Monday, March 17, 2014

*** SỐNG TỬ TẾ VỚI NHAU


SỐNG TỬ TẾ VỚI NHAU

                Nếu chúng ta trải hết tấm lòng ra để sống thì bất cứ ở nơi đâu, tiếp xúc với ai ta cũng được mọi người trân trọng, tin cậy và quý mến!

             Mọi thứ hiện hữu trên cuộc đời này đều luôn luôn thay hình đổi dạng, từ hoàn cảnh sống cho đến thân tâm của chúng ta sinh diệt và biến đổi trong từng giây từng phút. Chính sự đổi thay này đã khiến cho những ai chưa có cơ hội tỏ bày lòng biết ơn của mình đối với ân nhân và chưa kịp sống tử tế với nhau thì sẽ cưu mang niềm tiếc thương, ân hận khi biết được người thân yêu đã vắng bóng, xa lìa! Để không tạo ra sự hối tiếc, hụt hẫng về sau, ta cần phải sống cho tử tế và hết lòng quý mến nhau trong thời điểm hiện tại, không nên chờ đợi, hứa hẹn sẽ làm điều gì đó ở tương lai.
Sống tử tế là một trong những đức tính cao quý và cần thiết, nhằm giúp cho các mối quan hệ xóm giềng, thân hữu được dễ dàng hiểu và thương kính nhau nhiều hơn. Sống tử tế chính là thái độ ứng xử bằng cái tâm trung thực, thủy chung trước sau như một, đồng thời lối sống này là yếu tố then chốt để tạo ra niềm tin vững chắc giữa các mối quan hệ kinh tế đa phương. Vì sự trong sáng và chân thật của mỗi cá nhân là góp phần xây dựng nên một doanh nghiệp có uy tín, có chất lượng, thể hiện nếp sống văn minh tiến bộ và dĩ nhiên sẽ được mọi người tín nhiệm, hưởng ứng cũng như quan tâm hỗ trợ.

Đối với tình cảm bạn bè đôi lứa cũng vậy, nếu chàng thanh niên có đức tính thủy chung, chân thật và trong sáng thì chắc chắn người con gái sẽ đem lòng quý mến và hết mực thương yêu! Ngược lại, nếu một ai đó sống hờ hững, xao lãng và không thật lòng với nhau, nói một đàng làm một nẻo thì sớm muộn gì cũng bị mọi người phát hiện ra, và như vậy sẽ không ai dám tin tưởng để hợp tác quan hệ. Do đó, sống cho tử tế với nhau chính là điều kiện căn bản để mọi người đặt trọn niềm tin và giao hảo thân thiện đối với mình.

Thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đời sống vật chất lên cao, sung túc nhưng ngược lại nhân cách đạo đức của con người thì bị suy thoái trầm trọng! Có không ít người vướng vào các tệ nạn lừa đảo, trộm cướp, v.v… mà báo chí đăng tải mỗi ngày đến mức báo động, thậm chí họ còn len lỏi vào trong chốn chùa chiền để mưu mô, lừa gạt. Từ thực trạng tiêu cực này đã khiến cho con người khó tin tưởng lẫn nhau và luôn luôn tạo ra sự phòng hộ, đắn đo, suy tính kỹ lưỡng trong mối quan hệ giao thiệp. Vậy thì những tệ nạn này do đâu mà có? Và nếu trong tâm mỗi người còn hiện hữu các yếu tố tiêu cực này, thì thử hỏi chúng ta có thể tự do hạnh phúc được hay không? Chắc chắn rằng, khi các tệ nạn này có mặt thì con người sẽ phải đối diện với nhiều cay đắng khổ đau, cho nên không một ai dại khờ mong muốn những điều tệ hại này xảy ra cả.

Thực chất, nếu chúng ta biết bình tâm để suy nghiệm cho thấu đáo thì sẽ thấy rõ nguyên nhân chính yếu là do con người thiếu sự sáng suốt và không làm chủ được tâm ý nên mới trở thành lối sống bê tha, yếu kém gây ảnh hưởng xấu đến cho gia đình và cho cộng đồng xã hội. Tâm ý của con người được ví như con khỉ chuyền cành, như con ngựa chạy hoang không tuân thủ theo người điều khiển cho nên cần phải có một sợi dây cương để buộc chúng lại. Cũng vậy, nếu như ta không biết cách chuyển hóa và điều phục tâm ý của mình thì toàn bộ hành động, lời nói thể hiện trong đời sống hàng ngày sẽ dễ dàng tạo ra các tội lỗi xấu xa đáng tiếc. Chính vì lẽ đó cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:

“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình”.

(Kinh Pháp cú)

Thật rõ ràng, lời nói và hành động chỉ là công cụ để cho tâm ý vẽ vời điều khiển. Nếu với ý nghĩ bất thiện, nhiễm ô thì hệ quả chắc chắn sẽ có mặt ngay sau đó, như bánh xe lăn theo chân con vật. Ngược lại, khi tâm ý sáng suốt, trong lành thì niềm an lạc giải thoát tức thời hiện hữu như bóng không rời hình. Cho nên nhận diện tâm, điều phục tâm là điều kiện tất yếu để khai mở tuệ giác vốn có trong mỗi chúng ta, và cuộc đời này có an vui hạnh phúc hay không là tùy thuộc sự hiểu biết của mỗi người.

Nếu bạn có cái nhìn khách quan, trong sáng và biết tùy thuận theo chuỗi vận hành của nhân-duyên-quả thì tâm hồn sẽ được an ổn tự tại. Bởi mọi thứ đã vận hành đúng cả rồi, chỉ tại ta muốn làm theo ý mình nên mới có đau khổ, việc cần làm chính là cái tâm của bạn luôn luôn định tĩnh và sáng suốt. Vì tâm đã được an tịnh trong sáng thì khi tiếp xúc với bất cứ hạng người nào bạn cũng dễ dàng nhận biết được tính cách và lối sống của họ để từ đó sự cảm thông, lòng thương yêu có mặt. Bên cạnh đó, phong thái ung dung và tự tại của bạn cũng có khả năng đánh tan dòng tâm ý phòng thủ và nghi ngờ ở nơi họ, tạo ra mối quan hệ thâm tình gần gũi. Thế nên, chúng ta sống có hạnh phúc hay không, xã hội này có được đổi thay tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào cái nhìn sâu sắc và thái độ hành xử nhẹ nhàng tử tế chính nơi mỗi người.

Tuổi thọ của loài người chỉ tồn tại trong vòng mấy mươi năm và mạng sống cũng rất mong manh giả tạm, không ai biết chắc rằng mình sẽ sống được bao lâu trên cõi đời này. Ấy vậy, mà chúng ta cứ mãi đề phòng, lo âu và nghi kị, không chịu đem cái tâm chân thật ra để ứng xử với nhau, sống tốt đẹp với nhau thì thật là uổng phí biết bao nhiêu! Có lẽ chính vì trải nghiệm được điều này cho nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới nhắn gửi rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?” (Để gió cuốn đi), và“Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng). Còn đối với thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương thì nói rằng: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời” (Còn gặp nhau).

 Có những gia đình tuy của cải dư thừa, vật chất sung mãn nhưng ngược lại tình nghĩa cha con, chồng vợ thì nhạt nhẽo khô khan và trong lòng của họ luôn mang nặng nỗi niềm khốn khổ, bất an! Bởi họ quá coi trọng về tiền tài và danh vọng nên không có đủ thì giờ ngồi lại bên nhau để lắng nghe, để hiểu và để sống trọn vẹn với người thân yêu. 

Trong khi đó, danh lợi có tính cách hư ảo như bóng mây chìm nổi, chỉ có cái để lại cho cuộc đời này đó là tình thương. Vì khi xác thân này trở về với cát bụi thì ta không thể đem theo thứ gì cả, mà cái duy nhất đi theo với ta đó là nghiệp. Nếu hiện tại ta sống cho tử tế với nhau thì hệ quả về sau được tái sinh vào cảnh giới an lành tương ứng, còn ngược lại sẽ bị nghiệp dẫn dắt vào những nơi tối tăm đọa lạc và khổ não triền miên.

Thiết nghĩ, nếu chúng ta trải hết tấm lòng ra để sống thì bất cứ ở nơi đâu, tiếp xúc với ai ta cũng được mọi người trân trọng, tin cậy và quý mến! Và nếu, ta thiết lập được một lối sống tốt đẹp như thế thì mới có thể an hưởng được hạnh phúc một cách trọn vẹn cho đời sống hôm nay và mãi mãi về sau.

Để thực hiện được điều này đòi hỏi bạn phải thường trực trở về với chính mình, tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang diễn ra. Đơn cử, khi nâng tách trà lên uống thì bạn phải cảm nhận được hương vị thơm ngon của mỗi ngụm trà, đồng thời phải rõ biết tâm trạng phản ứng của bạn như thế nào trong khoảng khắc ấy. Nhờ vào thái độ trầm tĩnh và quán chiếu này sẽ giúp bạn khai mở sự thấy biết sâu sắc về bản chất thật của sự sống. Nếu trong khi uống trà, ăn bánh hoặc chia sẻ với một ai đó mà bạn có vẻ lơ là không để tâm ý vào câu chuyện đang nói, thì khả năng hiểu biết về nhau cũng như sự thân thiết sẽ bị giới hạn. Vì thế, thường trực quán niệm thân tâm và tỉnh thức trọn vẹn trong mỗi giây phút hiện tại chính là điều kiện tất yếu để thiết lập một nếp sống an vui hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh phồn thịnh, đồng thời phát huy khả năng hiểu biết và lòng thương yêu vô hạn vốn có trong mỗi con người.
 
(SƯUTẦM DIỄN ĐÀN SỐNG VUI)
 
Không ăn món soup nấu bằng dãi nước chim yến.

  Chính tôi đã từng nghe 1 ông Tàu thầu lấy tổ yến khi ông còn ở Việt Nam hơn 40 năm về trước, là những người lấy tổ yến phải đa số vất trứng hay chim con xuống biển để lấy tổ, vì vậy sau đó ông không làm nghề này nữa vì thấy ác quá...
  Món súp chết người
Bài của Denis D. Gray.
 
Ngoài đảo xa, các công nhân gác yến bám trụ ngày đêm - Ảnh: T.L
Súp tổ chim yến.

Ðối với những người ưa chuộng, đấy là một thứ "caviar thần tiên của Ðông phương", một thứ sơn hào hải vị được định giá quá xa xỉ, đến nỗi có một số người giết nhau hay chết vì nó. Ðối với các nhà phê bình, đấy là một món ăn được tạo nên qua sự tàn ác, và được gán cho các phẩm tính không xác thực như bổ trợ tình dục bởi những người Hoa tìm kiếm địa vị.

Sự thịnh hành của món súp nấu bằng tổ chim yến vẫn tiếp tục gia tăng, làm suy giảm số lượng của giống chim, và nẩy ra những "cuộc chiến tổ chim" giữa những người có nhượng quyền với những người đi hái trộm tổ chim, và những người điều hành du lịch đi vào địa phận của họ.

Ông John Gray, một người Mỹ đã đụng độ với những người thu mua tổ chim đầy uy thế tại Vịnh Phang-Nga, nơi chim yến làm tổ trong các hang động của những hải đảo ngoạn mục bằng đá vôi.

Gọi chuyện này là "tống tiền," tổ chức phiêu lưu bằng xuồng của ông Gray ban đầu đã từ chối trả một lộ phí 2.75 mỹ kim một người, do những người thu mua tổ chim đòi hỏi. Họ bảo rằng những người du lịch bằng xuồng làm xáo động các tổ chim, và vì thế lợi tức của họ bị thiệt hại.
 
Món chè yến táo tầu - Ảnh: T.L

Tổ yến thành phẩm - Ảnh: T.L
Ông Gray, chủ hãng Sea Canoe đã đoạt được nhiều giải thưởng về môi sinh, tin rằng những người thu mua tổ chim này là thế lực đằng sau các hăm dọa ám sát ông, và vụ người Quản lý tổ chức điều hành của ông bị bắn suýt chết vào năm1998. Mới đây, ông Gray đã phải nhượng bộ nếu không sẽ có nguy cơ bị đá văng ra khỏi các vùng hải phận Vịnh Phang-Nga.

Khu vực phía nam Thái lan này, cùng với các môi sinh tương tự tại Việt Nam, Nam Dương và Mã Lai, là quê hương của chim yến - một loại chim giống như chim sẻ, khó nhọc xây tổ cho chim con theo hình dạng cái tách bằng nước dãi dẻo dính.

Các tổ chim gắn trên nóc các hang động, được các công nhân thu hái bằng cách leo lên các thang tre cheo leo. Những vụ té ngã bị thương, hay chết không phải là không thường xảy ra.

Việc thu hái thái quá thường xảy ra. Tổ chim bị lấy đi ngay cả trước khi chim đẻ trứng, hay đôi khi chim con bị vất đi, là các hành động đã bị các nhà tranh đấu cho an sinh thú vật cực kỳ chỉ trích.

Hằng triệu tổ chim từ các hang động vùng Ðông Nam Á được gửi đến các cộng đồng người Hoa khắp nơi trên thế giới, những nơi tiêu thụ cao nhất là Hồng Kông, Trung Cộng, và Ðài Loan.

Các khách ăn tại những chỗ như nhà hàng Hồng Kông Fook Lam Moon sẵn lòng trả giá đắt cho tổ yến có phẩm chất cao nhất - 58 mỹ kim một chén súp.

Một số người ăn tổ yến, thường được trộn với nước dùng gà, với gia vị,  hay với nước đường, để khoe giàu và khoe địa vị. Nhưng số nhiều tin rằng tổ yến làm da dẻ trẻ lại, chữa bệnh phổi, và tăng cường tình dục.

Những điều tin tưởng này thực đáng ngờ vực. Các nhà Phân tích hóa học đã chứng minh rằng món súp này có giá trị dinh dưỡng rất thấp. Nhưng cũng như dương vật của cọp, sừng tê giác, và các bộ phận của thú vật hiếm khác, tổ yến được nhiều người Hoa xem là dược chất và thuốc bổ. Nhu cầu cho những loại sản phẩm như trên đang tàn hoại đời sống các thú vật đang bị nguy cơ tuyệt chủng trên khắp hoàn cầu.

Ông Alex Yau, tại văn phòng Hồng Kông của Ngân quỹ Toàn Cầu dành cho Thiên Nhiên, địa khu này đã nhập cảng đến 985 tấn tổ yến trị giá 700 triệu mỹ kim trong khoảng giữa năm 1992 đến 1998.

Một số phần trăm khá lớn của số lượng trên được chuyên chở vào Trung Cộng, nơi mà người ta đã bắt đầu ăn tổ yến từ cả 1,000 năm trước, và nơi mà theo ông Yau sự tiêu thụ đang có khuynh hướng gia tăng cùng với sự giàu có.

Các chuyên gia cho biết nhu cầu gia tăng, và giá cả cao hơn đã gây nên nạn thu hái thái quá, và vì thế đã làm giảm đi số lượng chim yến, nhưng lại khuyến khích việc tổ chức trại gây tổ chim và ngay cả việc buôn bán tổ chim giả làm bằng tinh chất keo.

Navjot Sodhi, một nhà Sinh vật học tại Ðại Học Quốc Gia ở Singapore, cho hay: số lượng chim yến có thể đã giảm xuống đến cả 73 phần trăm trong một vài vùng Ðông Nam Á giữa các năm 1962 và 1990 do việc thu hái thái quá, và việc hủy hoại rừng.

Một cuộc thúc đẩy do các quốc gia Tây phương nhằm bảo vệ chim yến trong Hội nghị về Buôn bán Quốc tế các Chủng giống đang bị họa tuyệt chủng đã thất bại, phần lớn bởi vì sự chống đối của các nước Ðông Nam Á nơi mà có rất nhiều tiền bạc dính líu đến việc này.

Các mối lợi tức quá lớn đến nỗi dân làng tại Nam Dương, Thái Lan, và các nơi khác lùa chim yến vào các nhà bỏ hoang. Một trại tổ chim giống như thế tại miền nam Thái lan có cả băng thâu âm tiếng thác nước để nhử chim.

Các dân làng còn thu hái lén trong các khu vực tổ chim đặc quyền, bàn cãi rằng dân địa phương không có được lợi tức gì trong thương vụ này,  trong khi những người có đặc quyền và chính quyền lấy thuế trên việc thâu hái tổ chim trở nên giàu có.

Ðụng chạm giữa những người thu hái tổ yến có giấy phép và dân địa phương đã gây hậu quả về cái chết của 14 dân làng người Thái trong thập niên 1990.

Trong vụ tranh đấu vô hiệu quả của ông Gray chống lại những người thu mua tổ yến tại Vịnh Phang-Nga, ông đã chỉ  rằng họ đòi tiền mãi lộ một cách bất hợp pháp trong phạm vi một công viên quốc gia.

Nhưng một người điều hành xuồng biển người Thái, ông Thiti Mokapun, bảo rằng: ông biết việc này chẳng mang lại kết quả gì vì các móc nối chính trị đầy thế lực của đám người thu mua tổ yến.

Ông nói: "Chúng tôi cũng muốn tranh đấu với ông John Gray. Chúng tôi đâu muốn trả lệ phí. Nhưng chúng tôi thấu hiểu rằng ở Thái Lan, luôn luôn có các thế lực mạnh mẽ hơn cả chính quyền."

Trong số các thế lực này là những người thu hái nước dãi chim yến.

Ý kiến của người dịch:

Theo bài viết có hai vấn đề chúng ta cần lưu ý, là loài chim yến rất khó nhọc khi xây tổ bằng dải nước miếng của chúng, và các nhà phân tích hóa học đã chứng minh rằng món súp làm bằng dải nước chim yến này có giá trị dinh dưỡng rất thấp.

Việc ăn dải nước chim yến làm làn da trẻ lại, và tăng cường tình dục là một huyền thoại, chỉ nhằm giúp các con buôn và các thế lực chính trị của đám người thu mua tổ yến làm giầu.

Ông John Gray đã bảo vệ các tổ chim yến là một điều quý, đáng ca ngợi nhưng không mấy hữu hiệu. Biện pháp hữu hiệu nhất là chúng ta cùng nhau vận động là không ăn món soup nấu bằng dãi nước chim yến, một món ăn được tạo nên bằng sự tàn ác của con người, và mỗi khi có dịp đi du lịch Thái Lan hay Hong Kong, nhất định không mua yến.

Ăn trên nỗi đau khổ của những con chim yến phải chết vì mất con, mất tổ,  và sống không nơi trú ẩn, là chính vì chúng ta muốn ăn nên mới tạo nhu cầu cho nhà cung cấp. Nếu chúng ta không ăn, nhà cung cấp sẽ không đi phá tổ chim. Rất đơn giản thôi .

 
TỪ BI VỚI MÌNH
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.

Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.

Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!

Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).

Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !

Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !

Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!

Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!

Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.

Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở !

Già
Lâu nay cứ tưởng mình già
Bây giờ mới biết quả là y chang
Suốt ngày nói chuyện thuốc thang
Gặp nhau lại kể cả tràng chuyện xưa

Tivi dỗ giấc ngủ trưa
Sức khoẻ lại giảm, mắt mờ, da nhăn
Đọc chữ phóng đại mấy trăm
Lại còn đãng trí, tần ngần, hay quên

Cả ngày mỏi mắt đi tìm
Hết tìm khoá cửa lại tìm khoá xe
Nhiều hôm thăm viếng bạn bè
Được dăm ba phút nằm phè ngủ ngon

Tóc bạc chen chúc tóc non
Không dám nhổ nữa sợ còn bình vôi
Kiến thức mới nuốt chẳng trôi
Bước ra khỏi cửa trùm người áo len

Ra đường chẳng ai gọi tên
Cứ gọi chú, bác có phiền hay không ?
Khi lên xe buýt dẫu đông
Dăm người nhường chỗ 'Mời ông cứ ngồi

Lại hay nhạy cảm, tủi đời
Thích được săn sóc hơn thời ngày xưa
Thấy tình nhân trẻ vui đùa
Mà lòng chua xót phận vừa cuối thu

Suốt ngày trung tiện lu bù
Cơm thì phải nhão, phở cho thật mềm
Thích nghe tiếng hỏi, lời khen
'Lúc này thon thả, trẻ hơn dạo nào'

Thức ăn cứ lấy ào ào
Ăn thì chẳng nổi mà sao cứ thèm
Ngủ trưa giấc cứ dài thêm
Đứng, ngồi, 'chuyện ấy' ngày thêm chậm rì

Đánh răng, tìm thuốc loại gì
Để răng được trắng không thì khó coi
Cà phê chỉ hớp một hơi
Đêm về trắng mắt nhìn trời đếm sao

Gặp người cùng tuổi như nhau
Thường hay hỏi 'Bác thế nào ? Khoẻ không?'
Cell Phone thì khổ vô ngần
Lúng ta lúng túng thường không trả lời

Để chuông reo mãi một hồi
Mở ra thì đã chậm rồi còn đâu ?
Bệnh tật nó đến từ đâu
Cao mỡ, cao máu lâu lâu ... tiểu đường

Tránh né việc nặng là thường
Việc nhẹ thì cũng đau xương, mệt nhoài
Đi chơi càng khổ gấp hai
Đi đâu cũng ngại đường dài lái xe

Giữ thân cho khỏi tròn xoe
Vòng hai sao cứ bè bè phình to
Thang lầu càng nghĩ càng lo
Chỉ sợ trượt ngã khổ cho thân này

Ngủ thì chẳng ngủ được say
Bốn năm giờ sáng dậy ngay tức thì
Sinh nhật, sinh nhiếc làm gì
Cái chuyện lẻ tẻ ấy thì nên quên

Vẫn hay nhìn kiếng thường xuyên
Xem chân dung đã trở nên thế nào
Buồn tình đếm thử xem sao
Bao nhiêu triệu chứng ấy bao nhiêu già!

 
ÁNH SÁNG TỪ CÂU KINH PHẬT
KHÓ THAY ĐƯỢC LÀM NGƯỜI
THUYẾT LUÂN HỒI
NỖI SỢ MUÔN THUỞ
ĐỜI ĐÁNG YÊU HAY ĐÁNG CHÁN
BIẾT SỐNG TRONG VÔ THƯỜNG
TU PHƯỚC VÀ TU HUỆ