Monday, May 11, 2015

*** BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN PHẬT ĐẢN



BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN PHẬT ĐẢN

TKN Thích Nữ Chân Liễu

Ban ngày trời chiếu sáng
Ban đêm trăng chiếu sáng
Như hào quang Đức Phật
Chói sáng cả ngày đêm.
**
Đèn hoa sen chiếu sáng
Người trí tuệ sâu xa
Như trăng khỏi mây mù
Soi sáng khắp nhân gian.

Hằng năm, mùa Phật Đản đèn hoa sen được thắp sáng khắp nơi trên đường phố toàn thế giới. Trong đó gồm có Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan cùng các quốc gia đông Nam Á khác. Lễ hội với những lồng đèn rực rỡ, ngoài việc thể hiện nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Phật giáo và niềm hân hoan hạnh phúc mừng Đấng giác ngộ ra đời. Những người con Phật còn phải tự nhắc nhở tri ân và luôn củng cố niềm tin sáng suốt đầy trí tuệ vào giáo Pháp từ bi bình đẳng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó chính là ý nghĩa toàn mỹ trong dịp kỷ niệm ngày đản sanh của Đức Từ Phụ, vị Phật giác ngộ và giải thoát chúng sanh ra khỏi biển khổ sông mê.

BẰNG CON TIM VÀ MỘT TẤM LÒNG

Sống trong nhân gian xuất gia hay tại gia và còn có rất nhiều hình tướng, giai cấp, trình độ, tùy hoàn cảnh, tùy phước duyên tu học, tùy căn cơ mà xiển dương chánh pháp. Bằng con tim chân thành và một tấm lòng bao dung con người có thể giải quyết được vấn đề nan giải trong gia đình, bức xúc trong tình cảm, nỗi tuyệt vọng áp bức, bất công, xung đột, tranh chấp trong cuộc sống. Thiền môn cũng là nơi người Phật tử trở về nương tựa, tịnh tu, gởi gấm niềm tin hy vọng và tìm được những phương pháp xoa dịu nổi đau tâm linh, giải quyết đau khổ mà họ đang gánh chịu.

Trong một mùa Phật đản, Chư Tăng Ni đưa Phật tử đi thăm một cảnh Đức Phật thành đạo trong khu vườn xung quanh chùa. Cảnh được diễn tả là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi ở gốc cây bồ đề đang tọa thiền, cùng trong cảnh có ba tượng người nữ rất đẹp đang múa. Hai người Phật tử nhìn tượng ba cô gái, người thứ nhất buộc miệng khen:
-     Ồ ba cô tiên đẹp thật !
-     Tiên gì mà đẹp chứ? Không biết đừng có nói bậy! Là ba con ma nữ phá Phật đó! Đọc thêm giáo lý đi bà ơi!
-     Đẹp thì tôi nói đẹp có sao đâu? Bà giỏi dữ hén?

Qua lời đối đáp của câu chuyện trên chúng ta thử suy ngẫm. Trong khi Đức Phật chứng Niết Bàn, quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác từ lâu xa rồi, tại sao vẫn còn quá nhiều chúng sanh chìm đắm trong luân hồi, vậy Ngài đã dạy những gì? Chúng ta thực hành được nhiều hay ít trong tu tập? Hay chỉ là dùng Phật Pháp để hơn thua, được mất, danh và lợi?

Đúng sai không chấp thủ
Thương ghét khéo lìa xa
Thấu suốt từ vô ngại
Thân nầy là thân chót
Bậc đại trí đại nhân
Không nhiễm lụy pháp nào
Ái diệt tự giải thoát
Nhờ vậy chứng Niết bàn.
(Kinh Pháp Cú)

Thuốc không có hay dở mà chữa được bịnh là thuốc tốt. Pháp không có cao hay thấp mà Pháp nào đem lại an lạc hạnh phúc và chữa được tâm bịnh là Chánh pháp. Không có gì là khó để tìm được ánh sáng Phật pháp, nếu thấy rằng đời người rất ngắn, tự mình cố gắng xua tan bóng đêm trong tận cùng thâm tâm. Bóng đêm càng lớn, con người càng nhỏ bé và một ngày nào đó sẽ bị nhấn chìm vào địa ngục đau khổ.


THÚC LIỄM THÂN TÂM

- Khi đang tu tập, con người còn sống trong cảnh giới tương đối nên tâm còn động. Từ lời nói, suy nghĩ, hành động chỉ theo bản tánh vui buồn, hờn giận, khi thương khi ghét. Như vậy, rõ ràng là tâm động. Tâm động thì còn trong cảnh giới luân hồi. Vẫn biết giữa đời thường có tốt có xấu, tâm thường bị lòng đố kỵ chi phối, thấy cái xấu của người thì dễ, ít thấy được cái tốt, như lòng bàn chân úp xuống mặt đất khó nhìn thấy được. Khi hành động, lời nói có sự suy nghĩ và trí hiểu biết, chứ không vì bị ép buộc hay thành kiến, nguy hiễm nhất là tâm sân hận đưa tới sự hối hận muộn màng.

Tùy trình độ giác ngộ tu tập chuyển nghiệp, do đó nhiệm vụ nặng nề của người Thầy là dẫn dắt chúng Phật tử, thức tỉnh họ trong khi còn sống là còn cơ hội, khi bỏ thân xác này thì đã trể rồi. Mọi người đều phải đối diện với nghiệp tốt xấu đã tạo trong suốt cuộc đời, mà thọ lãnh quả báo (gieo giống nào thì gặt quả đó).
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, người tu vào được cảnh giới tự tại sáng suốt, cũng có nghĩa là lúc bấy giờ tâm giống như Chư Phật, luôn luôn sống trong chánh định chánh giác, lời nói suy nghĩ hành động đều thanh tịnh. Không có tham vọng hay mong cầu ích kỷ riêng tư, không còn phiền não, dứt trừ được tam độc tham lam, sân hận, si mê. Từ giác ngộ đi đến mục tiêu giải thoát sanh tử đau khổ là cứu cánh chân thật của đạo từ bi trí tuệ.

- Khi giác ngộ, Đức Phật Thích Ca đã trải qua những tháng năm tu tập và giác ngộ ngay dưới cội cây bồ đề, trên thế gian này và theo lịch sử ghi chép lúc đó Ngài 35 tuổi. Vị sa môn Cồ Đàm sau khi chứng đạo thấy được tam thiên đại thiên vô số thế giới trong sáu cõi (thiên, nhân, atula, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh) và hiểu rõ vô thường, nhân quả, sanh lão bịnh tử chi phối sáu cõi đau khổ trong sanh tử luân hồi. Danh từ Niết bàn là trạng thái của tâm Phật ở hiện tại lúc còn sống, không phải sau khi chết mới thấy được. Tự tại hoàn toàn - Tâm tỉnh lặng - Chính là niết bàn.
Mong muốn được trạng thái tâm sáng suốt trí tuệ như Chư Phật, ngoài việc làm phước để trưởng dưỡng lòng từ bi, chúng ta còn phải cố gắng học hiểu giáo lý của Đạo Phật một cách tường tận, rồi áp dụng vào đời sống hằng ngày. Hãy đem ngọn đuốc trí tuệ của mình mồi với ngọn đuốc Chánh Pháp, để được Niết bàn an lạc giải thoát và được hạnh phúc ngay hiện đời.

Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh.
(Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh).

Đức Phật sống trọn cuộc đời, trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc, tự tại và giải thoát, dù cho cuộc đời cũng gặp những sóng gió khó khăn, nhưng Đức Phật không cảm nhận phiền não và khổ đau như tất cả chúng sanh khác. Giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được các bậc truyền nhân chân tu thật học, chân chính rao giảng khắp nơi trên thế giới. Tấm lòng vị tha vô ngã, vô chấp, vô phân biệt của những bậc xuất gia trưởng tử Như Lai, là cố gắng đem chánh pháp thức tỉnh chúng sanh giác ngộ, mong họ sớm xa rời tà kiến, mê tín, xem nhẹ danh lợi và buông bỏ được lòng tham lam ích kỷ từ nhiều đời nhiều kiếp.

"Trên đời này, không có sự ghen tị tranh đấu chính là từ bi, không phân biệt cao thấp, hay dở chính là trí khôn, không nghe thấy đàm tiếu chính là sự thanh tịnh, không nhìn thấy hơn thua là tự tại, không tham vọng chính là bố thí, từ bỏ ác là hành thiện, sửa đổi chính là sám hối, nhún nhường là lễ Phật, tha thứ là sự giải thoát".

BIỂU TƯỢNG ĐÈN HOA SEN

Tâm là vô thường, thay đổi khi tối khi sáng. Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Người tu không có ích kỷ, không cố chấp, không cầu danh lợi, sống trong bao dung và tha thứ đó là hương thơm của hoa sen biểu tượng của từ bi. Ngọn đèn trí tuệ thắp sáng trong hoa sen là người tu biết thiện ác, chánh tà, đúng sai, nhưng không có sự phân biệt. Tâm trong sáng như gương, khéo léo hành sử, tán dương thiện xa lìa ác chứ không khinh chê, cũng không phân biệt đối xử yêu hận trói buộc.

Trí tuệ và lòng từ bi giúp cho hành giả trên đường tu giữ được tâm chân chánh, thanh tịnh và sáng suốt. Tự giác ngộ rồi thì ly tham, ly sân và si mê, chấm dứt được giải thoát. Sự hạnh phúc an lạc không do ai ban tặng hay do cầu xin mà được, mà do ở bản thân của mỗi người tự tu, tự chuyển đổi, luôn luôn chánh niệm thanh lọc tâm thật trong sạch và chánh định (thanh tịnh). Biểu tượng hoa sen là hương thơm đức hạnh người tu có niềm tin đúng chánh pháp, trên đường hành đạo có lòng từ bi cao thượng và tuệ giác sáng suốt như Chư Phật. Ngọn đèn chiếu sáng bên trong tượng trưng người tu thoát ra khỏi bóng đen tâm tối của vô minh trong sanh tử và đạt được giác ngộ và giải thoát.

Câu chuyện giáo lý cần suy ngẫm như sau:
Có một anh mù, đến thăm người bạn, đến lúc trời tối mới ra về. Người bạn đưa cho cây đèn. Anh mù bèn nói không cần, bởi vì đối với anh, trời sáng cũng như tối, ban ngày cũng như ban đêm, không có gì khác, không phân biệt được gì cả. Người bạn khuyên hãy cầm cây đèn, để người khác thấy mà tránh. Anh mù nghe có lý bèn nhận cây đèn và ra về, trên đường về, anh đụng phải một người đi đường. Anh mù bèn la lên: bộ không thấy cây đèn tôi đang cầm đây hay sao? Người kia đáp: Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!

Thế mới biết chúng ta cần cây đèn của chính chúng ta, để giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, để giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi. Cây đèn do người khác trao cho, có khi không được hữu dụng. Cây đèn luôn luôn hữu dụng đó phải là cây đèn của chính chúng ta. Cây đèn đó chính là trí tuệ bát nhã của tất cả mọi người tu cần phải có.
ĐÈN HOA SEN biểu tượng niềm tin
Hạnh phúc thay, Đức Phật Đản Sanh
Hạnh phúc thay, Chánh Pháp trường tồn
Hạnh phúc thay, Tứ chúng đồng tu
Hạnh phúc thay, thiên hạ thái bình.

Kính chúc quí vị an lạc và hạnh phúc trong giới pháp của Chư Phật. Mùa Phật Đản hãy cùng nhau sám hối, cùng nhau thứ tha, giải bớt nỗi oan khiên nghiệp báo, xoa dịu thống khổ của kiếp người, cho nhau niềm yêu thương, xóa tan thù hận, có được sự cảm thông và hiểu biết, sớm thoát ly biển sanh tử luân hồi. Nguyện cùng tất cả chúng sanh trong pháp giới đều trọn thành Phật đạo. []

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
TKN Thích Nữ Chân Liễu


XUÂN TRONG NÉT ĐẸP NGƯỜI TU (Giọng đọc SƯƠNG ANH)



 
BƯỚC SEN THỨ BẢY – VÀO QUẢ VỊ PHẬT
TKN Thích Nữ Chân Liễu
Mùa Phật Đản đối với những người con Phật là mùa hoa sen nở, thật khó có thể diễn tả hết được sự hỷ lạc bình an một cách vi diệu trong mùa lễ hội nầy. Hạnh phúc thay, lành thay bậc trí tuệ giác ngộ ra đời. Cách nay 2635 năm, tại vườn Lâm tỳ ni, thành Ca tỳ la vệ, Thái Tử Tất Đạt Đa chào đời, giống như bao hài nhi khác, là một con người sống trong thế giới ta bà, thật sự có cha mẹ, có gia đình và thân bằng quyến thuộc.

Theo truyền thuyết, ngay khi đản sanh Thái Tử Tất Đạt Đa đi 7 bước, có 7 đóa sen đỡ chân. Truyền thuyết nầy mang nhiều ý nghĩa thâm sâu và nếu hiểu theo tinh thần học Phật, có rất nhiều lợi ích cho người tu. Một vị Phật ra đời, hay một con người ở thế gian đều có thể tu giải thoát, đạt đến địa vị Tôn Quí Tối Thượng. Sự đản sanh của một vị Bồ Tát hy sinh cả cuộc đời vì lòng đại từ đại bi vô tận và đã hành Bồ Tát đạo nhiều đời nhiều kiếp, kiếp cuối (nhất sanh bổ xứ) trải qua nhiều khổ hạnh và thiền định để mong tầm đạo giải thoát cứu khổ chúng sinh.

SÁU BƯỚC HOA SEN - HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi cắt đứt mọi trần duyên ràng buộc, xuất gia tu hành  chứng Túc Mạng Minh, thấy biết nhiều đời trước Ngài đã từng sanh ở đâu trong lục đạo, làm gì, tất cả những chuyện quá khứ, được chính Đức Phật thuyết và các vị tỳ kheo kết tập lại trong Kinh Bổn Sanh Bổn Sự.

Như vậy, đã nhiều kiếp trước khi thành Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Đức Phật cũng đã trải qua sáu nẻo đường sanh tử luân hồi. Hình ảnh bánh xe luân hồi diễn tả sự trôi lăn tử sinh của chúng sanh trong lục đạo, tức sáu cảnh giới: trời, người, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh.

Đạo Phật không tin vào Thượng Đế sáng tạo toàn năng, toàn quyền thưởng phạt con người, tùy tiện theo lòng thương ghét. Niềm tin vào luật nhân quả bình đẳng, người tạo nghiệp thiện hay nghiệp ác từ thân, khẩu, ý, nhận kết quả hay lãnh hậu quả, dù là người thân yêu nhất muốn cứu hay thay thế cũng không được. Dụ như hòn đá nặng tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai. Niềm tin sâu luật nhân quả thiện ác ảnh hưởng vào sự tái sanh 6 cõi luân hồi (thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỉ và súc sanh).

Cõi Thiên: Sanh về cõi trời, nơi phúc lạc thế gian, hưởng phước đã tạo tác.
Cõi Nhơn: Sanh vào nhân gian làm người, giàu hay nghèo, có thiện có ác.
Cõi TuLa: Sanh nhà quyền quí, phước báo gia đình, cùng chung cộng nghiệp.
Cõi Địa Ngục: Sanh vào nơi đau khổ, vì nghiệp ác sâu dầy, thiện nghiệp ít.
Cõi Ngạ Quỉ: Sanh vào nơi bất tịnh, vì nghiệp bỏn sẻn, tham lam ích kỷ.
Cõi Súc Sanh: Sanh vào nơi cầm thú, vì nghiệp sát, si mê quá nặng.

Tuy sống trong lục đạo luân hồi, nhưng các tiền kiếp Đức Phật là vị Bồ Tát hằng sống với Bát Chánh Đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) và thường hành Lục Độ Ba La Mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ).

Sự nổ lực tu tập Bồ Tát Hạnh, thực hành Bồ Tát Đạo của riêng từng cá nhân con người trong thế gian, có thể vượt thoát khỏi lục đạo sanh tử hay không? Bước hoa sen thứ 7 nói lên rằng điều đó có thể, điều đó không do ân huệ trời ban cho, hay thần linh thượng đế dành phần riêng cho ai cả, mà chính do đại từ, đại bi, đại lực, đại tinh tấn của người tự tu, tự chứng đạt được mà thôi.


BƯỚC SEN THỨ BẢY - QUẢ VỊ PHẬT

Sáu bước sen tinh khiết được tích tụ từ Bồ Tát Hạnh trong lục đạo. Với tâm từ bi thanh tịnh sáng suốt nhiều đời nhiều kiếp tu hành, Bồ Tát từng xả bỏ thân mạng cứu khổ ban vui, chan rải ánh sáng từ bi và trí tuệ cho muôn loài. Ý nghĩa của 6 bước hoa sen đầu tiên thể hiện sự đản sanh trong lục đạo luân hồi. Thái Tử Tất Đạt Đa dừng lại ở bước sen thứ 7, đó chính là kiếp cuối cùng, đạt quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, ngay trong cõi nhân gian này.  

Đức Phật khi đản sanh bước đi được đến đóa sen thứ bảy, chứng thực một sự thật sâu xa, thật khó thấy khó hiểu, khó nghĩ bàn. Đó là Niết Bàn tịch tịnh của chính con người tu từ bi và trí tuệ sẽ tự cảm nhận được một cách rõ ràng, khi chứng đắc quả vị Phật.

Đức Phật dạy:
Ai còn tham luyến tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi, thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không còn chấp . Ai không còn chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có sanh diệt. Ai không còn sanh diệt, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau. (Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh).

Đệ tử Phật môn, muốn vượt thoát ra khỏi sự khổ nạn trong 6 cõi luân hồi sanh tử và bước vào được hoa sen thứ 7, đạt đến Niết Bàn an tịnh không còn đau khổ nữa, cần phải tu học và thực hành theo lời Đức Phật dạy.

Đức Phật dạy con người phải chiến đấu mạnh mẽ với tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê và phải dùng gươm trí tuệ cắt đứt những đam mê dục vọng danh lợi mà người thế gian cho là quí giá cần chiếm đoạt và hưởng thụ. Theo "Lý duyên khởi" thì:

- Cái nầy có, thì cái kia có (có ham muốn ích kỷ, thì có đau khổ tranh chấp)
- Cái nầy sanh, thì cái kia sanh (có trói buộc tham ái, thì có thù oán sân hận)
- Cái nầy không, thì cái kia cũng không (không có tham dục, không có ưu bi khổ não)
- Cái nầy diệt, thì cái kia cũng diệt (không có ta, không có vô minh sanh tử).

Vô minh diệt, thì có Niết Bàn. Chấp ngã, ham muốn, dục vọng càng to, càng xa Niết Bàn. Đức Phật là bậc đại từ, đại bi, đại trí, đại lực, xa rời tất cả ác pháp, sáng suốt phá tan vô minh phiền não, vượt qua đối đãi (nhị nguyên), đạt được Niết Bàn tịch tịnh. Người phàm trần thường chấp đúng sai, hơn thua, thương ghét, tốt xấu, khen chê, thật giả, nên bị chi phối, trói buộc, mê mờ, đắm sâu trong vô minh, sinh tử mãi trong vòng luân hồi, không thoát ra được.

Cũng chính vì cái bản ngã ràng buộc mà chúng sanh chìm nổi trong biễn khổ luân hồi. Đức Phật dạy pháp quán vô ngã, nhìn cho thấu đáo tứ đại đều do duyên hợp thành, chưa diệt được cái ta tự tôn tự đại, thì còn đau khổ, còn sanh tử. Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, bước ra khỏi lục đạo là giải thoát sanh tử.

Đức Phật không từ một cõi siêu nhiên thần bí nào. Bản chất một con người, nên Ngài luôn cảm nhận được một cách trọn vẹn nổi thống khổ đời người, từ lúc sanh ra, già, bịnh và chết. Khi Đức Phật chứng quả Vô Thượng Bồ Đề, Ngài lưu lại thế gian thuyết pháp và giáo hóa cho tất cả chúng sanh bằng tâm từ bi bình đẳng tuyệt đối, chỉ rõ con đường tu để đạt đến Niết Bàn tịnh lạc. Ngài tuyên bố: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

Phiền não biết, phiền não đoạn.
Tham sân biết, tham sân dứt.
Vui buồn biết, buồn vui dừng.
Thiện ác biết, thiện ác bặt.
Từng sát na biết, còn gì dính mắc.
Tự tại vĩnh hằng.
Trời xanh mây trắng bay.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN Thích Nữ Chân Liễu


Ý Nghĩa Chuyện Bà Lão Cúng Đèn Thời Đức Phật

Thời đức Phật còn tại thế, có một bà lão nghèo khổ, ăn xin độ nhật. Bà lão ăn xin vì hoàn cảnh nghèo khó, hằng ngày chỉ biết lo miếng ăn, nên chưa bao giờ gặp được đức Phật. Tuy thế, bà lão vẫn âm thầm ngưỡng mộ, quí kính đức Phật.

Một hôm, có lễ hội cúng dường Phật và chư Tăng, từ hàng Phật tử tại gia giàu sang, quyền thế, cho đến những người có thiện tâm đều nô nức trẩy hội. Ngày hội gần đến, gần xa nô nức kéo về tịnh xá Kỳ Viên.

Lúc nầy, bà lão nghĩ rằng: Một đời mình đói khổ, lại già nua, sắp hết tuổi trời, nếu hội này không gặp Phật thì không bao giờ được gặp Ngài. Nghĩ như thế, bà lão vừa lần hồi xin ăn dọc đường, vừa đến gần Kỳ Viên tịnh xá, nơi đức Phật và chư Tăng đang trú ngụ.

Khi đến gần Kỳ Viên, một cảnh tượng huy hoàng, tráng lệ chưa từng thấy, ngựa xe chen chúc, đủ mọi hạng người nêm cứng những con đường về tinh xá. Dọc trên những con đường đó, hoa kết, đèn treo để cúng dường đức Phật và chư Tăng. Những ngọn đèn sơn son thếp vàng rực rỡ của hạng vua quan đại thần, bên cạnh những ngọn đèn nhỏ hơn của hàng thứ dân dâng cúng. Đủ thứ loại ngọn đèn sáng trưng, màu sắc chói cả mắt người qua lại.

Bà lão tự nghĩ mình chỉ có khả năng cúng dường Phật Pháp Tăng một ngọn đèn nhỏ nhoi, không cầu gì cho riêng mình cả, nhưng tâm nguyện rằng: Ngài là đấng Thế Tôn, là bậc đại từ đại bi, có thể đem Pháp cam lồ giúp chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi. Hạnh nguyện cao thượng với bồ đề tâm “vì người không vì mình” của bà lão, được đức Phật chứng tri.

Thế rồi, bà lão dốc hết cả gia tài chỉ được 2 xu, để mua cây đèn nhỏ và dầu thắp. Bà lão hướng về Kỳ Viên tịnh xá, hướng về đức Phật đảnh lễ, mong đức Phật chứng tri cho tấm lòng thanh tịnh và thành kính đã phát nguyện.

Ba ngày đêm trôi qua, những tràng hoa héo rủ, những ngọn đèn lần lượt cạn dầu rồi tắt ngúm. Chỉ riêng ngọn đèn nhỏ của bà lão nghèo ăn xin vẫn còn cháy sáng. Hiện tượng đó thật kỳ lạ, nên mọi nguời truyền nhau đi xem, ai cũng cho rằng đó là điều hy hữu, xưa nay chưa từng thấy. Một thí chủ giàu sang đến thưa hỏi đức Phật: Tại sao ngọn đèn nhỏ, ít dầu kia vẫn còn cháy sáng?
Đức Phật dạy rằng: Vì đó là ngọn đèn của một thí chủ, tuy nghèo khó, nhưng tâm kính trọng Phật Pháp Tăng và hạnh nguyện cao thượng vượt bực mà cúng đèn.

Tâm của bà lão chỉ cầu mong ánh sáng từ bi và trí tuệ soi sáng đến muôn loài. Vì tâm thành hiền lương thanh tịnh cao tột đó, nên ngọn đèn Phật tâm Phật tánh hiển hiện của bà lão vẫn còn sáng mãi không tắt. Những ngọn đèn khác tuy sang trọng hơn, lớn hơn, nhưng do tâm chúng sanh phàm phu ích kỷ, vì tư lợi mà dâng cúng, và lòng tham mong cầu riêng cho bản thân. Tất cả chỉ cháy sáng trong một thời gian ngắn rồi cũng đều lịm tắt.

 
Suy Ngẫm: 
Có hai loại ngọn đèn:
1. Ngọn đèn trí tuệ: tượng trưng "Phật tâm Phật tánh" sáng suốt của mỗi con người ai cũng có sẵn, bình đẳng, không có biệt  trừ. Chỉ có phàm phu mới có tâm phân biệt giai cấp, sang hèn, hơn thua, so đo, nên sanh phiền não. Ý nghĩa cúng đèn với bản tâm thanh tịnh, mồi ánh sáng trí tuệ từ ngọn đuốc Phật Pháp. Ngoài ra, không cầu xin gì riêng cho cái tôi (bản ngã), không đòi hỏi Chư Phật phải ban cho mình gì cả và cũng không tính toán hơn thua danh lợi. Đó mới là tấm lòng cúng dường Phật Pháp trong sáng thanh tịnh, vì người không vì riêng cá nhân mình, gia đình mình (gọi là cúng dường ba la mật), cho nên tương ưng với tâm của Chư Phật và Chư Bồ tát. Ngọn đèn công đức, đầy đủ từ bi trí tuệ đó cháy mãi với thời gian.

2. Ngọn đèn thế tục: tượng trưng sự giàu có phô trương, mặc dù nhiều dầu, sang trọng, mắc tiền, nhưng có lúc cũng phải cạn và lịm tắt dần. Ví như của cải sang giàu, phước báu, nhưng khi hưởng hết, hoặc cuối cuộc đời rồi cũng phải buông xuôi, mất đi tất cả theo luật vô thường. Con người thế gian khi cúng đèn với tâm cầu xin hưởng phước, đòi hỏi nhiều việc từ nơi Chư Phật, Chư Bồ tát, cầu mong được giàu sang an nhàn (cúng dường cầu danh lợi) cho riêng bản thân, thì chỉ được phước hữu lậu trong thời gian ngắn ngủi. Đèn thế tục còn lắm phiền não, tham lam và ích kỷ thì không thể cháy sáng lâu dài được. Đó là những phước báo rất ít ỏi khiến cho con người trôi lăn mãi trong luân hồi lục đạo.
Người tu học đạo phải trải lòng cao thượng rộng lớn, Từ Bi Hỷ Xả, trong khi cúng dường hoa, trái, nhang, đèn, nên phát tâm cầu giác ngộ Chánh Pháp hiện đời cho mình và cho tất cả chúng sanh, đều thành Phật đạo. Tu tâm sửa tánh, không khinh người, giúp đời hành thiện, tha thứ bao dung. Đó là hạnh nguyện đúng chánh pháp của người phát tâm tu theo Phật, hành Bồ Tát đạo. [ ]





PHẢI CÓ TRÍ TUỆ MỚI MONG VÃNG SANH
BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
Ý NGHĨA LỄ PHẬT ĐẢN-Ý NGHĨA LỄ TẮM PHẬT
NGUỒN GỐC CỦA CHIẾC ÁO CÀ SA
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ
SUỐI NGUỒN BÌNH ĐẲNG TÁNH