Sunday, September 23, 2012

***QUI Y TAM BẢO


Tác Giả: VIÊN NGỘ

Sống trên cuộc đời, cho dù bạn có nhiều tiền bạc, nhà cửa nguy nga tráng lệ đến mấy thì vẫn cảm thấy trống vắng, buồn chán và bế tắc tâm linh sầu khổ. Bởi khi nào những cảm xúc lo lắng, sợ hãi, thương nhớ, giận hờn… vẫn còn ngự trị trong tâm chưa được chuyển hóa, thì bạn không thể tự do và an lạc. Chỉ trừ khi bạn biết trở về nương tựa Tam bảo để học hỏi và thực hành theo lời dạy của đức Thế Tôn, thì đời sống của bạn mới thực sự an vui và hạnh phúc.
 
Quy y Tam bảo có nghĩa là bạn trở về nương tựa vào ba ngôi báu là Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha). Phật là bậc đã giác ngộ viên mãn, chấm dứt khổ đau và giải thoát luân hồi sinh tử. Tình thương và sự hiểu biết của đức Phật rất lớn, Ngài có khả năng hóa độ cho tất cả mọi người chuyển mê khai ngộ, tạo dựng một đời sống an lành hạnh phúc. Pháp là lời dạy của đức Thế tôn nói ra đúng với chân lý cuộc sống, giúp bạn thấy rõ gốc rễ của mọi vấn đề, nhằm điều chỉnh nhận thức sai lầm của mình và trở thành một con người lương thiện, hữu ích cho xã hội.

Tăng là đoàn thể xuất gia gồm có từ bốn người trở lên, chung sống với nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Các vị này có một nếp sống nhẹ nhàng, thanh thoát và tỉnh thức. Sứ mạng của họ là tiếp nối sự nghiệp trí tuệ và từ bi của đức Phật để trao truyền lại cho chúng sinh bằng những kinh nghiệm thực chứng. Hành trạng của các vị ấy quả thật là cao quý, xứng đáng cho cả nhân loại này tôn kính và cúng dường, bởi không có Tăng thì chúng ta sẽ không thể hiểu lời dạy thâm sâu, quý báu của Đức Từ phụ Thích-ca-mâu-ni.

Chính vì sự hiện hữu của Tăng quan trọng đến như thế, cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng: “Thánh chúng của Như Lai đang đi về nẻo thiện, đang đi trên đường chánh, đang hướng theo giáo pháp, đang thực tập theo giáo pháp và sống đúng tinh thần giáo pháp… Thánh chúng này đáng được tôn kính, đáng được quý trọng, đáng được phụng sự, đáng được cúng dường, và đó là ruộng phước tốt đẹp cho cuộc đời này.” (Kinh Người Áo Trắng, sách Nhật Tụng Thiền Môn năm 2000, Thiền sư Nhất Hạnh soạn dịch).

Như vậy, Tam bảo là nơi an ổn vững chắc, là đỉnh cao của hạnh phúc mà tất cả chúng sinh cần phải quy kính và nương tựa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít người đến chùa quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, nhưng họ vẫn chưa đủ phước duyên để học hỏi đạo lí một cách cặn kẽ; có thể vì hoàn cảnh khách quan hoặc chính bản thân họ thiếu sự phấn đấu để được tiếp nhận Chánh pháp. Cho nên họ chưa sống đúng với nội dung quy y Phật, Pháp và Tăng, vì thế những phiền não khổ đau vẫn cứ mãi bủa vây, đeo đẳng. Thực ra, khi bạn đến chùa làm lễ quy y chỉ là chọn cho mình một con đường để đi, chứ bạn chưa thực sự bước đi trên con đường sáng đẹp đó. Trừ khi bạn hiểu được lời Phật dạy và ứng dụng lời dạy ấy vào trong đời sống hàng ngày.

Có những người hiểu nhầm rằng, quy y Tăng là quy y với một vị thầy hay một sư cô nào đó, còn các vị ở chùa khác thì không cần biết đến. Do nhận thức sai lầm như thế, nên họ thiếu cơ duyên tiếp xúc với những vị thầy khác để được học hỏi đạo lí. Chúng ta phải hiểu rằng, Tăng là đoàn thể xuất gia từ bốn người trở lên, còn cá nhân của một vị Tỳ-kheo không thể gọi là Tăng.

Việc quy y Tam bảo là tùy vào nhân duyên, hoàn cảnh sống của mỗi người để có thể nương tựa và học hỏi với một vị Tỳ-kheo nào đó, nhưng không phải chỉ duy nhất quy y vị ấy. Mặt khác, quy y không phải là nhờ thầy đặt cho bạn pháp danh, để rồi thỉnh thoảng bạn mới đến chùa lễ lạy cầu xin “mua may bán đắt”… Với hành động mê tín như thế, vô tình bạn đã tự tạo ra nghiệp xấu cho bản thân và ảnh hưởng không nhỏ đến những người muốn phát tâm quy hướng Tam bảo.

Chúng ta đến với đạo Phật không phải là van xin cầu nguyện, mà đến để học cách sống như thế nào cho có an vui và hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn đã biết trở về nương tựa Tam bảo thì cần phải tìm hiểu giáo pháp cho tường tận, để từ đó bạn có cái nhìn đúng đắn và thấu suốt được mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Ý nghĩa thâm sâu hơn của việc quy y Tam bảo ở đây chính là nương tựa vào ba đức tính sáng suốt (phật), chân thật (pháp) và thanh tịnh (tăng) vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, gọi là “tự quy y”. Thực ra, trong tâm thức của chúng ta vốn thanh tịnh, trong sáng nhưng vì vô minh ái dục che lấp nên cái thấy biết “như thật” về các pháp bị lu mờ. Do đó, để khai mở tuệ giác, bạn cần phải thường trực nhận diện và quan sát mọi hoạt dụng của thân tâm và hoàn cảnh đương tại. Khi tâm ý vắng lặng, an tịnh thì bạn sẽ thấy rõ được sự vận hành tương giao của các pháp, và với cái nhìn thông suốt như thế bạn mới thực sự là người quy y Tam bảo.

Nếu như mỗi hành động, nói năng và sự suy nghĩ của bạn vắng mặt tự tính thanh tịnh, chân thật và sáng suốt thì kể như bạn đã quy y vào bản ngã tham sân si. Và dĩ nhiên, đời sống của bạn luôn luôn sẽ bị phiền não khổ đau giam hãm, trói buộc. Vì vậy, quy y Tam bảo không phải là việc chú trọng về hình thức lễ nghi, mà đòi hỏi bạn phải biết cách để quán chiếu về thân, khẩu và ý của mình trong từng giây từng phút. Nếu bạn thực hành đúng như lời Phật dạy thì sẽ đạt đến đỉnh cao của hạnh phúc, không có gì cao quý hơn nữa nên gọi là “Bảo”. Thiết nghĩ, cho dù mọi thứ trên thế gian này quý giá đến mấy chăng nữa cũng không thể nào giúp con người thoát khỏi khổ đau, chỉ có nương tựa vào Chánh pháp, nương tựa chính mình mới có thể tạo ra hạnh phúc miên viễn.


Trở về nương tựa Tam bảo, nghĩa là bạn đang bước đi trên con đường hiểu biết và thương yêu như đức Thế Tôn đã đi. Bạn muốn bước đi trọn vẹn trên con đường cao đẹp ấy, không gì hơn bạn cần phải thực hành “có ý, có tứ” trong mọi lúc mọi nơi. Dù làm bất cứ việc gì bạn cũng nên chú tâm vào công việc đó (ý), và quan sát rõ ràng những gì đang xảy trong hiện thực (tứ). Nghĩa là bạn phải rõ biết mọi hoạt động và trạng thái của thân tâm mình trong thực tại đang là.

Ví dụ, khi thực tập Yoga hay Thái cực quyền bạn cần phải nhận diện rõ toàn cơ thể của mình đang đứng lên và ngồi xuống, quay qua trở lại đồng thời kết hợp với hơi thở vào, hơi thở ra thì khả năng tập luyện ấy sẽ đem lại kết quả tốt đẹp như bạn mong muốn. Trong khi lái xe cũng vậy, bạn cần phải quan sát rõ ràng các diễn biến đang xảy ra trên đường đi, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Nếu như trong khi lái xe mà bạn thiếu ý tứ thì rất nguy hiểm cho bản thân cũng như cho kẻ khác. Và hành động bất cẩn ấy sẽ bị mọi người xung quanh chỉ trích rằng: “sao anh chạy xe gì vô ý tứ quá vậy”!

Nghĩa là, hai bàn tay và con mắt của bạn vẫn đang hoạt động ở đây, nhưng cái tâm thì rong ruổi phiêu lưu một nơi khác chứ không có mặt trong khi lái xe.

Thật rõ ràng, khi con người sống trong mê mờ và lãng quên thực tại thì sẽ tạo ra không biết bao nhiêu là khổ đau cho chính bản thân và cho kẻ khác. Trái lại, nếu bạn sống có tỉnh thức thì không làm tổn thương cho bất cứ một ai. Do đó, để mỗi việc làm, lời nói và sự suy nghĩ của mình đem lại lợi ích cho bản thân và cho cuộc đời này, bạn cần phải thắp sáng “ý tứ” trong mỗi giây mỗi phút, và đây cũng chính là ý nghĩa thâm sâu, thiết thực nhất của việc quy y Tam bảo.


 
Ông ấy cần tôi


Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già .

Cô nói : ”Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!”

Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, siết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi.

Cô y tá lăng xăng mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn.

Người bệnh già thì chẳng nói được câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.

Sáng ngày ra, người bệnh thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường và đi báo tin cho cô y tá.

Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên thì chàng này hỏi cô rằng: ”Ông ấy là ai vậy? tên là gì?”

Cô y tá ngạc nhiên: ”Tôi tưởng ông ta là cha anh?” Chàng thanh niên trả lời: ”Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.”

Cô y tá kêu lên: “Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”

Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá, cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”

SƯU TẦM


 
COI LAI ĐÈN DẦU

Một người nọ mù luôn hai mắt,
Bạn anh ta tặng cặp đèn pin.
Anh mù rất đỗi ngạc nhiên:
“Mắt tôi chẳng thấy, khỏi phiền tới anh.”
Anh bạn đáp: “Cũng cần đèn chứ,
Khi ra đường anh cứ giơ lên,
Đang khi đi giữa màn đêm,
Người ta nhìn thấy tránh bên kịp thời.”
Nghe có lý anh thời vui nhận,
Vừa đi xa một đoạn bất ngờ,
Có người đêm tối đụng vô,
Bực mình anh quát: “Bộ mờ mắt sao?
Đèn pin sáng giơ cao như vậy,
Sao anh không chịu thấy giùm cho?”
Người kia khi ấy phân bua:
“Đèn anh tắt tự bao giờ rồi nha!”
Nguyễn Tường Dec 31, 2010 


ĐỪNG QUA LO ÂU

“Thưa sư phụ: Thế nào sống đạo,
Cách siêng năng, chu đáo, thành toàn?”
Thầy rằng: “Khi đói cứ ăn,
Khi mệt cứ ngủ, khỏi cần lo âu.”
“Điều thầy dạy người nào chẳng sống,
Chưa phải là ý rộng, nghĩa sâu.”
Thầy rằng: “Không hẳn vậy đâu,
Xem trên toàn cõi địa cầu ít ai.
Đã thực hiện như lời thầy dạy.
Mà thực ra chỉ thấy toàn là.
Mỗi ngày vừa mở mắt ra,
Tính toan, ao ước hoặc là âu lo.”

Nguyễn Tường Dec 31, 2010


THIỀN TRONG CHÉN NƯỚC

Giáo sư nọ nghe môn thiền đạo,
Gặp thiền sư tham khảo, xem qua.
Ông này mời uống nước trà,
Chiếc ly tràn đổ vậy mà chẳng ngưng.
Giáo sư nói: “Xin đừng rót nữa,
Ly đã tràn ông chớ rót thêm.”
Thiền sư khi ấy đứng lên:
“Giáo sư, tôi nhắc chớ quên ý này:
Ông đầu óc đã đầy kiến thức,
Nếu không ngay lập tức cạn đi,
Học thiền như thế ích gì,
Cũng như ông thấy chiếc ly đã tràn.”

Nguyễn Tường Dec 31, 2010

Saturday, September 15, 2012

*** TINH THẦN PHẬT GIÁO TRONG LÒNG NGHỆ SĨ

image
                    NỮ NGHỆ SĨ BẠCH TUYẾT

“Tôi tin cải lương sẽ sống mãi trong lòng dân tộc”

"Tôi rất vui khi một số em còn rất trẻ ở một số lớp do tôi đào tạo đã đạt được huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi quan trọng như Chuông Vàng vọng cổ được tổ chức hàng năm. Tôi tin cải lương sẽ sống mãi trong lòng dân tộc", NSND Bạch Tuyết nói.
 
Sau 4 năm nghiền ngẫm, Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã chuyển thể kinh Pháp Cú thành một trường ca vọng cổ. Tác phẩm này đã được NXB Tôn Giáo ấn hành cùng với DVD "Lời Phật dạy". Năm 2007, Bạch Tuyết đã được Trung tâm kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia Việt Nam với công trình độc đáo này.

Trả lời câu hỏi lý do nào khiến cô đưa tinh thần Phật giáo đi vào nghệ thuật cải lương, Bạch Tuyết nói: "Theo sử sách thì đời Lý, Trần là những thời kỳ hưng thịnh của Việt Nam. Thời bấy giờ, cùng với đình làng, ngôi chùa là trung tâm văn hóa của cả cộng đồng, nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền đậm nét dân gian. Lấy tinh thần Phật giáo để trị nước nên các vua Lý, Trần đã nhiều lần xuống chiếu đại xá cho những phạm nhân biết ăn năn hối cải. Miễn giảm sưu thuế cho dân những năm mất mùa, thiên tai, địch họa.

Tinh thần Phật giáo luôn biểu hiện lòng nhân ái, đức hiếu sinh, đã khiến lòng dân trên thuận dưới hoà. Nguồn cội này đã đi vào nghệ thuật sân khấu truyền thống với nhiều tuồng tích nặng tính đấu tranh giữa cái thiện và cái ác theo đúng luật nhân quả, mang tính giáo dục cao, thấm sâu vào hồn dân tộc. Riêng nghệ thuật cải lương được hình thành từ đầu thế kỷ 20, trong đó chủ đề Phật giáo cũng được khai thác rất nhiều qua các vở diễn kinh điển như Tam Tạng thỉnh kinh, Mục Liên Thanh Đề, Quan âm Diệu Thiện, Quan âm Thị Kính. 

Có lần  tôi được nghe các vị tôn túc Phật giáo nói: Đáng tiếc là nhiều thập niên gần đây, một vài vở cải lương về đề tài Phật giáo đã luận giải chưa được chính xác tinh thần Phật giáo. Đó là do tác giả thiếu điều kiện nghiên cứu Phật học một cách xuyên suốt và có hệ thống. Đơn giản, cứ cho nhân vật trung tâm rơi vào một nghịch cảnh nào đó, nên từ bỏ cuộc đời, nương nhờ cửa  Phật. Vì thế, tính chất nhập thế, giải thoát và trạng thái niết bàn vốn cốt lõi của đạo Phật đã ít nhiều bị hiểu sai lạc. Với vốn kiến thức hiểu biết của mình, tôi mong ước có nhiều cơ hội học hỏi lắng nghe, nhận ra phần nào tinh thần chính thống của Phật Giáo, góp phần cùng các bậc tài hoa hỗ trợ sân khấu cải lương, khơi dậy tính nhân bản trong dòng văn hóa dân tộc".

Đạo Phật trong nhận biết của tôi, không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường mà là phương pháp, là con đường dẫn đến giác ngộ, sự thể nhập chơn lý qua tri thức và hành động thực tiễn. Tôi cố gắng tập sống theo giáo lý vi diệu của Đức Phật, tự tìm đến và nương theo sự hướng dẫn của những bậc chân tu. Tôi học hỏi ở các vị thiện trí thức, các đồng đạo, nơi các vị không cùng chung chính kiến, nơi những người thương tôi và cả những người mang nặng thành kiến với tôi. Đâu đâu tôi cũng nhận được những bài học quý báu không hề có trong sách vở nhà trường. Vốn là người học Thiền và hành Thiền, cho nên, tôi luôn sống cố gắng để khi gặp việc, tôi luôn làm hết lòng và khi hết việc rồi thì buông tất cả. 

 Tôi tiếp nhận tư tưởng thiền đạo để an nhiên một cõi đi về.


  TÌNH MẸ RUỘT

Vào một ngày nọ, có một người mẹ trẻ bế đứa con thơ của mình ra ao để tắm. Tắm cho con xong, bà đặt đứa bé nằm trên bờ một mình rồi xuống ao tắm. Lúc đó có một người đàn bà khác đi ngang qua, người đàn bà này nhìn thấy đứa bé trên bờ ao, bà ta dừng lại và trìu mến nhìn đứa bé. Bà ta rất vui thích và bị cuốn hút bởi đứa bé. Thế là bà ta sanh tâm muốn chiếm đoạt đứa bé. 

Nhìn thấy người mẹ đang tắm dưới ao, người đàn bà ngỏ lời: "Tôi thích đứa trẻ này lắm, chị có phiền gì không nếu tôi ẵm nó một chút?". Người mẹ không phản ứng gì cả. Người đàn bà hỏi tiếp: "Tôi có thể cho đứa bé bú được không?". Người mẹ đồng ý. 

Người đàn bà ẵm đứa bé lên cho bú, được một lát y thị len lén bồng đứa bé bỏ chạy. Nhìn thấy người đàn bà ẵm con mình đi, người mẹ vội vã lên bờ và rượt theo người đàn bà lạ mặt. Người mẹ đuổi kịp người đàn bà và đòi lại đứa con. Nhưng người đàn bà kia không những không chịu trả lại đứa bé, mà thị còn tố cáo người mẹ thật là cố tình vu khống thị, y thị nói rằng đó là đứa con ruột của thị. 

Hai người đàn bà tiếp tục tranh cãi, và cuối cùng họ đã kéo nhau đến công đường. Sau khi lắng nghe câu chuyện của họ, vị quan bắt đầu phán xử. Vị quan vẽ một đường thẳng giữa công đường, ông yêu cầu hai người đàn bà, mỗi người đứng một bên. Rồi ông bảo người đàn bà độc ác đứng nắm một chân đứa bé bên này và người mẹ bên kia cũng được yêu cầu làm như vậy. Vị quan nói: "Bây giờ hai vị hãy kéo đứa trẻ, nếu đứa trẻ được kéo qua khỏi lằn ranh bên nào thì đứa trẻ sẽ thuộc về người đó".

Hai người đàn bà nắm hai chân đứa bé và bắt đầu kéo, đứa trẻ cũng bắt đầu la khóc vì bị đau. Lập tức, người mẹ thả chân đứa con ra không kéo nữa và bà ta cũng khóc. Vị quan quay qua hỏi mọi người đang tụ tập trước công đường: "Đó, có phải là trái tim của người mẹ hướng đến con hay trái tim của người đàn bà khác?". Mọi người đều nói: "Đó chính là trái tim của người mẹ dành cho con". Vị quan hỏi tiếp: "Vậy ai là người mẹ thật sự, người đàn bà từ chối kéo con hay người đàn bà đang kéo mạnh tay?" - " Tất nhiên, người mẹ thật sự là người đàn bà đã từ chối kéo con vì bà không muốn con mình bị tổn hại", mọi người đáp.
Cuối cùng người mẹ được phép nhận lại đứa con và tạ ơn vị quan đã phân xử một cách khôn ngoan đem lại công bằng cho bà.
Câu chuyện trên đã làm nổi bật lên chân lý ngàn đời của tình mẫu tử. Người mẹ không bao giờ muốn làm tổn thương đến con cái của mình dù chỉ trong chốc lát. Ở đây, người mẹ đã không muốn làm đau đớn con ngay cả trong giờ phút xem như đứa con thuộc về người đàn bà khác. Người mẹ đã hy sinh tất cả chỉ vì bảo vệ cho con mình, tất cả chúng ta hiểu được sự hy sinh đó hay không?


 LỖI LẦM CỦA MẸ

Ngày xưa có một góa phụ sống với một đứa con trai duy nhất của mình. Bà yêu thương đứa con vô cùng, cũng vì thế mà đứa con được tự do muốn làm gì thì mặc tình, muốn đi đâu thì mặc ý. Người mẹ biết nhưng không ngăn cản, cứ để cho đứa con tự do tung hoành.
Thời gian trôi qua, cậu bé này đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh nhưng lại là một đứa hư hỏng. Hắn có thói quen đi chơi hoang thâu đêm suốt sáng và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng con đường trộm cắp. Mới đầu, hắn hả hê với nghề ăn cắp vặt. Khi hắn mang "chiến lợi phẩm" ăn cắp được về nhà, người mẹ không những tiếp nhận nó một cách vui sướng mà bà còn khuyến khích hắn tiếp tục đi theo con đường tội lỗi này. 

Cuối cùng, việc gì phải đến đã đến, hắn đã trở thành một tên cướp khét tiếng và đã bị quân lính bắt giam, hắn không chút sợ hãi và đã thú nhận mọi tội ác của mình trước đứa vua. Đức vua đã phán tội chết cho hắn. Trước ngày hành quyết, hắn xin phép quân lính được gặp mẹ lần cuối. Lời cầu xin này đã được chấp thuận và người mẹ được đưa đến gặp hắn. Tên cướp đã ôm chặt lấy mẹ và cắn vào lỗ tai của bà một cái thật mạnh. 

Sự việc kỳ lạ này đến tai đức vua và tên cướp đã được đưa đến gặp ngài.
Đức vua hỏi: "Tại sao ngươi lại cắn vào tai của mẹ mình?".

Tên cướp giải thích: "Tâu Bệ hạ, thảo dân là một đứa con duy nhất của bà. Lẽ ra bà phải có trách nhiệm giáo dục thảo dân trở thành một người tốt. Thay vì bà làm điều tốt đẹp đó thì bà lại khuyến khích thảo dân đi vào con đường tội lỗi, bà chưa bao giờ khuyên bảo hoặc ngăn cản những việc làm xấu xa của thảo dân". Tên cướp trình bày tiếp - "Nếu bà cảnh cáo thảo dân về hành vi vô đạo đức của mình thì từ lâu thảo dân đã trở thành một công dân lương thiện. Nhưng bà không làm được điều đó; vì thế thảo dân đã đánh mất cuộc đời của mình trong con đường tội lỗi này. Thảo dân suy nghĩ, trong giờ phút cuối cùng này, thảo dân phải nhắc nhở mẹ thảo dân như một bài học để thức tỉnh những bà mẹ khác, ít ra qua sự kiện này sẽ giúp cho họ quan tâm đến con cái và giáo dục con cái của họ trở thành những người tốt trong xã hội. Đó là lời giải thích của thảo dân, tâu Bệ hạ, và đó là cũng là lý do tại sao thảo dân đã cắn vào tai của bà". 


Câu chuyện đã không ghi lại phản ứng của đức vua ra sao sau khi nghe lời thú tội này của tên cướp. Tuy nhiên tính đạo đức của câu chuyện là một lời cảnh cáo mạnh mẽ đối với tất cả các bậc cha mẹ. Bất cứ khi nào cha mẹ phát hiện ra những hành vi bất thường của con mình thì phải lập tức khuyên can ngay và dạy con đừng bao giờ sa chân vào con đường vô đạo đức ấy. Nếu không thực hiện điều này thì những lỗi lầm nhỏ nhặt ban đầu của đứa trẻ sẽ có điều kiện phát triển nhanh và trở thành là mầm mống để dấn sâu vào con đường tội lỗi, sự phá sản cuộc đời của đứa con cũng bắt đầu từ đây và trong đó có cả sự tiếp tay của cha mẹ. 

Trong xã hội ngày nay, có nhiều gia đình dường như không còn tồn tại mối quan hệ thân thiết, gần gũi, liên lạc hằng ngày giữa cha mẹ và con cái. Hậu quả là con cái của họ bị sa bước vào con đường suy đồi và tội lỗi. Do vậy, sự khuyên răn, thảo luận thân mật, chịu khó lắng nghe giữa cha mẹ và con cái là điều tối cần thiết trong mỗi gia đình và điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành nhân cách của con cái chúng ta. 


Mẹ ơi, đừng đi nhé!

Lời người dịch: Những cơn mưa cứ chợt đến chợt đi trong mùa đông giá lạnh, nhưng đối với QT những cơn mưa rả rích, cái lạnh của mùa đông lại là dấu hiệu của một mùa Vu Lan sắp đến, mùa Vu Lan ấm áp tình thương, mùa của bao dung và độ lượng, mùa Vu Lan nhắc nhớ ân nghĩa sinh thành, mùa báo hiệu kết thúc mùa An Cư… Một mẩu chuyện ngắn trong cuốn sách tiếng Anh mà QT tình cờ đọc ở thư viện đã làm QT cảm động và muốn chia sẻ với mọi người. Mẩu chuyện cảm động không phải là một câu chuyện lâm ly bi đát dễ làm ta rơi lệ, không phải là một câu chuyện hay, hấp dẫn lôi cuốn làm cho ta thích thú từ đầu đến cuối mà chính là tình cảm thiêng liêng giữa Mẹ và con mà đôi khi giữa cuộc sống bận rộn thường nhật ở xứ lạ quê người làm chúng ta không cảm nhận được những tình cảm thật đơn giản nhưng rất sâu sắc đang hiện hữu trong đời…. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời an ủi,…không là gì nhưng lại có một ý nghĩa lớn lao khi người cần đến người, khi người với người đến với nhau bằng tấm lòng thương yêu và rộng mở. QT xin mến tặng đến tất cả và ước nguyện tất cả chúng ta hưởng một mùa Vu Lan ấm áp bên Ba Mẹ, gia đình và những người thân thương cho dù là bây giờ hay mãi mãi…
Quảng Tịnh Kim Phương


Tôi vẫn nhớ mãi hồi còn bé tí, tôi vẫn thường hay đeo mẹ suốt ngày. Tôi nghe mẹ kể lại hồi tôi cỡ ba, bốn tuổi, mỗi khi mẹ chuẩn bị đi làm thì tôi lại hai tay quàng cổ mẹ và van xin: “Mẹ ơi, đừng đi nhé!”. Và đương nhiên là mỗi lần như vậy mẹ lại vỗ về là bà sẽ về nhanh, nhưng đối với tôi một phút trôi qua sao mà dài đăng đẳng đến thế. Khi vỗ về tôi không được, mẹ lại quay sang dụ khị tôi bằng trò cũ: “Con gái của mẹ, mẹ phải đi làm kiếm tiền và mua đồ chơi cho con nhé!” Người anh trai của tôi mà nghe đến đồ chơi thì xoa đôi bàn tay nhỏ sung sướng gào rú lên. Nhưng còn tôi thì khác, duy chỉ có mẹ là quan trọng nhất trong đời và là người làm cho tôi vui thôi.

Ngồi nhớ lại tôi thật cám ơn mẹ đã nghỉ hưu sớm để ở với tôi (Tôi thích thú với ý nghĩ mẹ nghỉ làm sớm là vì đòi hỏi dai dẳng của tôi). Đã bao năm trôi qua nhưng tình thương yêu, lòng kiên nhẫn và những lời dạy dỗ của mẹ đã mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc. Cho dù bây giờ tôi đã có ba đứa con gái nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn xúc động về mối tình cảm yêu thương đặc biệt rất thiêng liêng, không thể diễn đạt bằng lời vẫn hiện hữu giữa mẹ và con gái của mình.

Mùa hè vừa qua khi mẹ tôi vào độ tuổi bảy mươi ba bất ngờ phải cần phẫu thuật nông tim. Lần cuối trước đó khi mẹ tôi phải nhập viện là lần sinh tôi ra khi bà bốn mươi sáu tuổi. Mẹ tôi bị suy tim và thở phải cần bình dưỡng khí oxy. Van tim của bà bị hẹp và bà còn bị chứng phình động mạch chủ. Dù tôi không phải là bác sĩ, nhưng tôi biết rằng chỉ có phẫu thuật thì mẹ mới có thể sống còn. Tôi nhanh chóng tìm hiểu quá trình trước và sau khi mổ như thế nào, nhưng tôi phải mạnh mẽ để lo cho mẹ như bà đã từng lo cho tôi khi còn nhỏ.

Cả tuần trước khi giải phẫu, lúc nào tôi cũng ở cạnh mẹ; thậm chí tôi xin được phép ngủ cùng phòng với bà. Đó là một khoảng thời gian rất đặc biệt cho mẹ con tôi. Chúng tôi ngồi ôn lại kỷ niệm về gia đình, đặc biệt là tám đứa cháu tuyệt vời, vừa tâm sự với nhau vừa ngắm nhìn mặt trời mọc và hoàng hôn trên chiếc cầu George Washington. Những ngọn đèn trên cầu chiếu sáng rực rỡ như những viên kim cương vào ban tối, nó tỏa sáng xa đến nổi như muốn chạm phải khi nhìn ra từ cửa sổ phòng của mẹ. Khi ngày giải phẫu đến gần kề, tim tôi thầm bảo mình phải cổ vũ tinh thần cho mẹ và làm cho mẹ yên lòng để đương đầu với cuộc giải phẫu quan trọng này.

Cuối cùng rồi cũng đến ngày phẫu thuật. Chúng tôi đã ôm hôn, an ủi và cổ vũ mẹ từ căn phòng của bà qua đến hành lang, vào thang máy và vào tới phòng đợi giải phẫu.

Khi đến nơi thì chúng tôi mới biết mình đang ở phòng chờ đợi. Cũng giống như bao gia đình khác ở chung quanh, chúng tôi chia sẻ với nhau sự đồng cảm khi nhìn đồng hồ chờ đợi. Cứ mỗi khi nhóm bác sĩ giải phẫu bước vô, thời gian dường như ngừng lại. Mỗi gia đình đều hiện lên sự mệt mỏi, căng thẳng chờ đợi cũng như trong thân tâm đều lặng lẽ cầu nguyện khi chúng tôi ngồi tụm lại gần nhau trong thế giới nhỏ bé của mình, ngồi ở ghế bành, ngồi quanh bàn uống cà phê, nói chuyện, đọc sách, ngủ, chờ đợi… chỉ biết chờ đợi… để chỉ mong nghe được những lời: “Mọi thứ đều ổn”.

Khoảng bốn giờ kế tiếp, chúng tôi đứng ngồi không yên và cuối cùng thì gặp được vị bác sĩ phẫu thuật cho mẹ. Chúng tôi chăm chú nghe khi bác sĩ trình bày ca phẫu thuật đã tiến hành tốt đẹp như dự định. “Bà cụ sẽ được đưa về phòng hồi sức trong chốc lát”, ông trấn an chúng tôi. “Bây giờ thì đợi gọi nhé!” Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và ngồi ngã người ra phía sau ghế. Bây giờ thì chỉ có đợi thôi, tôi thầm nghĩ khi liếc nhìn những cái điện thoại trên tường, mỗi cái đều được ghi tên các phân khoa khác nhau. Những cái điện thoại này bây giờ là  những sợi dây ràng buộc với những người thân thương của chúng tôi. 
Khi chuông điện thoại reo lên, phá tan sự yên lặng trong phòng đợi khi ai gần đó bắt nhanh điện thoại rồi gọi tên của một gia đình. Điều này có nghĩa là khi người thân đã ở phòng hồi sức và chúng tôi có thể thăm “Năm phút mỗi một giờ”. Chúng tôi thấp thỏm chờ đợi khi nghe lần lượt hết tên người này đến tên người khác được gọi. Hai giờ đồng hồ trôi qua mà vẫn chưa nghe tên mẹ tôi. Có chuyện gì xảy ra chăng? Tôi thầm tự hỏi khi đi đứng không yên như trông chờ sinh con vậy. Cuối cùng thì tôi điện tới phòng hồi sức và chỉ biết được là mẹ chưa được đưa về đây. Một thoáng sợ hãi làm tôi không tự chủ được.

Cuối cùng vào lúc ba giờ rưỡi chiều, chúng tôi được thông báo là đã xảy ra những biến chứng khi gần kết thúc ca mổ và các bác sĩ đã phải phẫu chuyển hướng mạch máu lần thứ ba. Cái ý nghĩ mất mẹ làm tôi chới với. Tôi cảm thấy nghẹt thở. Tôi khóc sụt sùi. Đây là cái ngày tệ nhất trong đời tôi!

Thời gian tưởng như là vô tận, nhưng cuối cùng tên chúng tôi cũng được gọi lên sau mười tiếng rưỡi đồng hồ chờ đợi, chúng tôi nhanh chân đến phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi đứng như hóa đá ở cửa vào, sợ hãi khi nhìn thấy thân thể yếu đuối được nối với nhiều máy móc như thế. Những người mẹ không bao giờ bị khuất phục, tôi tự nói với mình và bước đến gần, cố gắng ngăn những dòng nước mắt. Sau phẫu thuật thật không dễ dàng cho gia đình bệnh nhân chút nào cho dù đã được giải thích những gì có thể xảy ra, nhưng không ai trông mong thấy người thân của mình trong tình trạng như thế này. Khi chúng tôi rời phòng, tôi đã hôn lên trán mẹ và thì thầm: “Con thương mẹ lắm!”

Sáng hôm sau khi cô y tá kéo màn cửa, mẹ tôi đã thức giấc. Mắt mẹ bắt gặp ánh mắt tôi. Mẹ muốn nói điều gì nhưng không thể được vì cổ họng đang được nối với một cái ống. Chúng tôi nói với mẹ là mẹ đã cố gắng thật nhiều trong suốt ca phẫu thuật và mọi thứ đều ổn, vì vậy bây giờ mẹ cần nghỉ ngơi thật nhiều. Sau năm phút, cô y tá nhắc chúng tôi giờ thăm đã hết và chúng tôi có thể quay trở lại trong vòng một tiếng nữa. Khi chúng tôi rời phòng, mẹ ra hiệu cần một cây viết. Với liều lượng thuốc mê ngày hôm qua tôi không tin là mẹ có đủ sức để viết. Tôi nhìn mẹ cố gắng từ từ nắn nót từng chữ một hàng chữ: “Con ơi, đừng đi nhé!”

Tôi nhẹ nhàng nâng tờ giấy cho cô y tá xem, chúng tôi nhìn nhau mỉm cười và nhìn mẹ tôi. Và cũng từ giây phút đó, cô y tá đã cho phép tôi mỗi ngày được ở với mẹ như ý muốn. Tôi có thể cảm nhận rằng cô y tá đã hiểu được tình cảm đặc biệt giữa mẹ con chúng tôi mà không thể nào diễn đạt bằng lời. Ngày theo ngày, mẹ tôi đã khỏe mạnh nhiều. Một sự hồi phục thật đáng ngạc nhiên!

Khoảng một tháng sau, khi tôi đang chùi cuốn sổ bỏ túi, một mảnh giấy nhỏ rớt lên kệ. Khi mở tấm giấy ra, tôi mỉm cười và nước mắt trào ra khi đọc hàng chữ ngọt ngào đã được cẩn thận viết trên tấm giấy nhỏ: “Con ơi, đừng đi nhé!”. Hàng chữ đó sẽ mãi mãi ở trong tim tôi, trân quý mối tình cảm đặc biệt mà mẹ con tôi đã chia sẻ với nhau. Tôi nhận ra rằng lời thỉnh cầu tuy đơn giản nhưng rất sâu sắc xoay vần như tôi đã từng tôn trọng đáp ứng thỉnh cầu cấp bách và da diết của mẹ cũng giống như mẹ đã từng đáp ứng cho tôi khi còn bé.
Nguyên tác tiếng Anh: Mamie Amato Weiss
Melbourne, Vu Lan 2010
Quảng Tịnh Kim Phương dịch từ tài liệu tiếng Anh: "Don't go" Mamie Amato Weiss.

 
QUA CƠN MÊ (CTLĐ 2)
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
BÀN VỀ THIỆN VÀ ÁC
THIỂU DỤC TRI TÚC (HT Thiện Hoa)
CÁCH XƯNG HÔ TRONG PHẬT GIÁO
Ý NGHĨA CUỘC SỐNG