Wednesday, August 20, 2014

****MẸ VÀ TÌNH VỢ CHỒNG





Mẹ sắp tới ở
(Một câu chuyện ý nghĩa dành cho những cặp vợ chồng mới cưới thời nay)
- Anh có tin được không? Mẹ sắp tới ở nhà chúng ta một tháng liền.
- Mẹ anh hay mẹ em? – Chồng cô hỏi, rõ ràng cũng sốc với cái tin đó, dù là mẹ ai đi nữa.
- Mẹ anh.
* * *
Mẹ chồng cô gọi điện cho cô trong lúc cô đang tập một vài động tác thể dục ở trong phòng khách. Hôm nay chủ nhật, cô dậy khá muộn. Lúc này đã mười một giờ, giờ mà nhiều nhà chắc ăn trưa rồi ấy chứ. Tiếng chuông điện thoại reo lên cáu kỉnh trong lúc cô đang cúi xuống tập động tác bụng, cố gắng gập người thật sâu để hai tay chạm xuống đất.
- Anh, nghe điện thoại. – Cô vẫn không đổi tư thế, hét lớn bằng cái giọng khiến cho người chết ở trong mộ cũng phải bò ra. Thế mà nó không xi-nhê gì với đức ông chồng quý hóa của cô. Tiếng chuông vẫn đang hối thúc vẻ sốt ruột.
- Điện thoại. – Cô lại hét lên, nhưng lần này đã đứng thẳng người dậy. Vài giây trôi qua, không có dấu hiệu nào chứng tỏ có cử động của con người tiến về cái giá để điện thoại. Cô đành bỏ dở bài tập và điên tiết đi về chỗ tiếng chuông đang kêu lanh lảnh. Chết tiệt ai gọi vào ngày chủ nhật. Cô lẩm bẩm trong khi với tay lấy cái ống nghe.
- Sao gọi mãi không đứa nào bắt máy?

Một giọng nói chậm rãi uy quyền, nhưng cũng đầy gắt gỏng vang lên ngay sát tai cô, làm tim cô muốn rụng ra ngoài. Đó là mẹ chồng cô.
- Con chào mẹ. – Cô mỉm cười với mẹ chồng, trong bụng hơi hối hận vì đã nói “chết tiệt” trước khi bốc máy. Nhưng hẳn nhiên là mẹ chồng cô không thể thấy được nụ cười này.
Vì nếu bà nhìn được, bà sẽ thấy nó chuyển ngay sang thành một cái mếu sau khi cô nghe mẹ tuyên bố:
- Tôi gọi điện để báo cho anh chị chuẩn bị, tôi sẽ tới chơi nhà anh chị trong vòng một tháng. Tôi bay chuyến ba giờ bốn nhăm phút ngày mai. Tới nơi lúc năm rưỡi chiều. Tôi sẽ đi taxi tới nên không cần đứa nào ra đón. Tầm sáu giờ hơn tôi sẽ có mặt ở trước cửa nhà.
- Sao tự nhiên mẹ lại đi chơi? – Cô thốt lên khi mẹ chồng kết thúc những thông tin về lịch trình, và lập tức biết mình lỡ lời.
- Anh chị không vui khi biết mẹ mình tới chơi à? – Giọng mẹ chồng cô phật ý.
- Con không có ý đó mà mẹ, chỉ là…
- Thế thì tốt. Thực ra không hẳn là mẹ đi chơi, mà còn kết hợp chữa bệnh. Bạn mẹ mách phòng khám đông y cổ truyền…
- Ấy chết, mẹ bị bệnh gì ạ?
- Bệnh người già ấy mà. Nhưng yên tâm, mẹ khắc biết đi chữa đi khám chỗ nào. Các con không phải lo. Thế thôi, gặp các con sau nhé.
- Ơ…
Cô chưa kịp chào hay hỏi han gì thêm thì đầu bên kia đã cúp máy. Cô nhìn chằm chằm một lúc lâu vào cái ống nghe, lắc đầu vẻ không tin. Rồi chợt bừng tỉnh, cô gác điện thoại lên giá, hùng hổ đi vào phòng của chồng cô. Thực ra căn hộ vợ chồng cô đang ở có ba phòng ngủ, nhưng không có căn phòng nào có tên là “phòng của chồng cô” cả, cho tới cách đây hai tháng.


Họ cưới nhau đã được hơn một năm, chính xác là mười lăm tháng. Công việc của cả hai đều ổn định, cùng với sự giúp đỡ của nội ngoại, họ mua một căn hộ chúng cư tiện nghi gần trung tâm thành phố. Chính là căn hộ trên tầng ba này, với những ba phòng ngủ. Một phòng ngủ của hai vợ chồng, một phòng dành cho con họ sau này, một phòng dành cho khách đến chơi nhà. Hồi đó, lúc tìm mua nhà, họ đã bàn với nhau một cách hạnh phúc như thế. Nhưng hôn nhân hẳn không phải là thiên đường dành riêng cho hai người.
Hai tuần sau khi cưới nhau, cô nhận ra chồng cô là một người ham mê bóng đá hơn tất cả mọi thứ. Một tháng sau, cô phát hiện ra chồng cô rất lười và không muốn động chân động tay vào công việc nhà như lúc tán tỉnh cô đã thể hiện. Nửa năm sau, cô nhận thấy sau giờ làm đi uống nước và tám với đám đồng nghiệp nữ cùng công ty thú vị hơn là về thẳng nhà.
Hẳn chồng cô cũng có những phát hiện riêng dành cho cô, như là cô không dịu dàng và lãng mạn như thời con gái. Cô hay gắt gỏng và khi giận thì lạnh lùng đến mức tàn nhẫn. Cô không nấu ăn ngon, và cũng không thích vào bếp. Những phát hiện không hài lòng về nhau khiến cho cuộc sống hôn nhân của họ hết cả vẻ nên thơ ban đầu.
Cô thấy may mắn là họ vẫn chưa có con, và thậm chí họ đã đi đến một thống nhất là họ không nên có con, ít nhất ở thời điểm này. Cô vẫn còn yêu anh, và cô chắc anh vẫn yêu cô. Nhưng dường như tình yêu không thôi thì vẫn chưa đủ.
Cô bước vào phòng, lật mạnh tấm chăn chồng cô đang đắp, định thông báo với chồng cái tin nóng hổi. Nhưng ngay lập tức cô kéo tấm chăn lại như cũ. Cô quên mất là anh có thói quen khỏa thân khi ngủ. Lần đầu tiên kể từ sau hai tháng, cô lại nhìn thấy chồng mình… như vậy. Cô tằng hắng giọng khi thấy chồng hé mắt ra:
- Anh có tin được không? Mẹ sắp tới ở nhà chúng ta, một tháng liền.
- Mẹ anh hay mẹ em? – Chồng cô hỏi, rõ ràng cũng sốc với cái tin đó, dù là mẹ ai đi nữa.
- Mẹ anh.
- Tại sao? Mẹ chẳng có lý do gì để tới cái thành phố đông đúc, chật chội này ở trong vòng một tháng cả. Bà không xa nổi nhà quá một tuần.
- Câu hỏi hay đấy, nhưng đừng nói nếu không mẹ nghe được lại tự ái. Bà tới để chữa bệnh. Có lẽ không nặng lắm, vì mẹ đi chữa bằng đông y.
- Ôi, mẹ tới là rắc rối rồi đây.
Cô gật đầu đồng ý, nhìn quanh căn phòng chồng cô đang nằm, vốn là phòng mà họ định dùng cho khách. Cô nhăn mặt khi thấy chồng cô đã quên tắt tivi, hơn nữa căn phòng quá bừa bộn. Cách đây hai tháng, khi mùa bóng mới bắt đầu, và khi công ty cô có quá nhiều dự án, cũng như đơn đặt hàng với các đối tác nước ngoài khiến cô thường phải làm việc tới khuya, thì họ thống nhất là họ sẽ ngủ riêng.
- Em sẽ vào phòng bếp pha cà phê, anh mặc quần áo rồi ra ngay. Chúng ta cần thảo luận đôi chút.
Sau một hồi thảo luận, họ đi tới quyết định quan trọng là phải hợp tác và đề ra một chương trình hành động chi tiết để đối phó với “lực lượng” mẹ chồng.
Chồng cô dọn cái đống hổ lốn trong phòng mà anh đã bày bừa hai tháng qua, còn cô thì phải “tút” lại căn bếp quá tệ do lâu rồi không ai nấu nướng. Mọi xoong chảo, bát đĩa đều bám bụi, bình ga thì hết nhẵn. Cô ngán ngẩm lau cái tủ lạnh chỉ toàn đồ hộp, sau đó kiểm tra lại thùng gạo, đám gia vị xem còn gì không. Hầu hết mắm muối mì chính đều còn, nhưng đã chảy nước hoặc là quá hạn. Cô dẹp hết vào thùng rác. Nói chung là khoản thực phẩm phải sắm lại toàn bộ.
Cũng may mà mẹ chồng cô tới chơi còn nhân đức báo trước cho một ngày để chuẩn bị. Chứ bà cứ âm thầm mà đổ bộ đến trước cửa nhà rồi bấm chuông đột ngột thì … hậu quả khôn lường.
- Em đi ra siêu thị một chút đây. Anh dọn xong chưa?
- Để anh đi cùng, chắc là có nhiều đồ phải mua.
Cô lại nhăn mặt, nhưng chồng cô nói đúng. Có quá nhiều đồ phải mua. Siêu thị chỉ cách nhà một con phố ngắn nên họ đi bộ tới đó. Cô bật cười trước hình ảnh hai vợ chồng khệ nệ xách những túi đồ lỉnh kỉnh trên tay. Đã lâu lắm, họ không cùng đi với nhau, chứ đừng nói đến việc dắt díu nhau đi chợ như thế này.
Vậy là một ngày chủ nhật đã trôi qua, không yên bình một chút nào, và trong lòng cô đang lo thót lên với việc đối diện với mẹ ngày mai.
* * *
Hôm nay, cô xin về sớm hơn thường lệ, băng qua dòng xe cộ đông đúc nhanh một cách đáng ngạc nhiên và nôn nao tìm chìa khóa mở cửa căn hộ.
- Ô, anh đã về đấy à? – Cô hỏi khi thấy chồng cô đứng trước cửa ra vào. Hóa ra, anh cũng sốt ruột như cô. Cô liếc nhìn đồng hồ. Nó điểm sáu giờ kém mười lăm phút. – Em nghĩ em phải bắt đầu bữa tối.
- Đưa túi xách cho anh. Em thay quần áo và đi rửa mặt đi. Anh đã bắt nồi cơm và đang chuẩn bị rửa rau. Những món chính thì nhường em đó.
Một lát sau, trong bếp đã được bày ra một đống lộn xộn.
- Món fillet cá, nó đang cháy kìa anh. Hạ bớt lửa giùm em.
- Em làm đi, anh đang rửa rau. Tay anh đang ướt.
- Không được, em đang nhồi thịt vào mướp đắng, tay em rất dơ.
Chồng cô “hừm” một tiếng rồi lạch bạch chạy đi tắt bếp. Cô cũng xán lại ghé mắt nhìn: “Nó chưa chín! Bật bếp lên đi anh”.
- Nó đang cháy khét.
- Cháy, nhưng mà chưa chín. Em bảo anh vặn nhỏ, chứ có phải là tắt đi đâu.
- Em luôn tỏ ra thông minh hơn người đấy. – Chồng cô cau có nói, rồi anh bất chợt búng bàn tay đẫm nước, làm mặt cô dính toàn hạt nước.
- Á, anh làm cái gì vậy, đồ xấu xa! – Cô hét lên, còn anh thì cười vang. Nhưng lập tức nụ cười biến mất, vì một bàn tay dinh dính thịt xay đã áp vào mặt anh.
- Ha… ha… ha… – Cô cười lớn.
- Đáng ghét! Đây là thịt xay, chứ không phải là nước nhé.
Trận chiến đang tới hồi thú vị thì anh tóm lấy tay cô, ra hiệu dừng lại và họ nghe tiếng chuông cửa “kính coong” liên hồi.
- Mẹ tới rồi! – Cả hai cùng thốt lên, ngoái nhìn lại căn bếp mà họ vừa biến thành bãi chiến trường.
- Tại sao lại để bà già này đứng ngoài cửa và bấm chuông lần này là lần thứ sáu? – Mẹ chồng cô, vẫn cái giọng uy quyền ấy, đang đứng trước cửa phòng, ngờ vực nhìn hai vợ chồng. – Còn con? Tóc con dính cái gì thế kia? – Bà đưa hai ngón tay vuốt một ít thịt xay dính trên tóc của chồng cô, rồi xoa xoa, cho lên mũi ngửi và kinh hoàng chùi nó vào chính áo của anh.
- Chúng con chào mẹ. Mẹ đi mệt không ạ? Mẹ mang có nhiều đồ không? Mẹ vào trong nhà đi ạ.
Bà khoát tay ra hiệu không sao, rồi bỏ đống hành lý trước cửa phòng để cho các con tự xử lý, bước vào căn hộ chúng cư và quét mắt nhìn khắp. Sau đó bà đi vào lần lượt các phòng, nhưng chỉ dừng lại ở trước cửa, nghiêng người vào trong để nhìn. Xong, bà đi vào phòng ăn, giả vờ rửa tay, trong khi mắt thì liếc nhìn đống đồ ăn đang nấu dở dang.


Bữa cơm trôi qua vui vẻ bằng những câu chuyện hỏi thăm lẫn nhau về công việc, sức khỏe, chuyện người thân. Dù cho món cá fillet chiên có hơi bị khét và cơm thì hơi nhão.
Xong xuôi, mẹ với chồng ra phòng khách ngồi, còn cô thì loay hoay rửa bát và dọn dẹp phòng ăn. Mệt bở hơi tai vì đánh vật với đống bát đĩa, cô thầm than tại sao cứ luôn là phụ nữ, chứ không phải đàn ông rửa bát.
Khi cô ra phòng khách, chồng cô đã gọt sẵn một đĩa lê, đưa cho cô một miếng ngon lành, và nhìn cô ra chiều thông cảm.
Tivi đang chiếu chương trình sức khỏe thường thức, cách chữa bệnh trĩ. Mẹ chồng cô chăm chú xem. Dạo này, cô ngạc nhiên nói với chồng, các chương trình khoa học thường thức của Việt Nam cũng thú vị quá nhỉ, còn làm cả hài kịch. Chồng cô gật đầu. Nhân nói chuyện chữa bệnh, chồng cô hỏi bệnh của mẹ và nơi bà tới khám ở đâu để anh đưa đi. Nhưng mẹ anh bảo bệnh già, gân cốt yếu, vả lại bà tự bắt taxi đi được nên không cần đứa nào phải đưa đón. Cô thì sợ mẹ chồng ở nhà một mình buồn nên gợi ý gọi thím Hoa tới chơi với mẹ cho vui, bà cũng gạt đi.
Đúng mười giờ tối, mẹ chồng cô tắt tivi, dõng dạc tuyên bố:
- Tới giờ đi ngủ rồi.
- Đúng rồi đó, mẹ mệt rồi, mời mẹ vào phòng nghỉ trước đi ạ.
- Còn hai đứa chúng bay, cũng đi ngủ đi, còn ngồi đây làm gì.
- Dạ? Bọn con sớm nhất cũng là mười một giờ mới đi ngủ ạ!
- Thế dậy mấy giờ.
- Thường là bảy, à không, sáu rưỡi ạ.
Đó là chồng cô còn nói giảm đi, chứ thực tế thì họ còn lọ mọ đi ngủ muộn và dậy trễ hơn thế nhiều.
- Như thế là phản khoa học. Mẹ không ngủ được khi có bất cứ tiếng động gì, dù là rất nhỏ, nên tốt nhất các con hãy vì bà già này mà thay đổi thói quen trong vòng một tháng, được không? – Mẹ chồng nhướng mắt lên nhìn cô cho đến khi tiếng: “Dạ được” thoát ra, sau đó là đến nhìn chồng cô. – Tốt, bà nói, hướng về phía căn phòng dành cho khách – vậy thì đi ngủ.
Khi hai vợ chồng đã vào trong phòng và khóa trái cửa lại, chồng cô lăn mình ra giường:
- Ôi trời, chúng ta bị quản thúc như trẻ con rồi.
- Chiều mẹ một chút đi anh. Chỉ mất một tháng thôi mà.
- Đêm nay có trận quan trọng của Manchester, anh không thể bỏ lỡ được.
Cô nhìn anh cười tinh quái. Mẹ đâu có ở trong phòng này để kiểm tra hai đứa đâu. Anh có thể xem trực tuyến trên cái máy tính để bàn, còn cô sẽ lướt web tha hồ bằng cái laptop của cô, miễn là không có tiếng động. Chồng cô cười toe toét đồng tình. Cô nhanh chóng mở laptop, bật nút wireless, nhưng loay hoay một hồi vẫn không online được. Cô hoang mang nhìn chồng. Anh bật dậy, khởi động cái máy tính để bàn, sau đó bất lực thốt lên:
- Không có mạng. Quái lạ, sao thế nhỉ?
- Anh thử ra chỗ modem kiểm tra xem dây có bị tuột hay không?
- Không được rồi, nó ở trong phòng mẹ đang nằm. Tối hôm qua mạng miếc vẫn bình thường cơ mà!
Chẳng còn trò giải trí nào, mỗi người đành tìm một cuốn sách, chứ có nằm cũng chả ngủ được vào cái giờ này.
* * *
Sáng hôm sau, khi cô còn đang mơ màng ngủ thì nghe tiếng đập cửa, rồi giọng mẹ chồng cô văng vẳng bên ngoài. Cô lay lay người chồng, đúng lúc anh cũng đá đá chân cô ra hiệu cô ra mở cửa. Cuối cùng, cả hai kéo nhau dậy vì mẹ cô đang gọi cả con trai lẫn con dâu. Cánh cửa phòng bật mở, cô dụi mắt nhìn mẹ chồng trong bộ đồ thể thao trắng tinh, vui vẻ hỏi con chỗ nào tập chạy bộ được, dẫn mẹ đi!
Cả buổi làm việc cô cứ ngồi ngáp lên ngáp xuống. Cô thầm khâm phục mẹ chồng khỏe. Bà đi bộ hai vòng quanh công viên lớn mà không hề thở mạnh một tiếng, trong khi hai vợ chồng cô mới đi chưa được nửa vòng đã hổn hà hổn hển.
Cô sắp xếp lại chỗ ngồi, trong đầu suy nghĩ xem chút đi làm về ghé qua chợ sẽ mua thứ gì. Lúc nãy cô đã từ chối đi ăn tối với cánh đồng nghiệp, cũng như lời rủ rê đi săn hàng sale của con bạn. Chồng cô cũng mới gọi điện thoại cho cô khoe đêm qua Manchester thắng, ông trưởng phòng trúng cá độ bóng đá khao cả công ty. Chỉ có anh là không đi được. Nghe giọng chồng, tự nhiên cô thấy thương thương.


Ăn cơm tối xong, cô với mẹ chồng đi dạo mát quanh khu chúng cư. Mẹ chồng cô hỏi cô có muốn ăn kem không rồi mua cho cô một cây kem ốc quế. Đi ngang qua hàng hoa, cô mua một bó cẩm chướng đỏ rõ to, về cắm vào bốn cái lọ khác nhau, để mỗi phòng một lọ. Khi cô mang lọ hoa cẩm chướng vào phòng ngủ của hai vợ chồng, chồng cô thì thầm:
- Cáp mạng vẫn bình thường em ạ.
- Thế thì tốt. – Cô đặt lọ hoa lên bàn trang điểm, sau đó mở laptop, định check mail và làm xem xét nốt cái hợp đồng khách mới gửi. Nhưng mạng vẫn không vào được. Chồng cô kiểm tra đủ cách, cuối cùng đầu hàng, nằm gối tay trên giường.
- Em nghĩ là mẹ đã tháo cáp ra lúc bà đi ngủ. Chắc nó nhấp nháy dữ quá nên mẹ chói mắt.
- Em thông minh quá! – Anh dịch sang một phía, nhường một bên giường cho cô. – Thôi nằm nghỉ chút đi. Tám tiếng trong công ty không đủ cho em hay sao? Sáng mai em làm thì công việc nó cũng có chạy đi mất đâu. Rửa bát mệt không?
- Anh bóp vai cho em đi, mỏi quá. – Cô thấy chồng quan tâm thì giả bộ nhõng nhẽo.
- Vừa thôi cô, tôi không mệt chắc. Nói vậy, nhưng anh cũng nhỏm dậy. – Chà, hình như em béo lên thì phải. Để anh kiểm tra xem nào.
- Á á, nhột quá, anh làm gì vậy? – Cô la oai oái, nhưng chồng cô đã bịt miệng cô lại. – Suỵt, mẹ nghe kìa.
Thấm thoắt mẹ chồng cô đã tới chơi gần một tháng. Bà tuyên bố bệnh của bà đã bớt và nói chồng cô đặt vé máy bay cuối tuần để bà về nhà. Cô nghe mẹ nói mà mừng thầm trong bụng. Vậy là từ nay, cô không còn phải đi ngủ lúc mười giờ nữa, không còn phải về vội vàng sau giờ tan sở và đi chợ, không còn phải vướng chuyện bếp núc, không còn phải rửa bát mệt nhoài, không còn phải dậy sớm tập thể dục, không còn…
Chồng cô thì không được hứng khởi như cô.
- Anh thấy mẹ ở đây nhà mình vui hơn. – Anh nói đơn giản làm cô chột dạ.
Ngày mà mẹ chồng về cuối cùng cũng đã tới. Vợ chồng cô chở bà ra sân bay, đứng vẫy tay cho đến khi bà khuất trong đám người đi vào phòng làm thủ tục. Chồng cô trầm ngâm đứng nhìn.
- Về thôi anh.
- Ừ. – Anh nói vẻ luyến tiếc. – Tối nay em có nấu cơm không? – Đột nhiên anh hỏi cô khiến cô phì cười.
- Có. – Cô nói.
- Thế còn ngày mai, em có đi chợ không?
- Có, miễn là anh giúp em rửa bát sau bữa tối.
- Mình vẫn tập thể dục buổi sáng chứ?
- Vẫn. Nhưng em không đi hai vòng như mẹ đâu đấy, em chỉ đi một vòng thôi.
Khuôn mặt chồng cô đã giãn ra. Anh nắm lấy tay cô:
- Mẹ về rồi nhưng em đừng làm việc khuya nữa nhé. Hại cho sức khỏe lắm đấy.
- Em có muốn làm cũng không được.
- Sao vậy?
- Em… có bầu rồi.
Chồng cô há hốc miệng ra nhìn cô không nói lên lời, nhưng khuôn mặt anh ngời ngời hạnh phúc. Cô nhìn anh, trong lòng đầy tự hào. Rõ ràng anh cũng muốn đứa con này. Nó mới được hơn hai tuần, và cô cũng chỉ vừa mới biết.
Cô đã nhiều lần ngồi suy nghĩ về cuộc hôn nhân giữa cô với anh. Đó là một cuộc hôn nhân vì tình yêu. Nhưng cô đã luôn băn khoăn tự hỏi tại sao cuộc sống hôn nhân của họ đã từng tẻ nhạt như vậy, dù chỉ mới cưới nhau chưa đầy hai năm. Và giờ cô hiểu ra nguyên do, đó là họ đã lơ là trách nhiệm của họ trong hôn nhân.
Khi “đối phó” với mẹ chồng, họ đã tâm đầu ý hợp cùng nhau thực hiện “trách nhiệm làm hài lòng mẹ”. Có lẽ cả hai vợ chồng cô cùng nhận ra, khi họ có bổn phận chung thực hiện trách nhiệm, những việc vất vả tới đâu cũng cảm thấy dễ dàng hơn. Tình yêu không thôi chưa đủ, khi hai người đã tự nguyện gắn với nhau làm một, họ phải có bổn phận vun đắp cuộc sống chung, bỏ qua những cái tôi ích kỷ có thể làm tổn thương cả hai bên.
Giờ đây, trách nhiệm của họ không chỉ là trách nhiệm đối với vợ hay chồng nữa, mà sẽ còn là trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Sẽ nặng nề hơn, nhưng cũng vinh quang hơn, và tất nhiên là cũng sẽ có nhiều hạnh phúc hơn.
Chồng cô choàng tay qua vai cô, và hai người bước ra khỏi sân bay.
Mẹ chồng cô đứng từ phía trong nhìn ra, mỉm cười bí mật. Đối với bà, chúng vẫn luôn là những đứa trẻ cần được bảo ban như ngày nào…
(Theo chuyện kể của TUẤN)


“VÌ CON” MẸ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC
TKN Thích Nữ Chân Liễu

Trong cuộc sống, người mà khiến chúng ta đau lòng và phiền muộn thường là những người thân thiết nhất, tình thương càng sâu đậm thì tổn thương càng nhiều.

Cách đây một năm, vào mùa Vu Lan các Ni chúng trong chùa có duyên sự nên được tiếp chuyện cùng bác Diệu Chơn. Tuổi bác Diệu Chơn năm đó khoảng hơn 70, với đôi mắt thật buồn như muốn khóc cùng dáng vẽ mệt mỏi thất vọng. Giọng trầm buồn Bác hỏi:

-     ** Thưa sư cô, tôi có thể vào ở chùa tu luôn được không?
-    **- Thưa Bác có hỏi ý kiến của các người con chưa?
-    **   Các con  tôi không ai đồng ý cả, nhưng tôi thì chán lắm rồi, chỉ muốn vào chùa ở luôn không về nữa!
-  
      ** Như vậy thì các con của Bác vì thương nên sợ rằng vào ở trong chùa với cuộc sống đạm bạc, trở ngại cho sức khỏe của Bác nên không đồng ý.
-  
*  **  Không! thương mẹ cái gì mà chúng chẳng bao giờ nhớ đến sinh nhật của tôi? Hai ba tháng mới về thăm một lần, khi về thì ngồi chưa được nửa ngày vội về, nói bận chuyện chồng chuyện con. Tôi trách móc rầy la thì giận hờn. Tôi nói tôi có bịnh chúng cũng không màng phone hỏi thăm. Tôi nấu món ăn ngon gọi về ăn, thì nói có việc phải làm không về được. Thật là tức muốn chết luôn. Con cái gì mà không nhớ tới Mẹ, cũng không sợ Mẹ buồn, mẹ giận gì hết. Các Cô xem như vậy đó, thôi đi tu núp bóng Từ Bi của Phật cho xong một kiếp người vô phước. (nói xong khóc thật nhiều)

-    **    Thưa Bác, sống với người thân yêu mà quá nhiều khổ lụy và phiền não như vậy, thì có phải Bác nghĩ rằng vào chùa sống chung với những người xa lạ không thân bằng quyến thuộc gì cả, thì sẽ tìm được an lạc và hạnh phúc chăng?!

-    **    Tôi không muốn nghĩ nhiều như vậy, chỉ muốn đi cho con tôi nó thấy Mẹ là quan trọng, không có Mẹ xem chúng  có hối hận không? Có nhận ra tôi đã làm những gì và hy sinh nhiều như thế nào để chúng có được như ngày nay. Ơn Mẹ to tát lắm đấy!!! (khóc)

-    **    Xin thưa, Ni chúng đã nghe được những lời tâm sự vừa rồi. Bây giờ để giúp cho Bác có được một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản hơn, thì nhắc lại lời Phật dạy có câu: “Sống vì người không vì mình”.  

    Suy nhghĩ vì người thì được hạnh phúc, suy nghĩ vì mình quá nhiều thì đau khổ. Người muốn tu hoàn cảnh nào cũng có thể tu được, trước hết là tu tại thế gian (tu tại gia) với những người thân yêu bên cạnh. Khi đạt được hạnh phúc cho chính bản thân mình và tạo hạnh phúc cho những người thân sống chung quanh rồi, khi đó mới nghĩ đến chuyện tu xuất thế gian (tu xuất gia).

Bác hãy chuyển sự suy nghĩ vì mình quá nhiều mà nên thấy rằng, các cô cậu còn trẻ có rất nhiều gánh nặng bổn phận, trách nhiệm và chuyện công ăn việc làm nhiều khó khăn, luôn luôn phải tranh đấu để lo cho gia đình đã bận rộn lắm rồi, chưa nhắc đến những bực dọc và phiền toái từ trong sở làm. 

Nếu nhận biết như vậy Bác càng thương họ nhiều hơn, tâm bao dung, lòng hỷ xã, nghĩa là vui sống trong đồng cảm và tha thứ. Khi nghe các con quá bận không có thì giờ để nghỉ ngơi, không còn nhớ thời gian qua bao lâu, kể cả sinh nhật của chính bản thân họ có lẽ cũng không nhớ!!. 

Niềm hạnh phúc họ mang lại cho Mẹ là đã có  cố gắng dành thì giờ ít ỏi về thăm Mẹ, được ăn những món ăn chính tay Mẹ nấu, thì những thời khắc hạnh phúc đó tuy không nhiều nhưng nếu với lòng thương con không tính toán, không đòi hỏi sự đền đáp, không chấp đúng chấp sai, không một lời trách cứ, không một niệm buồn phiền hay tổn thương vì cái tự ái chẳng đáng gì cả, thì hạnh phúc đó có phải đã tăng lên bội phần.

Sự an lạc là phần thưởng quí báu có ngay từ tâm cao thượng của những người Mẹ thương con vô bờ bến.

Ni chúng mong rằng sau buổi nói chuyện hôm nay trong mùa Vu Lan đầy tình thương yêu lòng hân hoan của những người con, những người Mẹ có thể vô cùng sung sướng mà nói rằng: 

“VÌ CON MẸ CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC”.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


HÃY TỰ MÌNH VƯỢT QUA NỖI ĐAU
PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHƠN
PHÓNG SINH CHIM TỘI HAY PHƯỚC
GIÁC NGỘ VÀ GIẢI THOÁT
CÂU CHUYỆN VỀ BUÔNG XẢ
PHÁ RỪNG TRE GAI

Tuesday, August 12, 2014

*** BIẾT ƠN LÀ ĐIỀU KIỆN CỦA HẠNH PHÚC



Thiền sư Thích Nhất Hạnh

“Thanksgiving Day” là ngày lễ Tạ Ơn theo truyền thống của người Mỹ (27/11). Tại Làng Mai, hàng năm chúng tôi đều tổ chức lễ Tạ Ơn, nhưng với một tinh thần khác: Tinh thần của sự thực tập làm lớn lên lòng biết ơn để nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong đời sống của mỗi người. Bởi vì khi nào còn có lòng biết ơn thì khi ấy hạnh phúc vẫn còn có mặt. Người nào đã cạn kiệt lòng biết ơn, thì hạnh phúc không thể còn có nơi người âý được.

Theo truyền thống Cơ đốc giáo, biết ơn được hiểu là biết ơn Thượng đế, biết ơn Chúa. Bởi theo Cơ đốc giáo thì Thượng đế đã sinh ra ta, sinh ra vạn vật và tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống. Còn trong truyền thống đạo Bụt, sự biết ơn được hiểu như Tứ ân: ta mang ơn cha mẹ, mang ơn thầy tổ, mang ơn bạn bè và mang ơn tất cả mọi loài chúng sinh. Vì cha mẹ cho ta hình hài này, thầy tổ cho ta đời sống tâm linh, bạn bè là những người đồng hành, nâng đỡ ta trong những lúc khó khăn, các loài hữu tình và vô tình khác mang lại cho ta những điều kiện cần thiết cho cuộc sống. Ta biết rằng, tổ tiên của ta không chỉ là loài người. Chúng ta có chung nguồn gốc với các loài động vật, thực vật và cả những loài khoáng vật. Bởi con người xuất hiện rất muộn trong lịch sử hình thành sự sống. Do vậy, lòng biết ơn không chỉ hướng đến loài người mà tất cả mọi loài. Đối tượng của lòng biết ơn trong đạo Bụt rất lớn.

Người phương Đông có quan niệm phú tải chi ân, ân che chở, trời che đất chở. Bầu trời ôm lấy ta, che chở ta. Còn mặt đất chuyên chở ta, là nơi cư trú của ta. Trên thì che, dưới thì chở. Đó là ý niệm về lòng biết ơn của người phương Đông. Nếu có tuệ giác, ta thấy được mọi thứ hiện hữu xung quanh đều có ơn đối với ta. Khi nhìn nước chảy từ vòi ra, ta ý thức rõ: Nước từ nguồn suối cao. Nước từ lòng đất sâu. Nước mầu nhiệm tuôn chảy. Ơn nước luôn tràn đầy.” Trong ta sẽ dâng lên niềm biết ơn nếu ta biết quán chiếu như vậy. Rồi ta nhìn sâu để biết ơn không khí, lửa,… Niềm biết ơn của ta sẽ bao trùm vạn hữu vũ trụ.


Trong ngày Tạ Ơn, người Mỹ thường có truyền thống trang hoàng bằng những trái bí rợ (bí đỏ) rất lớn, những trái dưa, những trái bắp. Đó là những quà tặng của đất trời. Quà tặng ấy ta được tiếp nhận mỗi ngày. Ta cần thể hiện lòng biết ơn 24 giờ mỗi ngày. Ngày Tạ Ơn chỉ là biểu trưng cho lòng biết ơn ấy. Ta cần thực tập để lòng biết ơn trải rộng trên khắp mọi loài. Lòng biết ơn mà còn bị giới hạn thì chưa phải là lòng biết ơn đích thực. Chúng ta thường nghĩ rằng cha mẹ là người nuôi dưỡng ta nên vóc nên hình. Nhưng nhìn sâu hơn, ta có thể thấy góp công vào sự dưỡng dục ấy còn có rất nhiều yếu tố như đất, trời,… Nếu không có đất, có mặt trời sao có được lúa gạo, sao có được bông để dệt vải,… Do vậy, ta cũng có thể gọi mặt trời là cha chung của muôn loài, trái đất là mẹ chung của muôn loài.

Người trao truyền, vật trao tryền và người tiếp nhận
Trong triết lý của đạo Bụt, chuyện cho và nhận được nhận thức rất sâu sắc. Khi quán chiếu sâu sắc, ta thấy rằng trong quan hệ cho – nhận, người cho với người nhận không phải là hai thực tại riêng biệt mà người cho cũng là người nhận và người nhận cũng là người cho. Thực tế là vậy, nhưng ít khi ta thấy được điều này. Ví dụ, tuy ta biết cha mẹ là người trao truyền cho ta hình hài này nhưng ta vẫn có khuynh hướng nghĩ rằng ta và cha mẹ là hai thực thể riêng biệt. Cha mẹ là một thực thể khác, con là một thực thể khác. Thấy như thế thì chưa đúng với tinh thần đạo Bụt. Nhìn kỹ, hình hài này chứa đựng cả cha mẹ. Cha mẹ có mặt trong từng tế bào cơ thể của con. Con có cha có mẹ. Cha mẹ có trong con”. Con mang đầy đủ những hạt giống và nhiễm sắc thể của cha mẹ. Người trao truyền và vật trao truyền là một. Đây gọi là cái nhìn Bất nhị, một giáo l‎ý rất thâm sâu trong đạo Bụt.

Nếu đem cái nhìn bất nhị này áp dụng vào trường hợp của những người bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo ta sẽ có được những cái thấy rất hữu ích. Các bạn Cơ đốc giáo và Do Thái giáo nếu quán chiếu thật kỹ sẽ thấy được mình và Thượng đế không phải là hai thực thể riêng biệt. Ta ở trong Thượng đế và Thượng đế ở trong ta. Đối với vấn đề tạo hóa và tạo vật cũng vậy.Ta hay quan niệm rằng tạo hóa và tạo vật là khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ vào tạo hóa sẽ thấy được tạo vật ở trong, và ngược lại. Nếu không có liên hệ với nhau thì làm sao tạo hoá làm ra tạo vật được? Nếu không có liên hệ, làm sao có sự trao truyền? Trong truyền thống Cơ đốc, nhiều vị tu sĩ đã thấy được điều này là nhờ có cái nhìn Bất nhị. Họ không đi tìm Thượng đế và Chúa bên ngoài họ bởi họ đã thấy Thượng đế và Chúa ngay bên trong họ. Kinh Phúc âm có dạy rằng : “Chúa, Thượng đế nằm ở trong trái tim của mình chứ không phải là một thực thể bên ngoài mình”


Do vậy, người trao truyền chính là vật trao truyền vì người trao truyền đã trao truyền chính mình cho người tiếp nhận. Đứng về phía người tiếp nhận vật trao truyền, họ cũng chính là vật trao truyền. Tuy nói rằng sự trao truyền có ba yếu tố: người trao truyền, người tiếp nhận, và vật trao truyền nhưng kỳ thực, ba yếu tố đó chỉ là một. Cái này được gọi là Tam luân không tịch, tức là ba cái không có sự riêng biệt. Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp nhận nương nhau mà có. Một trong ba yếu tố vắng mặt thì hai yếu tố còn lại không thể được hình thành.
Ngày Tạ Ơn là cơ hội để thể hiện lòng biết ơn. Nhưng lòng biết ơn ấy có sâu sắc hay không còn tùy thuộc vào cái thấy về lòng biết ơn có sâu sắc hay không. Cái thấy sâu sắc nhất chính là cái thấy Bất nhị, người mình mang ơn và mình là một. Trong ngày biết ơn, không phải chỉ ý thức đến sự may mắn của mình mà còn phải quán chiếu cho sâu sắc vấn đề này để đạt đến tuệ giác Bất nhị.

Trong truyền thống đạo Bụt có dùng danh từ pháp để chỉ sự vật là những đối tượng của tâm thức. Pháp đây không có nghĩa là giáo pháp. Ví dụ: cây bút được gọi là một pháp, con mắt là một pháp, trái bí ngô là một pháp. Cơ thể ta có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Và đối tượng của sáu căn là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sắc là đối tượng của mắt, thanh là đối tượng của tai, hương là đối tượng của mũi, vị là đối tượng của lưỡi, xúc là đối tượng của thân, và pháp là đối tượng của ý. Do vậy, chữ pháp có nghĩa là những cái ta nhận thức được.

Khi ta có tri giác, cái tri giác đó có hai phần: chủ thể và đối tượng. Chủ thể và đối tượng phát hiện cùng một lúc. Khi nói thấy, luôn luôn phải có đối tượng của cái thấy ấy. Thấy cái gì? Tương tự với nghe, ngửi, nếm, xúc và ý. Đây là vấn đề rất khó trong đạo Bụt nhưng lại hết sức căn bản. Vì khi hiểu được điều này mới có thể hiểu được các giáo lý của Bụt. Ví dụ, khi nhìn trái bí ta cần tập nhận biết trái bí là đối tượng của ý và không tách rời khỏi tâm. Đây cũng là vấn đề Bất nhị, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức không độc lập mà gắn liền với nhau. Thực tập điều này hơi khó, nhưng ta có thể đạt được. Ngành khoa học lượng tử đã bắt đầu hé mở được vấn đề này. Các nhà khoa học đã thấy được rằng đối tượng nghiên cứu của ta ở đâu thì tâm mình ở đó. Tuy nhiên, họ vẫn còn bị kẹt vào ý niệm chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức độc lập nhau. Đó là cái thấy nhị nguyên, một cái thấy rất thông thường của con người.

Phá vỡ được cái thấy nhị nguyên chỉ có thể nhờ vào công phu quán chiếu. Hiện nay, các nhà khoa học đang chật vật để vượt qua điều này. Và khả năng giải thoát sanh tử của các hành giả cũng đều tùy thuộc vào việc có vượt qua được hàng rào của kiến chấp nhị thủ hay không. Trong kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm có đề cập đến bốn đối tượng để quán chiếu: thân, thọ, tâm và pháp. Quán thân nơi thân, quán cảm thọ nơi cảm thọ, quán tâm nơi tâm, quán đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Lĩnh vực quán chiếu thứ tư là pháp. Pháp là đối tượng của tâm, không tách rời khỏi tâm, không ở ngoài tâm.




Khổ đau có mặt nhưng hạnh phúc cũng có mặt
Chúng ta có nói căng thẳng là yếu tố luôn góp mặt trong những nguyên nhân gây ra những khổ đau như lo lắng, sợ hãi, bạo động, gia đình tan vỡ, ly dị, tự tử, chiến tranh, xung đột, khủng bố, ô nhiễm môi trường, địa cầu bị hâm nóng… Còn rất nhiều nỗi khổ đau trong lòng mỗi người, mà chúng ta không thể kể hết ở đây.
Theo nhận thức của những nhà chính trị, những nhà kinh tế, những nhà cách mạng thì khổ là nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp, bất công xã hội, nô lệ, kỳ thị,… Nhưng nếu quán chiếu cho sâu, họ cũng thấy được rằng những cái mà họ cho là khổ không nằm ngoài mối quan hệ với những nỗi khổ trong tự thân. Giả sử không có nghèo đói, không có bệnh tật, không có thất nghiệp, không có bất công xã hội thì vẫn có những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bạo động, chiến tranh như thường. Khổ vẫn có như thường. Nếu chúng ta không bị căng thẳng, không lo lắng, không sợ hãi, không bạo động thì tự nhiên nghèo đói, bệnh tật, thất nghiệp sẽ được giảm bớt. Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách sâu sắc để biết được cái nào đích thực là khổ. Ví dụ, một người tranh đấu chống nạn thất nghiệp để có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, để có tự do. Vì theo họ thì bị thất nghiệp, không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở,… là khổ. Nhưng có thể trong họ vẫn có sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, giận hờn, và họ vẫn khổ, cho dù họ có đấu tranh thành công để có được việc làm, để có được tự do.

Cho nên, cái khổ có nhiều mặt. Và khi đề cập đến tập đế, chúng ta có thể nói nó là con đường bát tà – tức là con đường không có mặt của chánh kiến, chánh tư duy. Nó là nguyên nhân đưa đến khổ đau. Nhờ biết được nguyên nhân khổ đau, ta chuyển hóa được khổ đau. Diệt đế là sự vắng mặt của khổ đau, sự vắng mặt của bóng tối. Khổ đau vắng mặt thì hạnh phúc có mặt. Bóng tối vắng mặt thì ánh sáng có mặt. Hạnh phúc là ngược lại với căng thẳng. Hạnh phúc là ngược lại với lo lắng. Hạnh phúc là ngược lại với sợ hãi. Trong hạnh phúc không thể có mặt yếu tố bạo động, yếu tố tan vỡ. Diệt đế là hạnh phúc, nhưng trong hạnh phúc thì khổ đau cũng có thể đang có mặt một phần nào đó. Công nhận khổ đế không có nghĩa là không có hạnh phúc. Công nhận có bùn không có nghĩa là không có sen. Trong giây phút hiện tại, trong ta vừa có bùn, vừa có sen; vừa có rác, vừa có hoa. Nếu nói khổ đế là một sự thật thì diệt đế cũng là một sự thật. Cuộc đời có những khổ đau, nhưng cuộc đời cũng đang có những hạnh phúc.

Sáng nay ngồi thiền, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và hạnh phúc là một chuyện thật. Khi nói đến Tứ diệu đế, nếu nghĩ rằng Tứ diệu đế chỉ có nói tới khổ đau thôi thì không đúng. Tứ diệu đế nói rằng có khổ đau nhưng đồng thời hạnh phúc cũng đang có mặt. Nhìn cho kỹ thì khổ đau cũng đóng một vai trò nào đó để tạo dựng hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào để làm vơi bớt khổ đau và làm tăng trưởng hạnh phúc. Luân lý đạo đức là những nguyên tắc, những phương pháp hành động để giảm thiểu khổ đau và nuôi lớn đạo đức. Cho nên không hẳn là tiêu diệt khổ đau mới có hạnh phúc.


Vào khoảng 6 giờ sáng trên bầu trời có cả mảng sáng và mảng tối, sáng tối đan xen vào nhau. Khổ đau và hạnh phúc cũng vậy, chúng nương vào nhau. Trong tuệ giác tương tức thì cái này được làm bằng cái kia và cái kia được làm bằng cái này, “thử hữu tức bỉ hữu, thử vô tức bỉ vô” (cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không”. Giống như sen với bùn, nếu không bùn thì không có sen. Cho rằng tất cả đều là khổ là một ý niệm sai lầm. Bụt nói rằng: “Con ơi, có những khổ đau và con phải quán chiếu để chặt đứt khổ đau”. Chứ Bụt không hề nói: ”Tất cả đều là khổ hết con ạ”. Nếu một nhà thần học vì thương Bụt mà tìm đủ mọi cách để chứng minh đời là khổ để cho Bụt đúng thì ông ta hại Bụt rồi. Bởi vì làm như vậy là ông ta không hiểu được lời dạy của Bụt.

Công nhận khổ đau đang có mặt và cho rằng tất cả đều là khổ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Sai lầm đầu tiên là cho rằng mọi thứ là khổ. Sai lầm thứ hai là tưởng rằng chỉ khi nào khổ đau vắng mặt hoàn toàn thì khi ấy mới thực sự có hạnh phúc.
Tuy cuộc đời có khổ đau nhưng nhờ tu tập ta tìm được những giây phút rất hạnh phúc. Cho dù đang trong hoàn cảnh khốn khó tới mấy thì vẫn luôn còn đó những điều kiện hạnh phúc, tuy ít ỏi nhưng nó có đó. Ngược lại, nếu cho rằng đời toàn niềm vui cũng không đúng. Đời có khổ có vui, cái khổ đang đóng một vai trò nào đó để làm ra cái vui. Nếu không đói thì ta ăn sẽ không ngon. Nhờ có cái đói ta mới cảm thấy hạnh phúc khi được ăn.

Trong kinh có nói năm uẩn là khổ. Người xưa diễn tả khổ là: Sinh, già, bệnh, chết. Sinh ra là khổ, già là khổ, bệnh tật là khổ, chết là khổ. Ham muốn mà không được là khổ, ghét bỏ mà phải gần gũi là khổ, thương nhau mà phải xa lìa và năm thủ uẩn là khổ. Thủ có nghĩa là bị kẹt, bị vướng mắc vào. Uẩn là năm yếu tố tạo nên con người gồm có: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức). Nếu bị kẹt vào năm uẩn, bị dính mắc vào và cho chúng là của mình thì lúc đó mới khổ.

Năm uẩn không khổ nhưng năm thủ uẩn mới khổ. Đức Thế Tôn nhờ có năm uẩn mà ngày hôm nay chúng ta mới có giáo pháp để hành trì. Ngài cũng có năm uẩn nhưng Ngài không khổ bởi vì Ngài không bị kẹt, không cho rằng năm uẩn là vật sở hữu của mình, nhờ đó nên ngài được tự do. Uẩn của ngài không phải là thủ uẩn. Các pháp không phải là khổ nhưng vì kẹt vào các pháp nên mới khổ.
Trích “Con đã có đường đi – Thích Nhất Hạnh”

 

Bên em mùa Vu Lan 


Mừng em ngực cài hoa hồng đỏ
Mừng em còn mẹ sống trên đời
Rưng rưng tôi nhận bông hồng trắng
Hoa trắng tôi cài đau đớn lắm em ơi

Mỗi màu hoa có một nỗi buồn vui
Mỗi giọt nước mắt có mấy tầng chua xót
Chiếc lá vàng thay mái đầu điểm bạc
Mẹ tôi đã đi xa
Đi xa mãi trần đời

Tháng bảy về nước mắt lại rơi
Hoa hồng trắng mà lòng tôi thâm tím
Chim mất mẹ tiếng hót buồn ai oán
Thui thủi một mình đêm lạnh co ro

Đời người là một chuỗi âu lo
Dẫu chẳng biết nắng mưa vẫn phải sống hết lòng hết dạ
Phụng dưỡng mẹ cha là điều cao cả
Hạnh phúc biết bao khi áo cài hoa hồng

Có chút gì xa xót trong lòng em không
Đi bên tôi mùa Vu Lan trầm lắng
Tôi mất mẹ ngực tôi cài hoa trắng
Hoa trắng buồn rưng rưng

Cùng em quỳ dưới tiếng chuông ngân
Ngôi sao lẻ loi
Bầu trời trống lạnh
Trong mắt em có nỗi buồn lấp lánh
Như có điều gì san sớt với tôi chăng