Monday, November 2, 2015

***BIẾT MÌNH CÓ PHƯỚC (Phật Học Tịnh Quang Số 14)



Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
Phật-Học Tịnh-Quang Canada

Trên thế gian này, nếu ngước nhìn lên, chúng ta sẽ thấy, có biết bao người, giàu sang hơn mình, học thức hơn mình, khỏe mạnh hơn mình, sung sướng hơn mình, đẹp đẽ hơn mình, địa vị hơn mình, quyền thế hơn mình, may mắn hơn mình, nhàn nhã hơn mình, bình yên hơn mình, thông minh hơn mình, sáng suốt hơn mình. 
Nhứt là không biết, bao người tu tập, giác ngộ hơn mình, an lạc hơn mình, hạnh phúc hơn mình. Những người như vậy, chính là những người, "có phước" hơn mình.
Trái lại nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy, không biết bao nhiêu, người nghèo hơn mình, dốt nát hơn mình, yếu đuối hơn mình, khổ sở hơn mình, xấu xí hơn mình, thấp kém hơn mình, cô thế hơn mình, xui xẻo hơn mình, cực khổ hơn mình, hoạn nạn hơn mình, đần độn hơn mình, tối tăm hơn mình. 

Nhứt là không biết, bao người không được, sống đời an lạc, hạnh phúc như mình. 
Những người như vậy, chính là những người, "bạc phước" hơn mình.
Như vậy rõ ràng, chúng ta "có phước", thọ hưởng "phước báo", 
nếu như chúng ta: 
có đủ tay chân, mắt mũi vẹn toàn, cơm ăn áo mặc, khỏe mạnh ít đau, 
sống lâu trăm tuổi, tâm trí bình thường, gia đình hạnh phúc, tương đối đầy đủ, 
tương đối bình yên, không gặp kẻ thù, không gặp những kẻ, truyền bá mê tín, 
không gặp hoạn nạn, không gặp hiểm nguy, không gặp tai biến, 
không gặp chiến tranh, không gặp đói khát, không gặp thiên tai, hỏa hoạn động đất, bão lụt cuồng phong. Khi nào chúng ta, bị đau con mắt, không còn nhìn thấy, được gì nữa cả, mới thấy rõ ràng, giá trị đôi mắt, giá trị thị giác, vậy mà hằng ngày, chớ hề lưu tâm. 
Ðến khi gặp thầy, gặp thuốc lành bệnh,đôi mắt trở lại, nhìn thấy như xưa, chúng ta mới biết, là mình "có phước"!
Hoặc là khi nào, bị bệnh bại xụi, liệt cả hai chân, không còn đi đứng, bình thường đượ nữa, phải dùng xe lăn.Ðến khi khỏi bệnh, bình phục như xưa, chúng ta mới biết, là mình "có phước"!
Hoặc khi nghẹt mũi, thở ra hít vào, khó khăn vô cùng. Ðến khi khỏi bệnh, hít thở bình thường, chúng ta mới biết, là mình "có phước"!
Thí dụ như trên một chuyến máy bay, một chuyến tàu thủy hay một chuyến xe lửa gặp tai nạn, hằng trăm người thương tích tử vong, những người được sống sót chính là những người "đại phước" vậy. Họ là những người theo đủ mọi tôn giáo, thuộc đủ mọi sắc dân, thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, gồm đủ mọi lứa tuổi, nhưng điểm quan trọng là: chính họ đã "tu nhơn tích phước" nhiều đời nhiều kiếp trước, mới được sống còn như vậy, 
chứ không phải do họ cầu nguyện van xin thánh thần thiên địa gì cả, dù là chí thành và khẩn thiết lắm, trong lúc ngộ nạn, mà được đâu!
 
Chúng ta thử suy nghĩ:
Trong khi lâm nạn, người thì cầu Ðức Mẹ cứu giúp, người thì cầu Bồ Tát Quán Âm cứu tai, cứu khổ, cứu nạn. 
Vậy, khi cả hai người cùng thoát được nạn, vị nào thực sự đã tế độ họ?
- Không vị nào cả !
Thực sự chính "phước báo" của mỗi người đã cứu chính họ mà thôi.
Người có "phước báo" nhiều hơn, thoát nạn một cách an ổn hơn, gọi là có phước!
Người có "phước báo" ít hơn, thoát nạn với một chút xây xát, gọi là số hên!
Người hết "phước báo", không "phước báo", thì đã vong mạng, gọi là tới số!

Thậm chí trong số những người tử vong trong các tai nạn, nhiều trường hợp có cả các 
 chức sắc thuộc các tôn giáo, có cả những người đã từng đại diện thượng đế tha tội cho nhiều người khác! Còn chính họ có tội nghiệp, đến lúc phải trả, vẫn phải đền trả quả báo, nghiệp báo như mọi người khác vậy!
Chúng ta đọc báo cũng thấy có những chuyến hành hương cầu nguyện của các tôn giáo, 
bị lật xe trên đường đi, hoặc trên đường về, gặp nạn hỏa hoạn tại thánh địa, tại khu vực hành lễ, khiến cho hàng trăm người, hàng ngàn người tử vong thương tích.
Ðiều này giúp cho chúng ta nhận định rất rõ ràng rằng: 
con người tạo nghiệp báo, dù vô tình hay cố ý, cho đến lúc quả báo chín muồi, lại không có phước báo che chở, thì cầu nguyện van xin cũng chẳng ích lợi gì, chẳng có hiệu quả gì.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
Dù lánh lên non núi,
xuống biển hay vào hang,
khi nghiệp báo đã mang,
không ai tránh thoát được.
Nghĩa là: nếu như con người không biết tu nhơn tích phước, chỉ lo tạo tội tạo nghiệp,
trong cuộc sống đấu tranh giành giựt hằng ngày, dù tại chùa hay tại gia,
cho đến khi quả báo thuần thục, không ai có thể tránh được, dù cho người đó là bất cứ ai trong thế gian này, không phân biệt vua quan, chức quyền hay thường dân,
giàu sang hay nghèo hèn, học thức hay bình dân, nam phụ lão ấu,
tín đồ hay chức sắc, giáo phẩm cấp cao hay cấp thấp! []

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ


Đức Phật 
trong cái nhìn của các nhà khoa học

    "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". (Albert Einstein)

 1. Nhân cách vĩ đại của Ðức Phật.
    Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của Đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến. [Giáo sư Max Miller, Học giả người Ðức]
    Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi Đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi Đức Phật kể cả trong lúc tình cờ. [- Tiến Sĩ S. Radhakrishnan]
    Ðiều đáng chú ý nhất nơi Đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về Đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại. [Moni Bagghee, "Ðức Phật Của Chúng Ta"]

    Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. 
Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy: là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng: - Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác; - Hai là tham vọng muốn bất tử; - Ba là tham vọng thành công và trần tục. Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình. Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Ðức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, năm trăm năm trước Chúa Christ, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Ðức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn Chúa Christ trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh. [- H.G. Wells]
    Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài, Ngài là Ðường lối, là Chân lý và là Lẽ sống. [- Giám mục Milman]

2. Trí tuệ siêu việt của Đức Phật.
    Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được. [- Giáo Sư Eliot, "Phật giáo và Ấn Ðộ giáo"]
    Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, Đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức. [- George Grimm, "Giáo Lý của Đức Phật"]
   
 Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, Đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ. [Giáo Sư Rhys Dadis]

    Ðức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình. [- Tiến Sĩ Oldenburg, Một học giả Ðức]
    Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: "Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi". [Anatole France]
    Sự khác biệt giữa Đức Phật và một người bình thường giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mất trí. [- Một Văn Hào]
    Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời "không". Ðức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18. [J.Robert Oppenheimer]
    Nếu một vấn đề nào đó cần được đề ra, vấn đề đó phải được giải quyết trong hài hòa và dân chủ theo đường lối dạy bảo của Đức Phật. [- Tổng thống Nehru]

3. Cống hiến của Đức Phật với nhân loại.
    Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của Đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp). [Tổng thống Nehru]
    Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Ðức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ. [Albert Schweizer, một nhà lãnh đạo triết học Tây Phương]

    Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi Đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm. [- Tiến Sĩ Radhakrisnan, "Ðức Phật Cồ Ðàm"]
    Ðức Phật không phải là của riêng người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay của Ngài.. [- Một học giả Hồi Giáo]
    Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của Đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại.[Tiến Sĩ S.Radhakrisnan, "Ðức Phật Cồ Ðàm"]
    Ðức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn. [- Giáo sư Lakshimi Narasu, "Tinh Hoa Của Phật giáo"]

4. Giáo pháp của Đức Phật
    Ðọc một chút về Phật giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật tử đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời. [-Tiến Sĩ Graham Howe]
    Phật giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào - hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Ðạo như nơi chợ búa. [- Tiến sĩ G. P. Malasekara]
    Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Ðức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này.. [- Giáo Sư Lakshmi Nasaru, "Tinh Hoa của Phật giáo"]
    Không thể cho rằng Phật giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi. [- Gertrude Garatt]
    Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác. [- Tiến Sĩ Edward Conze, Một học Giả Phật giáo Tây Phương]
    Phật giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy. [- Tiến sĩ W.F.Jayasuriya, "Tâm lý và Triết lý Phật giáo"]
    Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt, Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của Đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó. [Giáo sư Rhys Davids]
    Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Ðức Cồ Ðàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại. [- H.G.Well]

    Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng. [- Francis Story, "Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới"]
    Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Ðức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe. [- Một Văn Hào Tây Phương"]

    "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"…. "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". [Albert Einstein]


Mơ ước bình thường
Tác giả : Hoàng Tá

Vì không "mơ ước bình thường" nên mới sinh đủ thứ: ăn gian, nói dối, lừa thầy, phản bạn, lưu manh, lừa đảo, mua danh, bán chức, tham quyền, cố vị, 
bon chen, hại người, giết người.
Cô bạn tôi bị té xe hồi chiều, ban đầu trông có vẻ bình thường. Một lúc sau thì choáng váng. 
Khi được đưa vào bệnh viện Chợ Rẩy thì bác sĩ cho biết là bị xuất huyết não, phải giải phẫu ngay tức khắc.
Giải phẫu xong, cô được đưa vào nằm ở tầng thứ hai. 
Nghe nói đến tầng lầu nầy ở bệnh viện Chợ Rẩy thì phần đông đều nghĩ đến những chuyện ít may mắn, có vào, khó ra. 
Lúc tôi bước vào căn phòng nầy, cái cảm giác đầu tiên là khó thở, với hai dãy giường bệnh vừa được làm phẫu thuật xong. 
Hầu hết đều không được lành lặn bình thường và nằm bất động. 
Cô bạn của tôi là một trong những cái xác không hồn đó. 

Đầu cạo trọc, trên người được đắp một chiếc áo bệnh viện màu xanh. 
Nếu không biết trước thì chắc cũng khó nhận ra được đó là một người đàn bà giàu có, xinh đẹp ở Mỹ về, xài tiền như nước.Tôi chỉ biết đứng yên nhìn cô ta, và trong lòng hoang mang cảm khái. Cô vẫn mê man, chưa biết sống chết thế nào. Bác sĩ cho biết là có thể hôn mê trong nhiều ngày.
Năm ngày sau thì cô tỉnh dậy.
Vậy là cô đã thoát chết. Mấy hôm sau thì cô được chồng đem về Mỹ. 
Hai tháng sau, tôi có việc qua Mỹ và ghé thăm cô tại nhà. Bây giờ thì tóc đã mọc lại khá dài, che hết phần sọ bị cưa. Nhan sắc đã được phục hồi, trở lại một người đàn bà duyên dáng hoạt bát. Cô kể lại cho mọi người nghe về chuyện tai nạn và cô nói: Trước khi lên bàn mổ, mình nghĩ chỉ cần được sống là đủ và sẽ không bao giờ đòi hỏi bất cứ một điều gì khác.
Hôm sau, tôi theo cô bạn đến phòng khám bệnh của một bác sĩ được giới thiệu để cô tái khám.
Cô bạn bước vào phòng, tươi cười chào hỏi và để tập hồ sơ bệnh lý của cô lên bàn. 
Vị bác sĩ đọc qua hồ sơ và hỏi cô: Thế bây giờ bệnh nhân bị mổ ở đầu đang ở đâu?. 
Cô bạn có hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó hiểu ra, cô trả lời: Chính là tôi.
Vị bác sĩ trợn mắt nhìn cô, chỉ nói được một câu: 
Không thể tưởng tượng được, nếu thế thì quả là một phép lạ. 

Sau khi khám lại vết thương, hỏi cô nhiều điều, bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường và bảo cô ký vào một giấy tờ gì đó. 
Cô cầm bút, nhưng thay vì ký vào chỗ đã có đánh dấu sẵn, thì cô ký lệch mấy phân vào phía dưới. 
Bác sĩ cười bảo: Đấy là điều duy nhất còn sót lại mà cô cần phải chữa, và cho cô một cái hẹn khác.
Cô bạn tôi ra về với những nét băn khoăn hiện ra trên mặt. Tôi an ủi, và nhắc lại lời cô nói sau khi tỉnh dậy, miễn được sống mà thôi. 
Cô trả lời: Lúc đó thì nghĩ như thế thật, nhưng khi được sống lại rồi thì muốn những điều tốt hơn, mình nghĩ con người chắc ai cũng thế.
Đúng.
Con người ai cũng thế. Nhưng cái mơ ước của cô bây giờ chỉ là mong nhận được một cái cô đã có từ trước, và đã đánh mất. 
Cô chỉ mong được ký đúng vào chỗ có đánh dấu không bị lệch ra ngoài do thần kinh không kiểm soát được mà thôi. 
Đấy là một tai nạn ngoài ý muốn đã làm cô bị một hậu quả nhỏ như thế,
nhưng cũng có những trường hợp mình tự ý quẳng một vật sở hữu của mình đi, cuối cùng lại ao ước được có lại như cũ.
Ở đời có nhiều cái mơ ước rất bình thường. Bị một vết xước trên thân thể cũngđã làm mình khó chịu và chỉ mong lành lặn lại như cũ. 
Lúc sở hữu một cái tầm thường thì không quan tâm, quí trọng, đến khi mất thì tiếc nuối và chỉ muốn được lại cái mình đã có từ trước. 


Nhiều cặp vợ chồng cũng mất hạnh phúc vì cứ nghĩ là mình phải được hơn như thế, 
vợ đòi hỏi chồng phải hơn như thế và ngược lại, cho đến khi tan vỡ, ân hận thì đã quá muộn màng.
Mơ ước cái mình chưa có cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu ước mơ không đạt được thì cũng không sao. 
Mơ ước được giàu sang phú quí, cũng không hình dung được giàu sang phú quí đến như thế nào. 
Một người con gái mơ có tiền để sửa sắcđẹp, chưa biết sẽ đẹp đến như thế nào, 
và nếu không thực hiện được ước mơ thì cũng đành quên đi. 
Nhưng nếu một hôm cô ta bị gẫy một chân, thì mơ ước của cô chỉ là làm sao có được đôi chân lành lặn như cũ mà thôi.
 
Tôi có một người bạn khác, một hôm phải vào bệnh viện và kết quả cho biết là anh ta bị sưng túi mật rất nghiêm trọng phải giải phẫu gấp mới an toàn tính mệnh. 
Lúc chúng tôi vào thăm anh ở bệnh viện thì được biết anh đã được an toàn và chỉ vài ngày sau có thể xuất viện về nhà. 
Anh nói với tôi: Có thế nầy mới biết được chúng ta luôn luôn đứng trên ngưỡng cửa của cái chết mà không biết. 
Có thế nầy mới thấy nên có một quan niệm về đời sống thực tế hơn. 
Anh nói thì thế, nhưng khi lành bệnh, trở lại làm việc một thời gian thì anh ta vẫn chẳng khác gì ngày xưa, không có chút nào đổi thay.
Ngài Đạt Lai Đạt Ma có một câu nói rất hay và đơn giản:
«Có nhiều người sống mà không nghĩ là mình sẽ chết.
Đến khi sắp chết, mới chợt nhận ra là mình chưa sống».
Nói là đơn giản, nhưng không phải ai cũng hiểu sâu xa ý nghĩa của câu nói đó. Người ta không bao giờ mơ ước bình thường.
Hãy sống với cái mình đang có.
Hoàng Tá Thích


HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP
Cúng cơm cho chúng sinh

Năng lực pháp mầu khôn tả,
Từ bi chẳng bị gì ngăn,
Bảy hạt biến cùng pháp giới,
Ban tặng tất cả chúng sinh.
Oṃ Trhyiṃ svāhā.
Đây là bài thiền kệ dành cho vị thầy chủ lễ của thời trai đường, thường là thầy trụ trì hay vị tôn túc có hạ lạp cao, quán tưởng và mong thực phẩm cúng này có thể tặng khắp các chúng sinh.

Trước khi ăn cơm, người xuất gia nghĩ đến các chúng sinh khổ đau, bất hạnh. Vị tăng chủ lễ trai đường dùng muỗng bỏ bảy hạt cơm vào một ly nước nhỏ đã được rửa sạch, liên tưởng bảy hạt cơm này sẽ được nhân lên khắp cùng thế giới, tỷ lệ thuận với tâm quán tưởng của ta. Đối tượng của sự cúng này là tất cả chúng sinh đang bất hạnh, thiếu thốn, nghèo khó.



Kính thưa Thầy Chân Tuệ,

Con là sa di Thích-Phước-Hỷ, chùa Hải Quang (VN). Vì mới xuất gia, con được giao nhiệm vụ "cúng xuất sinh" trong những buổi ăn ngọ. Thầy trụ trì dạy con đọc kệ, mà không giải thích cho con hiểu gì cả, khi hỏi lại bị rầy la, nên con không dám hỏi nữa. Sau con bèn vào các trang nhà, thì tìm thấy "Đạo Phật Ngày Nay" có bài viết sau:

Đại bàng kim sí điểu,
Khoáng dã quỷ thần chúng,
La-sát quỷ tử mẫu,
Cam lồ tất sung mãn,
Án, mục-đế sa-ha.

Kính thưa Thầy, càng đọc con càng sanh thêm nhiều thắc mắc hơn, chứ không làm con sáng ra gì cả.!! Vì chỉ vài hạt cơm và vài giọt nước làm sao no bụng, hay có thể chận đứng nghiệp sát và nghiệp bất thiện của chúng sinh (hơi mê tín? có phải là cho thì ít, mà bảo nhận nhiều rồi đó??). Thầy trụ trì còn dặn con rằng nhớ đọc đúng 3 lần, nếu không đủ thì ma quỉ nó về nó phá chùa chết luôn?...Có không Thầy?.Mình là người tu sao lại sợ ma quỉ cõi vô hình???

Chắc có lẽ con vô phần nên muốn tu muốn học mà quá u tối phải không Thầy?... Con đọc rất nhiều bài viết cuả Thầy ở trên "Blog PHTQ" và email Thầy gởi, nên con biết Thầy là vị Thầy có tâm rộng lớn và chân thành, Thầy không ngại nói  thật, nói rõ và mạnh mẽ, nhưng rất thực tế về những sai lầm từ nhiều đời trong sinh hoạt Phật giáo. Con rất thích cách giảng giải của Thầy, con cũng thấy nhiều vấn đề không đúng, nhưng rất sợ và không dám nói đâu. Nói nhẹ nhàng thì không ai muốn nghe, nói mạnh thì bị chửi chết luôn.

Sự thật là con cảm thấy hổ thẹn, khi có một Phật tử đến hỏi con:
- Hồi nảy Thầy cầm cái chén cúng, Thầy đọc gì vậy?.
Con lúng túng không biết trả lời sao hết mà chỉ biết nói:
- Chuyện nầy trong chuà thường làm là vậy đó!!
Người Phật tử tỏ vẽ thất vọng, nhưng không nói gì, rồi bỏ đi.
Chuyện tuy không có gì nghiêm trọng, nhưng khi con mặc áo của Thầy tu, nhiều Phật tử đâu có biết con tu lâu hay mới, nên hỏi câu đơn giản như vậy mà không trả lời được thấy cũng hơi hổ thẹn.
kính trân trọng cám ơn Thầy, con biết Thầy phải bỏ thì giờ quí báu đọc thư con. Rất mong được Thầy hồi âm và chỉ dạy cho con tỏ tường. Nếu Thầy không ngại thì con có thắc mắc gì có thể mạnh dạn xin được y chỉ giáo pháp của Thầy được không?

Kính Thầy, mong Thầy "phước trí vô biên, chúng sanh dị độ".
Con, Sa Di Thích-Phước-Hỷ 
 


PHÁP TU CĂN BẢN CỦA PHẬT TỬ
NGUỒN GỐC CỦA KHỔ ĐAU (CTLĐ TẬP 1)
NHẸ GÁNH LO ÂU
LUẬN BÀN GIỮA MÊ VÀ NGỘ
CÚNG SAO GIẢI HẠN
ĐẦU NĂM ĐI CHÙA ĐÚNG CHÁNH PHÁP
SỐNG HẠNH PHÚC CHẾT BÌNH AN