Tuesday, November 19, 2013

*** BÀI HỌC ĐẦU TIÊN CỦA ĐỜI NGƯỜI


        
 Bài học đầu tiên của đời người

1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng, thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Thứ hai, “học nhu hòa”. Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên, cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được. Tâm nhu hòa là một tiến bộ lớn trong việc tu tập.

3. Thứ ba, ”học nhẫn nhục”. Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Thứ tư, “học thấu hiểu”. Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm. Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5. Thứ năm, “học buông bỏ”. Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, nhận lỗi, tôn trọng, bao dung, mới làm cho người ta chấp nhận mình, biết buông bỏ thì mới tự tại được!

6. Thứ sáu,“học cảm động”. Nhìn thấy ưu điểm của người khác chúng ta nên hoan hỷ, nhìn thấy điều không may của người khác nên cảm động. Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7. Thứ bảy, “học sinh tồn”. Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.

8. Thứ tám, "Học Yêu Thương". Chỉ có Yêu Thương mới có thể bao dung, tha thứ , không hiểu lầm ,không  xuyên tạc oán hận , ganh ghét  ngươì xung quanh .

9. Thứ chín : "Học trân trọng" .
Biết trân trọng nhau mới có được Yêu Thương. Trân trọng ngươì khác là trân trọng chính bản thân  mình.

10. Thứ Mươì ."Học chấp nhận"  Biết chấp nhận mới biết yêu thương , tha thứ và trân trọng sự sống và trân trọng tư cách của con ngươì , không phỉ báng con ngươì , vi`chính chúng ta đêù là con ngươì như nhau .


 CÂU CHUYỆN BỐN NGỌN NẾN

Có bốn cây nến đang cháy được đặt trong một tòa nhà rộng lớn. Bốn ngọn nến cháy chậm đến nỗi bạn có thể cảm nhận được từng “hơi thở” của chúng và chúng đang nói về một câu chuyện…
 
Cây nến thứ nhất lên tiếng:
- Tên tôi là Hòa bình, ánh sáng của tôi soi sáng được mọi nơi, nhưng dường như chẳng có ai muốn tôi thắp sáng. Không ai để ý tới tôi, họ không muốn tôi có mặt.
Nói rồi ngọn nến dần tàn và tắt lịm.

Cây nến thứ hai nói:
- Tên tôi là Niềm tin, nhưng dạo này tôi không còn hữu dụng nữa. Bởi lẽ không bao lâu con người cũng chẳng còn niềm tin vào nhau nữa. Vì thế chẳng còn lý do gì để tôi chiếu sáng nữa”.
Đột nhiên, một cơn gió mạnh thổi đến và ngọn nến thứ hai cũng tắt lịm.

Cây nến thứ ba, với giọng buồn buồn, thì thầm:
- Tôi tên là Tình yêu, tôi chẳng còn đủ sức khỏe gì để bừng sáng nữa. Vì người ta đã gạt tôi ra bên ngoài. Mọi người chỉ biết đến chính họ, thậm chí con người còn quên cả việc dành yêu thương cho những người xung quanh.
Rồi không chờ đợi lâu, ngọn nến Tình yêu cũng vụt tắt.

Bất chợt một cậu bé đi vào phòng và nhìn thấy ba ngọn nến đã tắt. Cậu khóc và nói: “Tại sao các bạn lại không cháy nữa? Các bạn phải thắp sáng cho đến phút cuối cùng chứ?”
Ngọn nến thứ tư thấy vậy lên tiếng: “Đừng sợ cậu bé, ta là Hy vọng, ta vẫn ở đây và thắp sáng. Chúng ta có thể hồi sinh các ngọn nến còn lại”.

Ánh mắt cậu ngời sáng khi nghe câu nói của Hy vọng. Cậu lại gần lấy ngọn nến thứ tư đi thắp sáng những ngọn nến đã tắt và ánh sáng dần lan tỏa khắp căn phòng.

Bạn thân mến, cuộc sống của chúng ta đang ngày một thay đổi. Nhưng cũng vì đó mà con người ngày một sống nhanh hơn và dần thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Điều này phải chăng đã khiến ngọn nến của Hòa Bình, của Niềm Tin, của Tình Yêu tắt lịm nơi tâm hồn con người?

Xin đừng quá lo lắng vì chắc hẳn trên đời này còn biết bao người đang tiếp tục công việc của cậu bé – thắp lên niềm Hy vọng trên những ngọn lửa của Hòa bình, Niềm tin và Tình yêu. Vì thế, trên thế giới vẫn đang có biết bao sứ giả đang mang niềm Hy vọng cho nhân loại và cho thế giới hôm nay.



CUỘC ÐỜI TƯƠNG ÐỐI MÀ !

 HT THÍCH NHẬT QUANG


MUÔN VẬT TƯƠNG ÐỐI
Muôn vật hiện có trên cõi đời đều là tương đối. Người thì có nam nữ, loài vật thì có giống cái giống đực, điện thì có điện âm điện dương..., từ lý tương đối ấy mà sanh ra vạn vật. Chính lý tương đối là gốc sinh hóa vô cùng vô tận. Nếu chúng ta tách rời sự vật ra từng phần đơn độc thì sự sinh hóa phải dừng lại. Cuộc sống chúng ta là tương quan trong cái đối nghịch, sinh trưởng trong cái chống chọi. 

Như thế, chúng ta làm sao tìm ra sự bình an hoàn toàn, sự hạnh phúc miên viễn trong cuộc đời tương đối. Sáng suốt nhất là, chúng ta nhìn sự tương đối là lý đương nhiên, không oán hờn, không trách cứ trước mọi sự việc trái ngược nhau. Ðồng thời chúng ta khéo lợi dụng lý tương đối tạo thành những công năng hữu ích cho con người. Thí dụ nước với lửa là đối nghịch nhau, song chúng ta khéo dùng lửa đun sôi nước để nấu chín các thức ăn... Ðiện âm điện dương đối nghịch nhau, chạm nhau là tóe sáng, con người khéo lợi dụng sự phát sáng đó tạo ra vô số công năng của điện... Chừng đó chúng ta mới thấy sự hữu dụng của nước và lửa, của điện âm và điện dương phục vụ cho con người một cách hữu hiệu. Chúng ta cứ sợ nước dập tắt lửa, tách rời xa chúng thì chúng ta có được lợi gì trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không sợ sự đối nghịch của vạn vật, mà chỉ khéo léo sử dụng sự đối nghịch một cách hữu hiệu trong cuộc sống của chúng ta.

BẢN THÂN CON NGƯỜI TƯƠNG ÐỐI
Con người có hai phần vật chất và tinh thần, cả hai phần này đều là tương đối.

Phần vật chất. - Ðức Phật phân tích một cách đơn giản, trong cơ thể con người do bốn thứ cấu tạo thành. Phần cứng rắn là đất, phần thấm ướt là nước, phần nóng ấm là lửa, phần chuyển động là gió. Bốn phần này chung họp làm thân con người và tồn tại một thời gian. Nếu thiếu một trong bốn phần, thân này phải bại hoại. Bản thân bốn phần này lại đối nghịch nhau, nước chống với lửa, gió chọi với đất. Cho nên trong thân khi nước thịnh lửa suy thì sanh ra bệnh lạnh, hoặc phù thũng..., ngược lại khi lửa thịnh nước suy thì sanh ra bệnh nóng, nhức đầu..., khi gió thịnh đất suy thì sanh ra bệnh đau nhức khắp thân thể; khi đất thịnh gió suy thì sanh ra bệnh tê liệt, khó thở...

Do đó mang thân này suốt đời chúng ta phải lo điều hòa tứ đại. Tứ đại được điều hòa thì thân mới khỏe mạnh an ổn, ngược lại thì đau yếu liên miên. Bốn thứ đối nghịch này, chúng ta có nên hủy hoại nó không, nếu chúng ta còn muốn sống? Hay mỗi ngày chúng ta cố gắng điều hòa chúng để cho thân này được an ổn. Bốn thứ thù địch nhau, song nhờ bốn thứ mà thân này mới tồn tại. Như thế, chúng ta sợ ghét sự chống đối hay khéo điều hòa sự chống đối? Muốn thân này được sống còn an ổn, không cách nào hơn chúng ta phải biết điều hòa chúng một cách thích hợp. Ðó là khôn ngoan, là biết sống.

Phần tinh thần. - Nội tâm chúng ta đối nghịch nhau rất là phức tạp. Ở đây tạm chia tâm niệm thiện và tâm niệm ác đối nghịch nhau. Song khi niệm ác dấy lên thì niệm thiện ẩn đi, ngược lại khi niệm thiện dấy lên thì niệm ác trốn mất, hai thứ đối nghịch mà không đồng thời. Vì thế nếu biết tu, chúng ta luôn luôn nuôi dưỡng niệm thiện thì niệm ác lặn mất. Nếu người không biết tu, cả ngày dung chứa niệm ác thì niệm thiện không bao giờ xuất hiện. Nuôi dưỡng niệm thiện là bậc hiền thánh, dung chứa niệm ác là kẻ bạo tàn. 

Chúng ta trọn quyền tạo lập cho mình một chỗ đứng vào hàng thánh thiện, cũng chính chúng ta tự bước lùi vào hang quỉ, chỗ thú cầm. Không ai bắt buộc, không ai lôi kéo chúng ta đến nơi này hay nơi nọ. Do đó, đức Phật dạy chúng ta tu quán Từ bi để trừ tâm sân hận, quán Tứ niệm xứ để diệt mê lầm, hoặc niệm danh hiệu Phật để át tạp niệm... Chúng ta có đủ khả năng làm hiền thánh, chúng ta cũng có đủ chủng tử ngạ quỉ, súc sanh.

Bởi vậy nói tu tâm là chúng ta khéo điều phục những tâm niệm xấu ác, nuôi dưỡng những tâm niệm hiền thiện. Khi sắp lâm chung, những tâm niệm nào mạnh sẽ lôi chúng ta đến cảnh tương xứng. Vì tâm niệm là gốc của luân hồi sanh tử.

Thế thì bản thân chúng ta từ vật chất đến tinh thần đều là tương đối. Như vậy, chúng ta không ưa tương đối, chạy trốn tương đối có được không? Quả là điều dại khờ. Chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt tìm mọi cách điều hòa cho thân an ổn, chinh phục cho tâm hiền thiện. Ðây là việc làm của người biết sống và sống vươn lên.

TƯƠNG QUAN MÌNH VÀ NGƯỜI
Trong cuộc sống tương quan giữa mình và mọi người chung quanh, hầu hết chúng ta mắc phải cái bệnh "cầu toàn trách bị". Chúng ta đòi hỏi những người sống gần với mình phải vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) như ý mình muốn, phải đầy đủ hoàn toàn những điều như tâm mình tưởng. Nếu những người thân chỉ được tám chục phần trăm (80%) trong sự đòi hỏi của mình, sống gần gũi lâu ngày còn hai chục phần trăm bất như ý này sẽ làm cho chúng ta sinh bực bội chán chường. 

Sao chúng ta không đặt lại câu hỏi, chính mình có được vẹn toàn mọi điều như ý mình muốn chăng? Hẳn là không. Mình đã không được vẹn toàn, sao lại đòi hỏi người phải vẹn toàn, có phải là bất công, phi lý không? Ngày xưa ở các nước Ðông phương quyền lập gia đình cho con cái là ở cha mẹ, cha mẹ định sao con cái phải nghe vậy. Do đó có những gia đình vợ chồng không hòa thuận vì không cảm thông nhau, nên đi đến đổ vỡ ly dị. Ngày nay ở các nước Tây phương con cái được quyền chọn lựa đôi bạn cho mình. Họ còn có quyền sống gần với người họ chọn lựa một thời gian, sau mới quyết định thành đôi bạn hay không, cha mẹ không được can thiệp đến đời tư của họ. Thế mà khi đã thành đôi bạn, lại vẫn ly dị nhau. Ðây là lỗi tại ai, cha mẹ ép buộc chăng? Quả thực đây là cái bệnh đòi hỏi vẹn toàn một trăm phần trăm (100%) theo ý mình muốn. 

Bởi không có ai thỏa mãn sự đòi hỏi của mình nên từ thân biến thành sơ. Thế là cứ ly dị mãi, đến già trở thành người cô độc. Chúng ta còn thêm lắm bệnh. Nào là muốn ai cũng khen mình, có người chê là buồn khổ. Muốn mọi người gần mình phải tuyệt đối tuân theo sự sắp đặt của mình, nếu 80 điều họ theo, còn 20 điều họ chống là giận dữ bực tức. Ðòi hỏi người thân của mình phải tốt tuyệt đối, nếu họ có vài ba điều xấu liền chán nản muốn lánh xa.

Ðến tình cảm thương yêu cũng vậy, bắt buộc người thân của mình phải thương yêu mình tuyệt đối, nếu bị chia xẻ cho ai, dù người ấy là thân thuộc hợp lý, vẫn cảm thấy buồn. Chính vì lòng tham lam đòi hỏi quá đáng, khiến người chung quanh chúng ta từ từ muốn xa lánh chúng ta. Ðây là vì không biết cuộc đời là tương đối, nên không thông cảm với mọi người chung quanh, kết quả tự chuốc lấy khổ đau cô độc. Trái lại, chúng ta tập nhìn mọi người với cặp mắt tương đối, không đòi hỏi quá đáng, dễ cảm thông tha thứ nhau. Ðược vậy đời sống sẽ vui tươi, người thân đông đảo, dễ dàng đạt được hạnh phúc.

BỆNH THẦN TƯỢNG
Chúng ta dễ mắc cái bệnh "thần tượng hóa" người mình quí kính. Người mình quí kính là thánh thiện một trăm phần trăm (100%), nếu thân cận thời gian, thấy vị ấy có một vài điều còn phàm tục, "thần tượng" liền sụp đổ. Từ đây ta sanh tâm khinh lờn cho đến bất mãn, không còn tin tưởng vào ai nữa. Ðây là một trọng bệnh, khiến ta tự cao ngạo mạn, mất hết lòng tin. Khi trước do tin vào bậc thầy thánh thiện nên ta tinh tấn tu hành, nay mất lòng tin rồi nên sanh bê tha hư đốn. Tại sao ta không xét nét kỹ càng xem, bậc thầy kia hơn mình bao nhiêu phần? Nếu ta có hai mươi phần trăm (20%) tốt, vị thầy có đến bốn chục phần trăm (40%) hay sáu chục phần trăm (60%) thì rất đáng cho mình học tập theo. Vì vị ấy đã tốt hơn mình gấp đôi gấp ba, còn chê trách nỗi gì. 

Bởi vì vị thầy chưa phải là thánh, là Phật làm sao hoàn toàn thánh thiện được. Chúng ta cảm thông vị ấy đang tu, là còn những cái dở để sửa, để bỏ. Bồ-tát vẫn còn vi tế vô minh, nếu sạch hết vô minh là thành Phật. Biết rõ cái tốt của những vị mình quí kính là tương đối thì mình kính tin vừa phải, chừng mực, không "thần tượng hóa". Nếu thấy vị ấy còn vài nét phàm tục, mình cũng cảm thông tha thứ, vì đây là người đang tu đang tiến, đừng đòi hỏi quá đáng. Hoặc giả ngày xưa mình tin vào vị thầy gần như tuyệt đối, vị ấy dạy gì mình cũng cố gắng làm cho được, nhờ đó trên đường tu mình tiến bộ vượt bậc. 

Nay mình mất lòng tin ở vị thầy ấy, sinh tâm lui sụt, đây là điều sai lầm. Tại sao mình không nghĩ, ta tu là ta tiến, thầy tu thì thầy tiến. Ðâu phải thầy tu hay ta mới tiến, thầy tu dở ta bị lùi. Phải tin vào mình, phải trông cậy vào mình. Phật dạy "các ông phải tự thắp đuốc lên mà đi", lại "các ông phải tự làm cồn đảo cho mình". Thế nên, không vì "thần tượng sụp đổ" mà ta lùi bước. Chính chúng ta phải nhìn các bậc thầy quí kính vẫn là tương đối, thì chúng ta khỏi chới với khi trông thấy vài nét phàm tục của các Ngài.

LỤC TỔ DẠY BA MƯƠI SÁU PHÁP ÐỐI
Trong kinh Pháp Bảo Ðàn, Lục tổ dạy đệ tử sau này có ai hỏi đạo nên dùng 36 pháp đối để trả lời thì không sai tông chỉ nhà Thiền. Nếu người hỏi "có" lấy "không" đáp, người hỏi "sáng" lấy "tối" đáp... Tại sao? Vì nhân nơi "không" mà lập "có". Bởi có cái "không" mới thành lập cái "có", không có cái "không" thì cái "có" cũng chẳng thành. Ngược lại, nhân cái "có" mà lập cái "không", nếu chẳng có cái "có" thì cái "không" cũng vô nghĩa. Ðến cái sáng cái tối cũng thế. Do tối mới lập sáng, nhân sáng mất nói là tối. Hai cái nương nhau mà thành, không có thật pháp. Tất cả sự vật ở thế gian đều là đối đãi nhau mà lập, không có một pháp nào thật. Thế mà chúng ta chấp thật pháp, thật ngã, tăng trưởng si mê, chìm đắm mãi trong biển luân hồi sanh tử. Dưới con mắt của Phật, của Tổ thấy rõ các pháp như huyễn như hóa, nên các ngài ung dung tự tại vượt ra ngoài vòng sanh tử luân hồi. Thấy tất cả là tương đối hư giả là cái thấy của người giác ngộ.

CHỈ TÂM CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT LÀ TUYỆT ÐỐI
Tuy nhiên trong cuộc đời tương đối vẫn có cái tuyệt đối mà ít ai biết đến. Chúng ta cứ quen chạy theo hình sắc thanh âm là những thứ vô thường sanh diệt. Ngay cái sanh diệt lại đòi cho được tuyệt đối, quả là chúng ta bắt bóng mò trăng. Làm gì có, ngay cái đối đãi sanh diệt lại là tuyệt đối vô sanh. Khi chúng ta vin theo hình thức sự vật mà mong được cái chân thật chẳng sanh chẳng diệt. Hãy nghe hai câu sau trong bài kệ trình kiến giải lên Ngũ tổ của người cư sĩ họ Lư: "Xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ."(Bản lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai) 

Có vật là vô thường sanh diệt, dù cứng như chất kim cương cũng là vô thường sanh diệt. Chỉ có tâm thể không hình tướng, không dấy động mới là bất sanh bất diệt. Tâm thể vượt ngoài đối đãi hai bên, vĩnh hằng bất biến. Vừa thấy hai bên là mất tâm thể rồi. Cho nên Tổ Tăng Xán kết thúc bài Tín Tâm Minh (Ghi Tin Tâm) nói "Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm" (Tin tâm không hai, không hai tin tâm). Có hai là còn đối đãi, không hai thì đối đãi với cái gì. Chính cái vượt ngoài đối đãi mới thật là tuyệt đối. Cái tuyệt đối có sẵn nơi mọi con người chúng ta, không phải tìm kiếm bên ngoài. Biết buông tâm niệm đối đãi, sống bằng thể không đối đãi là người giác. Trái lại, chạy theo tâm niệm đối đãi sanh diệt, quên mất tâm thể bất sanh bất diệt là người mê.

KẾT THÚC
Con người chán nản ê chề khổ đau cùng cực, vì những thần tượng của mình dựng lên đều sụp đổ. Còn tin tưởng vào đâu khi lòng tin tuyệt đối dồn vào các thần tượng, mà nay tan vỡ hết rồi. Ðây là người mắc bệnh thiếu thực tế, lúc nào cũng lý tưởng hóa kẻ khác. Khi lý tưởng bị thất vọng, họ đâm ra thù ghét chán chường. 

Cộng thêm bệnh đòi hỏi quá đáng, khiến họ không bằng lòng một người nào trên thế gian này. Thế là, họ đang sống trong đông đảo quần chúng, mà cảm thấy như mình lang thang trong bãi sa mạc. Sự chán đời tuyệt vọng của những người này phát xuất từ sự gởi gấm tất cả lòng tin vào kẻ khác. Chúng ta phải khôn ngoan nhìn mọi người bằng con mắt tương đối, tin mọi người bằng lòng tin giới hạn. Chúng ta sẽ bằng lòng trong cuộc sống này, và sẽ cảm thông tha thứ những người thân với mình khi họ phạm phải sai lầm. Chúng ta còn chỗ nương tựa duy nhất là chính mình. Mình sẵn có hòn ngọc quí mà lâu nay đã quên lãng. Hôm nay khéo tay mở chéo áo lấy hòn ngọc đem ra dùng, đời ta sẽ hạnh phúc biết là bao! 



CẬU BÉ ĐÁNH GIẦY
Ông nhà giàu dạo bước
Trên phố quen hoàng hôn
Gặp chú đánh giày buồn
Lam lũ gầy khổ sở
Chú bé năn nỉ mời
Ông đánh giày cho con
Kiếm vài đồng bạc lẻ
Mua cơm nuôi em nhỏ…
Chạnh lòng thương trẻ khó
Ông lơ đãng gật đầu
Có đáng là bao nhiêu
Vài ba đồng tiền lẻ
Giày xong ông móc ví
Đưa tờ 200 ngàn
Chú bé cầm ngần ngừ
Ông chờ con đi đổi

5 đồng thôi ông hỡi
Đủ bữa tối hôm nay
Anh em con gặp may
Xin ông chờ một chút …
Đã qua 30 phút
Cậu bé không trở về
Ông lắc đầu: chán ghê
Trẻ nghèo hay gian lắm …

Cơm tối xong đứng ngắm
Trăng mới mọc gió hiu
Trong vườn hoa thơm nhiều
Quên bực mình trẻ gạt …

Chuông cửa reo, tiếng quát
Đi chỗ khác mà xin
Nghèo khổ biết phận mình
Lộn xộn tao bắt nhốt …

Ông thong thả cất bước
Thấy một nhóc gầy gò
Đang mếu máo co ro
Giống thằng bé khi nãy …

Có việc gì đấy cháu
Từ từ nói ta nghe
Anh bảo vệ yên nha
Đừng làm trẻ con sợ …

Thằng bé con ấp úng
Hồi chiều nay anh tôi
Cầm tiền của ông rồi
Băng qua đường đi đổi

Chẳng may bị xe cán
Gãy mất chân rồi ông
“Một trăm chín nhăm đồng”
Bảo tìm ông trả lại
Anh tôi giờ nằm liệt
Chỉ muốn xin gặp ông …
Một lần nữa chạnh lòng
Rảo bước theo thằng bé

Đến ổ chuột xập xệ
Gặp thằng anh đang nằm
Mặt xanh tái như chàm
Thở ra tuồng hấp hối

Nói gấp hơi như vội
Xin ông thương em con …
Cha mẹ đã không còn
Con đánh giày nuôi nó …

Nay không may con khổ
Chỉ xin ông việc này ! …
Cho em con đánh giày
Mỗi ngày cho ông nhé …

Kiếm lấy vài đồng lẻ
Mua cơm sống mà thôi …
Chợt thằng anh duỗi tay
Hơi thở lịm như tắt …

Ông già trào nước mắt
Ta sẽ lo em con
Cho ăn học bình thường
Như bao đứa trẻ khác

Cứ bình tâm an lạc
Bệnh viện tiền ta cho …
Thằng anh đã xuội lơ
Hồn bay về thiên giới

Nhân cách nghèo cao vợi
Môi nhợt thoáng nụ cười
Nó sống trọn kiếp người
Dù nghèo nhưng tự trọng
Bao người giàu-danh vọng
Đã chắc gì bằng đâu! …

NGHI LỄ TÙY THUẬN TRONG ĐỜI CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
LUÂN HỒI LÀ ĐAU KHỔ, PHẬT PHÁP LÀ AN LẠC
TẤM LÒNG BỒ TÁT HIẾM CÓ Ở THẾ GIAN
TÂM VÀ TƯỚNG TRONG ĐẠO PHẬT
ĐỨC HỶ XẢ
CON ĐƯỜNG HƯỚNG THƯỢNG