Tuesday, July 24, 2012

***TINH THẦN TỰ DO TRONG ĐẠO PHẬT

 

HT Thích Thanh Từ

Khi nói tới tinh thần tự do của đạo Phật là nói tới mục đích cứu kính giải thoát. Tự do là nhân, giải thoát là quả. Từ nhân tự do đưa đến quả giải thoát. Bởi vậy người tu theo Phật phải thấm nhuần ý nghĩa tự do này.

Có thế mới thực hiện được mục đích giải thoát tối hậu, vì cái nhân là yếu tố quyết định nhất để đưa đến cái quả. Tăng Ni cũng như Phật tử đều biết nói đến tu Phật là nói đến đạo giải thoát. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết quả giải thoát, mà không biết nhân nào để đưa tới quả giải thoát đó thì làm sao tu giải thoát được.

Muốn giải thoát sanh tử, trước hết chúng ta phải biết tinh thần tự do Phật dạy như thế nào. Ứng dụng được tinh thần tự do đó vào đời sống tu hành, ta mới có thể thu nhặt được kết quả tốt đẹp. Tinh thần tự do của đạo Phật khác hơn tự do ở thế gian. Tự do của thế gian là ta đòi tự do với người khác, còn tự do trong đạo Phật là tự do nơi chính mình, tự do của nội tâm, chớ không phải tự do ở ngoại cảnh.
Trên đường tu muốn thành đạt kết quả tốt đẹp, chúng ta phải biết tạo nhân tự do để đưa tới kết quả xứng đáng. 

Nhân tự do đó từ sự tu tập, không phải bỗng dưng mà có. Đó là điều quan trọng, chúng ta cần phải biết. Tất cả vui khổ trên thế gian này không phải bỗng dưng nó đến, đều do chúng ta tạo lập hoặc tu tập mà được. Vì vậy đạo Phật nói những khổ vui ấy không phải do áp lực của một đấng nào đặt ra cho ta, mà tự mình gây tạo lấy. Chính chúng ta là chủ nhân chọn vui hay chọn khổ.

Quí Phật tử ai cũng muốn vui, không ưa khổ. Như vậy chúng ta phải làm sao để được vui? Trong kinh, Phật thường nhắc câu “Ta không có quyền ban vui hoặc giáng khổ cho ai hết”. Rõ ràng cái vui khổ là do chúng sanh tự tạo. Tạo nhân vui thì được quả vui, tạo nhân khổ thì chuốt quả khổ. Nhưng lâu nay chúng ta hay đổ thừa, một là đổ thừa trời, hai là đổ thừa số mạng. Tại trời khiến cho tôi khổ nên gặp việc gì khổ cũng kêu trời. Nếu không do trời đặt định thì số mạng đặt định. Cái số của tôi khổ hay cái số của tôi vui. Đó là hai ý niệm không đúng lẽ thật.

Trong nhà Phật nói khổ vui không phải từ đâu đến, mà do tự chúng ta gây tạo nên. Điều này mới nghe quí vị thấy như khó hiểu nhưng lẽ thực là vậy. Ví dụ như có Phật tử gặp hoàn cảnh trái ngược liền bực bội than thở trách cứ. Làm như vậy có hết khổ không hay chỉ thêm khổ thôi. Ngược lại nếu Phật tử gặp khổ liền biết rõ khổ này không phải do ai đem đến mà do ta không khéo tu. Bởi thế bây giờ phải chịu khổ. Nghĩ như vậy thì không trách hờn ai, chỉ tự trách mình. Do đó không oán xã hội, không hờn người thân và mọi người chung quanh. Hiểu như vậy tự nhiên lòng mình bớt oán hờn, bớt thù hận.

Như bây giờ Phật tử gặp người hoạn nạn khó khổ trăm bề, ta tùy theo khả năng của mình, tìm cách giúp họ qua cơn khổ. Khi khổ họ khóc, bây giờ qua cơn khổ họ vui cười. Đó là ta tạo nhân tốt hay nhân xấu? Giúp cho người vui, qua cơn khổ thì họ thương mình. Đó là ta tạo một nhân tốt, nên được quả tốt là người quí mến. Nếu một xóm một làng có mười người, hai mươi người khổ, ta đều giúp như vậy thì xóm làng đó đối với mình tốt hay xấu? Rất tốt, đó là do mình đã gieo nhân tốt. Ngược lại nếu trong xóm làng, ai ta cũng gây gổ hết thì họ thương hay ghét mình? Rất ghét. Rõ ràng khổ vui đó không phải do trời định, mà do ta ứng xử với mọi người tốt hay xấu thôi.

Phật nói lẽ thật, chớ không đổ thừa viển vông. Nếu chúng ta muốn đời mình an vui, gặp những điều tốt thì phải sẵn sàng giúp đở những kẻ đau khổ buồn phiền cho họ bớt khổ, được vui. Như vậy đời mình nhất định sẽ được vui. Nhiều người nói mình có của giúp hết rồi, còn tiền nữa đâu mà vui? Quí vị nên nhớ người tốt bụng giúp kẻ này người kia, mới thấy như thiệt thòi nhưng thật ra họ lại có nhiều người khác sẵn sàng giúp trở lại, chớ không mất mát đi đâu. Cho nên đừng sợ vì tốt bụng mà nghèo đói. Chỉ những kẻ ích kỷ hẹp hòi mới nghèo khổ hoài, vì ai cũng ghét hết, nên đâu có giúp họ.

Cuộc đời chúng ta đâu phải lúc nào cũng gặp cơ hội tốt. Nếu có phương tiện ta nên tranh thủ giúp người khác, để khi mình gặp hoạn nạn, người ta giúp trở lại. Còn khi đủ điều kiện mình không giúp đỡ ai hết, đến lúc gặp hoàn cảnh xấu ai cũng ngó lơ. Đó là vì ta không biết chọn con đường tốt. Đường tốt hay đường xấu đều do mình quyết định cả. Quí vị muốn đi con đường nào? Con đường hạnh phúc nhất là con đường đem đến cho mình an vui. Muốn thế ta phải ráng đem niềm vui đến cho mọi người chung quanh. Ngược lại, nếu ta đem đau khổ đến cho người cũng có nghĩa là ta đem đau khổ đến cho mình. Lẽ công bằng như vậy.

Phật tử cứ nghĩ tu là lên chùa tụng kinh. Lúc nào nghèo tụng kinh Pháp Hoa cho có tiền. Như vậy tụng kinh chỉ để cầu xin Phật ban cho mình được vui vẻ, giàu sang, hạnh phúc. Do đó Phật đã tuyên bố hẳn hoi rằng Ngài không có quyền ban ơn giáng họa cho ai cả. Rõ ràng chúng ta là đệ tử Phật mà làm trái lại những gì Ngài đã dạy.

Vì thế tôi muốn nhắc lại cho tất cả thấy chúng ta tu là tu trên ba nghiệp: ý niệm, hành động, lời nói. Nếu muốn mọi điều tốt lành đến với mình thì ý niệm, hành động, lời nói của chúng ta phải tốt với mọi người. Nếu ý niệm, hành động, lời nói đối với mọi người xấu thì đừng mong quả tốt đến với mình. Đó là một lẽ thật.

Có nhiều vị thắc mắc mình đối xử tốt với người khác mà thỉnh thoảng họ lại bất nghĩa với mình? Điều này cũng có xảy ra trong đời sống nhưng không nhiều lắm. Con người thường có bệnh ai xử xấu với mình thì nhớ đời, ai xử tốt với mình lại mau quên. Bởi vậy nên thấy người xấu nhiều, người tốt ít. Nhưng nếu như có người xử xấu với mình ta phải nghĩ sao? Tôi từng nói nếu ta tốt với người mà họ xử xấu với mình, ta đừng vội giận. Đó là vì nhân tốt của mình chưa đủ, chưa thật tốt nên người ta mới xấu với mình, chớ không phải họ không biết ơn, không biết nghĩa.

Ví như trước kia ta gây oán hờn với người nào đó một trăm phần. Bây giờ biết tu không gây oán hờn nữa, ăn ở hiền lành cho tốt. Nghĩ vậy ta xử sự tốt với họ. Nhưng ngày xưa do mình xấu với người ta một trăm phần trăm, bây giờ mới tốt có năm chục phần trăm, chưa đủ sức bù đắp với nhân xấu trước. Vì thế họ vẫn không tốt với mình. Thấy thế ta nổi giận, tại sao tôi tốt rồi mà chưa tốt lại với tôi? Tại cái tốt của tôi chưa đủ để họ hết giận. Bây giờ phải ráng tốt hơn nữa, tốt tới chừng nào đủ xóa hết nhân xấu trước thì họ hết giận. Đừng nghĩ người đó là kẻ phản bội, bởi trước mình làm họ giận một trăm phần, bây giờ mới tốt có năm chục phần, làm sao người ta hết giận được?


Chúng ta cũng thế, nếu trước kia ai xử sự với mình xấu một trăm phần trăm, bây giờ họ mới sửa đổi, mới hiền lành với mình phần nào thôi, chưa đủ khỏa lấp sự bực bội trước, làm sao ta hết giận được? Chừng nào thấy người đó quả thật tốt bụng, quả thật hiền lành mình mới hết giận. Đó là lẽ đương nhiên thôi. Nên chúng ta xử tốt với ai, mà họ chưa tốt lại với mình thì biết rằng đó là vì trước kia ta đã làm khổ họ nhiều, bây giờ phải đền trả lại. Chúng ta chỉ thấy hiện tại mà đâu biết quá khứ. Nếu biết rõ quá khứ thì việc hiện tại sẽ dễ chấp nhận ngay.

Như trên đã nói chúng ta có quyền chọn cho mình con đường tốt hay con đường xấu. Ở đây không ai muốn đi đường xấu hết, như vậy ta phải làm cho mọi người an vui, nhà Phật gọi đó là ban vui tức lòng từ. Đừng gây khổ đau cho nhau nữa, nhà Phật gọi đây là cứu khổ tức lòng bi. Gom chung cả hai tâm hạnh trên, gọi là tâm từ bi. Nếu không hiểu như vậy, lại cho rằng người ta ghét mình quá, thôi ta tụng kinh cầu Phật gia bị cho thiên hạ đừng ghét nữa. Tu như vậy có kết quả không? Tụng kinh mà gặp thiên hạ vẫn nói lời hung dữ, hành động thô xấu, ý niệm bất chánh thì càng làm cho người ta ghét thêm. Chúng ta không can đảm, không gan dạ nhìn sự thật, cứ né tránh, rồi đi cầu cứu chỗ này chỗ kia, không chịu ứng dụng tu hành.

Nếu khổ vui do tự mình chọn lựa thì chúng ta có tự do không? Quá chừng tự do. Tự do chọn khổ, tự do chọn vui. Đã do mình chọn thì ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự chọn lựa ấy. Khi gặp khổ ráng chịu, gặp vui cũng không nghĩ may, nghĩ rủi, vì tất cả đều do ta tạo mà. Phật tử thường gặp việc tốt là may, gặp việc xấu là rủi. Nhưng hỏi may rủi từ đâu ra thì không biết. Nghĩ như vậy là phó thác cuộc sống này cho cái gì mình cũng không biết nữa.

Phật chỉ cho chúng ta thấy mình có quyền lựa chọn tốt xấu, tức Ngài muốn chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình. Không đổ thừa, không trốn tránh trách nhiệm. Người biết rõ như thế là người có sức mạnh. Có hiểu đạo ta mới đủ khả năng, đủ sức mạnh sắp đặt cuộc đời mình, nếu không ta cứ cắm đầu ký thác gởi gắm đời mình cho ai cũng không biết. Thật nguy hiểm. Đó là tôi nói bước tự do thứ nhất.

**Đến tự do thứ hai. Đạo Phật nói chúng ta muốn đi đâu thì tự chọn xe mà đi. Đi xa thì chọn xe chạy xa, đi gần thì chọn xe chạy gần. Tùy nhu cầu của mình mà chọn lựa. Trong nhà Phật có chia ra Ngũ thừa Phật giáo: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Thừa là cỗ xe, Ngũ thừa là năm cỗ xe. Trong năm cỗ xe đó chúng ta ưng chiếc nào thì chọn chiếc đó, Phật không bắt buộc. Ví dụ người nào muốn đời này làm người được an vui hạnh phúc, đời sau trở lại làm người được an vui hạnh phúc hơn nữa thì chọn cỗ xe Nhân thừa Phật giáo, tức là qui y Tam bảo, giữ gìn năm giới, bảo đảm hiện tại tốt, đời sau trở lại làm người tốt hơn.

Ai muốn đời sau tiến hơn đời này, được sanh vào cõi trời thì tu Thiên thừa Phật giáo. Giáo lý này dạy tu Thập thiện tức mười điều lành. Ngoài năm giới ra, quí vị tu thêm mấy điều lành thuộc về thân, miệng, ý. Khi nhắm mắt sẽ được sanh lên các cõi trời cao đẹp hơn cõi người. Người muốn đời này hay đời sau chứng quả Thanh văn thì phải bước vào hàng ngũ xuất gia như quí thầy quí cô, thọ giới Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo Ni. Giữ giới nghiêm chỉnh, thường hành thiền định để phát sinh trí tuệ, chứng quả A-la-hán, đó gọi là Thanh văn thừa.

Ai muốn tu Duyên giác thừa thì lấy mười hai nhân duyên làm pháp quán căn bản. Ứng dụng quán chiếu cho đúng sẽ chứng được Duyên giác thừa, còn gọi là Bích chi Phật. Vị này do tu hành được giác ngộ nhưng chỉ mới xong trên phần tự lợi thôi. Ai muốn tu hạnh Bồ-tát cứu giúp mọi người, thương yêu muôn loài, Phật dạy tu pháp Lục độ: bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Thành tựu sáu pháp này một cách rốt ráo là hàng Đại Bồ-tát, thực hành hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Trong năm cỗ xe đó, Phật không bắt chúng ta phải đi cỗ này, không được đi cỗ kia. Tùy chúng ta lựa chọn. Trong mấy cỗ xe này, quí vị chọn cỗ nào? Chắc xe số một. Phật tử thường thích làm sao đời này tốt đẹp, đời sau sanh ra được tốt đẹp hơn nữa. Bao nhiêu đó đủ rồi, không dám mong gì cao hơn. Như vậy cũng tốt. Muốn thế quí vị phải giữ năm giới: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu hay hút á phiện, xì ke, ma túy.

Trong năm giới này, nếu người không sát sanh thì đời này khỏi tù tội, đời sau sanh ra được sống lâu ít bệnh hoạn. Người không trộm cướp, đời này khỏi sợ tù tội đời sau sanh ra lại có của cải giàu sang, không ai cướp giựt được. Người không tà dâm đời này gia đình đầm ấm vui tươi hạnh phúc, đời sau sanh ra đoan chánh trang nghiêm. Người không nói dối đời này được mọi người tin quí, đời sau sanh ra nói năng lưu loát ai cũng kính tin. Người không uống rượu, hút á phiện, xì ke, ma túy, đời này không khổ đời sau sanh ra trí tuệ sáng suốt, tinh thần minh mẫn.

Trong năm điều tốt đẹp ở mai sau này, quí vị có muốn thiếu cái nào không? Chắc là không. Có ai muốn chết yểu không? Không. Có ai muốn nghèo khổ không? Không. Có ai muốn xấu xí không? Không. Có ai muốn nói ngọng nói lịu, nói ra chẳng ai nghe không? Không. Có ai muốn ngu tối đần độn không? Không. Như vậy cả năm giới là điều kiện đầy đủ tốt đẹp cho cuộc sống hiện tại và cả mai sau.

Năm giới này giữ dễ hay khó? Thật tình không khó, nhưng người thế gian ít ai giữ đủ. Đây là điều đáng buồn. Chúng ta thấy thế gian, người có tật này người có tật kia, đó là vì giữ không tròn năm giới. Thiếu một giới nào thì trở lại làm người sẽ bị khuyết tật thuộc về giới đó, không được toàn vẹn. Muốn bảo đảm đời này, đời sau được an lành thì chúng ta phải giữ trọn vẹn năm giới. Đó là quyền của mình, chớ đâu có ai đặt định cho ta. Đức Phật đã chỉ quá rõ, tùy chúng ta chọn lựa thôi.

Như vậy đạo Phật có tôn trọng tự do không? Rất tôn trọng. Phật không can thiệp vào cuộc đời của ai cả, Ngài chỉ nói cho chúng ta biết thôi. Đó là bổn phận của người hướng đạo chân thật, ngay thẳng. Đạo Phật không bao giờ áp đặt điều gì cho bất cứ một ai hết. Thế Tôn chỉ vạch ra, tùy chúng sanh chọn lựa lấy. Nếu ta không khéo, chọn cái xấu thì cam tâm chịu, chớ đừng trách Phật, trách trời, trách số mạng gì hết. Đó là bước tự do thứ hai.


**Đến tự do thứ ba. Phần này thuộc về nội tâm của chúng ta. Tôi xin hỏi tất cả quí Phật tử đối với tham sân si, quí vị thấy nó tốt hay xấu? Ba thứ này là ba thứ xấu, Phật gọi là tam độc. Đã là ba thứ độc mà còn chứa chấp nó thì vô lý quá. Hơn nữa khi chứa chấp nuôi dưỡng nó, ta phải chịu nhiều đau khổ. Vậy tại sao không đuổi nó ra gấp, chứa chấp làm gì? Đó là quí vị tự muốn khổ thôi.

Bởi vậy đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo: Trong nhà của các ông có ba con rắn độc đang ở, vậy các ông ngủ có ngon không? Ngủ không ngon. Nằm hồi hộp không biết lúc nào nó cắn mình. Bây giờ muốn ngủ ngon phải làm sao? Phải thức dậy đuổi ba con rắn ấy chạy ra ngoài. Cũng vậy, chúng ta biết ba thứ độc tham, sân, si còn ở trong tâm thì mình luôn bị hiểm nguy không thể lường trước được. Đã biết thế chúng ta phải gấp rút tống cổ nó ra ngoài, không chút tiếc nuối. Đằng này ngược lại mình không nỡ tống cổ nó. Muốn thì muốn sướng mà chứa thì chứa khổ. Có mâu thuẫn chưa?

Quí Phật tử thấy như con rắn sân nằm ở trong tâm mình, tai nạn xảy đến khó lường trước được. Đang đi đường bình yên, ai lỡ đụng mình một cái nổi sân lên chửi mắng người ta, người kia bị mắng cũng nổi sân mắng lại. Mắng chửi một hồi cơn sân càng bốc cháy dữ dội, thế là nhào vô đánh lộn, cấu xé… dẫn tới thương tích hay tù tội. Đó, con rắn sân ở trong nhà thì tai nạn không thể lường trước được. Rắn tham rắn si cũng vậy.

Cho nên người tu Phật phải sạch hết ba thứ độc. Nếu chưa sạch nổi ít nhất cũng phải giảm bớt. Lưu ý quí vị xuất gia cũng còn bị ba con rắn này lẻn bò vào nhà, đừng nói chi đến Phật tử. Cho nên tất cả đều phải cẩn thận dè dặt trông chừng, ngăn đón, ruồng đuổi nó. Chúng ta tự do xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho mình, cũng tự do tạo một kiếp sống khổ đau cho mình.

Thật ra chúng ta tự do với bên ngoài dễ, nhưng tự do với nội tâm rất khó. Như ta đâu muốn nóng giận, đâu muốn nói bậy cũng không muốn làm việc xấu. Nhưng khi nổi giận lên rồi thì bắt nói bậy, bắt làm xấu. Chú sân bắt sao ta làm vậy, không cưỡng lại nổi. Lúc đó tự mình cũng thấy bực bội, rõ ràng là mất tự do quá rồi. Cho nên Phật dạy phải đuổi cho được rắn tham, rắn sân, rắn si ra thì mình mới tự do, mới an vui. Còn chứa nó là còn đau khổ, còn mất tự do.

Chúng ta luôn đòi tự do mà gốc tự do thì không biết. Giận cứ để giận, buồn cứ để buồn, đôi khi còn bảo vệ nó nữa. Đang nổi giận, ai nhắc “sao anh hay giận quá”, liền bào chữa “tánh tôi vậy đó”. Đã nghĩ “tánh tôi” thì còn đuổi gì được nữa, bởi cho giận là cái tự nhiên của tôi rồi, không thể sửa được. Nhưng giận có phải tánh tự nhiên của mình không? Nếu người bằng hoặc thấp hơn mình, làm điều gì trái ý ta liền nổi sân. Nhưng với người lớn hơn, có quyền thế hơn, họ làm trái ý mình, ta dám vỗ bàn hét với họ không? Rõ ràng đâu phải tánh, mà là coi mặt nổi sân. Chẳng qua do sự cố chấp mà sanh ra các thứ tham sân, phiền não thôi. Nếu chúng ta khéo tu, khéo chuyển đổi nó sẽ giảm, chớ đừng nói tánh. Nói tánh là hết tu.

Nơi tâm mình có tham, có sân, có si chúng ta biết rõ để hạn chế chúng. Từ 100%, tu một năm còn 90%, tu hai năm còn 80%, sau đó mười năm hai mươi năm, nó giảm xuống lần lần đến ngó thấy, đó là chúng ta tu tiến. Ngược lại nếu người hồi chưa tu tham sân si 100%, tu được mười năm lên 120%, đó là tu xuống địa ngục chớ không phải tu lên Cực Lạc hay nhập Niết-bàn. Cho nên nói tới tu là nói tới sự chuyển biến. Chuyển biến bằng cách bỏ bớt những tập khí xấu, những khổ đau để được an vui. Đừng nghĩ tụng kinh niệm Phật nhiều là tu, trong khi thói xấu không chừa, thì Phật khó rước về Cực Lạc lắm.

Cho nên người thật tu phải biết gốc đừng theo ngọn. Gốc là nhân, ngọn là quả. Gốc xấu ác phải ngừa, phải tránh, phải bỏ thì quả an lạc sẽ đến với mình. Cực lạc là vui tột, mà muốn được vui tột thì tất cả nhân khổ đau phải dẹp hết mới được. Chúng ta càng tu càng cố gắng vượt ra những nhân xấu xa, những nhân đau khổ mới gọi là người biết tu, thật tu. Nếu không như vậy chưa thể gọi là người biết tu, thật tu. Tu là cốt dẹp tham sân si mà ta còn bảo vệ nó, có phải giả dối không? Bởi vậy người thật tu phải nhìn cho sâu, thấy cho kỹ để không bị lầm lẫn vì sự tự dối của chính mình.

Một khi tham sân si chứa chấp trong lòng nhiều quá chúng ta không có tự do. Bây giờ muốn tự do thì phải loại nó ra. Tự do đó mới là thứ thật. Còn đòi tự do ở ngoài không phải thật. Được cái này đòi cái kia, đòi hoài không biết đâu là cùng. Trong khi chính mình đang mất tự do vì tham sân si chi phối, mà không đòi lại sự tự do cho mình.

Trong nhà Phật có pháp mười hai nhân duyên. Nhân duyên đầu là vô minh. Từ vô minh có hành, hành tức có nghiệp, rồi nghiệp dẫn thức đi thọ sanh v.v... Như vậy gốc trầm luân sanh tử là vô minh. Nhưng vô minh là gì? Có nhiều lối giải thích khác nhau. Trong các kinh A-hàm, Phật dạy không biết Tứ đế như thật là vô minh. Rồi còn chỗ khác Phật giải cái gì là vô minh. Trong kinh Viên Giác Phật giải thích vô minh, tôi thấy rất thấm thía. 

Có một vị Bồ-tát hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn, thế nào là vô minh?”

Đức Phật trả lời: “Thấy thân này thật, tâm suy nghĩ thật là vô minh”. Đơn giản làm sao!

Chúng ta nhìn lại mình có vô minh không? Trăm người như một, đều có hết phải không? Ai cũng thấy thân này thật, những suy nghĩ là tâm mình thật. Chấp thân thật, chấp tâm suy nghĩ thật, đó là vô minh. Tại sao? Bởi vì nếu thân này thật mình thì ta phải có quyền điều khiển toàn bộ, vì nó là mình. Nhưng trên thực tế ta có quyền điều khiển nó không? Biết bao thứ mình không muốn xảy ra mà nó cứ xảy ra, mình không muốn bệnh hoạn mà nó cứ bệnh hoạn. Rõ ràng ta không có quyền làm chủ nó. Đó là điểm thứ nhất.

Điểm thứ hai, Phật dạy thân này do tứ đại hòa hợp thành. Chất cứng trong người là đất, chất ướt là nước, chất động là gió, chất ấm là lửa. Bốn thứ này là bốn thứ vật chất căn bản để tạo thành thân người. Đất nước gió lửa là tri giác hay vô tri? Nó là vô tri. Bốn thứ vô tri hợp lại thành thân mình, chẳng lẽ mình là vô tri? Thế nên nói thân này là mình không được.

Nói vô tri không phải mình, sẽ có người bảo vậy cái suy nghĩ hữu tri đó là mình rồi. Hiểu như thế không đúng. Những nghĩ suy tính toán tuy có tri giác, nhưng nó đủ thứ. Khi ta nghĩ hiền lành như Phật, Bồ-tát; nhưng cũng có khi ta nghĩ dữ ác như cọp sói. Nếu nghĩ hiền lành là mình thì không có nghĩ dữ ác. Nếu nghĩ dữ ác là mình thì không có nghĩ hiền lành. Thế thì mình là cái nào? Nếu cái nào cũng mình hết thì nhiều thứ quá, chẳng lẽ mình tạp nhạp như thế? Đó là một ý nghĩa thứ nhất.

Ý nghĩa thứ hai, khi quí vị đang khởi tính toán gì đó, bất thần nhìn lại xem cái tính toán ấy từ đâu ra? Nó liền mất tiêu tìm không thấy. Như vậy nó chợt có chợt không, chợt sanh chợt diệt, làm sao thật mình được? Chúng ta từ lúc cha mẹ sanh cho tới trăm tuổi, mình là mình. Không phải khi có khi không. Nếu nghĩ suy đó là thật mình thì nó phải hằng hữu, phút giây nào cũng thường có. Đằng này nó khi có khi không, làm sao thật mình được?

Thân tứ đại vô tri mà nói là mình đó là vô minh. Tâm suy nghĩ lăng xăng chợt có chợt không, đủ thứ tốt xấu phải quấy, nói là mình cũng vô minh. Do lầm chấp ta như thế nên lúc nào cũng muốn ta hơn, muốn ta được khen, muốn ta là quí v.v... Từ đó bao nhiêu thứ tham lam phát sinh. Tham được thì vui, tham không được liền nổi sân lên. Nói tham sân si, nhưng thật ra si là gốc rồi mới tới tham, sân.

Bởi thế Phật dạy phải lấy trí tuệ sáng suốt diệt trừ vô minh. Muốn vô minh hết chúng ta phải sáng, phải giác ngộ. Muốn được sáng, được giác ngộ, ta phải hằng dùng trí tuệ quán sát, chiếu soi xem cái gì thật là mình. Tìm cho ra cái thật đó mới hết vô minh. Nếu chưa tìm ra được mà ôm ấp thân này, tâm suy nghĩ lăng xăng này cho là mình thật thì còn vô minh mãi mãi. Vô minh còn thì không bao giờ thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Đó là mất tự do.

Bây giờ muốn tự do phải thoát khỏi vòng luân hồi. Muốn thoát khỏi luân hồi phải dùng minh để phá vô minh, tức là dùng sáng để trừ tối. Như ban đêm không đèn, trong nhà có bàn ghế đủ thứ hết, nếu chúng ta đi tới đi lui trong đó thì sẽ va vấp, đụng cái này cái kia, té ngã liên miên. Tại sao vấp té? Vì không thấy đường. Bây giờ muốn cho khỏi vấp, khỏi té thì mở đèn lên. Rất là đơn giản. Cũng thế, muốn hết khổ trong đêm tối vô minh, luân hồi, chúng ta phải dùng đèn trí tuệ, giác ngộ để trừ nó. Đó là trọng tâm, là chủ yếu của đạo Phật.

Người tu theo Phật mà không thấy được lẽ thật đó thì suốt kiếp vẫn trầm luân sanh tử. Chỉ khi nào tỉnh sáng, giác ngộ ta mới tự do tự tại đi lại trong vòng trầm luân sanh tử ấy, không còn bị nó lôi kéo nữa. Tự do tự tại trong sanh tử gọi là giải thoát sanh tử. Giải thoát đó là quả do tu diệt nhân tham sân si. Thế nên muốn được quả tự do cùng tột cứu kính, chúng ta phải cố gắng dẹp bỏ những nhân làm cho mình mờ mịt u tối, bằng không chúng ta cứ quẩn quanh trong đêm dài sanh tử.

Người tu Phật là người rất chuộng tự do, rất mong muốn tự do. Sự tự do ấy đòi hỏi ở chính mình, phải chận đứng những nhân làm mất tự do. Tu Phật là như vậy. Quí Phật tử ít chịu thấy lẽ thật lắm. Thân mình đã không thật mà cứ nghĩ đẹp quí, sống dai nên ai nói xấu mình nổi giận liền. Vì chấp thân nên bao nhiêu thứ phiền não vây quanh. Trên thế gian này có ai được mọi việc như ý đâu, nên ai cũng bị chê, bị trách. Rồi ai cũng bị bệnh, bị già, bị chết nên ai cũng khổ hết. Bây giờ muốn được vui thì phải dẹp hết nhân khổ ấy đi.

Đạo Phật nói khổ không có nghĩa là để mình chịu khổ, mà nói khổ để mình được vui. Ai cũng khao khát tự do, nhưng sự tự do đó phải quay lại mình mà tìm, đừng trông cậy bên ngoài. Cầu xin trông cậy bên ngoài là lệ thuộc, chớ không phải tự do. Giả sử Phật nói “Ta có thể ban ơn xuống họa cho các ngươi”, rồi chúng ta cứ cầu Phật. Ngày nào cũng hướng về Ngài van xin đủ điều. Rõ ràng như thế là lệ thuộc, là mất tự do.

Khi biết khổ vui, tất cả đều gốc ở mình thì ta dẹp nhân khổ, tạo nhân vui. Đó là tự do, hoàn toàn tự do không lệ thuộc vào ai cả. Bởi vậy tôi hay nói người tu dù là tu thiền mà cứ trông ơn trên giúp mình, đó là đòi mất tự do. Vì lệ thuộc ở đâu cũng mất tự do hết. Tu như vậy là đúng với đạo Phật không? Không đúng. Cho nên hiểu được ý nghĩa này, quí vị có thể đoán định được cái gì tà, cái gì chánh. Chánh là lẽ thật, tà là không có lẽ thật.

Bây giờ chúng ta khẳng định, là đệ tử Phật thì phải tu sao cho được tự do, được giải thoát. Đó là con đường mình phải đi. Phật tử can đảm hứa chắc như vậy mới thực là Phật tử. Mong tất cả xứng đáng là những người con của Phật, của đấng giác ngộ, đời đời không còn si mê nữa.
HT Thích Thanh Từ




Tuesday, July 17, 2012

***KHOA HỌC VÀ KIẾN THỨC TRONG PHẬT GIÁO


ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA

Chuyển ngữ: Tuệ Uyển - 04/06/2012

Các anh chị em tâm linh thân mến, đặc biệt với cộng đồng Tăng Già Việt Nam, và tôi nghĩ có một số vị sư cô ở đây, Tì kheo ni, có phải không? Tôi thật sự vui mừng với lần thứ hai tôi thăm viếng nơi này, với một ngôi chùa mới và rất lớn, hết bao nhiêu tiền đấy? (mọi  người cười)

Tôi nghĩ Đạo Phật là một tôn giáo cổ xưa từ Ấn Độ rồi lan truyền qua Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam pu chia, Lào, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn rồi thì sau nàyTây Tạng, Mongolia và một bộ phận ở Liên Bang Nga, những vùng này theo Đạo Phật, và Ấn Độ là chiếc nôi của Đạo Phật nhưng đại đa số quần chúng là Ấn Giáo, cũng như Hồi Giáo, Ki Tô Giáo, và những đạo khác. 
 Nhưng thế nào đi nữa, chúng ta đang ở trong thế kỷ 21, kỷ thuật phát triển cao độ.  Tôi nghĩ trong một hay hai thế  kỷ qua.  Tất cả mọi nổ lực, tất cả mọi năng lượng đều tập trung trong sự phát triển kinh tế, về tiền (cười).  Bây giờ tôi nghĩ, ngay chúng ta thật sự mở rộng trong yêu cầu của tiền, tất cả những sự lủng đoạn, tất cả những kỷ thuật nhơ bẫn nhầm để kiếm ra tiền.  Có phải thế không?  Tôi nghĩ tiền thật sự đầu độc nguyên tắc đạo đức của chúng ta.  Tôi thật sự nghĩ thế!  Và rồi trong khi ấy không chỉ nguyên tắc đạo đức bị suy đồi mà tiền cũng làm gia tăng ghen tỵ, nghi ngờ và rồi thì là thất vọng và đưa đến kết qua giận dữ, bạo động.

Vậy thế nào đi nữa, một điều rất rõ ràng, chỉ đơn thuần vật chất sẽ không mang đến hòa bình nội tại, điều ấy là chắc chắn.  Bởi vì tiền mang đến tiện nghi làm thoải mái thân thể chứ không phải tâm hồn.

Trong siêu thị nếu quý vị thử tìm mua sự bình an của tâm hồn, không thể được.  Hay tất cả những cửa hàng dụng cụ kỷ thuật, nếu quý vị hỏi mua một khí cụ để làm an ổn tinh thần; không [không thể có].  

 Sự hòa bình của tâm tư phải đến từ bên trong, bởi vì đa số những sự quấy rầy an bình nội tại là cảm xúc của chúng ta.  Không phải những kẻ thù ngoại tại, không phải những kẻ gây rối bên ngoài mà những yếu tố tàn phá tâm thức chúng ta chính là những cảm xúc tiêu cực của chính chúng ta.  Vậy thì một cách tự nhiên, một cách hợp lý, một phương pháp hiệu quả để làm giảm thiểu những cảm xúc tàn phá phải được phát triển trong tâm thức, từ chính những cảm xúc ấy.

Nên ngày nay tôi cũng nói với mọi người, trong vài nghìn năm trước, tôi nghĩ bốn, năm nghìn năm, chúng ta mở mang tín ngưỡng, và chúng ta đặt trọn niềm hy vọng của chúng ta vào tín ngưỡng, bất cứ khi nào chúng ta gặp khó khăn, chúng ta [chấp tay lại] cầu nguyện đến Thượng Đế hay điều gì đấy, điều gì đấy huyền bí.  Rồi thì ba trăm năm trở lại đây khoa học, kỷ thuật phát triển.  Rồi khoa học, kỷ thuật lập tức mang đến cho chúng ta ... tiện nghi sẳn sàng, mọi thứ trở nên dễ dàng nên con người tự nhiên chú ý hơn với khoa học và kỷ thuật hơn là tín ngưỡng.  Rồi thì sau này vào thế kỷ 20 qua kinh nghiệm cuối cùng chúng ta nhận ra sự giới hạn của giá trị vật chất.

Tôi biết một số gia đình rất giàu có tôi nghĩ là tỉ phú, những người ấy ở trình độ con người là những người rất không vui.  Họ có hàng triệu triệu đô la nhưng thất bại trong việc mang niềm vui nội tại, rất rõ ràng.

 Và rồi một vấn đề khác nữa, trong những nhà khoa học, kiến thức của họ về não bộ, về thần kinh, những thứ này rất phát triển.  Rồi cuối cùng họ thích thú về vấn đề cảm xúc là gì? Tâm thức là gì?  Bởi vì y học, họ chỉ chú ý đến mãng tâm thức thật sự rất quan trọng đến sức khỏe lành mạnh, cũng như hồi phục từ bệnh tật, từ giải phẩu, một mảng tâm thức... rất quan trọng đối với họ.  Cho nên bây giờ y học, cũng như những nhà chuyên môn về não bộ.  Một số nhà khoa học hàng đầu thật sự biểu lộ sự hấp dẫn với vấn đề, cảm xúc là gi?  Mối quan hệ giữa cảm xúc và não bộ là thế nào?

Bây giờ, những ngày này, trong những nhà khoa học ưa thích việc rèn luyện tâm thức với giải phẩu  não bộ, với những chất kích thích trong não bộ.  Qua việc rèn luyện tâm thức, thật sự có thể thay đổi,...Lần đầu tiên họ khám phá ra việc này.   Nên qua việc rèn luyện tâm thức ngay cả những bộ  phận vật lý có thể thay đổi.  Vì vậy, hai nhân tố, từ kinh nghiệm giới hạn, hay giá trị vật chất.  Và mặt khác sự nghiên cứu khoa học, bắt đầu tập trung vào vấn đề, tâm thức là gì?  Làm thế nào để thay đổi tâm thức chúng ta?  Thay đổi cảm xúc chúng ta như thế nào?


Vì những nhân tố này, có những biểu lộ, đặc biệt trong những người trẻ tuổi đã bắt đầu khuếch trương những quan tâm về các giá trị nội tại, tâm linh.  Tôi nghĩ đấy là hình ảnh thế giới của thế kỷ 21.  Rồi thì tôi cũng nghĩ con người ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở Âu châu, và Hoa Kỳ, tôi nghĩ là thật sự chán ngấy với bạo động, Úc châu so sánh chắc khá hơn (cười).

Nên con người, tôi nghĩ con người ở buổi đầu thế kỷ trước, khi quốc gia tuyên chiến với lân bang, dân chúng cả nước, tự hào, không thắc mắc gì, tham gia nổ lực chiến tranh.  Tình thế như vậy hoàn toàn thay đổi và cuối thế kỷ.  Và bắt đầu thế kỷ 21, thí dụ khi Hoa Kỳ sắp bắt đầu chiến tranh với Iraq, bao nhiêu người từ Hoa Kỳ đến Úc Đại Lợi phản đối bạo động và muốn hòa bình qua biểu tình.  Và dĩ nhiên,nhiều người quan tâm, những quốc gia quan tâm chống lại chiến tranh, chống lại bạo động, chống lại việc sử dụng bạo lực.  Nên họ thật sự khao khát hòa bình.  Hoàn toàn chán ngấy với bạo động.  Vì thế, một lần nữa, câu hỏi là, làm thế nào mang hòa bình đến?

Hòa bình không có nghĩa là không có  những rắc rối khác.  Cho đến khi mà con người còn tồn tại trên hành tinh này, những vấn nạn nào đấy bắt buộc phải xảy ra.  Do bởi nhận thức của con người, lòng tham của loài người, khao khát của loài người.  Nên vấn nạn sẽ tiếp tục tồn tại.  Bây giờ chúng ta cần phương pháp thực tiển để giải quyết xung đột, sự không đồng ý này.  Nên đấy là đối thoại.  Tôi thường nói với mọi người, thế kỷ 20 trở thành thế kỷ của tắm máu, căn cứ theo lịch sử, khoảng hai trăm triệu người bị giết một cách bạo động qua chiến tranh, một con số đáng kinh hoàng.

Nếu một cuộc chiến lan rộng sử dụng vũ khí nguyên tử, mà nó có thể mang đến hòa bình, giảm thiểu rắc rối thì cũng okay, nó cũng chính đáng.  Nhưng không phải như thế.  Chỉ có khổ đau.  Cho nên, bây giờ thế kỷ 21 chúng ta phải làm cho nó là thế kỷ của đối thoại.

Nhằm để mang đến đối thoại, chúng ta cần sự tôn trọng tâm linh đối với quyền lợi của người khác.  Không chỉ là sự quan tâm của tôi, sức mạnh của tôi và dửng dưng với sự quan tâm của người khác thì làm sao đối thoại.  Nên trong sự tôn trọng ấy, tinh thần chân thành với tình anh chị em, toàn thể gần bảy tỉ người có thể xem như những người anh chị em, chúng ta phải chăm nom đến sự quan tâm của họ.  Với loại thái độ như thế thì sự đối thoại đầy đủ ý nghĩa mới có thể phát triển.

Nên trong sự quan tâm ấy, căn bản truyền thống ấy... là một khả năng vô hạn để đem đến tình anh chị em chân thành.  Mọi truyền thống tôn giáo đều có cùng khả năng, cho dù khác biệt triết lý.  Có những tôn giáo hữu thần như Ki Tô Giáo, ... niềm tin chủ yếu của họ là Thượng Đế.  Những tín ngưỡng vô thần như Phật Giáo, Kỳ Na Giáo, và một số tư tưởng cổ truyền khác nữa của Ấn Độ không có khái niệm Thượng Đế, không có đấng tạo hóa, nhưng tự chính chúng ta là tạo hóa.  Nên triết lý là rất khác biệt, nên theo quan điểm của những tôn giáo hữu thần, những Phật tử chúng ta là người không có đức tin (tín ngưỡng vô thần).

Nên tất cả mọi tôn giáo, mặc dù khác biệt triết lý nhưng cùng mang một giáo huấn, cùng một sự thực hành về từ ái, bi mẫn, tha thứ, bao dung, tự giác.  Tất cả những thứ này là cùng như nhau về thực hành, cùng giống nhau trong một thông điệp.  Nên tất cà mọi tôn giáo quan trọng đều có cùng khả năng để hổ trợ con người.

 Bây giờ về Phật Giáo, Đạo Phật ngày nay tôi  nghĩ, như tôi đã đề cập trước đây, cũng bao hàm những sự thực tập về từ ái, bi mẫn, tha thứ, bao dung, ... như những tôn giáo quan trọng.  Rồi thì khía cạnh triết lý rất phức tạp.  Như Đại Học Tu Viện Na Lan Đà, không chỉ là một trung tâm Phật Giáo, nhưng là một trung tâm chuyên môn, một học viện hàn lâm.  Và nhiều đạo sư Na Lan Đà, tôi thường diễn tả là những giáo sư của Na Lan Đà.  Những đại sư này đã sáng tác, thật sự là những chủ đề chuyên môn, các ngài tiến hành khảo sát: Thực tại là gì?  Bản chất là thế nào?  Bản chất của vật chất, bản chất của tâm thức.  Phần ấy tôi cho là khoa học.  Không phải là tôn giáo mà là khoa học.

Trong ba mươi năm qua, ô không, trong khoảng bảy năm qua, tôi đã dấn thân một cách nghiêm túc với những nhà khoa học hiện nghiên cứu xa hơn về tâm thức, về cảm xúc, kiểm soát cảm xúc này như thế nào.  Bây giờ khoa học, thí dụ ở Hoa Kỳ, Đại Học Wisonsin, Emory và Stanford và một vài đại học nữa, họ thật sự tiến hành công việc nghiên cứu về tâm thức theo sự giải thích của Đạo Phật về tâm.  Họ đã tìm thấy những thông tin hữu ích từ tài liệu cổ điển của Ấn Độ về vấn đề này, không chỉ Phật Giáo mà cũng của Ấn Giáo.

Cho nên có một số người vốn duy trì khoảng cách với bất cứ tôn giáo nào, nhưng trong con mắt của họ Đạo Phật bây giờ là một ngoại lệ.  Bởi vì nó không nhất thiết liên hệ với những khái niệm của Đạo Phật về kiếp sống tới, nghiệp báo,... những thứ  này, nhưng mà là về khoa học tâm thức của Phật Giáo, về cảm xúc.  Nên hoàn toàn rõ ràng rằng, theo kinh nghiệm trong ba mươi năm qua của tôi, bây giờ rất rõ ràng, khoa học Phật Giáo chắc chắn có thể có những cống hiến nổi bật trong khoa học hiện đại liên hệ đến tâm thức cảm xúc, những thứ này.

Bây giờ, đối với người Việt Nam, một cách truyền thống là một quốc gia Phật Giáo.  Về truyền thống Phật Giáo, có truyền thống tiếng Phạn và tiếng Pali, chúng ta cùng theo truyền thống Phạn ngữ, chúng ta cùng theo truyền thống Na Lan Đà, những học giả Na Lan Đà như Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước,..., tất cả những đạo sư Na Lan Đà này, những giáo sư này, chúng ta cùng kế tục giáo huấn của những vị này.

Và một khía cạnh khác, người Việt Nam đã trải qua những thời điểm khó khăn, chúng tôi cũng thế (cười), trong ý nghĩa ấy chúng ta thật sự là những người anh chị em (cười).  Những thời gian thay đổi, có những vị tăng ni từ Việt Nam đến Ấn Độ để học hỏi Giáo huấn, nghe giảng dạy ở đấy.  Dường như thay đổi, và ngay cả có những thân quyến của các lãnh tụ Cộng Sản đã đến đấy.  Nên sự việc đang thay đổi.  Nên thế nào đi nữa những người Việt Nam nào sống trong những quốc gia như Pháp, Mỹ, cũng như Úc, bất cứ quý vị sống nơi nào, quý vị mang trong mình truyền thống của quý vị, tâm linh của quý vị.  Do thế, ở Úc Đại Lợi, vốn là một quốc gia không phải theo Đạo Phật, vốn là một đất nước Ki Tô Giáo, nhưng quý vị đã tìm ra một nơi để thiết lập chùa viện của quý vị, nhằm để giữ gìn tâm linh Phật Giáo của quý vị, tôi thật cảm phục.

Một khác biệt nhỏ là Việt Nam là một đất nước rất  nóng nhưng quý vị mặc áo tay dài.  Còn Tây Tạng là một đất nước rất mát, nhưng tay tôi để trần - không có tay áo (ngài đưa tay phải ra - mọi người cười). Bây giờ, bất cứ những Phật tử nào, dù là người Hoa, Nhật, Hàn, Việt, Thái, Tích Lan, Miến Điện, và Tây Tạng, Mongolia... tôi luôn luôn tuyên bố rằng:  Những người Phật tử chúng ta phải là những người Phật tử của thế kỷ 21, có nghĩa là Phật tử với kiến thức đầy đủ về Phật Pháp, điều này rất căn bản. 

Một cách truyền thống, chúng ta tự cho là Phật tử nhưng thật sự không biết Đạo Phật là gì. Tôi thường đùa những Phật tử Trung Hoa rằng, thật không phải [đúng nghĩa Phật tử khi chỉ chấp tay và nói] A Di Đà Phật, A Mi Tò Phù, A Mi Tò Phù! (Cười).  Và với người Tây Tạng tôi thường đùa với họ rằng, trì  niệm một mật ngôn nổi tiếng, Lục tự đại minh chơn ngôn của Quan Âm, Án Ma Ni Bát Di Hồng, Om Mani Padme Hum, Om Mani Padme Hum,..., khi quý vị đọc nhanh, giống như, om moni, moni, moni,... (mọi người cười) âm thanh ấy nghe giống như money, money,...(money = tiền).  Cho nên, không có kiến thức, không biết ý nghĩa và rất thường khi tôi gặp những Phật tử Ấn Độ hay Tây Tạng..., những sinh viên, khi tôi hỏi họ: - Tôn giáo của quý vị là gì? Họ trả lời:  Phật Giáo. Sau đó tôi hỏi, Phật là gì? Không có câu trả lời.  Không biết.  Đức Phật được xem như chỉ là một nhân vật lịch sử.  Thế ấy là không đủ.  Quý vị phải biết Đạo Phật thật sự là gì!  Và cũng như những người Ki Tô, quý vị phải biết điều Chúa Giê-su dạy thật sự là gì!  Chỉ tự nhận là Ki Tô hữu, làm dấu thánh giá là không đủ.

Vì thế, như Phật Pháp mà tôi đã đề cập phía trước là một triết lý phong phú toàn triệt nên chúng ta phải học hỏi nghiên cứu những thứ này. Trước nhất là khoa học Phật Giáo, trên căn bản của khoa học Phật Giáo rồi thì triết lý Phật Giáo phát triển,  như hai chân lý, bản chất vô thường, và duyên khởi tương sinh, những quan điểm triết lý này được phát triển trên căn bản của thực tiển.  Đấy là khoa học Phật Giáo.  Rồi thì điều này có thể thay đổi tâm thức chúng ta, có thể giảm thiểu cảm xúc tàn phá, và cuối cùng có thể hoàn toàn tiêu trừ hoàn toàn những cảm xúc tàn phá.  Đấy là niết bàn, giải thoát, hay cứu độ.

 Nên trên căn bản của khoa học, triết lý Phật Giáo, nhận thức Phật Giáo phát triển, sau đó theo nhận thức Phật Giáo rồi thì thực tập Phật Pháp.  Do vậy, người Phật tử chân thật phải nên biết triết lý Phật Giáo, khoa học Phật Giáo.  Bằng trái lại việc  thực hành tôn giáo chỉ như tập tục, theo thói quen không có  ý nghĩa gì nhiều.

Do thế, các anh chị em Phật tử của tôi, xin hãy học hỏi thêm nữa.  Và việc thăm viếng chùa viện và ở trước Đức Phật phát lời cầu khẩn, trì niệm thì không đủ, chúng ta phải học hỏi những điều Đức Phật dạy bảo thật sự là gì.  Và học hỏi theo căn bản lời dạy của Đức Phật được soạn thảo chi tiết bởi chư vị tổ sư Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân,... tất cả những đại sư của Na Lan Đà giảng giải kỷ lưởng.  Và nếu có thể, nghiên cứu Luận học Phật Giáo, luận lý học, của các tổ sư Trần Na, Pháp Xứng, Nguyệt Xứng, Liên Hoa Giới,... Trong Tạng ngữ, những luận điển của các ngài trên đã được dịch ra rất tiện dụng.  

Tôi được nghe nói là trong đại tạng Trung Hoa không có những dịch phẩm này, hoặc chỉ có một phần nào thôi, chưa được dịch ra hết.  Hiện tại đã có một số hoạt động để chuyển dịch ra Hoa ngữ, đã được bắt đầu rồi.  Cuối cùng, những luận điển này sẽ hiện diện bằng Hoa ngữ.  Và sau đó sẽ được diễn dịch dễ dàng sang Việt ngữ, Hàn ngữ và Nhật ngữ.  Rõ ràng chứ!
Xin hãy chú ý thêm trong việc học hỏi, nghiên cứu. Học hỏi, nghiên cứu!  Rồi thì đức tin căn cứ trên tri thức trọn vẹn, đức tin ấy sẽ sâu sắc hơn nhiều, điều ấy là quan trọng!
Chân thành cảm ơn!  Đấy là tất cả.
Tôi hy vọng sau này, chánh điện này không chỉ để cầu nguyện mà cũng là lớp học, nơi để  học tập.  Tôi hy vọng như thế.  Nên lần sau đến đây, tôi hy vọng cũng thấy lớp học của quý vị.  (Cười).

 
KHỞI NGUYÊN TỪ MỘT
Con sóng nhỏ trách thân tủi phận:
"Mình chẳng như sóng lớn bên kia,
Anh ta to lớn cách gì?
Chẳng như mình bé tí ti thế này!"
Con sóng lớn vẫy tay cười đáp:
"Anh và tôi chẳng khác gì nhau.
Sao anh cứ mãi âu sầu,
Phải chăng gốc gác ở đâu không rành?"
"Nghĩ như vậy là anh khinh bạn,
Tên của tôi chắc chắn giống anh.
Tuy nhiên có chỗ phải ganh,
Anh to, tôi nhỏ cam đành được sao?"
"Anh thử nghĩ thấp cao đợt sóng,
Chẳng hơn gì chiếc bóng thoáng qua,
Chúng ta từ nước mà ra,
Cuối cùng rồi cũng tan hòa như nhau."
Con sóng nhỏ nghe câu giải thích,
Chợt hiểu ra lý lịch bản thân.
Từ nay đã hết phân vân,
Sóng to, sóng nhỏ dập dờn điệu vui.
Nguyễn Tường Dec 31, 2010

NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN

Tuesday, July 10, 2012

***Người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng,thảnh thơi



(HT.Thích Thanh Từ)


Đề tài tôi nói chuyện hôm nay thật đơn giản: Người biết tu Phật thì rất nhẹ nhàng, thảnh thơi. Người xuất gia khi bước chân vào đạo, thường nhớ rõ câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” của người xưa. Đi tu thì phải xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, đó là điều căn bản của người tu hành. Nếu chúng ta không xả bỏ vật chất, của cải thế gian thì chúng ta làm sao bước chân vào đạo được. Khi vào đạo rồi, nếu chúng ta không xả thân này, không biết hi sinh thân mình, làm lợi ích cho đạo, lợi ích cho chúng sanh thì không xứng đáng là người tu. Cho nên câu “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với giới tu hành của chúng ta.

Người tu nếu không quên của cải sự nghiệp thế gian, chỉ quí trọng thân này, muốn nó được an vui sung sướng thì chúng ta không thể tiến tu đạo nghiệp được. Như vậy chữ tu hiện giờ chúng ta đang ứng dụng có nghĩa là chúng ta phải biết xả bỏ. Xả bỏ của cải thế gian, rồi bước sang xả bỏ cả thân mạng, không quí tiếc. Xả bỏ thân mạng chưa đủ, chúng ta còn phải xả bỏ tam độc. Tam độc tức là tham sân si. Nếu không xả tam độc thì chúng ta không phải là người tu. Đuổi được tham sân si mới nhẹ nhàng, thảnh thơi. Khi dẹp bỏ một thói xấu, một điều hại thì chúng ta được nhẹ nhàng thảnh thơi một phần. Cho nên bước thứ nhất chúng ta tu phải xả bỏ phiền não, mà phiền não đầu là tham sân si.

Trong tâm chúng ta có tham, có sân, có si, bây giờ muốn chúng hết thì ai đuổi nó ra? Mỗi đêm chúng ta thắp hương cầu Phật cho con hết tham sân si được không? Chắc rằng Phật cho không được vì tham sân si trú ngụ sẵn trong nội tâm chúng ta. Muốn đuổi nó thì phải loại ra, phải diệt trừ nó. Phật ở ngoài không làm cho nó hết được. Xin hỏi Ni chúng, chúng ta tu cũng được hai ba mươi năm, hoặc năm mười năm, quí vị đuổi ba con rắn độc này ra hết chưa? Chắc chưa. Bởi vậy, ba thứ độc là căn bản làm cho chúng ta khổ đau, đó là điều thứ nhất.

Thứ hai là xả luyến ái. Tại sao chúng ta phải xả luyến ái, luyến ái là gì? Luyến ái là yêu thương. Yêu thương người này, yêu thương người kia. Yêu thương trong ái nhiễm chớ không phải yêu thương bằng lòng từ bi nên chúng ta phải xả bỏ nó. Phật thường dạy ái là gốc luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi luân hồi sanh tử thì chúng ta phải xả bỏ luyến ái. Vì luyến ái mà con người phải khổ đau, nên trong bát khổ có khổ ái biệt ly. Người nào còn ôm chặt tâm luyến ái thì nhất định người ấy sẽ còn đau khổ.

Hàng tu sĩ xuất gia chúng ta phải khéo xả bỏ luyến ái đối với huynh đệ, bạn bè, đối với những người chung quanh, đừng bị trói buộc, đừng bị sợi dây ái lôi kéo thì chúng ta mới tu đến nơi, đến chốn được. Nếu người xuất gia không xả bỏ được luyến ái thì không thể nào thoát khỏi luân hồi sanh tử. Đây là điều tối quan trọng, nên Tăng Ni và Phật tử phải cố gắng xả bỏ tâm luyến ái của mình. Tâm luyến ái sạch rồi chúng ta mới hết khổ, mới dứt được dòng luân hồi. Đây là điều thứ hai.

Chúng ta tu hay bị trần cảnh lôi kéo, dẫn dắt nên gặp nhiều trở ngại. Mắt duyên với sắc, tai duyên với âm thanh, mũi duyên với mùi hương, lưỡi duyên với vị, thân duyên với xúc chạm. Tất cả các thứ duyên đó, nếu chúng ta kẹt thì sẽ bị nó lôi dẫn, không an ổn được. Người tu luôn luôn phải gỡ, đừng để sáu căn dính mắc với sáu trần.


Trong nhà Thiền thường chú trọng điều này. Xưa kia có người hỏi Thiền sư thế nào là giải thoát, ngài trả lời “căn, trần không dính nhau là giải thoát”. Người ta cứ nghĩ, tu giải thoát là đi đến một xứ nào xa lạ, kỳ đặc, chớ không ngờ giải thoát là ngay nơi sáu căn không dính với sáu trần. Nếu sáu căn còn dính kẹt với sáu trần thì chúng ta không được giải thoát. Đó là lẽ thật. Tôi hay thí dụ, có người khi đi ra đường, thấy những gì đẹp liền thích, rồi mong mỏi cho được, vì mơ ước thành ra bị trói buộc. Vật đó có dính dáng gì với mình mà bị nó trói buộc, rồi đổ thừa: “Cái đó làm cho tôi phiền não, làm cho tôi khổ sở.” Cảnh bên ngoài có thật buộc mình không? Hay tại mình không khéo tu nên bị nó trói buộc.

Chúng ta ít khi can đảm nhận trách nhiệm về mình, khi bị trần cảnh bên ngoài quyến rũ, thua nó thì đổ thừa tại ai chớ không phải tại mình! Thí dụ có người gặp một số tiền hay một lượng vàng đánh rơi xuống đất, người ấy mừng quá lượm lên. Nếu kẻ làm mất xin trả lại, người ấy có vui không? Lượm được trong tay rồi mà phải trả lại chắc không vui mấy. Nhưng nếu với tâm tốt, biết rõ không phải của mình, chủ xin lại thì mình hoan hỉ liền. Đó là tôi nói thí dụ nhỏ, còn nhiều sự việc lớn hơn nữa. Vì vậy, chúng ta tu phải làm sao đừng để cho căn trần dính mắc nhau.

Hồi xưa, lúc đức Phật còn tại thế có vị tu tiên chứng được Ngũ thông. Ông giảng kinh mọi người rất thích, đến trời Đế Thích cũng tới nghe giảng. Một hôm nghe giảng xong, trời Đế Thích liền khóc. Vị tiên thấy lạ hỏi:

- Tại sao ông nghe tôi giảng kinh mà lại khóc?
Trời Đế Thích thưa:
- Ngài giảng kinh rất hay, nhưng tôi biết tuổi thọ Ngài sắp hết rồi, nên tôi thương tôi khóc.
Nghe vậy vị tiên giật mình. Bởi vì tuy ông chứng Ngũ thông nhưng chưa chứng được Lậu tận thông nên vẫn còn mắc kẹt trong sanh tử. Vị ấy liền hỏi trời Đế Thích:
- Bây giờ làm sao để thoát khỏi sanh tử?
Trời Đế Thích giới thiệu:
- Hiện giờ có đức Thế Tôn hiệu Thích-ca Mâu-ni đang trụ ở tinh xá Trúc Lâm giảng pháp. Nếu Ngài đến đó cầu pháp, đức Phật sẽ giảng dạy cho phương pháp giải thoát sanh tử.

Nghe vậy vị tiên liền tìm đến đức Phật. Trên đường đi, ông nghĩ không có lễ vật cúng dường thì vô lễ quá. Thấy hai cây ngô đồng đang trổ bông thật đẹp, ông dùng thần thông nhổ hai cây ấy để trên hai bàn tay. Đến tinh xá Trúc Lâm, vào lễ Phật rồi, ông thưa hỏi làm sao được giải thoát sanh tử.

Phật bảo:
- Buông.
Ông liền buông một tay xuống, rớt một cây ngô đồng.
Phật bảo:
- Buông.
Ông buông một tay nữa rớt cây thứ hai.
Phật bảo:
- Buông.
Ông thưa:
- Tôi có hai cây ngô đồng, Ngài bảo buông lần thứ nhất, tôi buông bớt một cây; bảo buông lần thứ hai, tôi buông thêm cây nữa, bây giờ còn gì đâu mà buông.
Phật nói:
- Không phải ta bảo ông buông cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo ông buông là buông trần cảnh. Lần thứ hai là buông sáu căn. Lần thứ ba là buông sáu thức. Căn cảnh thức hay là căn trần thức buông hết thì giải thoát.
Vị tiên liền hiểu, lãnh hội trở về tu, được hết sanh tử.

Quí vị thấy, chúng ta tu nếu không khéo xả thì không thể giải thoát sanh tử. Sanh tử là cái khổ đau muôn đời, muốn thoát khỏi nó không gì hơn phải xả bỏ, đừng để căn trần thức cột trói. Đây là gốc của trầm luân, của đau khổ. Đó là phần xả căn trần thức.

Kế đến, thứ tư là xả mọi cố chấp. Chúng ta có bệnh cố chấp rất nặng. Bên ngoài thì chấp người, nơi mình thì chấp ta. Chấp ta, chấp người, chấp phải, chấp quấy, chấp hơn, chấp thua, tất cả các thứ chấp đều là nguyên nhân của đau khổ cả. Vì còn chấp là còn khổ, nên người biết tu phải xả cố chấp. Cố chấp nhiều thì khổ nhiều, chấp ít thì khổ ít. Người chấp hơn, chấp thua khi thấy mình hơn thì mừng, mình thua thì buồn. Hơn thua nối nhau nên mừng khổ cứ thay nhau hoài, nhưng ở đời có ai hơn tất cả được. Hơn người này cũng thua người khác.

Ngày xưa, một hôm đức Thế Tôn đi khất thực qua vùng của Bà-la-môn. Có một ông Bà-la-môn thấy Ngài đi trước, ông lẽo đẽo theo sau kêu tên Ngài chửi. Mặc ông chửi, Phật cứ chậm rãi đi một cách tự nhiên, không trả lời. Hồi lâu bực quá, ông chạy tới trước hỏi:
- Ngài Cồ-đàm, Ngài có điếc không?
Phật nói:
- Không.
- Sao tôi chửi Ngài làm thinh không trả lời?
Phật liền trải tọa cụ ngồi xuống, nói bài kệ:


Người hơn thì thêm oán
Kẻ thua ngủ chẳng yên
Hơn thua hai đều xả
Ấy được an ổn ngủ.

Như vậy người hơn kẻ thua đều khổ hết. Thua khổ vì nhục nhã, hơn thắng thì mừng nhưng gây ra oán thù. Nên hơn thua đều xả thì được an ổn ngủ. Chẳng những hơn thua mà kể cả phải quấy, chấp ngã, chấp nhân đều xả hết thì đó là người an ổn bậc nhất.

Trong nhà Thiền, Tổ Hoàng Bá có nói: “Đệ tử của Mã Tổ hơn tám mươi vị thiện tri thức, nhưng nguời tiêu chảy đầy đất chỉ có một mình Qui Tông.” Câu này có nghĩa là sao? Hơn tám mươi đệ tử đều là bậc thiện tri thức, nhưng người tiêu chảy đầy đất chỉ có một mình Qui Tông. Như vậy Ngài khen hay chê Qui Tông?

Tiêu chảy đầy đất là sao? Là uống thuốc xổ. Người nào xổ đầy đất thì trong bụng sạch trống. Xổ tức là xả, xả hết, xả sạch. Người tu xả được như vậy mới là người thấy đạo lý, là người đến chỗ chân thật. Ngài Qui Tông là một trong số đệ tử của Mã Tổ mà Thiền sư Hoàng Bá rất kính trọng. Như vậy chúng ta thấy, người tu phải xả bỏ, đừng cố chấp, thì mới hết khổ.

Như trước tôi đã nói, chúng ta đi tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Hồi ở nhà thì xả bỏ nhà, xả bỏ năm bảy người thân đi tu. Đến khi tu rồi, lại mắc kẹt cái chùa, rồi năm bảy chục đệ tử v.v… nghĩa là sao? Như vậy có phải xả cái này, mắc cái khác không? Nên nhiều người hay chỉ trích: “Tu là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, mà bây giờ quí thầy quí cô cất chùa to, thâu đệ tử nhiều, vậy có xả hay không?” Quí vị trả lời thế nào? Nếu chúng ta cất chùa to để làm của riêng, thâu đệ tử nhiều để phục vụ cho bản ngã của mình, thì đó là tội lỗi. Ngược lại chúng ta cất chùa to để nuôi chúng có chỗ tu học, vì muốn gầy dựng hàng hậu tấn nên chúng ta lo giúp, hướng dẫn họ tu thì không có lỗi. Phải khéo hiểu như thế, nếu không chúng ta đâm ra hoang mang, sợ sệt.

Kế nói đến xả những đa mang thành tư hữu. Quí vị nhớ lại lúc mình đi tu, có chở đồ đạc lỉnh kỉnh vào chùa không, hay là chỉ một túi xách thôi? Nhưng ở chùa chừng mười năm, hai chục năm, nếu phải dời đi chỗ khác thì chở chừng mấy xe? Hồi vào chùa mang theo rất ít, khi ra đi thì chở quá nhiều. Như vậy có xả không? Những thứ đa mang mình không xả được, mà cứ ky cóp ngày càng nhiều thành ra khổ. Đó là điều tôi muốn nói chúng ta cần phải xả, xả được nhiều chừng nào thì thảnh thơi chừng ấy. Làm sao lúc nhắm mắt ra đi, tất cả những gì mình lo, những gì mình sắm là của Tam Bảo chớ không phải của cá nhân, được như vậy thì mới tốt.


Tôi xin dẫn một câu chuyện như sau: Ngày xưa Vua nước Ba-la-nại có mấy bà phi tần, bà nào cũng thích đeo vòng vàng đầy tay. Một hôm nhà Vua bị bệnh, cần phải thoa trầm hương. Khi các phi tần đến thoa, nghe tiếng kêu lổn cổn điếc tai, Vua chịu không nổi bảo phải cởi vòng vàng ra, mỗi bà chỉ đeo một chiếc thôi, chừng ấy mới hết nghe khua rổn rảng. Khi đó Vua nghĩ đa mang nhiều thì phiền não nhiều. Bây giờ nếu mình bỏ hết thì hết phiền não. Vua lại nghĩ, ta làm Vua có triều đình, có đất nước, có quần chúng v.v… bề bộn quá, nếu xả hết đi tu chắc là hết khổ. Nghĩ vậy, Vua liền trao ngôi cho người khác rồi vào núi tu. Về sau Ngài chứng được quả Độc giác.

Chúng ta thấy, xả nhiều thì nhẹ nhàng nhiều, tu hành mau đắc đạo. Còn cưu mang nhiều thì không được an ổn, không thể đắc đạo.

Có một Thiền khách quảy đãy đến hỏi Thiền sư:
- Thế nào là đạo?
Thiền sư bảo:
- Buông.
Thiền khách liền buông đãy xuống, rồi lại hỏi:
- Thế nào là đạo?
Thiền sư lại bảo:
- Buông.
Thiền khách nói:
- Con có cái đãy đã buông xuống rồi, không còn gì để buông nữa.
Thiền sư bảo:
- Nếu không còn gì để buông thì ông quảy lên đi.
Ngay đó Thiền khách ngộ đạo.

Chúng ta buông cho tới không còn gì để buông nữa, thì ngay đó ngộ đạo không có gì khó. Như vậy tu là khó khăn, cực nhọc hay tu là nhẹ nhàng thảnh thơi? Tôi sẽ dẫn một ít thí dụ cho quí vị thấy rõ tu là nhẹ nhàng thảnh thơi.

Thí như có người leo núi cao năm bảy trăm thước. Đường xa mà lại tham nên mang theo nhiều đồ đạc, thành ra quảy một bị nặng leo núi. Đi một hồi mệt quá anh ta than. Có người bạn cùng đi nói: “Anh bỏ bớt những gì không cần đi.” Anh ta lục trong túi ra, bỏ bớt năm ba món. Đi được chút nữa cũng thấy nặng. Anh than còn nặng quá, người bạn nói: “Anh bỏ bớt nữa đi.” Anh ta soạn lại bỏ bớt nữa. Nhưng đường dốc càng lên cao càng thấy nặng, rồi lại phải bỏ. Cứ tiếp tục bỏ như vậy cho tới khi gần đến chót núi còn cái bị không, nhưng cũng bị vướng, khó đi. Cuối cùng anh bỏ luôn cái bị mới leo lên chót núi được.

Quí vị thấy, muốn leo lên ngọn núi cao mà mang theo nhiều đồ nặng quá, làm sao leo lên nổi. Muốn leo cao phải bỏ bớt từ từ, cho đến khi nào không còn gì để bỏ thì quí vị sẽ leo tới chót núi. Chúng ta xét kỹ xem, bỏ là nặng hay bỏ là nhẹ? Chúng ta tu, bỏ được tham nhẹ được một phần, bỏ được sân nhẹ thêm một phần, bỏ được si nhẹ thêm một phần nữa. Cho nên tu là thảnh thơi. Những người tu hay bực tức, giận hờn, rên rỉ là tại vì ôm nhiều quá, không biết bỏ, thành ra đi không nổi. Nên ở trong chúng nhìn mặt là biết người nào tu khá, người nào tu không khá. Người biết buông bỏ tu hành có kết quả, người ấy nhẹ nhàng thảnh thơi. Người không biết buông bỏ, đụng việc gì cũng bực bội, đó là tu không tiến.

Thí dụ thứ hai, như chúng ta gánh một đôi nước nặng, có người nào đó bảo: “Đưa tôi gánh giùm cho.” Trao gánh nước rồi, lúc đó mình nặng hay nhẹ? Rất nhẹ. Cũng vậy, chúng ta đang ôm ấp việc gì trong lòng, nếu có ai đến giải tỏa thì chúng ta sẽ được nhẹ nhàng.

Lại nữa, người đang giận đang thù oán ai, trong lòng có được an ổn không? Ngồi tu có yên không? Tụng kinh niệm Phật hay làm gì cũng nhớ người mình thù, người mình giận. Nếu chúng ta biết xả bỏ hận thù thì chúng ta sẽ thảnh thơi an ổn. Tu niệm Phật thì nhất tâm, tụng kinh thì chuyên chú không xao lãng, tọa thiền thì dễ định. Khi chúng ta giận ai, trong người mát mẻ hay bị lửa giận thiêu đốt? Thường người nào giận, quí vị nhìn cặp mắt họ đỏ, mắt đỏ là đẹp hay xấu? Người ta nói mắt xanh, mắt trắng mới đẹp, còn mắt đỏ ngầu rất ghê sợ, vì bị lửa nóng giận đang thiêu đốt. Chúng ta xả được thì nhẹ nhàng, mát mẻ, không bị khô cằn.

Thêm một điểm nữa, lúc nào chúng ta gặp cảnh không được vui, chúng ta ôm ấp lòng buồn rầu. Buồn rầu có giúp được gì trên đường tu của chúng ta không? Thường người ta cứ nghĩ buồn đâu có tội lỗi gì. Nhưng buồn cũng là phiền não nên nói buồn phiền. Có buồn có phiền tức là không được an ổn. Vì vậy khi nào trong tâm có việc buồn phiền chúng ta phải khéo xả bỏ. Muốn xả buồn phiền chúng ta phải nghĩ làm sao? Phải nghĩ rằng, ngày mai ngày mốt mình sẽ chết, buồn phiền làm gì. Nghĩ như vậy tâm được bình an.

Cho nên người tu chúng ta phải tập buông hết hận thù, buồn phiền thì đời tu được an ổn vô cùng. Dù ở giữa một trăm, hai trăm chúng vẫn thấy nhẹ nhàng như thường. Trong kinh nói: “Xả tất cả là được tất cả.” Ai biết xả tất cả, người đó được tất cả. Ai muốn được tất cả, sẽ mất tất cả. Quí vị muốn được tất cả thì phải xả, việc gì không đáng thì buông. Những thứ tạp nhạp buồn, thương, giận, ghét lăng xăng xả hết. Xả hết những thứ đó rồi thì chúng ta liền nhận được cái chân thật hiện tiền của chính mình, không thiếu vắng lúc nào.

Tôi thường thí dụ, đêm rằm trên hư không trăng đang sáng, nhưng vì mây mù mịt tiếp nối nên không thấy trăng sáng. Bao giờ mây tan đi chúng ta sẽ thấy được vầng trăng sáng. Nếu mây không tan mà ta muốn thấy trăng sáng cũng không thể thấy được. Mây dụ cho những phiền não tạp nhạp rối ren chất chứa trong lòng. Nếu xả bỏ được thì Tánh giác chân thật hiện bày. Tánh giác chân thật là vầng trăng. Người tu là người buông xả hết những rối ren tạp nhạp trong nội tâm mình, chỉ còn một tâm trong sáng.

Chúng ta tu vì sợ thế gian đau khổ, muốn thoát mọi sự đau khổ ấy. Vị nào hoan hỉ xả các thứ dục lạc ở thế gian là vị đó biết tu. Vị nào còn tiếc nuối không chịu xả là chưa biết tu. Chúng ta buông xả những thứ xấu xa vô dụng của mình là việc làm rất dễ dàng trong tầm tay chớ không khó. Lâu nay nhiều người nói tu sao khó quá. Tôi xin hỏi khó tại chỗ nào? Nếu tham sân si từ đâu đem lại cho mình thì bỏ chắc khó, nhưng tham sân si phiền não v.v… từ nơi mình, nếu mình không thích nó thì mình bỏ, chớ có gì khó. Như trong túi quí vị có những hòn sỏi, những hòn đá, quí vị không thích nó nữa, quí vị móc ra dễ dàng hay khó? Nó trong túi mình thì móc ra có gì là khó. Khó là tại mình tiếc không nỡ bỏ. 


Tôi thấy trong giới tu hành của chúng ta, nhiều vị cũng tiếc những cái lẽ ra không đáng tiếc. Thí dụ như ai đó làm mình trái ý rất nặng, mình cũng nổi sân, chợt có huynh đệ nhắc: “sao huynh tu mà còn sân”, mình liền đáp: “không sân nó không sợ”. Như vậy tiếc cái sân hay muốn bỏ cái sân? Muốn để dành một chút làm oai với thiên hạ chơi. Người tu mà để dành như vậy thì biết chừng nào cho hết sân.

Tất cả phiền não tham sân si từ trong nội tâm phát ra. Chúng ta biết nó dở, biết nó xấu, biết nó là đau khổ, chúng ta can đảm dứt khoát bỏ nó thì nó sẽ hết. Đây là việc trong tầm tay, trong quyền quyết định của mình. Phật, Bồ-tát, thiện tri thức có lấy được phiền não của mình quăng ra không? Nên người tu chúng ta phải biết rõ rằng chúng ta có quyền thành Phật, chúng ta có quyền dẹp phiền não. Phiền não cũng từ trong mình ra, giác ngộ cũng từ trong mình có. Chúng ta bỏ được phiền não, bỏ được tham sân si, đó là chúng ta bước vào địa vị Thánh.

Nhiều người cứ cầu ông này bà kia xem mình có tu được hay không. Nếu ai đó nói quí vị tu được, nhưng quí vị không bỏ phiền não thì có tu được không? Ngay như chúng tôi, có nhiều người đến hỏi: “Thầy tu lâu, Thầy coi con tu có được không?” Tôi chỉ trả lời gọn thế này: “Nếu Phật tử quyết chí thì tu được, không quyết chí thì tu không được.”

Tu là bỏ những gì mình đã đa mang, chớ đâu phải tìm kiếm điều mới lạ. Cho nên trong kinh Phật nói “vô sở đắc”, nghĩa là không có chỗ được. Tại sao? Những gì làm phiền lụy chúng ta bỏ sạch thì được nhẹ nhàng thảnh thơi, chớ được cái gì? Được nghĩa là thêm, nhưng chúng ta xả bỏ hết phiền lụy, trói buộc, đau khổ thì tự nhiên an vui giải thoát. Điều này ở đâu tới mà gọi là được. Hiểu vậy mới thấy những lời dạy trong kinh rất cụ thể rõ ràng, không có gì ngờ vực.

Nếu tất cả Ni chúng khéo ứng dụng tu thì con đường đưa chúng ta tới an vui giải thoát là con đường chắc chắn, không nghi ngờ, ở trước mắt chúng ta chớ không đâu xa. Chỉ vì chúng ta không khéo nên chúng ta cứ lẩn quẩn than thở, không thấy được con đường sáng suốt của Phật pháp, chỉ thấy con đường mù mịt tối tăm. Người tu khéo xả bỏ thì việc tu có kết quả, việc tu được nhẹ nhàng, chắc chắn sẽ được giải thoát sanh tử.

HT.Thích Thanh Từ



SEN HỒNG MỘT ĐÓA
DIỆU ĐẠO NAN CẦU
CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ
AN CƯ KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU
BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN