Monday, June 8, 2015

*** AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ

AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
TKN. Thích Nữ Chân Liễu

Ngày nay, y theo lời dạy của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khắp nơi nơi, Chùa chiền, Tu viện, Thiền viện hằng năm đều trang trọng tổ chức chu toàn cho tứ chúng được hội tụ về tham dự mùa an cư, sau đại lễ Phật đản. Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Đức Phật đã để lại kho báu quí giá vô tận, củng cố niềm tin vào chân lý bất biến và khai mở trí tuệ bát nhã cho hàng đệ tử trong các mùa an cư khi Ngài còn tại thế.

THẾ NÀO LÀ AN CƯ?
Tâm tĩnh lặng tự tại gọi là AN. Thân ở yên một chỗ gọi là CƯ. 
Tứ chúng là bốn hình tướng của người tu bao gồm xuất gia và tại gia (chư Tăng, Ni, và Cư sĩ nam, nữ).

Ngày xưa, chỉ có giới xuất gia - chư Tăng và chư Ni - hành pháp an cư, tâp trung về Tịnh xá tu học mỗi năm ba tháng, thường là vào mùa hạ,  nên gọi là an cư kết hạ, hay an cư kiết hạ. Bởi vì ngày xưa không có nhiều chùa, chư Tăng Ni thường đi khất thực ban ngày, ban đêm ngủ dưới gốc cây, lại nữa côn trùng mùa nầy sanh sôi rất nhiều, để trưởng dưỡng lòng từ bi và không phạm giới sát sanh.

Ngày nay, cuộc sống có nhiều thay đổi - Chư Tăng Ni có nơi hành đạo yên ổn, chùa xây dựng rất nhiều và trang nghiêm khắp mọi nơi, có thể ở yên nơi trụ xứ. Cho nên ba tháng an cư không cần phải di chuyển thường xuyên, cũng được gọi là "Tâm tĩnh lặng tự tại gọi là AN. Thân ở yên một chỗ gọi là CƯ".  

khá nhiều nơi, vì muốn gieo duyên xuất gia thù thắng trong một thời gian hạn định, các bậc Tôn túc cho phép hàng Cư sĩ, Phật tử tại gia tham dự an cư, tập tu đời sống xuất gia, tìm hiểu học hỏi kinh Phật, nghe giảng giáo pháp, làm quen cách sống đơn giản tri túc trong thiền môn và còn có dịp tạo phước hộ trì tam bảo. Tứ chúng tùng hạ an cư đều chân thành thúc liễm thân tâm, thăng tiến giới hạnh, trưởng dưỡng từ bi, khai mở trí tuệ, cùng chung mục tiêu giác ngộ và giải thoát.

Mùa an cư giúp người tu tập xa rời sinh hoạt ồn ào của cảnh trần, an trụ một nơi, có thời gian nghiên tầm kinh điển, giúp cho mắt tai mũi lưỡi thân ý (gọi chung là sáu căn) được thanh tịnh. An cư chính là phương tiện thù thắng giúp thân được an, tâm được định, ý nghĩ lời nói việc làm đều thường tỉnh giác và luôn sống với tâm vô ngã vị tha, tâm từ bi tâm hỷ xả. Đó cũng là con đường tìm về “Kho Báu của Niềm Tin và Trí Tuệ”. 

KHO BÁU CỦA NIỀM TIN
Đạo tràng an cư giúp người tu thanh tịnh tâm và là nơi câu hội của tứ chúng tu học, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, trì chú, nghe pháp, học hiểu kinh, trì giới luật, tham vấn luận, để phát sanh niềm tin chánh tín vào giáo lý Đức Bổn Sư Thích Ca; hiểu rõ được chân lý vô thường, sanh, lão, bịnh, tử, đang chi phối cuộc sống con người.

- Niềm tin sâu xa nơi luật nhân quả bình đẳng, con người tạo nghiệp thiện, tất nhận kết quả an vui; tạo nghiệp ác tất phải tự lãnh chịu hậu quả đau khổ. Nghiệp thiện hay nghiệp ác tạo tác từ thân khẩu ý. Dụ như hòn đá nặng (nghiệp ác, tâm nặng nề) tất nhiên phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ (nghiệp thiện, tâm khinh an) tất nhiên nổi trên mặt nước. Đó là nhân quả không sai, không phân biệt người nào
- Niềm tin mãnh liệt nơi chính mình, nhận được bản tâm thanh tịnh vốn không sanh không diệt. Cứu cánh giải thoát sanh tử y cứ vào văn tư tu, tức là con người lắng nghe giảng chánh pháp, thực hành chánh pháp thấy có lợi lạc, tu chánh pháp dứt hết phiền não, sạch tội nghiệp, đạt đến niết bàn tịch tĩnh.
- Niềm tin vững chắc là căn bản của sự thành công chiến thắng tự tâm, nhiếp phục vọng tâm, là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Niềm tin sáng suốt của người tu theo Phật không cuồng nhiệt, không sôi nổi, không so đo và không bản ngã (cái tôi).
- Niềm tin chân chánh là sự tự do thật sự, không bị ép buộc, cũng không vì động lực của lòng tham, sân, si sai khiến. Tu và học phải song hành, từ đó phát sinh niềm tin kiên cố, phân biệt chánh tà, đúng sai rõ ràng, không còn rơi vào mê tín hay bị dụ dẫn.
- Niềm tin bất thoái chuyển nơi Tam Bảo là thấy được giá trị lợi ích đối với đời sống con người trong xã hội. 
- Thế nào là Tam Bảo? - Tam Bảo là ba điều quí giá, cao tột.
Tam Bảo bên ngoài là Phật Pháp Tăng.
Tam Bảo tự tâm là tâm sáng suốt, tâm chân chánh và tâm thanh tịnh.

Những điều Đức Phật dạy và những gì bản thân Ngài chứng đắc trong quá trình tu tập và hành đạo khổ hạnh, đã để lại cho hàng đệ tử xuất gia, tại gia, con đường đi đến Niết Bàn, là sự giải thoát hoàn toàn viên mãn.
- Phật: Bậc sáng suốt, giác ngộ cao tột, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, phước đức và trí tuệ lưỡng toàn. Phật là tự tâm sáng suốt của mỗi người.
- Pháp: Con đường chân chánh, phương pháp lợi ích rốt ráo đưa đến giải thoát sanh tử, là cứu cánh để trau giồi giá trị phẩm hạnh, đạo đức, thánh thiện. Pháp là tự tâm chân chánh của mỗi người.
- Tăng: Tăng già là tập thể thanh tịnh hòa hợp, đời sống đơn giản trong sạch, quên mình vì lợi ích chúng sanh, cứu người giúp đời, tu hành theo Bồ Tát hạnh. Tăng là tự tâm thanh tịnh của mỗi người.

Những buổi cúng dường trai tăng, trai nghi trong mùa an cư, được tổ chức rất trang nghiêm thanh tịnh, tứ chúng đồng tu tụng niệm, hồi huớng cho gia đình thí chủ và cho tất cả mọi chúng sanh trong khắp pháp giới, đời đời được gặp chánh pháp, để tiến tu cho đến ngày giác ngộ và giải thoát. Trước khi thọ thực, mọi người đều thầm niệm tam đề và ngũ quán.
Tam đề:
Một là nguyện không làm các điều ác,
Hai là nguyện siêng làm các việc lành,
Ba là nguyện độ tất cả chúng sanh.
Ngũ quán:
1. Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,
2. Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,
3. Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,
4. Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,
5. Năm là tạm dùng vật thực để có sức khoẻ hành đạo.
Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu nhiếp phục tâm, trước và trong khi thọ dụng vật thực cúng dường của đàn na tín thí. Điều quan trọng là giúp hành giả trên đường hành đạo luôn tinh tấn dũng mãnh, cố gắng trau giồi đức hạnh, tăng trưởng lòng từ bi, quyết tâm đạt đến Phật quả và nguyện độ tất cả chúng sanh được viên mãn.
Đó là “Kho Báu Của Niềm Tin” mà mọi người tu xuất gia hay tại gia đều mong đợi và tin tưởng.

KHO BÁU CỦA TRÍ TUỆ
“Nhân thân nan đắc. Diệu đạo nan cầu” - Thân người khó được. Chánh pháp khó gặp. Kiếp này đã được thân người, hội ngộ Phật Pháp, lại được gặp bạn đồng tu. Người biết cách tu không phí thì giờ vì những phiền não thị phi, quyết tâm tu tiến, trừ sạch các tâm ô nhiễm ganh tỵ, đố kị, tham lam, sân hận, si mê. “Phản quan tự kỷ” - Xoay lại xét mình, không phê phán người, người tu sẽ thấy rõ thật tánh của bản thân. Thúc liễm thân tâm thanh tịnh, trau giồi giới, định, tuệ, đó là tìm về trí tuệ sáng suốt, tâm sáng suốt, còn gọi là Phật tánh hay Phật tâm.

Sinh hoạt tập thể là cơ hội tốt thực hành nếp sống tri túc, phát triển tâm vị tha khiêm tốn, đối trị tâm vị kỷ ngã mạn. Tứ chúng đồng tu theo Pháp Lục Hòa, tuy có khác nhau về xuất xứ, trong hay ngoài giáo hội, nhưng tất cả đều bất tùy phân biệt, cư xử bình đẳng, từ vật chất đến tinh thần. Thân hòa, tâm hòa, vui vẻ chấp tác, hăng hái hành đường, giúp đỡ nhau công quả từ chuyện lớn nhỏ, việc nặng nhẹ, tất cả đều hiểu biết và kính quí nhau trong tình đạo vị của chốn thiền môn an tịnh. Mục đích đưa người tu đến chân thiện mỹ. 

Pháp Lục Hòa là sáu phương pháp cư xử hòa hợp, thanh tịnh, trong đời sống tập thể như sau:
1. Thân hòa đồng trú: Sống chung tập thể, hòa thuận, đùm bọc, nhường nhịn nhau trong tình thân. Không ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô. Tránh việc phe phái chia rẽ.
2. Khẩu hòa vô tranh: Sống chung tập thể, với tinh thần đồng tu, giữ gìn lời nói ôn hòa. Không tranh cãi, tranh chấp từng câu từng lời. Luận bàn trong sự tương kính và bao dung.
3. Ý hòa đồng duyệt: Sống chung tập thể, ý nghĩ thiện lành, vui vẻ trong sáng, thanh tịnh. Không cố ý tạo bất hòa, đố kỵ, ganh ghét. Đặt sự tôn trọng nhau và đồng hòa giải trên hết.
4. Giới hòa đồng tu: Sống chung tập thể, giữ gìn giới luật, tự giác giữ mình trong kỷ luật và qui tắc. Không xét việc người, tự soi mình, kính trên hòa dưới. Giúp đạo tràng trang nghiêm tề chỉnh và qui củ.
5. Kiến hòa đồng giải: Sống chung tập thể, sách tấn nhắc nhở, cùng nhau học hỏi trong sự bình đẳng. Không phân cao thấp, hay dở, khen chê, chỉ trích. Dìu dắt cùng tu, cùng lợi lạc.
6. Lợi hòa đồng quân: Sống chung tập thể, lợi dưỡng đồng chia, tài lợi vật chất đối xử công bằng. Không giành phần tốt, để người khác chịu thiệt thòi, so đo tính toán. Chia xẻ đồng đều quân bình như nhau.
Con người còn sống là còn động, còn sinh hoạt là còn phiền não. Pháp Lục Hòa tạo được hòa khí trong tình đạo vị, xóa tan phiền não ngăn cách. Hơn vậy nữa, pháp nầy có công dụng nhắc nhở sự bình đẳng trong tăng đoàn, dùng đức phục chúng, người tu trước biết thương yêu lo lắng người tu sau. Kỷ luật tự giác, thời khóa đúng giờ, tinh tấn khắc phục giải đãi, tăng niềm tự tin trong cuộc sống. Đó là “Kho Báu Của Trí Tuệ” ngàn năm vô cùng trân quí không bao giờ mất.

LỢI ÍCH CỦA AN CƯ
blankNhững tháng ngày an cư, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng tu có thêm niềm tin chánh tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chánh pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật Pháp được duy trì, đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian không thể nghĩ bàn. 

Trong thời gian mùa an cư, mỗi buổi sáng, tứ chúng thức dậy thật sớm, trước thời khóa tụng kinh Lăng Nghiêm có 30 phút tịnh tâm, thiền định, mọi người trong chúng từng bước nhẹ nhàng ngồi vào chỗ của mình, xếp chân với tư thế hoa sen, yên lặng thiền tọa, niệm Phật, trì chú trong yên lặng. Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, không tạp niệm, buông bỏ phiền não, không nói chuyện, không niệm Phật ra tiếng, cũng không lễ lạy. Thời khắc đó mọi người thấy rằng, nếp sống thanh tịnh của người tu cần thiết và lợi lạc vô cùng.
Những thời khóa tụng kinh như nhắc lại lời Phật dạy, tiếp thu Phật Pháp

Trong lời giảng chư Tôn đức giúp mở mang trí tuệ, sinh hoạt đối xử nhau đầy đạo tình đạo vị giúp cho tứ chúng đồng tu niềm tin sâu xa nơi Tam bảo. Nhờ có những mùa an cư lợi lạc, người tu mới hiểu biết cách tu đúng chánh pháp, trang nghiêm giới hạnh và đi đúng theo con đường Phật dạy để đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Đó là phước báu của kiếp được làm thân người lại được sống trong giới pháp của Chư Phật.

Tứ chúng xuất gia và tại gia thành tâm đảnh lễ, cung kính tri ân Chư Tôn Thiền Đức tổ chức những mùa an cư hằng năm, đem tâm từ bi hỷ xả cao thượng trao truyền ngọn đuốc Phật Pháp vi diệu. Các Ngài đã tạo duyên lành cho hàng Phật tử xuất gia và tại gia chúng con được học hiểu sự lợi ích thực tế của công đức và phước đức, có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nơi trụ xứ. Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ chánh pháp trường tồn, chúng sanh dị độ. 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN. Thích Nữ Chân Liễu


Các thắc mắc về vấn đề AN CƯ

Kính thưa Thầy Thích Chân Tuệ,
Chúng tôi là những Phật tử tại gia, thường xuyên đi chùa lễ Phật, 
và tham dự các khóa tu học, cầu học chánh pháp, để hành đúng chánh đạo.
Chúng tôi có nhiều thắc mắc nhưng không có dịp để tham vấn chư tôn đức.

Tại địa phương chúng tôi đang cư ngụ, thành phố Mississauga,
Canada, có chùa sắp tổ chức cái gọi là Khóa An Cư Kiết Hạ Lần Thứ 27
vào cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm nay 2015, trong 9 ngày, từ 30/6 đến 
08/07/2015.
Chùa gây quỹ cho khóa an cư này, kêu gọi đóng góp, thu tiền cúng dường rộng rãi
và tổ chức cái gọi là pháp hội dược sư, một hình thức lễ trai đàn bạt độ của các nơi khác. Chùa dùng tiền đóng góp của bá tánh cho đăng quảng cáo trên báo địa phương một bài dài lê thê chỉ để giải thích rằng cái pháp hội dược sư này không phải là tà pháp của tà đạo ma giáo.

Kính mong Thầy Chân Tuệ và chư Tôn Đức VP.PHTQ.CANADA 
từ bi hoan hỷ giải thích 2 thắc mắc sau đây:

 1.Tôi có đọc trên một tờ báo Toronto có bài viết về việc tổ chức Lễ Trai Đàn Bạt Độ trong mùa an cư năm nay 2015, trích dưới đây, kính xin quí Thầy giải thích cho các Phật tử sơ cơ như tôi được hiểu rõ.
Trích:
Mục đích của Trai Đàn Bạt Độ Giải Oan là tạo những duyên lành, tháo gỡ những nội kết, oán thù, để người đã khuất nhận chân được đạo lý nhân quả, nghiệp báo mà mình đã gây tạo từ nhiều đời trước (không phải là định mệnh hay số phận an bài của thần linh) và cuối cùng giúp cho người đã khuất hiểu rõ được tự tính các pháp đều là “không”- nghĩa là các pháp (bao gồm cả pháp hữu vi và vô vi) do nhân duyên nương vào nhau mà có (y tha khởi); do cái nầy có nên cái kia có, cái nầy không nên cái kia không, cái nầy sinh nên cái kia sinh, cái nầy diệt nên cái kia diệt (thử hữu tắc bỉ hữu, thử vô tắc bỉ vô, thử sinh tắc bỉ sinh, thử diệt tắc bỉ diệt), nên các pháp vốn không thật - đã không thật thì đồng nghĩa với huyễn. Khi nhận chân được đạo lý nhân quả, nghiệp báo, cũng như hiểu rõ các pháp đều là huyễn (không thật có) thì "người bị oan" có thể buông bỏ những tâm lý hận thù, phá vỡ bức tường thành kiến cố chấp, để sám hối nghiệp chướng và thiết lập cho chính mình một cảnh giới thật sự an lành.[]

2.Tôi cũng không hiểu cách tổ chức cái gọi là An Cư bây giờ ra làm sao?!.. Bởi lẽ,
ngày xưa suốt năm chư Tăng đi hoẳng hóa khắp bốn phương, cần tập trung tại một trú xứ để tu tập và tránh việc giẫm đạp côn trùng trên đường đi vào mùa mưa ở Ấn Độ trong 3 tháng hạ, nên gọi là An Cư Kết Hạ. Chư Tăng thời đó không có gây quỹ ầm ỉ như thời nay. Thời đó, tùy tâm tùy hỷ cúng dường của bá tánh đủ để chi dùng cho 3 tháng an cư thôi. Ngày nay, ban tổ chức khóa an cư thu góp tiền bạc, vật thực vô hạn định chỉ tổ chức có 9 ngày và số lượng học viên rất giới hạn. Như vậy nghĩa là sao? Chư Tăng các nơi phải rời trụ xứ an ổn của mình, di chuyển, bay hay chạy, hàng trăm, hàng ngàn cây số, để về đây ăn trong chùa, nhưng ngủ trong khách sạn, tốn tiền của bá tánh quá mức dù chỉ có 9 ngày thôi, thế gọi là an cư hay động cư, di cư ?
Kính mong Quí Thầy và chư Tăng VP.PHTQ.CANADA dành chút thời gian từ bi giải thích cho hàng Phật tử chúng tôi được hiểu rõ để củng cố tín tâm của bá tánh nơi hàng Tăng Bảo xuất gia. 
Nam Mô Phật, Nam Mô PhápNam Mô Tăng 
Phật Tử Lê Công Thành, pháp danh Nguyên Đạt
Misissauga, Canada
lllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll

Monday 08/06/2015
Kính thưa quí Đạo Hữu,

1. Về câu hỏi thứ nhất, người còn sống đọc bài viết lập lờ lấp lửng này, còn chưa hiểu, làm sao người đã khuất có thể nhận chân được, làm sao người đã khuất có thể hiểu rõ được, làm sao người đã khuất bị oan có thể buông bỏ được hận thù?

Kinh điển nhà Phật không có giải thích kiểu gạt gẫm mị dân này và cũng không dạy cách thức để tổ chức các Lễ Trai Đàn mê tín tà pháp, hốt vô bạc, hái ra vàng, bởi người nào tham dự các lễ này đều có vài thân nhân đã khuất, mỗi bài vị đều có giá cả. Nhiều người cầm một bó bài vị.
Đức Phật còn không có khả năng cứu độ một mạng người khi quả báo đã trổ ra. Các nhà sư đó có khả năng cứu độ hàng trăm, ngàn vong linh chết bao nhiêu năm qua hay sao? 
Đó chỉ là hình thức gạt gẫm bá tánh u mê đông đảo, lợi dụng tình cảm thân thương của người còn sống nhưng không học hiểu giáo pháp và không tiếc tiền bạc của cải chi ra cho các buổi lễ này.

2. Về câu hỏi thứ hai, vấn đề an cư kết hạ của chư Tăng rất dài dòng và chi tiết.
Kính mời quí Đạo Hữu hoan hỷ tham khảo bài viết về đề tài an cư theo link sau đây:


Đây là vài hình ảnh trai đàn gạt gẫm khắp các chùa chiền trong nước và hải ngoại của các tà sư y áo như đóng phim tàu sặc sở rực rỡ phù phép bẻ tay bắt ấn tào lao leng keng phi chánh pháp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính thư,
VP.PHTQ.CANADA
llllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllllll
Kính mời tham khảo thêm nơi link sau:
http://phtq-canada.blogspot.ca/2015/06/cac-hieu-lam-pho-bien-ve-ao-phat.html

TU NHÀ TU CHỢ TU CHÙA CÁI NÀO DỄ HƠN?
Thích Đạt Ma Phổ Giác


Tục ngữ Việt Nam có câu: Thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Câu nói này dân gian cho rằng tu tập tại gia là việc dễ nhất, bởi vì các thành viên trong gia đình đều là những người thân yêu, nên mọi việc đều có thể cảm thông và tha thứ hơn, dễ bỏ qua những lỗi lầm sai trái, như cha mẹ thương con, vợ chồng thương yêu, anh chị em vui vẻ thuận thảo với nhau.

Kế đến, khi ra chợ làm ăn mua bán, mà muốn tu thực là không phải dễ, bởi vì những người ở ngoài chợ tập trung nhiều thành phần khác nhau, mua bán giống như làm dâu trăm họ, nếu không khéo một chút thì mất mối! Vô chùa tu lại càng khó hơn, bởi vì giới luật nhà chùa, khắc khe nghiêm ngặt, thường được sự giám sát của các bậc đạo cao đức trọng, sống muốn ít biết đủ, ăn chay và đi ngược lại sự ham muốn của người đời.

Nhưng thực chất tu ở chùa là dễ dàng nhất, bởi vì không phải lo chuyện tính kế sinh nhai, không bận rộn hay bị tiêm nhiễm chuyện thế gian, có thầy lành bạn tốt sách tấn đồng tu. Còn tu tập tại gia là việc khó khăn nhất, bởi vì người trong gia đình quá quen thuộc, cho nên dễ lờn mặt, khó tu khó sửa, tình cảm luyến ái nặng nề, không người nhắc nhở, khuyến khích tu tập, do đó mà bụt nhà không linh, không thiêng là vậy đó. Hơn nữa cuộc sống thế gian của người tại gia, đủ thứ cám dỗ, và rất nhiều cái bẫy đang giăng sẵn chực chờ nào là bẫy tiền tài, bẫy danh vọng, bẫy sắc đẹp, bẫy ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, vã lại với đủ thứ phiền não, khổ đau cuộc đời, suốt ngày bận rộn với công kia việc nọ, không có thời giờ, thì thử hỏi làm sao tu được?

Tu chợ so với tu nhà thì ít khó hơn, bởi vì mỗi ngày chỉ đi chợ chừng một tiếng đồng hồ là nhiều, có khi mỗi tuần chỉ đi chợ năm ba ngày, tu ngoài chợ chỉ cần nhỏ nhẹ, tế nhị, bán đúng giá thuận mua vừa bán, thường thì người mua dễ bị lầm hơn.
Vậy theo quan niệm nào mới thật sự là đúng? Thật ra mỗi chỗ mỗi nơi đều có cái khó riêng của nó, ai có duyên tu trong điều kiện nào thì chỗ đó là số một. Tu chợ, tu tại gia rất cần thiết cho đại đa số quần chúng bởi vì nó là nhân tố nền tảng đối với gia đình và xã hội. Nói tóm lại, bất cứ hoàn cảnh nào, dù dễ hay khó, chúng ta phải cố gắng tu vì đó là quyền lợi của bản thân, mình không biết tu thì sẽ gánh chịu hậu quả khổ đau, tu được thì mình sẽ an lạc, hạnh phúc!

Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được như ý khổ. Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu học hỏi, mong sao để được hết khổ. Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình người thân.
Cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ gia đình người thân, nhưng không ai cho phép? Nhiều người muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng gia đình không cho phép.
Ở đây chúng đang thấy một sự thật, vì mỗi khi trong gia đình có sự bất hòa thì phần lỗi ít nhiều gì đó đều do hai bên, không biết thông cảm cho nhau, không thực sự thương yêu nhau.

Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà trước đây mình không hề hay biết. Ai cũng muốn thương và được thương yêu một cách bình đẳng. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị. Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm dành cho nhau vẫn còn ướt át? Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong tình yêu. Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy vô tình ta ví mình như gỗ đá chăng?

Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật. Phật là người đại từ, đại bi thương tất cả chúng sinh một cách bình đẳng mà không phân biệt thân hay sơ.
HẠNH PHÚC HAY KHỔ ĐAU ĐỀU DO MÌNH TẠO LẤY

Khi buồn khổ hay bất an một điều gì, chúng ta hay đổ thừa vì hoa hồng có gai, nhưng khi vui vẻ hay hạnh phúc chúng ta lại thấy hoan hỉ vì trên cành gai kia xuất hiện một đóa hoa hồng. Thế gian này khổ hay vui tùy thuộc rất nhiều từ sự nhận thức của mọi người.  

Chúng ta muốn thưởng thức những đóa hồng đẹp thì phải chấp nhận thân gai góc của nó. Hoa hồng mềm mại, thơm tho và đẹp đẽ nên ai cũng thích ngắm nhìn, thưởng thức hương vị ngọt ngào của nó nhưng trên thân hoa lại có nhiều gai góc.

 Nếu muốn thưởng thức sự tinh khiết của hoa thì ta phải chấp nhận thân gai góc. Cũng vậy, thân ta vô thường bại hoại nên mới bị sự chi phối của già-bệnh-chết, nhưng ngay nơi thân này có tính biết sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, thấy chỉ là thấy, thấy tức biết; nương nơi tai thì nghe thấu mọi âm thanh sai biệt của muôn loài vật nên nghe chỉ là nghe; mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Người lạc quan luôn nhìn đời với các vì sao lấp lánh nằm trên bầu trời quang đãng, sáng trong. Chính vì vậy họ thấy thế giới luôn tươi vui, xinh đẹp như những đóa hoa hồng. Người bi quan thì thấy thế giới là cả một bầu trời đen tối chỉ toàn khổ đau nên thấy rất nhiều hầm hố, chông gai. Với người biết sống một cách thực tế thì thấu rõ chân lý của cuộc đời nên thấy thế giới không hoàn toàn tươi vui, xinh đẹp như hoa hồng mà cũng chẳng hoàn toàn nhiều gai góc.


Trong cuộc sống những ai có hiểu biết chân chính và nhận thức sáng suốt thì không đam mê, say đắm bởi cái đẹp của hoa hồng. Họ nhìn thấy hoa hồng chỉ là hoa hồng và vẫn biết rõ trong hoa hồng phải có chất liệu của gai nên luôn cẩn thận để khỏi bị gai làm đau nhức.

Hoa hồng tượng trưng cho bốn hoàn cảnh thuận lợi trong cuộc sống như được lợi lộc, được khen ngợi, được tán thán và được vui vẻ hạnh phúc. Gai góc thì được ví như bốn sự không hài lòng, vừa ý trong cuộc sống như bị mất mát, bị chê bai, bị hủy nhục và bị khổ đau. Đã làm người trong cuộc sống tất cả chúng ta đều phải trực diện với các hoàn cảnh ấy dù ít hay nhiều trong dòng đời nghiệt ngã này. 
Ai có đủ khả năng, ý chí, nghị lực, trí tuệ và sự sáng suốt thì sẽ vượt qua cạm bẫy cuộc đời bằng cách tin sâu nhân quả, siêng làm các việc thiện, không làm việc xấu ác.
PHẬT DẠY CÁCH TRỊ MÊ TÍN
CHÁNH NGỮ - TU THEO ĐẠO PHẬT
TU PHƯỚC VÀ TU TUỆ
TẬP SAN PHẬT HỌC TỊNH QUANG SỐ 28
ÂN OÁN CÕI ĐỜI
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH
BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN PHẬT ĐẢN