Thursday, March 15, 2018

*** HIỂU THẾ NÀO LÀ PHẬT PHÁP?





 HIỂU THẾ NÀO LÀ PHẬT PHÁP?
HT THÍCH THANH TỪ 
Phật pháp là những điều đức Phật chứng kiến được sau khi giác ngộ, đem chỗ chứng kiến ấy nói lại để cho mọi người hiểu biết để dứt sạch mê lầm và giác ngộ như Ngài. Chính từ chỗ chứng kiến của Ngài nói ra, không phải do suy tư phỏng đoán như nhiều triết thuyết khác. Vì thế, Phật pháp là những chơn lý, tùy trình độ của người, Phật nói có sai biệt: Chơn lý phổ biến, Chơn lý tương đối, Chơn lý tuyệt đối.
CHƠN LÝ PHỔ BIẾN
Chơn lý phổ biến là những sự thật hiện hữu tràn đầy trên vạn vật. Những sự thật ấy đức Phật chỉ ra, chúng ta chịu khó khảo sát một cách tinh tế sẽ thấy hiển nhiên không sai lệch. Trước hết nhìn theo dòng thời gian, Phật nói :

I. NHƠN QUẢ
Tất cả sự vật có hình tướng, có tác động đều hình thành bằng nhơn quả. Nhơn quả trùm khắp cả mọi sự vật, không một sự vật nào có thể thoát ngoài nhơn quả được. Song trong nhơn đến quả có chánh nhơn, trợ nhơn, thuận nhơn, nghịch nhơn nên trở thành vấn đề phức tạp. Lại có những trường hợp vì nhơn quá nhỏ nhiệm, nhơn xa xôi khiến người ta không thể thấy, không thể nhớ mà biến thành khó hiểu. Chúng ta thử nhìn từ lãnh vực thực vật, động vật… để minh chứng lý nhơn quả.
1. Về Thực Vật. Không một thứ cây loại cỏ nào mà chẳng từ nhơn thành quả. Hoặc có thứ nhơn của nó là hạt, có thứ nhơn nó là lá, có thứ nhơn nó là ngọn, có thứ nhơn nó là rễ, là thân. Từ cái nhơn ấy nẩy mầm sanh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả. Không có loài thực vật nào ngẫu nhiên không nhơn thành quả. Ví dụ, hạt cam là nhơn, lên thành cây cam có trái cam là quả. Hạt ớt là nhơn, lên thành cây ớt có trái ớt là quả… Có nhơn ắt phải có quả. Song trong ấy còn tùy thuộc thuận nhơn hay nghịch nhơn, mà thành quả hay bất thành quả. Như có hạt cam là chánh nhơn, có phân, đất, nước, ánh nắng… là trợ nhơn, được săn sóc vun quén là thuận nhơn, hạt cam ấy sẽ nẩy mầm sanh trưởng thành cây cam và có trái cam không sai. Ngược lại, có hạt cam mà thiếu phân đất nước ánh nắng… thì không thể nẩy mầm sanh cây cam, huống là có trái cam. Hoặc có hạt cam, có phân đất nước ánh nắng… mà thiếu người săn sóc vun quén thì có thể có cây cam mà khó mong có quả cam. Hoặc có hạt cam, có phân đất nước ánh nắng…, có người vun quén, song bị sâu trùng ăn gốc, đục trong thân cây – nghịch nhơn – thì cây cam ấy sẽ bị hoại. Hoặc có trường hợp dường như không nhơn mà thành quả. Như chúng ta dọn sạch một thửa đất để trồng trọt.
Thửa đất ấy, chúng ta cuốc không còn một gốc cỏ, lượm sạch không sót một cọng cỏ, ta tự cho là đất thật sạch. Thế mà, qua một vài trận mưa, chúng ta thấy từ lòng đất cỏ vọt lên lấm tấm đều hết. Cỏ này từ đâu đến ? Phải chăng đất sanh cỏ ? Thật không phải thế, bởi những hạt cỏ li ti đã nằm sẵn trong lòng đất mà mắt chúng ta không thể thấy. Gặp mưa, chúng nẩy mầm lên cây là lý đương nhiên. Đây là vì nhơn nhỏ nhiệm chúng ta không thấy, nên có những nhận xét sai lầm. Lại có trường hợp khác, một hôm tăng chúng trong chùa chúng tôi ra thăm vườn, bẻ được hai trái mãng cầu xiêm, từ hai cây mãng cầu cách nhau độ 4 thước tây. Khi xẻ ra ăn, cả chúng đều ngạc nhiên, trố mắt nhìn nhau, đặt câu hỏi : Tại sao cùng một loại, chung một thửa đất, mà trái này ngọt, trái kia chua ? Mỗi người đều có giả thuyết khác nhau, riêng tôi chỉ cười thôi. Cuối cùng, tôi giải thích cho họ nghe : Sở dĩ hai cây cùng một loại, chung một thửa đất mà mùi vị khác nhau, do trước kia tôi lấy hạt của hai trái mãng cầu chua và ngọt ương trồng, nên kết quả như thế. Đó là vì nhơn xa xôi khiến người ta không thể biết, nên sanh nghi ngờ. Bởi những lý do trên, nhơn quả trở thành tế nhị phức tạp, nếu người nhận xét nông nổi đơn thuần thì khó thấu triệt được.

2. Về Động Vật.Tất cả loài động vật hình thành cũng từ nhơn đến quả. Có loài động vật nhơn là trứng, có loài động vật nhơn từ bào thai, có loài động vật nhơn từ loài khác hóa ra. Không có loài động vật nào tự nhiên mà có, song có cũng tùy thuộc chánh nhơn, trợ nhơn, thuận nhơn, nghịch nhơn, sự sanh trưởng của nó được hoàn hảo hay suy kém, hoặc hoại diệt chẳng hạn. Đây là nói nhơn quả trên vạn vật có hình tướng. Chúng ta có thể khẳng định rằng “tất cả loài sinh vật trên quả địa cầu và cả quả địa cầu này đều nằm gọn trong lòng nhơn quá”.

3. Về tác động. Chẳng những nhơn quả trùm khắp mọi loài mọi vật có hình tướng, mà nhơn quả cũng bao gồm mọi tạo tác mọi hành động của mọi loài, ở đây chúng ta chú mục vào loài người để thấy rõ nhơn quả. Những tác động về thân miệng của chúng ta có tánh cách lợi người, đem lại nguồn an vui cho người, là tác động lành. Nó sẽ mang lại cho ta sự an vui ngay hiện tại, hoặc sau này, gọi là quả lành. Những tác động có tánh cách thương tổn khiến người đau khổ, gọi là nhơn dữ. Nó sẽ chuốc lấy sự đau khổ trở về ta ngay hiện tại, hoặc mai kia, gọi là quả dữ. Ví dụ, chúng ta ra tay cứu giúp người hoạn nạn nguy khốn, qua cơn hoạn nạn họ vui vẻ cám ơn ta. Chính khi thấy họ an ổn, lòng chúng ta cũng vui lâng lâng. Mặc dù chúng ta không mong gì hơn nữa, song người thọ ơn bao giờ cũng nghĩ đến đền đáp, nếu gặp cơ hội tốt, họ sẽ đền ơn ta. Ngược lại, chúng ta làm thương tổn khiến người đau khổ, họ sẽ bực tức oán hờn phản kháng ta. Chính khi ấy lòng chúng ta cũng bị bất an. Nếu mai kia họ gặp dịp thuận tiện sẽ trả thù, khiến chúng ta bị khổ đau hơn, họ mới vừa lòng. Đó là nhơn lành gặt quả lành, nhơn dữ chịu quả dữ. Nhưng cũng có những trường hợp dường như ngoại lệ, mà thực không phải. Như chúng ta đã gieo nhơn lành hoặc dữ, mà suốt đời không gặt được kết quả; vì nhơn chưa chín mùi mà báo thân chúng ta đã hoại, nhơn ấy sẽ còn tiếp tục theo thời gian chớ không mất. Hoặc có khi chúng ta không gây nhơn lại chịu quả. Vì nhơn xa xôi còn lưu lại, chúng ta không nhớ.
Tác động của ý còn thầm lặng bên trong chưa phát lộ ra, song nó rất nguy hiểm. Vì thân miệng đều do nó chủ động sai khiến. Nó dấy nhơn lành thì thân miệng theo đó tạo nhơn lành, nó dấy nhơn dữ thì thân miệng theo đó tạo nhơn dữ. Cho nên, người hiểu lẽ nhơn quả đối với tác động của ý, phải dè dặt tối đa. Tác động của ý có nhơn quả cũng y hệt thân miệng. Tuy nhiên, nhơn quả, không phải đơn giản như nhiều người đã hiểu “gây nhơn lành được quả lành, tạo nhơn dữ bị quả dữ.” vẫn có những trường hợp dường như trái lại. Bởi vì nhơn quả là một dòng biến động theo thời gian.
Thời gian có quá khứ, hiện tại, vị lai thì nhơn quả không thể chặn một quãng mà đoán định được. Chúng ta muốn hiểu thấu đáo nhơn quả phải căn cứ vào ba thời mà khảo sát. Nắm chắc lý nhơn quả, chúng ta sẽ có sức tự tín mãnh liệt, vì không còn lệ thuộc vào sức thiêng liêng bên ngoài. Chúng ta tự nhận là chủ nhơn ông toàn cả cuộc đời của mình. Nhơn quả là dòng biến động sinh diệt tiếp nối, nên nó là hiện thân của Vô thường. Vì vô thường nên mãi lăn lộn trong vòng sanh diệt, cũng là thành quả của luân hồi. Chủ thuyết nhơn quả không phải cố định cứng khằn, mà linh động thăng giáng, tùy theo sự đủ thiếu các nhơn của nó. Người học Phật nhận chắc lý nhơn quả, là đã có căn bản vững vàng trên đưòng tiến tu. Đồng thời cũng gạt phắt những thuyết mê tín vu vơ như : đồng bóng, bói xâm, tướng số, may rủi… Vì biết rõ mọi tác động đẹp xấu của chúng ta, sẽ cải tạo xây dựng một cuộc đời vui khổ trong hiện tại và vị lai. Còn băn khoăn trông đợi, thắc mắc điều gì mà phải đi coi bói tướng số ?. Thế là, chúng ta can đảm nhận chịu mọi trách nhiệm hay dở do mình gây nên, không còn oán hờn kêu than chi cả. Cũng phá tan những bệnh chấp : định mạng, nhất nhơn, vô nhơn. Vì biết rõ vạn vật trên thế gian không có cái gì cố định, duy nhất, ngẫu nhiên, mà đều do nhơn quả hình thành.

II. DUYÊN SANH:
Nhìn về mặt không gian, vạn vật đều do các duyên chung hợp thành hình. Cho nên nói “Các pháp từ duyên sanh”. Duyên là chỉ cho nhiều phần tử tổ hợp thành một vật thể. Vật thể không tự có, phải do nhiều nguyên tố hay nhiều phần tử chung hợp. Nói tới duyên sanh là không chấp nhận sự đơn thuần, mà khẳng định là hợp thể. Vạn vật có hình tướng trên quả địa cầu và kể luôn quả địa cầu đều do các duyên chung hợp thành hình. Cho đến những thứ không có hình tướng, chỉ có tác động, cũng thuộc duyên sanh. Trước khảo sát những vật có hình tướng gần chúng ta nhất. Như cái bàn viết hiện đây của ta, trước nó không tự có, phải có gỗ, có đinh, có bào, có đục, có cưa… và có ông thợ mộc, do sự cưa xẻ bào đục kết ráp của ông, sau mới thành cái bàn. Những nguyên liệu dụng cụ và ông thợ mộc, đều là duyên chung hợp thành cái bàn. Nếu có người hỏi : cái bàn này do vật gì làm ra ?. Chúng ta đáp : do ông thợ mộc, hoặc do gỗ… Đó là lối đáp đơn thuần, không đúng toàn thể của cái bàn. Nếu chấp nhận lối đáp ấy đúng, thì mắc phải bệnh thiên kiến. Đến như cái nhà chúng ta hiện ở hoặc nhà lá hay nhà gạch, trước nó cũng không tự có. Nếu là nhà lá, phải có cột kèo đòn tay cây lá rồi, sau chúng ta mới ráp lại thành cái nhà. Nếu là nhà gạch, phải có gạch xi măng cát vôi ngói gỗ và thợ hồ, mới xây thành cái nhà. Khi thành hình cái nhà, gọi là duyên hợp; khi cái nhà hư hoại đi, gọi là duyên tan. Chỉ do duyên hợp duyên tan, thật thể cái nhà vốn không thật có.
Khảo sát như thế qua mọi sự vật, chúng ta không thấy có một sự vật nào không phải duyên hợp mà thành. Dù vật nhỏ bé như cây kim ngọn cỏ, vật to lớn như núi biển quả địa cầu, đều nằm chung trong một thông lệ ấy. Cho đến những thứ không có hình tướng, chỉ thấy tác động, cũng do duyên hợp mà có. Như điện, gió, chúng ta không thấy hình tướng nó, chỉ biết khi tác động dấy khởi. Về điện thì có điện âm điện dương phối hợp mới phát khởi hiện tượng. Về gió phải có khí nặng khí nhẹ… mới có hoạt động. Nơi con người, tư tưởng dấy khởi cũng phải có sáu cơ quan làm chỗ tựa và đối diện với trần cảnh bên ngoài. Nếu ba phần – tư tưởng, cơ quan, trần cảnh mà thiếu một thì, không sao dấy khởi được. Thế nên mọi tác động có ra, đều do duyên hợp mà có. Nói duyên sanh là nhằm vào hợp thể, choán một khoảng không gian. Đã là hợp thể thì không có tự thể và thật thể. Tự thể đã không thì, tên đặt cho sự vật cũng rỗng. Ví như tên “cái nhà”, chúng ta phân tích từng viên gạch, từng miếng ngói v.v…. ra, tìm xem cái gì là “cái nhà” ? Chỉ khi hợp thể thành hình, tạm đặt cho nó một cái tên. Cái tên ấy chỉ có giá trị tạm thời từ khi hợp thể thành hình, bởi trước và sau nó vốn không có. Chính ngay khi thành hình, chúng ta phân tích từng đơn vị một, tìm tự thể cái tên chung ấy, vẫn không có. Nên nói : “các pháp duyên sanh tự thể là không”. Trước không, sau không, giữa cũng chẳng thật, nên sự có mặt của các hợp thể là hư giả huyễn hóa. Do đó, nói đến lý duyên sanh thì, xem vạn vật đều như huyễn như hóa.
Thông suốt lý duyên sanh, chúng ta thoát khỏi hai chứng bệnh: thiên kiến và mê lầm. Nhất là bệnh mê lầm, quả là bệnh trầm kha khó chữa trị. Vạn vật do hợp thể mà có, hư giả không thật, lại mê lầm chấp là thật. Vì chấp thật nên theo đó có yêu ghét và sanh tham sân. Đó là nguyên nhơn mãi lăn trong vòng luân hồi sanh diệt. Biết rõ duyên sanh hợp thể hư giả là, dứt mê lầm chuyển thành trí tuệ. Đây là cửa ngõ của lầu đài giác ngộ. Trong phần “Chơn lý phổ biến”, lý nhơn quả và duyên sanh là hai sự thật, tràn đầy trên vạn vật và mọi tác động của chúng sanh. Sự thật ấy, quá khứ hiện tại vị lai đều không thay đổi. Song nó tinh vi khó hiểu, người chịu khó nghiền ngẫm phân tích kỹ càng mới nhận ra được. Hai sự thật này nhằm vào hai chiều của vũ trụ, nhơn quả chạy suốt chiều dọc thời gian, nhơn duyên xuyên tột chiều ngang không gian. Do đó, gọi là “Chơn lý phổ biến”.

CHƠN LÝ TƯƠNG ĐỐI
Chơn lý tương đối là những sự thật còn nằm trong đối đãi đối trị nhau. Những sự đối đãi ấy là : Sáng đối tối, lạnh đối nóng, xấu đối tốt, thiện đối ác, khổ đối vui, động đối tịnh, sanh diệt đối vô sanh… Còn sinh hoạt trong tương đối thì, có xấu phải có tốt, có thiện phải có ác, có khổ phải có vui…, chúng ta không thể chối cãi sự thật ấy được. Chỗ khôn ngoan của chúng ta là, khéo lợi dụng cái này đối trị cái khác, để tiến lên đúng nguyện vọng của mình. Như lương y biết bệnh biết thuốc, khéo dùng thuốc trị lành bệnh cho người. Phật pháp là những phương thuốc tự lành bệnh cho chúng sanh, nên gọi Phật là Ông vua thầy thuốc (Vô thượng y vương), ở đây, chúng ta chỉ đơn cử vài lối đối trị đế làm sáng tỏ lẽ này. Sáng đối tối. Chúng ta biết tối không phải tự nó tối, mà do nhơn duyên thiếu ánh sáng. Nếu ta khéo tạo điều kiện – đèn dầu, đuốc, đèn điện… – cho nó ánh sáng thì bóng tối tự mất. Ngược lại, muốn có bóng tối cũng như thế. Đây là cái tối, sáng của hiện tượng bên ngoài. Đến cái tối, sáng tinh thần bên trong của chúng ta cũng có nhơn duyên. Nhơn thiếu học, thiếu đọc sách khiến ta tối dốt. Dùng ánh sáng học tập đọc sách… thì cái tối dốt dần dần tiêu diệt. Nóng đối lạnh. Chúng ta nhơn chạm khí lạnh, gió lạnh, nước lạnh… nên phát lạnh run. Biết thế, chúng ta phải tạo điều kiện cho có hơi nóng để đối trị, như đốt lửa hơ, lò sưởi ấm, mền bông trùm… Ngược lại, gặp khí nóng chúng ta phải dùng các thứ lạnh trị, như nước, gió, máy điều hòa… Nếu lạnh trong thân thì dùng thuốc nóng trị. Khổ đối vui. Khổ có nhiều lọại : khổ do đói rét, khổ do bệnh tật, khổ do vô minh phiền não… Nếu khổ do đói rét, chúng ta phải nỗ lực tạo điều kiện cho có ăn có mặc, tức là lây cái vui no ấm trị cái khổ đói rét. Nếu khổ vì bệnh tật, chúng ta phải dùng thuốc thang điều trị, lấy cái vui khỏe mạnh trị cái khổ bệnh tật. Nếu khổ do vô minh phiền não, chúng ta phải lấy chánh pháp của Phật trị nó. Vô minh phiền não tức là si tham sân. Si mê là vô minh, tham sân là phiền não.


CẦU TRỜI, KHẨN PHẬT
Thiện ý
Khẩn xin Trời Phật để mãn nguyện những điều mình mong muốn tự nó không có gì là sai trái cả. Cầu nguyện ơn trên cho mình được một đời sống bình an, hạnh phúc là chuyện thường tình.  Nhưng khi đi đến nước cầu xin, nếu được như ước nguyện sẽ xin hứa cúng hậu hỉnh, thì lại là một chuyện khác! 
Đầu năm mới, có lẽ, là lúc chuyện cầu xin, khấn hứa sẽ trở nên nhộn nhịp và rộn ràng nhất.  Ai cũng cầu xin năm mới mình sẽ được khấm khá và tốt đẹp hơn năm cũ.  Nhưng ít có ai ngờ rằng:  Hết thảy những chuyện gì sẽ xảy ra trong năm nay thành công hay thất bại, phần nhiều, là do chính tay mình sắp xếp, gây tạo.  Còn một phần lớn khác là do nhân duyên chín mùi, điều kiện cho phép, tất cả đều nằm ngoài sự quản lý của chúng ta.  Cầu nguyện là một hình thức cho ta một sự bình an, hy vọng, giúp giữ đầu óc mình tỉnh táo, không lo sợ quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến những điều mình ước muốn.    
Có lẽ từ khi đức Phật được ca tụng như một đấng Tối Cao, Siêu Thế nên việc cầu xin có thể bắt đầu từ đấy.  Trong thời kỳ sơ khai của tư tưởng Đại thừa kéo dài khoảng 250 năm, quan niệm mới về đức Phật như là một vị siêu nhân, siêu thế hình thành.  Chắc có lẽ từ định hướng mới này mà vị thế của đức Phật được nâng cao như là một đấng Giáo Chủ Tối Cao.  Đức Phật giờ đây không còn là một Đấng giác ngộ, mà là một Đấng Thượng Đế có quyền lực ban phước hay giáng họa cho những ai tin theo Ngài.  Do ảnh hưởng của văn hóa dân gian nên việc đồng hóa đức Phật với một đấng thần linh tối thượng theo lòng tin của dân chúng chắc cũng từ đó mà hình thành.
          Ban đầu, hàng Tăng lữ cho rằng đây là phương tiện để truyền bá giáo pháp của Phật một cách dễ dàng và hiệu quả.  Nhưng về lâu dài, cách truyền bá này trở thành một loại văn hóa cầu xin, mà không xem việc sống và hành trì theo lời Phật dạy là cần thiết!  Giờ đây, việc cúng tế, cầu xin được xem là quan trọng và những nghi lễ hoành tráng, tốn kém cũng theo đó mà bộc phát khiến cho đạo Phật trông giống như là một tôn giáo thần quyền! 
          Từ những người giàu sang cho đến kẻ nghèo khó đều cầu xin Phật trời cho bệnh chướng tiêu trừ, cho khổ đau, phiền não chấm dứt, cho buôn may, bán đắt, cho vạn sự hanh thông… Thậm chí còn cầu xin khổ đau, bệnh chướng đừng quấy phá và xin hứa cúng tạ lễ rình rang nếu chư Phật, chư bồ tát giáng phước khiến chúng thuyên giảm, tiêu tan.  Loại hình cầu xin này càng ngày càng được phổ biến rộng rãi, không chỉ ở trong nước mà luôn ở nước ngoài, khiến cho sự phát triển và tồn tại của một số các chùa chiền, tự viện đều lệ thuộc vào hình thái hoạt động này! 
          Đã qua rồi những thời kỳ nghèo hèn, dốt nát, thiếu thốn mọi phương tiện.  Người Phật tử giờ đây đã được tiếp cận với những thông tin trên khắp thế giới.  Họ có thể thấy đạo Phật đang hành hoạt tại các nước khác ra sao! Sinh hoạt tại các tự viện có phản ánh đúng giáo trình Phật dạy?  Tư cách, lối sống, và sự hành trì của các hàng Tăng lữ có thực sự là người đại diện cho Tăng bảo?   Đường hướng giáo dục cho chư Tăng, Ni lẫn các hàng cư sĩ tại gia cần phải được xét lại để con đường ‘hoằng pháp’ tiếp tục mang đến ‘lợi sinh’!  
  
Trong kinh Pháp Hoa ví dụ về gã cùng tử bị thất lạc gia đình, đi ăn xin lang bạt suốt 50 năm, cho đến khi gặp vị trưởng giả giàu sang, mà cũng chính là cha mình.  Nhưng vì tâm trí nghèo hèn, hạ liệt đã thấm sâu trong tim gan, nên gã cùng tử cứ tiếp tục xem mình là kẻ hạ tiện, trí hèn.  Người cha phải gia công rèn luyện ý chí cho đứa con để tự nó có thể tiếp tục kế thừa cái gia tài đồ sộ của ông để lại.  Có phải chăng đây cũng là ý nguyện đức Phật muốn hàng đệ tử phải tự mình giác ngộ, giải thoát?
Không có gì sai trái trong việc cầu nguyện.  Nhưng việc cầu xin càng ngày càng trở nên là một pháp môn tu chính yếu thì đây chính là ‘vết xe đổ’ của đạo Phật.  Tha lực bị hiểu lầm và lạm dụng đến độ ‘mua thần, bán thánh’.  Nếu mình hoàn toàn không bỏ ra dù một chút nổ lực của tự thân, mà chỉ cầu xin Phật trời để được hoàn toàn như ý nguyện là một điều trái với lời dạy của Đức Thế tôn: ‘Ta chỉ là bậc đạo sư chỉ đường, các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi’.
Luật nhân quả đã được đức Phật chỉ dạy một cách rõ ràng.  Tuy nhiên, nghiệp quả không phải là không sửa đổi được!  Bằng chứng là đức Phật đã từng dạy trong kinh Tương Ưng III, phẩm Hạt Muối: 
…Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào trong một chén nước nhỏ. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, nước trong chén ấy có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa đúng vậy, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Nước trong chén nhỏ này là ít, do nắm muối này, nước trở thành mặn, không uống được.
- Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bỏ một nắm muối vào sông Hằng. Các Thầy nghĩ như thế nào, này các Tỷ-kheo, sông Hằng có vì nắm muối trở thành mặn và không uống được phải không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn. Vì cớ sao? Lớn là cả khối nước sông Hằng. Khối nước ấy không vì nắm muối này, nước trở thành mặn và không uống được.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Ở đây, này các Tỷ kheo, có người làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.
4. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục? Ở đây, này các Tỷ-kheo có người thân không tu tập, giới không tu tập, tâm không tu tập, tuệ không tu tập, hạn hẹp, tự ngã nhỏ nhen, sống chịu khổ ít oi. Hạng người như vậy, này các Tỷ-kheo, làm nghiệp ác nhỏ mọn, và nghiệp ác ấy đưa người ấy vào địa ngục. Hạng người như thế nào, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân được tu tập, giới được tu tập, tâm được tu tập, tuệ được tu tập, hạn hẹp, tự ngã to lớn, sống đời vô lượng. Người như vậy, này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương tợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được, nói gì là nhiều.
Như vậy, nếu người nào biết tu tập cho thân, biết tu tập cho tâm, biết tu tập để sinh trí tuệ thì quả báo ác sẽ không tác hại nhiều.  Tại sao vậy? Ai người biết tu tập sẽ cố tránh xa các ác pháp, huống chi là cố tình gây tạo!  Cho nên có câu: ‘Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.’ Dù mình có lỡ tạo những điều ác trong quá khứ, nhờ có tuệ giác hiểu rõ nhân quả, chúng ta sẽ bớt lo sợ ác nghiệp xảy đến cho mình vì hiểu rằng đây là cơ hội để đền trả những gì mình đã gây ra và, biết đâu, nghiệp dữ cũng chính là một vị thầy muốn dạy chúng ta một bài học về tuệ giác của khổ đau. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu rằng cần phải có nỗ lực tu tập hành trì, công phu tinh tấn thì mới thấu hiểu và chấp nhận được điều này. 
Phật đã chỉ dạy cho chúng ta nhận thức được quyền lực của chính mình để thấy rằng: Họa hay phước là do chính mình gây tạo.  Như đức Đạt-lai Lạt-ma gần đây có nói: ‘Chúa Trời hay đức Phật không giúp gì chúng ta được nhiều vì các Ngài đâu có gây ra thảm họa trên hành tinh này?’  Nếu ai trong chúng ta cũng nhận ra được điều này thì việc cầu Trời, khẩn Phật sẽ không mang lại kết quả nhiều bằng hành động của chính chúng ta. 

                                                                          

SUY NGẪM VỀ CUỘC SỐNG
Kính mời quí vị cùng đọc một câu chuyện ngắn, gọn, tình tiết đơn sơ, nhưng đong đầy triết lý, nỗi buồn của kiếp nhân sinh. Danh vọng, uy quyền, nhan sắc, thời cuộc, tâm tư, như bóng mặt trời đang lên, rồi sẽ khuất dần nơi chân trời. Mọi chuyện trên đời đều biến chuyển, đều đổi thay, không có gì tồn tại vĩnh viễn, vĩnh cửu. Cũng như vọng tâm của con người thay đổi từng phút giây, tùy theo cảnh trần bên ngoài tác động, nay thương mai ghét, nay thân mai thù. Tu theo Phật - cốt tủy Phật giáo không phải chỉ là các hình thức cúng kiến lễ lạy phức tạp đượm màu mê tín - chính là trong cuộc sống hàng ngày, giữa các đợt sóng vọng tâm nổi lên không ngừng, thương ghét thân thù, con người phải nhận ra chính mình có chân tâm thường hằng không biến đổi theo cảnh trần bên ngoài. Chân tâm này ai cũng có - không phân biệt tôn giáo, xuất xứ - chỉ khi nào tâm bình lặng, không sóng gió, con người mới nhận ra.Chân tâm đưa con người lên cảnh giới niết bàn, an vui, tịch tĩnh.Vọng tâm kéo con người vào cảnh giới đọa lạc, phiền não, khổ đau.Muốn dẹp vọng tâm, con người cần tìm hiểu lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống hàng ngày. Vọng tâm ngày càng ít đi, con đường tu tập ngày càng sáng tỏ, trí tuệ khai mở, phiền não khổ đau không còn nữa, con người hưởng được đời sống an nhiên tự tại hiện tiền. Tuy nhiên, con người cần phải nổ lực, phải tự lực, tinh tấn tiến tu, chứ không phải van xin cầu khẩn mà được đâu.Ví như mặt biển đầy sóng gió (vọng tâm nổi lên), không ai nhận ra mặt biển bao la bát ngát như khi thái bình (chân tâm).Ví như mặt trời luôn sáng tỏ (chân tâm sáng suốt) nhưng bị nhiều đám mây đen che khuất (vọng tâm mê mờ), nên con người chẳng nhận ra được. BAN BIÊN-TẬP PHTQ.CANADA


Nhan sắc
Nguyễn Thị Thảo An  Shimazu Yoshiha là con gái độc nhất của lãnh chúa Shimazu Yoshihiro vùng Satsuma. Dân gian tin rằng vì muốn dâng Yoshiha cho Thiên Hoàng nên từ nhỏ nàng đã được tắm sữa dê, uống nước sương hứng từ trên núi, phải đốt hương trầm để tẩm xiêm y,...Shimazu Yoshihiro cũng là một vị danh tướng lẫy lừng trong lịch sử Nhật Bản. Ông góp công lớn trong việc thống nhất Kyũshũ (1587). Trong bảy năm 1592-1597, Yoshihiro đã tấn công bán đảo Triều Tiên và liên tiếp thắng nhiều trận lớn, giết danh tướng Won Kyun của Cao Ly tại mặt trận. Năm sau 1598, thừa thắng kéo qua đánh Scheon (Tứ Xuyên), chỉ với 7,000 quân trong tay Yoshihiro đã đánh tan quân nhà Minh đông tới 37,000. Người Trung Hoa truyền rằng những người lính ở dưới tay Yoshihiro đã biến thành những con quái vật Shimazu, giết người không nháy mắt. Nhưng lịch sử Nhật trân trọng gọi họ là những “thiên tướng nhà trời”, những samurai biểu tượng, đậm đầy dân tộc tính. Có lẽ những nhà viết sử sau này cũng phân vân không biết xếp họ là thiên thần hay ác quỷ. Đừng nói chi ai, ngay Konishi Yukinaga, một chiến tướng tài giỏi, dũng cảm nhất của Yoshihiri đôi khi cũng tự hỏi mình, “Ta là thiên thần hay ác quỷ?” Là thiên thần ư? Sao mình có thể giết người không biết chùn tay? Là ác quỷ ư? Có ác quỷ nào lại biết rung động khi thấy những cánh hoa đào tả tơi trước gió?Năm Yoshiha 17 tuổi, Yukinaga đã trông thấy nàng. Đó là dịp đại quân trở về thủ phủ Satsuma để nhận quân lệnh mới. Lúc Yuki lững thững tản bộ bên bờ cầu, tay vin đốc kiếm thì đột nhiên chàng bất chợt ngó qua. Bên kia cầu, Yoshiha cùng một vài thị nữ cũng vừa trờ tới. Đôi mắt nhìn nhau làm Yoshiha xao xuyến, còn Yuki thì sững sờ. Mấy ngón tay chàng bỗng dưng run rẩy. Chưa bao giờ Yuki được trông thấy một vẻ đẹp nào hoàn hảo đến vậy. Chẳng lẽ tạo hóa khéo tay tới nỗi này ư? Yuki chợt nhớ ngay cái bài ca của trẻ con thường nghêu ngao ngoài phố.Có hai cô con gái của một thương gia bán lụa ở Kyoto Cô chị hai mươi, cô em mười tám.

Một chàng lính có thể giết người bằng lưỡi kiếm của chàng ta
Nhưng các cô gái giết người đàn ông bằng ánh mắt của các nàng.(1)Rồi Yuki thẫn thờ bỏ đi. Nhưng từ đó, cái ánh mắt của Yoshiha vẫn cứ bám riết trong tâm trí chàng.Trong trận chiến cuối ở Noryang, Yoshihiri bị rơi vào một kế hoạch phản công của liên minh Triều Tiên-Trung Hoa, hạm đội 500 chiến thuyền của Yoshihiro hoàn toàn bị đánh tan tác dưới sự chỉ huy của Lý Thuấn Thuần (2) và Chen Lin (nhà Minh). Kết thúc trận chiến, 200 trên 500 thuyền Nhật bị chìm. Đây là thất bại lớn nhất trong đời của danh tướng Shimazu. Và đó cũng là trận chiến cuối cùng của Yukinaga, người chiến binh đã không còn có dịp trở về.Sau thất trận ở Triều Tiên, Yoshihiro bị thất sủng. Ông không còn tham gia một trận có ý nghĩa nào nữa. Tham vọng của gia tộc Shimazu cũng tan rã. Về sau, Yoshihiro bắt đầu dạy cho những thế hệ trẻ. Ông trở thành một tín đồ của Phật và trở lại Triều Tiên xây dựng một đài tưởng niệm cho quân địch trong cuộc chiến bảy năm.Giấc mơ làm hoàng hậu không thành. Yuki thì đã bỏ mình trên chiến trường. Những mộng tưởng của Yoshiha bây giờ tan rã, tản lạc như những mớ mây trời. Bất chợt, nàng nhận ra sự biến đổi vô thường của cuộc đời. Nàng quyết định đi tu.Nàng đến Edo (3) thỉnh cầu thiền sư Tosui Unkei xin làm đệ tử. Liếc thoáng qua, ông thầy xua tay vì nàng quá đẹp.Yoshiha tìm đến Oda Nobunaga, gập mình xin theo học. Nhưng ông thầy quát bảo các đệ tử đóng sập cửa lại. Ông xin lỗi vì đã bất nhã, nhưng cửa phải đóng chặt để không ai trong thiền viện này bỏ trốn theo nàng.Chặng cuối hành trình, nàng hầu như kiệt lực trước cửa thiền viện vắng vẻ của Toshoku. 

Thiền sư đành nhắm mắt gật đầu.Chỉ ít lâu, thiền viện trở nên nhộn nhịp. Người ta lên núi xin học rất đông.Trong những buổi thiền tập, đây đó có nhiều tia mắt bất chợt liếc xéo qua nàng. Có lúc, thiền sư Toshoku đã phải dùng búa gõ giống như quan tòa.Một năm sau, ông thầy nói, nhan sắc của nàng là nguyên nhân gây bao phiền toái. Sức của thầy không đủ dập tắt ngọn lửa mê muội của thiền sinh.Nàng ngước mắt hỏi, “Vậy nhan sắc có tội hay tham sắc có tội?”Thiền sư không trả lời, rồi lệnh cho dời nàng lên căn nhà nhỏ biệt lập ở trên núi.Yoshiha vâng lời thầy, lên núi tự tu tập.Mỗi sáng mở cửa đón mặt trời, nàng gỡ trên then cài không ít những manh giấy đề thơ giắt vội. Có kẻ hẹn hò, có kẻ tán tỉnh, có kẻ nguyện liều chết mang nàng đi. Không dao động, nhưng những lời rủ rê đó như những mũi tên bắn không trúng đích, cứ lơ lửng vô hình ngáng ngang trong ký ức.Dăm ba bữa, thầy lại sai người mang thức ăn, hoa quả lên. Mà đâu phải dễ, người ta phải cạy cục lắm mới xin được một chân vận lương như thế. Khó thế mà không biết làm sao Hakuo, một thiền sinh mới lại được lên núi lần thứ hai. Lần này, hắn cố ý chần chừ đến khi trời nổi gió. Lúc trao giỏ đồ, bất chợt một cơn giông ập tới. Gió hất tung xiêm áo, Yoshiha loạng choạng suýt ngã thì Hakuo vội chụp lại. Tấm thân nàng ấm áp và mềm mại như tơ. Khi Hakuo trở xuống, đầu óc hắn lơ tơ mơ thế nào mà lạc xuống suối nước nóng. Mấy ngày sau, người ta mới phát hiện hắn trôi xuống tuốt dưới chân núi.Tetsugyu thì không vòng vo như Hakuo. Dù gì, anh cũng là đại đệ tử của thiền sư Toshoku. Anh đến trước căn nhà trên núi, lựa một tảng đá thẳng, khắc một bài thơ rồi ngồi xếp bằng và nhắm mắt chờ.Yoshiha ngó ra, nhưng nàng không đọc bài thơ ấy. Đã lâu lắm rồi nàng không đọc thơ. Bây giờ, nàng chỉ chuyên tâm thiền. Nàng học cách tĩnh tâm, tập thoát ly với tâm thân, với cảnh giới. Nàng định tâm, triệt tiêu mọi cảm xúc, suy nghiệm sự biến thiên luân lưu trong cuộc đời, trong trời đất.Mấy năm sau có người trong gia tộc báo tin, danh tướng Shimazu Yoshihiro đã mất. Nàng đang tĩnh tọa, chỉ hé mắt ngắm người đưa tin, “Ờ,...”Vài năm sau nữa, thiền sư Toshoku lại qua đời. Nàng vẫn nhắm nghiền mắt, không nói một lời.Hai mươi năm. Rồi ba mươi năm trôi qua.Căn nhà nhỏ giờ đã bắt đầu rệu rã với thời gian. Còn Yoshiha, da đã nhăn, mắt đã mờ, lưng đã mỏi.Dăm ba bữa, thiền viện lại bắt những thiền sinh trẻ mang lên núi những giỏ thức ăn. Chưa tới trước cổng đã nghe tiếng gào, “Bà ơi”. Rồi chúng quẳng nhanh cái giỏ, chạy như biến.Yoshiha lục trong giỏ. Gạo, dưa, một ít muối. À, kỳ này bọn nó có gửi theo một cây lược và cái gương. Chắc chúng chê tóc nàng rối.Yoshiha cầm gương lên. Nàng không còn nhận ra mình. Một bà lão xấu xí nào đó đang đứng trong gương ngó nàng. Phía sau tấm gương, mặt trời chói lọi đang chiếu ra những tia tàn tạ.Đêm đó, Yoshiha nghiêm mình trong dáng tĩnh tọa. Nhưng tâm trí nàng dạo chơi trong chốn vô cùng. Nàng nhìn thấy mây, mây già nua. Nàng nhìn thấy núi, núi cổ độ. Nàng nhìn thấy từng rặng thông, từng ngách suối. Hình như cả ngàn năm trước, đã thế. Mà ngàn năm sau, chắc cũng thế.Tạo hóa sinh vạn vật.
Vạn vật vốn vô tri
Chỉ có con người biết suy nghĩ.
Nghĩ ra cách học để vô tri.Nàng chợt nhớ ra, đã lâu lắm rồi, môi nàng không cười, mắt nàng không khóc. Tâm nàng an định như gốc cây, như tảng đá ngoài sân.Yoshiha thức trắng đêm. Trời vừa sáng, nàng bước vội ra sân, sụp xuống tảng đá. Nơi mà Tetsugyu đã từng ngồi đây để chờ đợi. Mặt đá sù sì, mấy hàng chữ khắc của Tetsugyu hồi trước còn hằn sâu rất rõ. Yoshiha vớ một nhúm lá lau sạch những hàng chữ và đọc.Mặt trời lên.
Rồi mặt trời lên.
Khi ngang qua trái núi này.
Ta bắt được khoảnh khắc hoa đang nở, gió đang nhớm, nắng đang soi.
Hãy hít mạnh hơi.
Ngửi lấy hương hoa.
Đón cơn gió lớn.
Tắm trọn ngọn nắng.
Mời nàng cùng ta.
Đi nốt con đường.
Ngày mai.
Rồi ngày mai nữa.
Mặt trời sẽ lên...Yoshiha thẫn thờ đứng lên. Hồi ấy, không ai để ý Tetsugyu đã bỏ đi đâu. Bây giờ có đuổi theo thì cũng không bắt kịp. Chàng đã đi quá xa.Quá xa rồi.Atlanta, Feb. 15. 2012


CHUYỆN TU HÀNH
PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 16


- Thưa Thầy, tôi có nghe câu nói: Thứ nhứt thì tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Vô chùa tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, thọ bát, bái sám, thì đúng là tu rồi, dễ hiểu quá. Còn tu tại gia, tu tại chợ là làm sao, thế nào, kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho. Cám ơn Thầy trước.

- Thông thường, ai cũng nghĩ vô chùa mới gọi là tu thì quả thật không sai. Nhưng chưa hẳn hoàn toàn đúng.

Người thường đi chùa, hoặc cạo tóc ở luôn trong chùa, nếu không tu sửa tâm tánh, vẫn tham lam, vẫn sân hận, vẫn si mê, có khi còn làm phách, dè bĩu, hay khinh khi người khác không biết tu như mình, rủa xả, mắng nhiếc người khác đọa địa ngục, phê phán không căn cứ, phỉ báng không tiếc lời, thích ăn trên ngồi trước, giành miếng ngon, lựa chỗ tốt, thì không gọi là tu được. Có chăng đó chỉ là hình tướng người tu, dù tại gia hay xuất gia, gọi là tu tướng mà thôi.

Còn tu tại gia, tu tại chợ thì rộng rãi hơn, chiếm toàn bộ thời gian trong một ngày, dù là người tại gia hay xuất gia. Lúc nào cũng tự xem xét, hôm nay mình có làm tổn thương ai qua hành động, lời nói và trong tư tưởng. Chẳng hạn như tại chợ, mình có để xe nghinh ngang giữa đường, bất kể người khác có đi qua được hay không. Chẳng hạn như tại gia, mình có ngồi coi TV chờ ông chồng (hay bà vợ) mời ăn cơm, ăn xong coi TV tiếp, không phụ giúp làm cơm, không phụ giúp dọn bàn, dọn dẹp, rửa chén bát, có khi lại ỷ mình là người làm ra tiền, nuôi cả nhà!

Tóm lại, tu tâm dưỡng tánh, hôm nay mình tốt hơn chính mình hôm qua, đó mới chính thực là tu.[]   

    BBT. PHTQ.


CHUYỆN TRONG ĐỜI

- Thế nào gọi là tu?

- Trong cuộc sống hàng ngày, khi xài điện, nước, giấy, nên tiết kiệm, không lãng phí, dù tại gia, tại chợ hay tại chùa. Như thế gọi là tu đó.

CHUYỆN TRONG CHÙA

- Chị hai! Thầy nói em bị vong ma nhập, nó cứ xúi em nhẩy xuống sông hoài. Em thì không biết lội chết chắc?!
- Khi nào con ma đó có xúi em nữa, em nghe lời chị nói với nó vậy nè: Mầy nhẩy đi, tao không nhẩy. Vậy chết chắc là nó, không phải là em.
- Ừ có lý hén!

CHUYỆN TRONG
NHÀ

- Anh ơi, anh đem đồ đi chợ vào nhà, anh làm một mình hết nha!
- Còn em, sao không phụ anh chứ?...
- Em bịnh!
- Bịnh gì lẹ vậy, vừa rồi em ăn một lúc hai tô phở mà!
- Bịnh làm biếng được không thì bảo nào?

CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thầy nói anh nghiệp chướng nặng nề, không chịu đi chùa, lo đi làm kiếm tiền, coi chừng bị đọa đọa… đó!
- Em nói với Thầy dùm anh, ngày mai anh không đi làm nữa, anh sẽ đi chùa, nhưng không có tiền giúp chùa gây quỹ nữa, được không?

CHUYỆN TRONG
ĐỜI

- Sách có câu: “Hoa hồng là rác, rác sẽ là hoa hồng”.
Câu đó đúng lắm! Nhớ hồi mới quen em, anh tặng “hoa hồng” cho em, quay lưng đi em cho vào thùng rác ngay. Nếu anh khôn một chút, tặng kim cương thì tốt rồi!

CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thưa Thầy chồng con làm Bác sĩ lương hằng tháng rất cao, nhưng có điều là phải dùng những con thú như chim, chuột, thỏ, để thí nghiệm, như vậy có tội không vậy?

- Không được rồi! Nguy thay! Nguy thay! Tội lỗi! Tội lỗi! Bảo ông ấy bỏ “Job” liền lập tức đi nhá!

- Không được rồi! Nguy thay! Nguy thay! Thế thì cả nhà con chết đói rồi! Thầy ơi cứu con với! []


CHUYỆN TRONG CHÙA

- Thưa Thầy, tôi nghe nói hùn phước in kinh sách ấn tống, phát hành băng giảng, được rất nhiều công đức thù thắng, cho nên có nhiều cá nhân cũng như tổ chức, chùa viện quyên góp thực hiện. Tuy nhiên, tôi thấy trong nhiều chùa, số lượng kinh sách, băng dĩa phát không, tràn ngập, bỏ bừa bãi, không trang nghiêm. Trong đó có quá nhiều kinh sách, băng giảng không có nội dung tốt, thậm chí mê tín dị đoan, sai lạc giáo lý, chẳng những không lợi ích gì, còn góp sức truyền bá tà pháp. Kính mong quí Thầy cho biết tôn ý về vấn đề này.

Đáp:

- Các dạng bố thí gồm có: tài thí, pháp thí và vô úy thí. Tài thí có: ngoại tài (tiền bạc, của cải), và nội tài (các bộ phận của cơ thể). Pháp thí là bố thí chánh pháp, giúp người hiểu rõ chánh đạo, chánh kiến, chánh tín, sự thật của cuộc đời, để sống đời được an lạc và hạnh phúc, hơn nữa, đạt được giác ngộ và giải thoát. Và vô úy thí là giúp người vượt qua cơn sợ hãi, sợ chết, sợ đủ mọi thứ, ổn định được tâm bất an.

Trong các dạng bố thí vừa kể, bố thí pháp thù thắng nhất. Bởi lẽ, chánh pháp giúp đỡ con người trong kiếp này được khai mở trí tuệ, tránh tà pháp và mê tín dị đoan, biết tu tâm dưỡng tánh theo đúng chánh đạo, tránh tà đạo, nhận rõ tà sư và tà pháp. Cao cả nhất là chánh pháp giúp con người thoát ly được phiền não khổ đau trong sanh tử luân hồi.

Đúng như quí Đạo Hữu nhận xét, hiện nay tình trạng ấn tống kinh sách, băng dĩa rất được hưởng ứng, bởi nhiều lý do. Lý do trước hết là nhiều người hiểu rằng bố thí pháp (hùn phước ấn tống kinh sách, băng thuyết pháp) có công đức và phước đức trên tất cả các dạng bố thí khác. Hoặc, có nhiều người cầu khẩn, van xin, khấn vái điều gì đó cho gia đình hay cho công việc làm ăn, buôn bán, bèn bỏ ra chút tiền để in các loại gọi là “kinh sách” để hối lộ thần linh trước, cho được việc mình mong cầu.

Họ đâu biết rằng các loại sách rẻ tiền, các loại băng giảng tạp nhạp, hình thức bề ngoài có vẻ như đạo Phật, do chính các chùa in, các nhà sư giảng, nhưng nội dung rất phi chánh pháp, cho nên vô tình góp phần truyền bá tà pháp, mê tín dị đoan, làm cho nhiều người ngộ độc, tin theo, rất tai hại.

Chẳng hạn trước đây vài năm, có người góp tiền in sách Niệm Phật vãng sanh lưu xá lợi. Nghe qua có vẻ Phật pháp, nhưng nội dung chứa đựng, xen lẫn nhiều tà pháp. Người không học hiểu giáo lý, không nghiên tầm kinh điển, kể cả một số nhà sư già cũng như trẻ, rất dễ nhầm lẫn, ngộ nhận rồi ngộ độc, và đem truyền bá nọc độc cho nhiều người khác.

Thêm nữa, có vô số sách thuộc loại tà pháp, mê tín dị đoan, được in và bỏ bừa bải trong các chùa như: Bạch Y Thần Chú, Linh Cảm Thần Chú, Pháp Sám Đại Bi, Kinh Di Lặc cứu đời, Kinh Cứu khổ, Địa Mẫu chơn kinh, Kinh Hoàng Mẫu, Những điều linh ứng, Lời Nguyện,…


Các vị trụ trì chân tu thực học không phổ biến các loại sách nhảm này trong phạm vi hoằng pháp và các vị Phật tử chân chánh không góp phần tội nghiệp in phát hành hay phổ biến các loại sách này.

Chúng ta nên nhớ: nếu cầu nguyện mà được linh ứng (hữu cầu tắc ứng) thì trái với lý nhân quả nghiệp báo.


Mình làm mình hưởng.
Mình làm mình chịu.