Friday, August 14, 2015

***TỰ LỰC LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG





TỰ LỰC LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG  
Thích Đạt Ma Phổ Giác

Trong cuộc sống, chúng ta làm việc cũng giống như quả bóng bằng cao su, khi rơi xuống đất nó sẽ tưng lên. Chính vì thế, ta có thể thay đổi nghề nghiệp sao cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Gia đình, sức khỏe, bạn bè và tinh thần, lại được ví như những quả bóng bằng thủy tinh, nếu lỡ tay đánh rơi thì chúng sẽ trầy trụa, bị nứt, bị hư hoặc bị vỡ nát. Khi đó, ta khó mà hàn gắn và sửa chữa lại được.

Cũng vậy, khi ta không biết giữ gìn sức khỏe mà lao vào những thú chơi vô ích, thức suốt sáng thâu đêm để cờ bạc, rượu chè, hút chích, đàn điếm mà lãng phí thời gian một cách vô tích sự. Ai đã lỡ vướng vào vòng này thì thân tàn ma dại, sống thì làm khổ gia đình người thân, chết thì bị đọa lạc vào ba đường dữ, chịu khổ báo vô số kiếp không có ngày cùng.
Đến khi trở lại làm người thì thân thể xấu xí, đen đúa, bệnh tật, cô đơn, không người nuôi dưỡng. Gia đình là tổ ấm để chúng ta nương tựa, là nền tảng vững chắc nhằm phát triển một xã hội tốt đẹp.

Một con người tốt, một gia đình đạo đức, một xóm làng sống có nghĩa tình, biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Ngược lại, nếu ta sống không hiếu thuận với ông bà cha mẹ, không biết kính trên nhường dưới, vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau, không biết nuôi dạy con cái làm điều thiện lành tốt đẹp, không biết sống có chừng mực đạo đức, “muốn ít biết đủ”, thì ta sẽ dễ dàng bị tha hóa, sa đọa, mà bị dòng đời cuốn trôi.

Một khi con người đã sống thiếu hiểu biết thì rất nguy hại cho gia đình, xã hội, tình cha nghĩa mẹ không còn, tình chồng vợ cũng bị phôi phai, chia lìa, con cái cũng bị ảnh hưởng mà không có chỗ tựa nương. Nói chung, một con người hư hại làm khổ lụy bao nhiêu người thân và làm xã hội thêm nhiều gánh nặng.

Nhiều người dính vào tệ nạn xã hội dẫn đến trộm cướp, lường gạt, giết hại lẫn nhau. Có tệ nạn xã hội, có phạm pháp thì phải có chỗ dung chứa tội nhân, nên cứ thế con người mãi nghèo nàn, lạc hậu và trình trạng đạo đức, nhân phẩm con người càng bị xuống cấp trầm trọng. Đó là nỗi đau chung cả nhân loại phải gánh lấy, dần rồi tình người không còn nữa và con người dễ dàng sống trong vô cảm.

Chính chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá lừng lẫy làm con người mỗi lúc mỗi xa rời nhau, bởi thời gian ngồi lại bên nhau tâm tình, sẻ chia không có. Gia đình là nền tảng của xã hội, vậy mà ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái không có cơ hội để sống yêu thương, hiểu biết. Xã hội càng nghèo nàn lạc hậu thì con người càng mê tín, mù mờ, càng sống theo chủ nghĩa tiêu thụ vật chất nên tình người dần rồi không còn nữa.

Chính vì vậy mà Phật dạy ta phải “muốn ít biết đủ” để có cơ hội cùng giúp đỡ sẻ chia, mà cùng cảm thông nỗi đau của người khác. Cái gì cần xài ta mới xài, để có dư chút đỉnh mà mở rộng tấm lòng, với tinh thần lá lành đùm lá rách. Khi đau yếu, bệnh hoạn, ta mới thấy sức khỏe là quý. Khi sa cơ, thất thế, ta mới thấy tình người là quan trọng. Vậy mà đa số con người chỉ biết sống vì tiền bạc, tài sản, vật chất mà đành lòng giết hại lẫn nhau.

Thế giới này là một vòng lẩn quẫn của sự hơn thua, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại. Ta cứ mãi tranh giành các thứ vật chất vô tri phù phiếm xa hoa, mà làm mất đi tình nghĩa của một con người. Vật chất là vô tri, con người là hiểu biết, là tri giác, con người là nền tảng của gia đình và xã hội. Do đó, ta cần sự yêu thương bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ, biết khoan dung và độ lượng, nhưng ta lại mặc tình làm ngơ, dửng dưng, lạnh lùng, vô cảm.

Cuộc sống này sở dĩ xây dựng mở mang phát triển cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người, ấy thế mà có mấy ai có được tấm lòng rộng mở vì tha nhân? Phật dạy, “trong bầu vũ trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đều phải nương nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống”.

Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, kẻ thiếu phước thì phải cày sâu cuốc bẩm, phơi mình trong nắng mưa vậy mà đôi khi vẫn bị thiếu ăn. Ta không nuôi tằm, dệt vải, nhưng vẫn có áo quần và ta cứ như thế mà có đủ các thứ phục vụ nhu cầu cần thiết trong đời sống hằng ngày. Sức khỏe của ta và những người thân yêu nếu để mất đi thì khó tìm lại được. Bạn bè cũng rất quan trọng trong cuộc sống hằng ngày, nó là nhịp cầu nối kết để cùng nhau chia vui, sớt khổ. Có gia đình, có bè bạn, có sức khỏe, ta có thể sống vui, sống khỏe mà cùng nhau gầy dựng sự nghiệp giống nòi nhân loại.

Tinh thần lại càng quan trọng hơn hết, ta có hiểu biết, ta có nhận thức sáng suốt, nên biết tiếp nhận những thứ gì cần thiết. Nhờ vậy, ta sống có định tĩnh chừng mực nên khi được lợi lộc ta không vì nó mà tham đắm, mê mờ. Ngược lại, khi bị mất mát ta cũng không quá sầu bi, khổ não, do đó ít bị hai thứ được mất, hơn thua làm tổn hại tinh thần, nhờ ta thường xuyên biết quay lại chính mình mà thân tâm luôn được an ổn.

Tóm lại, ta muốn thành đạt trong cuộc sống thì trước tiên phải có ý chí và nghị lực, biết tranh thủ tận dụng hoàn cảnh sống của mình vì ta có hai bàn tay và khối óc. Như anh ăn mày cụt tay kia, nếu không được bà già cho một liều thuốc bổ tự lực cánh sinh, thì chắc có lẽ anh sẽ chịu chết chìm trong cuộc đời bần cùng, đói rách. Lần đầu tiên rinh gạch một tay gần hai tiếng đồng hồ, anh chắc phải chịu nhức mỏi, ê ẩm cả người. Nhờ vậy, anh học được cách thức làm người “sống phải có lòng tự trọng”.

Khi còn nhỏ dại, ta đương nhiên phải nương nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng nếu bất hạnh, ta không có người thân thì sao? Ta vẫn phải chấp nhận một mình đơn độc, tự mình bươn chải, để làm sao có miếng ăn mà tồn tại với đời. Cũng như có hai đứa bé một con nhà giàu, một con nhà nghèo. Đứa con nhà giàu khi bị té ngã sẽ khóc thét lên, chờ cha mẹ đỡ dậy. Cha mẹ vì thương con nên mọi cái đều đỡ đần chu đáo khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại, cái gì cũng đều trông chờ người khác. Ngược lại, đứa trẻ con nhà nghèo khi bị té ngã không có ai nâng đỡ, nó không khóc ré như đứa con nhà giàu, mà tự đứng lên tiếp tục bước đi.
 
Cũng vậy, ai biết nỗ lực, siêng năng, tinh cần học hỏi, quyết chí vươn lên sống không ỷ lại nhờ vã người khác, thì người này nếu đầy đủ phước báu sẽ thành tựu trong nay mai mà vững vàng đi tới, không chịu khuất phục bởi một áp lực nào.

Người Phật tử chân chính khi đến với đạo pháp, ban đầu phải nhờ vào tha lực, nhờ sự hướng dẫn của quý Thầy Cô, đến khi hiểu biết rồi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, hành trì theo chánh Pháp. Chính vì vậy, Lục Tổ Huệ Năng nói, “Khi mê thì Thầy độ - Khi ngộ thì tự độ”.

Nhiều người chỉ hiểu biết suông nên lúc nào cũng van xin cầu cạnh người khác, cứ nghĩ rằng trời Phật sẽ ban ơn hay gia hộ cho mình, nên đành chấp nhận cuộc sống như bèo dạt, mây trôi. Họ chẳng biết suy nghĩ, tìm tòi nghĩa lý sự thật của cuộc đời, thấy ai làm sao thì mình làm vậy mà không biết đúng sai, phải trái. Tuy nhiên, sự sống này ta vẫn cần “tha lực”. Khi chưa có hiểu biết hay đủ khả năng, ta vẫn cần sự trợ giúp của người khác. Khi đã biết rồi thì chính ta phải tự lực vươn lên.

Chính vì vậy mà Phật thường nói, “ta chỉ là người Thầy dẫn đường, còn có chịu tu hay không là do ý chí và nghị lực của mọi người”. Tha lực tuy rất cần thiết cho con người bước đầu vượt qua khó khăn, thử thách nhưng nếu muốn đạt được thành công viên mãn thì ta phải tự lực vươn lên bằng chính đôi bàn tay và khối óc của mình.


Lời nói thực tế của một nhóm người già

Có một tổ ấm của riêng ta, chưa đến lúc chết, xin nhớ muôn ngàn lần chớ bỏ mất nó đi.
Có một người bạn đời thân thiết, phải cùng đối đãi và chăm sóc tốt cho nhau,
Có một cái thân thể, tự mình phải biết bảo trọng, có một cái tâm thái tốt, tự mình vui sướng!
Chúng ta đã già rồi! Nhưng mà hiện tại sức khoẻ vẫn còn tốt, đầu óc hãy còn minh mẫn, già rồi trông cậy vào ai! Phải phân chia ra nhiều giai đoạn mà nói. 

Giai đoạn thứ nhứt
Sau khi đã về hưu, tuổi từ 60 đến 70, sức khoẻ cũng như điều kiện hãy còn tốt. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì cứ mặc, thích chơi đùa gì thì cứ chơi đùa, chẳng nên tự bạc đãi mình, vì những ngày giờ này sẽ không còn là bao lâu nữa, cần phải nắm lấy (cơ hội). Nắm giữ một ít tiền, giữ lại căn nhà, biết tự an bài tốt cho con đường sau cùng của mình. 

Tình trạng kính tế của con cái được tốt là của chính chúng, con cái hiếu thuận là phẩm hạnh tốt của chúng. Chúng ta chẳng nên cự tuyệt sự giúp đỡ của con cái, không nên cự tuyệt sự hiếu kính của chúng.Nhưng quan trọng nhứt là phải biết tự nương tựa vào chính mình, tự an bài tốt cho sinh hoạt của chính chúng ta. 

Giai đoạn thứ hai
Qua hết đoạn tuổi bảy mươi (tức ở vào tuổi bát tuần) mà không có bệnh hoạn gì, cuộc sống hãy còn được tự do, đó là không có những vấn đề gì lớn xảy ra, nhưng phải nên nhớ rằng mình đúng là đã già rồi, thể lực và tinh lực sẽ không còn tốt nữa, các phản ứng tự nhiên của mình cũng sẽ từ từ xấu đi. 

Nên ăn cơm chậm lại để đề phòng mắc nghẹn; đi đứng cần chậm lại để đề phòng bị té ngã.
Chẳng nên tranh hơn người, cần biết tự chăm sóc cho chính bản thân mình! 

Đừng nên đi "quán xuyến" việc này việc kia, lo lắng sinh hoạt của con cái. Có người còn đi giữ cháu nội cháu ngoại nữa. 

Cần phải biết "ích kỷ" một chút để, tự chăm sóc, trông coi chính mình. 

Mọi việc phải biết để cho nó hoà theo tự nhiên, phải làm tí công việc quét dọn rác, phải biết cố gắng giữ gìn cho cái trạng thái sức khoẻ của mình được lâu dài hơn. 

Để cho cái năng lực tự chủ về cuộc sống của mình có thể kéo dài thêm, không phải nhờ vào sự chăm sóc của người khác, thì có phải là tốt hơn không? 

Giai đoạn thứ ba 
Sức khoẻ đã suy yếu rồi, phải cần đến người giúp chăm sóc cho mình, việc này nhất định phải được chuẩn bị từ trước, tuyệt đại đa số con người ít ai tránh khỏi được cái cửa ải này. 

Phải biết điều chỉnh tốt cho lòng mình, phải biết thích ứng với hoàn cảnh, sinh lão bịnh tử, với cái Tử là cái việc thường tình của đời người. 

Ta cứ thản nhiên mà đối diện với nó, vì đó là cái đoạn cuối của đời người, chẳng có gì mà phải sợ nó, đã có chuẩn bị trước rồi, thì chẳng có chi mà cảm thấy phải khó chịu. 

Hoặc là vào viện dưỡng lão, hoặc là mướn người đến nhà trông coi chăm sóc cho mình, lượng sức lượng tình mà làm, nhất định là phải có biện pháp. 

Nguyên tắc là chẳng nên "làm khổ" con cái của mình, đừng để con cái mang nặng cái tâm lý không tốt, làm thêm nhiều công việc nhà, gánh nặng thêm sự tốn hao tài chánh hạn hẹp của gia đình. 

Tự mình phải biết khắc phục thêm một chút, cái cuộc đời nầy của mình, cái gì khổ, cái gì khó khăn cũng đã qua rồi, hãy tin tưởng rằng cái đoạn đường nhân sinh cuối cùng cũng sẽ dễ dàng mà bước qua. 

Giai đoạn thứ tư 
Đầu óc ta minh mẫn, bệnh tật đeo mang không cách nào thoát khỏi, lúc mà cái phẩm chất của sinh mạng đến điểm tệ hại nhất, phải biết dám đối diện với cái chết, cương quyết không để người nhà phải lao khổ tái cứu sinh, không để bà con thân hữu phải chịu hứng chịu những hao tốn vô ích. 

"Già rồi" trông cậy vào ai? Chính mình, chính mình, lại vẫn là chính mình. Già rồi thì phải làm sao? 

Tại sao lại có cái ý nghĩ nầy, đó là do bởi tôi luôn nhận thấy, người già trên 80, không cần phải hạn chế đồ ăn của họ phải thanh đạm, cũng không cần phải giảm cân,ăn được là quan trọng nhứt 

Muốn ăn gì thì cứ ăn, có thể cho là ăn được những món ngon của thế gian nầy, để cho cuộc sống càng thêm vui sướng và thích thú. Hạn chế người già không được làm cái nầy, ăn cái kia là đi ngược lại cái nhân tính của con người, mà lại cũng chẳng có gì gọi là căn cứ khoa học cả. 

Trên thực tế, càng ngày càng có nhiều hiển thị chứng cứ của khoa học là, người già cần ăn ngon thêm một chút, cần mập thêm một tí, để cho cơ thể họ có thêm năng lực để đối kháng bệnh tật, đối kháng tính trầm cảm. 

Tôi mong ước là, các cụ lão niên đều có thể hưởng thụ được sự tốt đẹp của đoạn cuối con đường nhân sinh của chính mình, mà không phải lưu lại bất cứ một điều gì hối tiếc. 

Có thể cũng đừng kỳ vọng chờ đợi để lại cho thế hệ kế tiếp. 

Lời kết luận:

Câu nói đúng của tục ngữ: "biết lo về tài chánh thì không nghèo, có kế hoạch thì không rối rắm, có chuẩn bị thì không bận rộn". Chúng ta với tư cách là lão niên "dự bị quân" đã có ý tốt chuẩn bị hay chưa? 

Chỉ cần sự việc chưa xảy ra, phải có chuẩn bị cho tốt, sau nầy sẽ khỏi phải lo lắng cho cuộc sống ở tuổi xế chiều.

Sự chuẩn bị trước tiên là cái khả năng làm cho sức khỏe tốt ở tuổi già, ngày thường cần chú ý đến "tam dưỡng": 

1-ăn uống dinh dưỡng, 
2-chú trọng bảo dưỡng, 
3-phải biết tu dưỡng.

a/- Đối với sự việc cùng con cháu ở chung, phải rán nhẫn nhịn bằng cách im hơi lặng tiếng trong cuộc sống, chi bằng 

b/- Vui sống hưởng thụ với cuộc sống đơn lẻ độc thân, bất luận là trong thành phố hay khu ngoại ô, những nơi thích hợp cho chính bản thân mình, đồng thời là nơi có những quán ăn gần nhà mà mình ưa thích nhứt. 

- Đã nuôi dưỡng được con cái, mà không thể có cách nào để dưỡng già. Là cha mẹ của người ta thì phải nhớ biết tự lập tự cường, chưa vào trong quan tài thì đừng bao giờ chia gia sản.

- Có được một người bạn tốt, người hảo hữu cùng ăn chung và người bạn đời đều quan trọng như nhau, bình thường cần phải biết kết rộng thiện duyên, nhận thức nhiều về các loại bằng hữu, là để hưởng thụ được cái bí quyết của nhân sinh. 

Nói tóm lại, dù bạn là một trường thọ lão ông hay lão phụ, cuối cùng, bạn cũng chỉ là một con người. 

Cái câu nói nầy thật không bi thiết chút nào, lại cũng không có gì phải lo sợ, hoàn toàn do bạn tự an bài cách sống như thế nào, để coi bạn có hay không có cái tâm lý thành thục, có yêu thích cái gì đó thì rất đáng để bạn trực tiếp đi làm. 

Có được cái sức khoẻ tốt hay hạnh phúc, cũng đừng hy vọng để lại cho con cái. 

Các lão bằng hữu ơi, cần phải ghi nhớ làchúng ta đều là những con người của cái thế hệ cuối cùng hiếu thuận với cha mẹ, lại cũng là những con người của cái thế hệ thứ nhất bị con cái bỏ rơi. 

Xin đừng có "nhân tại thiên đàng, tiền tại ngân hàng", cái gọi là "một mình rất buồn tẻ", "già rồi mà chẳng có ai phục dịch", những tín hiệu phiến diện v.v và v.v... đã là những câu nói lỗi thời từ lâu rồi. 

Hãy nhận thức cách rõ ràng là: tiền tài, giàu sang chỉ là những số tự mà thôi, danh lợi cũng chỉ là một đoản kỳ tạm hư vinh, cuộc sống mới đúng là cái toàn diện của đời người, 

Hãy là cái người "vui sống hưởng thụ cái cảnh già độc thân", thì cuộc đời mình sẽ có những mùa Xuân rực rỡ trở lại, với chính mình, điều kiện là: thân thể cường tráng, có tiền, có thì giờ, có bạn bè, lại cũng có cái không gian chuyên thuộc của riêng mình. 

Có đủ sức độc lập tự chủ, có được cái lạc thú nhân sinh, chắc chắn là tự mình cung cấp cho mình cái công đức tối đại vậy.

Bài dịch sang Việt Ngữ
Tác giả - không rõ tính danh




ĐẾN MỘT LÚC NÀO ĐÓ 

Đến một lúc, chúng ta bỗng thông hiểu tất cả mọi quy luật của đất trời rằng không có gì là trường tồn bất biến, ngược lại chính nhờ sự biến đổi ấy mà chúng ta có những điều mới mẻ tinh khôi.
 
Đến một lúc, mọi giông tố mịt mùng không che nổi sự bừng sáng của con tim và mọi khổ đau buồn tủi không đánh gục được niềm lạc quan tiềm ẩn trong một tinh thần.
Chúng ta sống quá lâu trong thành kiến và định kiến hẹp hòi cùng với lòng kiêu mạn đứng chen chân trong một ngôi nhà bản ngã; đến một lúc, chúng ta cần phải bước ra khỏi cửa để được ngắm nhìn toàn bộ sự mênh mông và bát ngát của đất trời.
 
Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi tấm lòng rộng mở và trái tim thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc sống.
 
Đến một lúc, chúng ta nhìn lại và cười nhạo vào những trò hề do chính mình tạo ra và chúng ta trở nên lặng lẽ để thấy rõ sự cần thiết của tĩnh tại tâm hồn.
Chúng ta chợt nhận thấy quy luật sâu xa của cuộc sống hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn phải là sự cho đi.

Đến một lúc, cảm thấy ngập tràn hạnh phúc không phải vì chúng ta vớt lên được cái gì đó từ dòng nước mà chính là quăng bỏ bớt cho dòng nước cuốn trôi.

Đến một lúc, chúng ta hiểu được sự thật của niềm vui không phải là ở đỉnh vinh quang hay ngọn núi ngập hoa vàng mà chính là từng bước chân thảnh thơi và được ngắm hoa cỏ dại trên đường.
 
Chúng ta chợt nhận ra rằng hạnh phúc không phải ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng phút giây hiện tại.

 

Khi đã trải qua bao nhiêu buồn vui thương ghét, bao hi vọng chán chường, bao thành công thất bại, đến một lúc chúng ta chợt nhận thấy rằng tất cả mọi sự đời đến và đi, có rồi không dường như chỉ là một tuồng ảo hóa.

 

Chúng ta cảm thấy mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi, thay vào đó chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hoặc một tình thương nồng ấm dẫu chỉ là của người khách qua đường cũng đủ làm cho ta ấm lòng và tươi vui hơn trong cuộc sống.



Đến một lúc, chúng ta thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là ước mơ cùng với nỗ lực vào tương lai hun hút, và đến lúc già đi thì luôn hồi ức tiếc thương một dĩ vãng đã xa rồi. Trong một đời người ngắn ngủi chúng ta đã đánh lỡ đi bao sự sống nhiệm mầu trong thực tại giản đơn, tiếc thương một dĩ vãng đã xa rồi. Trong một đời người ngắn ngủi chúng ta đã đánh lỡ đi bao sự sống nhiệm mầu trong thực tại giản đơn.
 
Đến một lúc, chúng ta hiểu ra rằng duy chỉ có tình thương, chứ không phải có bất cứ thứ gì khác  giúp con người thiết lập được trật tự mới và hòa bình cho nhân loại.
Mọi dòng sông đều chảy ra biển cả, mọi con đường chân lý đều hướng về nẻo đạo vô biên và mọi yêu thương chung cuộc đều đạt đến chân phúc.
 
Đến một lúc, chúng ta cần phải dọn đất trồng hoa trên mảnh vườn của mình còn hơn mỏi mòn chờ đợi ai đó mang hương sắc đến dâng cho.
Tất cả mọi hành động của ta chỉ là những đợt sóng lăn tăn trên mặt biển nhưng trong lòng đại dương sâu thẳm vẫn còn đó sự lặng lẽ bình yên.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy những việc làm thường nhật phải là niềm vui cho sự sống hàng ngày không phải là sự bắt buộc hay là một quán tính khô khan, máy móc của đời mình.
Hiểu ra rằng bản ngã ích kỷ thường khiến mình nhìn thấy lỗi lầm, sự xấu xa của người khác hơn là chính bản thân mình. Chúng ta thường che đậy và bảo vệ mình khỏi tổn thương nhưng vô tình điều ấy là tự ôm chất độc và giết chết bản thân mình.
 
Đến một lúc, chúng ta cảm thấy sự tha thứ, bao dung là món quà tặng vô giá và cầ thiết mà con người có thể trao tặng cho nhau không bao giờ cạn.
Khi chúng ta thấy mình tham vọng quá lớn trong khi đời người thật ngắn ngủi, đó là lúc mình hiểu ra hành trang cho lộ trình vạn dặm không phải là những gì có thể nắm bắt bên ngoài mà đó là yếu tố tâm linh bất diệt bên trong.
 
Đến một lúc, chúng ta hiểu con đường tâm linh thì tuyệt đối đơn độc, không ai có thể đi theo dẫu đó là người thân yêu nhất.
 
Chúng ta cảm nhận những khoảnh khắc tĩnh lặng nhỏ bé của tâm hồn còn quý giá hơn cả những tài sản được cất chứa chung quanh là lúc chúng ta định lượng được giá trị chân thật của một kiếp người.
 
Chúng ta hiểu rằng cần phải thánh hóa đời sống hơn là chạy đi tìm thiên đường ở chốn xa xăm. Đến một lúc, chúng ta cảm thấy không sợ hãi địa ngục hoặc một thế lực tối cao, nhưng bằng trí tuệ tuyệt vời, chúng ta thấy rằng vạn pháp vốn là không và số phận tùy thuộc vào khả năng giác ngộ của chính mình.
 
Chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản trước những mất mát, đau thương vì dòng nước thanh lương có thể cuốn trôi đi bao hệ lụy và có thể đưa chúng ta bến bờ rạng rỡ của ngày mai.
SƯU TẦM 2015
  
  
ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO GIÁC NGỘ
CÂU CHUYỆN NGỤ NGÔN CẦN SUY NGẪM
PHẬT GIÁO CÓ BI QUAN KHÔNG?
NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ LÁ CỜ PHẬT GIÁO
ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT