không hiểu biết, không nhận ra đó thôi! Ðó là nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm của chữ "Phật".  


Ðó là con đường thực tế, giúp đỡ cuộc đời được nhiều ánh sáng giác ngộ và giải thoát, cuộc sống được nhiều an lạc và hạnh phúc, con người được nhiều an nhiên và tự tại, giảm bớt phiền não và khổ đau. Trong kinh sách cũng có câu: "Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt". Nghĩa là: "Tâm, Phật và chúng sanh, cả ba không khác, không sai biệt". 
Phật và chúng sanh bổn nguyên tánh thường rỗng lặng, trong kinh sách gọi là không tịch. Tâm của người nào không chất chứa bất cứ hình ảnh của chúng sanh trong ba cõi, sáu đường, hoàn toàn trống rỗng, tĩnh lặng, tịch tịnh, tâm người đó chính là tâm Phật. 
Chư Tổ cũng có dạy: "Phật tức Tâm, Tâm tức Phật", chính là nghĩa đó vậy. 


Khi thấy người nào vào chùa, van xin cầu khẩn chư Phật ban cho điều này điều kia, chư Tổ thường dạy: Ngươi cõng Phật đi tìm Phật! Nghĩa là chư Phật đã bỏ những điều phiền não, chỉ dạy chúng ta pháp môn tu tập để giải thoát, để thành Phật, chúng ta không chịu tu học, để tự mình thoát ly phiền não khổ đau, trái lại chúng ta van xin cầu khẩn những điều phiền não, chẳng hạn như: tiền tài, danh vọng, ước gì được nấy, nhứt bổn triệu lợi, buôn may bán đắt, thi đâu đậu đó, bình yên vô sự, nhà cao cửa rộng, điều cuối cùng là: cầu vãng sanh cực lạc quốc! Cầu không được, khổ là cái chắc! Cầu bất đắc, tức khổ không sai! Chúng ta có thể tìm thấy hình ảnh Phật, qua các vị chân tu thực học, giới đức tròn đầy, là điểm tựa, là chỗ quy ngưỡng, để chúng sanh tìm được sự an lạc khi gần gũi, thân cận. 

Chúng ta có thể tìm thấy Phật ở khắp nơi trên thế gian này, chỗ nào có tình thương ngự trị, có từ bi hỷ xả hiện tiền, là có Phật ở ngay nơi đó. Bất cứ người nào, dù không là Phật Tử, dù là Phật Tử tại gia hay xuất gia, mà trong một khoảng thời gian nào đó, phát tâm bồ đề, khai mở Chân Tâm, thực hành hạnh lợi tha, vì người quên mình, thể hiện bốn tâm lượng rộng lớn: từ bi hỷ xả, thì ngay trong giây phút đó, người ấy đang sống với tâm Phật, như một vị Phật. Nhưng sau phút giây giác ngộ đó, người ấy trở lại cuộc sống tầm thường, thì tâm Phật lại tiềm ẩn, chờ cơ hội khác để phát huy. Phật là con người giác ngộ trọn vẹn và vĩnh viễn, lúc nào cũng tỉnh thức và sáng suốt. Chúng sanh khác Phật ở chỗ: chỉ lóe sáng trong giây phút, rồi lại chìm đắm trong bóng tối vô minh. 

Tại sao vậy? Bởi vì, con người không đủ sức vượt khỏi tam giới, không đủ sức ra khỏi căn nhà lửa, không đủ sức chống cự sức mạnh của con trâu tâm ý, nghĩa là con người bị "nghiệp thức che đậy" và thường hay "biết mà cố phạm"! Ðể có cái nhìn thực tiển và có phương pháp thực hành, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia, Chư Tổ có dạy: 
  "Chúng sanh nhìn Chư Phật như chúng sanh, cho nên phiền não khổ đau. 
Chư Phật nhìn chúng sanh như Chư Phật, cho nên niết bàn tự tại". 
Nếu hiểu biết lời dạy này một cách thấu đáo, một cách tường tận, chúng ta liền biết tìm Phật ở đâu, hay làm sao gặp Phật? Chúng ta thường hay nghĩ rằng: Phật ở Tây phương cực lạc, Phật ở trong chùa, Phật ở trong kinh sách, Phật ở trong các bức tượng bằng gổ, bằng đồng, bằng bạc, bằng vàng, hay bằng tranh vẽ. Còn chung quanh toàn là chúng sanh tất cả! Chính bởi cái nhìn, cái hiểu biết, cái suy nghĩ, cái quan niệm như vậy, cho nên con người gặp nhiều phiền não khổ đau, không sao tránh khỏi, không bao giờ dứt. Con người không biết: mình có Chân Tâm, hay là Phật Tánh, mọi người chung quanh, cũng y như vậy! Con người hay đeo, cặp kính chúng sanh, tức là nhìn đời, qua tâm vọng động, cho nên nhìn ai, cũng thấy mọi người, chỉ là chúng sanh, nhìn ai cũng thấy, tật xấu của họ, nhìn ai cũng thấy, đáng ganh đáng ghét, nhìn ai cũng thấy, đáng phải đề phòng, nhìn ai cũng thấy, cần phải lánh xa, nhưng không bao giờ, nhìn lại chính mình, xem xét tốt xấu, cho nên gặp nhiều, điều bất như ý, phiền não khổ đau, rồi chờ khi chết, lết về tây phương, nương về cực lạc, để tìm thấy Phật, làm sao gặp được? 


Còn chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, đeo cặp mắt kính thanh tịnh, nhìn đời bằng bản tâm thanh tịnh, nhìn ai ai chung quanh cũng thấy được họ có Chân Tâm, Phật Tánh, nhìn ai ai chung quanh cũng hiểu biết họ là vị Phật sẽ thành trong tương lai, gần hay xa tùy theo công phu tu tập, tùy theo phước duyên của mỗi người, nhìn ai ai chung quanh cũng hiểu biết họ có những điều hơn mình, đáng cho mình học hỏi, nhìn ai ai chung quanh cũng thấy được con người chân thật. không phải con người hiện tướng tham đáng ghét, không phải con người hiện tướng sân dữ dằn dễ sợ, không phải con người hiện tướng si khờ khạo ngu ngơ. Cho nên chư Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, luôn luôn an nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên, chứng được cảnh giới niết bàn hiện tiền. Chúng ta có giác ngộ, mới có cuộc sống an lạc và hạnh phúc như vậy, mới giải thoát khỏi phiền não và khổ đau. 
Cuộc đời có ý nghĩa, cuộc đời đáng sống, kể từ đây!
 
Tóm lại, trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng.  Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai". Nghĩa là: Phàm ở trên thế gian này, tất cả những gì có hình tướng đều hư vọng, có ngày cũng phải bị hư hao, hoại diệt, kể cả những bức tượng Phật, dù làm bằng vật liệu gì đi nữa cũng vậy, kể cả tấm thân tứ đại, sau trăm năm cũng phải bỏ lại. Nếu chúng ta nhìn mọi người, không qua hình tướng bên ngoài, không phân biệt kỳ thị, không thành kiến bất công, lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy được Như Lai, tức là thấy được Chân Tâm Phật Tánh, của mình và của mọi người, đồng nhất không khác! Ðó chính là con người chân thật, bất sanh bất diệt. Kiến Như Lai tức là ngộ đạo, tức là thoát ly sanh tử luân hồi. Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: 
Nhược dĩ sắc kiến ngã. 
Dĩ âm thanh cầu ngã. 

Thị nhơn hành tà đạo. 

Bất năng kiến Như Lai. 
Nghĩa là:
Qua hình tướng tìm Phật
Qua âm thanh tìm Phật  
Làm vậy là sai đường 
Làm sao tìm thấy Phật.
Nếu người nào nhìn qua sắc tướng, diện mạo, hoặc do âm thanh, mà cầu Phật, tìm Phật, muốn gặp Phật, hoặc cho rằng có hình tướng như vậy, có âm thanh như vậy, mới phải là Phật, thì người đó đang đi sai đường, lạc lối, không thể nào gặp được Phật, không thể nào tìm thấy Như Lai. Nói một cách khác, những người cứ tưởng: lạy tượng Phật nhiều, tức là hình tướng, tụng kinh Phật nhiều, tức là âm thanh, thì được gặp Phật, nằm mơ thấy Phật, những người như vậy, chẳng hiểu biết gì, đang hành tà đạo, làm sao hiểu được Như Lai? Tại sao vậy? Bởi vì, Phật hay Như Lai chỉ về tâm tánh, vô hình vô tướng, không có hình tướng có thể thấy được bằng đôi mắt thịt của con người. Bởi vậy cho nên, muốn tìm thấy Như Lai, muốn gặp được Phật, con người phải phát huy trí tuệ bát nhã, phải nhận ra con người chân thật, nhận ra Chân Tâm Phật Tánh của chính mình và của mọi người chung quanh chúng ta. Như vậy muốn tìm thấy Phật, chúng ta chỉ cần hành trì các pháp môn, dù thiền tông, tịnh tông, hay mật tông, tức là: thiền quán, tọa thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái "nhứt tâm bất loạn". Lúc đó, chẳng những chúng ta tìm thấy Phật, mà chính chúng ta vừa trọn thành Phật Ðạo đó vậy. 

Thích-Chân-Tuệ
Cơ-sở Phật-học Tịnh-Quang Canada
Email: cutranlacdao@yahoo.com

QUÍ VỊ MUỐN THỈNH TẬP SAN "PHẬT HỌC TỊNH QUANG" LIÊN LẠC:
Chủ-Nhiệm Tỳ Khưu Thích Chân Tuệ


 PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA
108 - 123 Railroad St.,
Brampton, ON, L6X-1G9, Canada.
Tel: 647-828-1016
*