Wednesday, March 23, 2011

*** THIỂU DỤC VÀ TRI TÚC

 Hòa thượng Thích Thiện Hoa



A. Mở Ðề


Người đời phần nhiều thường đua chen, dong ruổi theo vật chất, không biết bao nhiêu cho vừa. Người thiếu thốn tham muốn đã đành, nhưng người dư giả, tiền bạc lấy thước mà đo, thế mà vẫn còn tham muốn. Ðã tham muốn, thì không bao giờ thấy mình đầy đủ cả. Ngạn ngữ có câu: "Bể kia dễ lấp, túi tham khó đầy". Thật đúng như thế, "lòng tham đã không đáy", thì làm sao đầy được? Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải "Thiểu Dục và Tri Túc". 


Trong Khế kinh có nói: "Tri túc chi nhơn, tuy ngọa địa thượng du vi an lạc, bất chi túc chi nhơn, tuy xứ thiên đường diệt bất xưng ý". Nghĩa là: "Người biết đủ, dù nằm trên đất cát vẫn an lạc, trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng không vừa ý". Vậy muốn được sung sướng an vui, chúng ta cần phải Thiểu Dục và Tri Túc.

 B. Chánh Ðề
  I. Ðịnh Nghĩa:
Thiểu Dục là muốn ít; Tri túc là biết đủ. Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có. Như muốn có cái nhà ở vừa sạch, vừa che kín nắng mưa; cần đi cho mau, muốn có một phương tiện giao thông gì cho tiện lợi, chỉ cốt đỡ mỏi chân, đỡ tốn thì giờ là được, chứ không muốn một chiếc xe hơi lộng lẫy, mấy trăm nghìn, quá sức tài chánh của mình.


Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Ðối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa, mà phải khổ sở về tinh thần.


II. Người Ðời Thường Tham Muốn Những Gì?
Người đời thường bị năm thứ tham muốn sau đây sai khiến:
a) Tham muốn tiền của
b) Tham muốn sắc đẹp
c) Tham muốn danh vọng
d)Tham muốn ăn ngon
đ) Tham muốn ngủ kỹ.
Người tham muốn tiền của, thì tiền kho bạc đống, nhà ngang dãy dọc, đất ruộng cò bay thẳng cánh, cũng chưa cho là vừa, mà vẫn còn mong muốn được làm giàu thêm nữa.




Người tham muốn sắc đẹp, thì suốt đời giong ruổi đi tìm hoa; thấy ai có nhan sắc là mê mết, tìm cách nầy cách khác để gần gũi cho kỳ được. Một khi đã thỏa mãn, thì lại ruồng bỏ người đẹp nầy để chạy theo người đẹp khác; luôn luôn bị vật dục sai khiến, mất hết cả nhân cách.
Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời giong ruổi theo chức cả, quyền cao, tiếng danh, hay tốt. Họ còn lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, để mong được cái địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm mọi cách để nắm giữ cho được cái hư danh. 


Người tham muốn ăn ngon, thì suốt đời lân la bên cạnh những cao lương mỹ vị, quanh quẩn bên những tiệc bàn, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ. Thế giới của họ thu hẹp lại trong những món ăn và những người bạn rượu.


Người tham muốn ngủ nghỉ, thì quá nửa đời mình lẩn quẩn trên chiếc giường; ăn xong lại nghỉ chuyện đi nằm, nằm là ngủ, ngủ xong lại muốn ngủ nữa, mất cả tự chủ của mình. Khi đã tham muốn những thứ ấy, thì cuộc đời của những kẻ ham muốn kia, chỉ còn thu hẹp lại trong sự ham muốn của mình, và làm tôi mọi cho vật dục mỗi ngày mỗi thêm chặt chẽ. Xét cho cùng thì những sự tham muốn trên, ngoài sự tham muốn danh vọng là do kiêu căng ngã mạn, còn các thứ tham vọng khác, đều do ngũ dục là động lực chính cả. Ngũ dục là: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, và xúc dục.


*Sắc dục là gì? 
Là nhãn căn đối với sắc trần, sanh tâm tham muốn. Trong thì "chánh báo" là thân phần của nam nhơn hay nữ nhơn: mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng... Ngoài thì "y báo" là vật dụng của thế gian: ngọc, ngà, châu, báu, vật quý đồ xưa, sắc màu lộng lẫy... Những món ấy, đại đa số người vừa trông thấy liền sanh tâm tham ái.
 *Thanh dục là gì? 
Là tai nghe tiếng hay, tâm sanh say đắm; như tiếng ca, giọng hát, khúc lý câu tình, âm điệu du dương, khêu gợi tâm dục của người, sanh tâm đắm nhiễm. 
*Hương dục là gì? 
Là lỗ mũi khi đối với hương trần sanh tâm tham muốn; như dầu thơm ngào ngạt, phấn sáp nồng nàn v.v... Những món hương trần ấy, khiến cho người ngửi đến thì sanh tâm ưa thích đắm chìm, mơ tưởng vẫn vơ.
*Vị dục là gì? 
 Là khi lưỡi đối với mùi vị, sanh tâm tham đắm, như các mùi vị thơm tho, ngọt bùi, chua chát, mặn lạt, mỡ thịt, cá tôm, chả gỏi nem bì, những đồ cao lương mỹ vị..Vẫn biết nhân loại đối với sự ăn uống phải cần dùng nhiều món để nuôi sống mà làm việc. Thế nên cả nhân loại ăn chẳng công nhận nó là điều cần thiết nhất, nếu ăn uống kém thiếu, thì thân thể phải ốm gầy. Nhưng ta nên xem sự ăn uống như là uống thuốc, để chữa bịnh đói khát mà thôi, đừng quá tham món cao lương mỹ vị.


Phật nói: "Chúng sanh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món do đất sanh ra, nên thân thể rất nặng nề". 
*Xúc dục là gì? 
Là thân thể khi giao thiệp với xúc trần, sanh tâm tham muốn. Bố vải thô sơ, mặc vào mình biết nhám; lụa là, gấm nhiểu xuông, vào mình biết trơn láng, gỗ chạm vào mình biết cứng, bông đụng vào mình biết mềm v.v... Những vật gì mềm mại thì sanh tâm ưa thích, những vật gì cứng nhám thì sanh lòng ghét bỏ. 


III. Tai Hại Của Lòng Tham Quá Ðộ:
Những sự tham muốn quá độ, làm cho lòng người xao xuyến, mất hết cả tự chủ, và chỉ còn là nô lệ cho những thèm muốn của mình mà thôi. Một khi đã bị lòng tham dục điều khiển, thì con người gây không biết bao nhiêu tội lỗi, dám làm những chuyện hung ác mà chẳng gớm tay. 
Lại chính vì lòng tham muốn không ngằn mé, mà mình không tự nhận biết, nên đến khi muốn mà không được , thì đổ lỗi cho người, nhân đó sinh ra cạnh tranh, xung đột, làm cho nhân loại chịu lắm điều tàn hại. Lòng tham muốn quá độ, làm cho con người tối mắt trước những sự phải, trái, thúc đẩy người đời vào đường tội lỗi. Chẳng hạn một kẻ không có năng lực, đạo đức mà muốn được giàu có lớn và quyền thế to, thì có thể dùng những mưu mô gian xảo, đen tối, dã man để đạt ý muốn của mình. Hoặc giả, cũng vì muốn được như ý bà vợ yêu quí, mà có lắm ông chồng bị bắt buộc làm những việc trái với lương tâm cho đến tan thân mất mạng. 


Tóm lại, ngũ dục làm hại cho loài người không thể kể xiết: Vì ngũ dục mà sanh ra lo buồn giận dữ, vì ngũ dục mà sanh ra dối trá, gian tham vì ngũ dục mà sanh ra cạnh tranh xâu xé, nhân loại đưa nhau vào rừng tên mưa đạn. Trong hiện tại lòng tham muốn quá độ, sự chạy đuổi theo ngũ dục đã làm tổn hại chẳng những cho mình và cho người, mà trong tương lai, chúng lại còn đưa con người vào chốn tam đồ ác đạo, nhất là vào vòng ngạ quỷ, để phải chịu thiếu thốn cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Ðó là kết quả thảm khốc của người quá tham, không biết "Thiểu dục" và "Tri túc".


IV. Phương Pháp Ðối Trị Lòng Tham Muốn Quá Ðộ: Thiểu Dục Và Tri Túc 
Túi tham đã không đáy, thì càng tham lại thấy càng thiếu, càng khổ. Phật dạy: "Càng tham muốn, càng khổ sở". Chúng ta đừng lầm tưởng rằng: một khi lòng tham muốn được thỏa mãn, là hết tham muốn. Hể còn củi thì lửa còn cháy. Tham muốn được tọai nguyện thì tham muốn lại càng to lên. Tục ngữ thường nói: "Ðược voi đòi tiên" là thế. Người mà lửa tham vọng mong cầu nung nấu trong lòng, bao giờ cũng thấy mình còn thiếu thốn. Không thấy thiếu món nầy, lại thấy thiếu món khác, rồi thèm khát mãi, không lúc nào được tọa chí. Mà không toại chí là còn đau khổ.


Ðể đối trị lòng tham vô độ, đạo Phật cũng như đạo Nho đều dạy chúng ta phải "Tri túc" tức biết đủ. Có bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu, tự cho mình không còn thiếu gì nữa, đừng nhìn lên những kẻ giàu có sang trọng hơn mình, thế là "biết đủ". Có bao nhiêu ta hưởng bấy nhiêu, tự cho mình không còn thiếu gì nữa, đừng nhìn lên những kẻ giàu có sang trọng hơn mình, thế là "biết đủ". 



Trong kinh Di Giáo, Phật dạy: "Nầy các Tỳ kheo ! Nếu các ông muốn thoát khỏi sự khổ não, nên suy nghiệm hai chữ 'Tri túc'". 
Hể biết đủ thì ở cảnh nào cũng yên vui. Người không biết đủ, tuy giàu mà nghèo; người biết đủ tuy nghèo mà giàu. Người không biết đủ thường bị năm thứ ham muốn kéo dắt, làm người biết đủ thương hại. Một người trong tay thâu tóm tất cả của cải trong thế gian, với người nghèo mà không tham muốn, hai người đều giàu như nhau. 

Chúng ta hãy chiêm nghiệm những lời dạy đầy ý nghĩa ấy. Làm chủ đời ta, chính là lòng ta. Giàu nghèo sang hèn chỉ là vấn đề phụ thuộc. Nếu ta kiềm chế được dục vọng, tham muốn là ta giàu sang; nếu ta không kiềm chế được dục vọng tham muốn là ta nghèo hèn. 


 V. Lợi Ích Của Hạnh Thiểu Dục Và Tri Túc:
Lòng tham muốn làm cho ta khổ bao nhiêu, thì Thiểu dục và Tri túc lại làm cho ta sung sướng bấy nhiêu. Ðó là lẽ đương nhiên. Nhờ "ít tham dục", nên con ma dục vọng không làm sao xui khiến được mình; nhờ "biết đủ", nên con quỷ tham lam chẳng có quyền hành sai sử mình nữa.
Một khi con người không còn làm nô lệ cho vật chất đê hèn nữa, thì lòng người bắt đầu tự do giải thoát. Con người lúc ấy mới xứng danh là con người. Mới có đủ nhân cách và không hổ thẹn với địa vị làm anh cả muôn loài. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự cho là mình có hạnh phúc được; và dù cho thường ngày vẫn ăn cơm hẩm canh rau, quanh năm cứ quần bô, áo vải, cũng vẫn thấy trong lòng thơ thới, an vui, sung sướng.


Từ xưa đến nay, không có một vị giáo chủ nào, hiền triết nào xứng đáng với danh nghĩa ấy mà lại không khinh thường vật chất, mà lại chạy theo danh vọng tiền của, ăn sung, mặc sướng cả. Hơn nữa, nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Có lợi ích của Thiểu dục và Tri túc thật không sao kể xiết được. 


Giải Ðáp Những Thắc Mắc Về Thiểu Dục Và Tri Túc
Có người hỏi:
*-- Con người muốn tiến bộ, cần phải nỗ lực phấn đấu, cạnh tranh trong tất cả mọi trường hợp. Ðạo Phật lại dạy phải Thiểu dục và Tri túc. Như thế là chủ trương làm cho nhân loại thối hóa chăng?
Ðáp:
*-- Không! Ðạo Phật dạy "Thiểu dục" và "Tri túc" cốt yếu ngăn ngừa con đường trụy lạc, chận đứng lòng tham lam độc ác không bờ bến của chúng sanh, đang sống trong cõi đời vật dục, chứ không phải chủ trương ngăn chận sự tiến triển của con người trên đường lợi người, lợi vật, ích nước, ích dân.


Nhận thấy tai hại lớn lao của bịnh tham lam, nên đức Phật đưa ra phương thuốc rất công hiệu là "muốn ít" và "biết đủ" để điều trị căn bệnh ấy cho tận gốc. Phương thuốc nầy sẽ làm yếu dần tâm tham lam, nên các mối dục vọng, tội ác dần dần tiêu diệt, chỉ còn lại tấm lòng từ bi rộng rãi bao la mà thôi. Một khi con người hết chạy theo dục vọng, hết đuổi bắt những hạnh phúc vật chất tạm bợ, giả trá cũng không đào bớt thêm đau khổ của người khác, để tìm hạnh phúc cho mình nữa, thì lúc ấy, hạnh phúc chân thật liền đến với họ. Như thế, nghĩa là hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc" bắt đầu hãm bớt tốc lực của lòng dục vọng tham lam, kế đó chận đứng nó lại, sau hết buộc nó xoay chiều, đổi hướng, tinh tiến mãi trên con đường lành. 


Vậy thì hạnh "muốn ít" và "biết đủ " chẳng những không đưa con người vào con đường thối hóa, mà lại giúp cho sự tiến hóa của nhân loại. Vả lại, ngày nay nhân loại đang chứng kiến một sự mất quân bình nguy hiểm giữa sự tiến hóa mau lẹ của vật chất và sự chậm tiến của tinh thần. Sự mất tinh thần ấy có thể đưa nhân loại đến hố diệt vong. Vậy cần phải quân bình sự tiến hóa vật chất và tinh thần. Muốn thế, chẳng có phương pháp nào khác hơn là tuân theo hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc". Con người nếu biết coi thường vật chất một ít, thì mới tiến hóa thêm về tinh thần.


Sỡ dĩ ngày nay trên thế giới, đứng về phương diện vật chất, khoa học, con người có tiến triển rất nhiều, rất nhanh; còn về phương diện tinh thần, đạo đức, con người tiến rất chậm, vì ít có ai quan tâm lưu ý đến nó, mà chỉ chạy theo tham muốn dục vọng.


 Hể vật chất quá tiến, thì tinh thần phải lùi, vật chất càng cao thì lòng tham càng nặng, càng sâu, càng lớn, không biết lúc nào là cùng. Tai họa chiến tranh ngày nay, gieo rắc khắp nơi trên thế giới, cũng do lòng tham không đáy của con người "bất tri túc". Vậy Thiểu dục và Tri túc là hai phương thuốc thần diệu cho căn bệnh trầm trọng của thế giới ngày nay, không ai có thể chối cãi được.
  C. Kết Luận


Kẻ ngoài đời và người trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc ". Vì thật sự, những người không quá đòi hỏi về vật chất, thì chẳng hề so sánh với bề trên; do đó, không thấy mình thiếu thốn về vật chất, nên ít khổ. Hơn nữa, họ chỉ so sánh với kẻ dưới, thấy mình khá giả, đầy đủ hơn, nên dễ mãn nguyện. Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian nầy, đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. 


Trên thế giới năm châu hiện nay, muốn có hòa bình để mà hưởng lạc thú hòa bình vĩnh viễn, thì cũng không ngoài cái hạnh "Thiểu dục" và "Tri túc" mà được.

Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Kính mời đọc bài viết: "Giác Ngộ Và Giải Thoát" theo link
 

Sunday, March 20, 2011

*** NHƯ GIỌT NƯỚC LÁ SEN


TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU

Nắng mùa hè ấm áp, giúp cho vườn hoa ở Canada cảnh sắc rực rỡ.  Một hồ sen điểm vài cánh hoa hiếm quí tươi nhuần thanh khiết, làm ấm lòng người thưởng ngoạn. Lá sen màu xanh thẫm, trải khắp mặt hồ, tuyệt đẹp như bức tranh vẽ nghệ thuật. 


Vài giọt nước nằm yên giữa dòng lá sen tự lúc nào, một làn gió thổi qua, những giọt nước rơi nhẹ xuống mặt hồ. Sự yên tĩnh trong sạch và phẳng lặng của hồ sen, có thể trưởng dưỡng những tâm hồn an tịnh, không tranh chấp, không hơn thua, không phiền não.


Ai sống trên đời nầy
Tham ái được hàng phục
Sầu khổ tự tiêu diệt 
Như giọt nước lá sen. 
(Kinh Pháp Cú) 


Tất cả mọi người trên thế gian đều có chung một số phận "sanh lão bệnh tử", đó là cái khổ lớn của đời người. Con người có sanh ra, tất có già, có bệnh và sẽ đi đến cái chết. Con người tỉnh thức nhận rõ điều này. Diệu dụng của sự tỉnh thức đưa con người thoát khỏi vô minh, phiền não, khổ đau của luân hồi.


Căn tánh của chúng sanh không đồng, nên Ðức Phật giáo hóa tùy duyên, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chỉ dạy nhưng cũng không ngoài một vị giải thoát. Phương pháp tu cốt yếu là giúp con người hiểu biết cách thực hành tinh tấn, tận sức kiên trì, chiến thắng tâm ma cho đến khi đạt được giác ngộ giải thoát, mới mong thoát khỏi đau khổ sanh lão bệnh tử, thân chứng Niết bàn tịch tịnh.


Như hoa sen và lá không nhiễm bùn tanh và nước đọng. Diệu dụng của sự tỉnh thức là phát huy trí tuệ cao thượng để có được kết quả viên mãn.


Ðức Phật dạy: "Chánh pháp là tặng phẩm quý báu nhất. Pháp vị là hương vị đậm đà thanh tịnh nhất. Pháp hỷ là niềm hoan hỷ an lạc cao cả nhất. Ái tận là công đức thù thắng nhất, vì đưa đến quả vị giải thoát tối thượng". 


Ðệ tử của Như Lai
Luôn sống trong tỉnh thức
Bất luận ngày hay đêm
Tâm không nhiễm ái dục
Thường tu niệm tỉnh giác 
Lậu hoặc ắt tiêu trừ.      
(Kinh Pháp Cú).


Chư Tổ ví tâm như nước hồ thu không gợn sóng, trăng soi bóng nước. Như ly nước đầy cáu bẩn, cần thời gian để yên một nơi, cáu bẩn lắng xuống, ly nước được trong dần. Người tu muốn được thấy sự diệu dụng của Phật pháp, cần phải có không gian yên tĩnh thích hợp để hành thiền và tu học. Khi không còn thấy sự yên tĩnh là buồn chán, ly nước tâm cáu bẩn được lọc sạch.

Người sống không thẹn với lòng là người không tìm hạnh phúc trong quyền lực, trong sự tranh đấu hơn thua, bất chấp sự đau khổ của kẻ khác. Chúng ta nhận ra được sự tai hại của lòng tham và ích kỷ sẽ gây thù oán khắp mọi nơi, không có hạnh phúc nào bền vững cả. Cuối cuộc đời là sự tự hủy diệt trong cô đơn và đau khổ.


Người có trí tuệ hàng phục được tham sân si, xa lánh được nhân xấu ác, tâm sáng suốt, sẽ thấy được đâu là hạnh phúc bền vững chân thật. Khi cảm nhận được hạnh phúc xuất thế gian là vô giá, thì đối với họ thắng bại, danh vọng, quyền lực, vật chất không còn là quan trọng nữa. 


Chư vị tôn túc thường nói: "Nhịn một câu sóng yên biển lặng, Lùi một bước biển rộng trời cao". Chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Phiền não trên đời như túi đá nặng trên vai, người nào biết buông bỏ xuống thì nhẹ nhàng như cỡi mây ngao du sơn thủy.   

Vận dụng từ bi để trừ sân hận, hiểu được sự bất tịnh sẽ dẹp trừ tham dục, khai mở trí tuệ phá tan được si mê. Hạnh phúc cao quý là ở nhân phẩm trong sạch và lòng từ ái mà có được. Quá nhiều thủ đoạn và ích kỷ tham cầu cho riêng mình chỉ chuốc lấy khổ đau và thù hận mà thôi. 

Trong đời sống hiện đại, mật độ dân cư càng tăng, tiện nghi vật chất phục vụ con người càng lôi cuốn hấp dẫn, áp lực đồng tiền càng mạnh. Con đường sa đọa mê đắm đưa nhiều người đến vực thẳm không còn kiềm chế được. Nếu họ không thỏa mãn được những tham vọng điên cuồng, hậu quả đưa đến hạnh phúc gia đình tan vỡ, tội lỗi và bất hạnh trước mắt.

Lúc đó con người tự hành hạ mình bằng sự sân hận, oán người, hận đời, đôi khi đi đến loạn tâm điên rồ, mất tự chủ và sáng suốt, để rồi việc ác gì cũng dám làm, thật là nguy hiểm vô cùng. 

Khi nghĩ đến những bất hạnh mà họ phải gánh chịu, với trí tuệ sáng suốt và lòng từ bi, mọi người nên thấy họ đáng thương hơn đáng trách. Chúng ta không khinh khi, cũng không bỏ mặc họ, kiên nhẫn tùy duyên, đúng lúc nào đó có thể sẵn sàng giúp họ bằng tấm lòng khoan dung độ lượng, đưa họ về con đường bình an trong Chánh pháp. 

Muốn có được sự bình an thực sự, con người bớt vị kỷ, sống đơn giản, xa rời hơn thua tranh chấp, trau giồi đức hạnh, khiêm hạ vô tư, vì người không vì mình, trong tất cả hành động của thân khẩu ý. Sự toàn thiện về thân và tâm chưa đủ, chúng ta còn phải làm nhiều phước thiện. Tâm an lạc hạnh phúc khi mọi người xung quanh đều có hạnh phúc.

Tuy lá sen không được nhiều người ca tụng và chiêm ngưỡng như hoa sen tròn vẹn hương sắc, nhưng lá cũng góp phần làm cho cảnh sắc của hồ sen tươi nhuần và tăng thêm giá trị thiện pháp cho tâm người biết thưởng ngoạn. Người có trí tuệ thấy rõ nhân quả của thiện và ác, hạnh phúc và đau khổ, thì mới quyết tâm buông bỏ được tham lam, sân hận và si mê.

 

Người giữ được tâm trong sạch, thân đoan chính thanh tịnh, những đam mê của cảnh trần không làm họ dính mắc bận tâm, như giọt nước trên lá sen.


Người tu khi hành đạo thường gặp "bát phong", nghĩa là những sự tôn vinh hay phỉ báng, khen hay chê, sướng hay khổ, lợi dưỡng hay ngược đãi, tất cả đều không màng. Bát phong là tám ngọn gió đời làm tâm con người loạn động bất an, nhưng với người biết cách tu, tâm không bị phiền não chi phối. Bát phong gồm 4 cặp đối nghịch: 


** Lợi: khi gặp lúc lợi lộc, tâm không ham muốn vui thích. 

** Suy: khi gặp cảnh suy sụp, bất như ý, tâm không sầu não, bi lụy. 

** Hủy: khi gặp sự hủy nhục, tâm không sân hận, thù oán. 

** Dự: khi gặp sự danh dự, tâm không dính mắc, tự mãn.

** Xưng: khi gặp sự xưng tán, tâm không ngã mạn, tự kiêu. 

** Cơ: khi gặp sự chỉ trích, tâm không đau khổ, buồn rầu.

** Khổ: khi gặp lúc khổ nạn, tâm không mặc cảm, oán than.

** Lạc: khi gặp cảnh vui mừng, tâm không tham đắm, si mê. 


Chư Phật hóa độ chúng sanh bằng tâm "Ðại hùng, Ðại lực, Ðại từ bi". Các Ngài vượt qua hết trở ngại của sự phân biệt và chia cách. Người tu theo Phật phải dũng mãnh tinh tấn rũ bỏ hết tham lam, sân hận và si mê, đem ánh sáng trí tuệ và tâm từ bi, xua tan bóng tối của vô minh nhiều đời nhiều kiếp cho mình và cho người hữu duyên. 


Muốn thanh tịnh hóa tâm hồn đã quá nhiều mệt mỏi vì sự cạnh tranh ồn ào của cảnh đời, như giọt nước lá sen, chỉ cần nhân duyên của cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho giọt nước phiền não rơi xuống hồ, trả lại sự trong sạch nguyên vẹn cho lá. Sự diệu dụng của Phật pháp, đem lợi lạc cho con người ở mọi thành phần giai cấp xã hội cũng như vậy.   


Ngày nay, băng giảng, kinh sách được dịch ra nhiều ngôn ngữ, được phát hành rộng rãi, các khóa tu học được tổ chức tại các tự viện, chúng ta có thể tham khảo và tìm một pháp môn thích hợp với căn cơ và hoàn cảnh để tu học. Các vị học giả trí thức đã bỏ nhiều tâm huyết và công phu thành lập các website Phật pháp có giá trị tu học, đem nhiều lợi lạc cho tứ chúng, xuất gia và tại gia.


Giáo lý đạo Phật cũng được nhân loại đón nhận như nước cam lồ cứu khổ chúng sanh, với lòng tôn kính và sự biết ơn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni vô cùng vô tận. 


Dù sống một trăm năm
Không thấy pháp tối thượng
Chẳng bằng sống một ngày
Ðược thấy pháp tối thượng
 (Kinh Pháp Cú, 115). 

Dù sống một trăm năm
Không tuệ, không thiền định
Không bằng sống một ngày
Có tuệ, tu thiền định.
(Kinh Pháp Cú, 111). 

Sự tu học không đòi hỏi phải ngộ tức thời, hay nóng lòng cầu mong chứng đắc, nhưng cũng đừng trì trệ. Niệm Phật hay tọa thiền để đi đến thanh tịnh tâm, là các pháp môn thực hành, đồng thời với việc tìm hiểu lời Phật dạy, để biết rõ cách tu tâm sửa tánh, đúng theo Chánh pháp.

Kết quả trừ dứt tất cả nghiệp ác và các duyên gây đau khổ, sau đó cứu người giúp đời, tạo công đức và phước đức. Nguyện đem công đức và phước đức hồi hướng cho tất cả pháp giới chúng sanh đều thành Phật đạo.



Nguyện chánh pháp lưu truyền
Phổ cập khắp thế gian,
Chúng sanh thường tịnh lạc,
Phật đạo chóng viên thành. 

thichnuchanlieu@yahoo.com 


 
TỊCH LẠC

Năm uẩn thảy đều không

Có chi là gánh nặng

Tự chuyển hóa thân tâm

Đó mới mong diệt khổ

Tâm như đài gương sáng

Trí tuệ giác thường hằng

Luân hồi không tái sanh

Tâm không thường tịnh lạc.


KHO BÁU

Người thấm nhần CHÁNH PHÁP

Thanh lọc thân và tâm

Sống trong niềm hạnh phúc

Thiền định thật an lạc

Như kẻ tìm kho báu

Được lợi lớn cho mình

Hiền trí điều phục tâm

Tham ái chẳng mong cầu

Như tảng đá kiên cố

Bão tố không lay động.


                            
VÌ NGƯỜI HAY VÌ MÌNH?
-     Ngoại à! Ngoại mua mấy cái bánh cam nầy hôi hết rồi làm sao mà ăn đây, lần sau Ngoại đừng có mua nữa!.
-     Cháu à! Con thấy ăn được thì ăn, không thì bỏ đi. Vì Ngoại thấy đứa nhỏ bằng tuổi đi học giống như cháu, mà không được đi học phải bưng rỗ bánh cam đi bán, áo quần cũng không lành lặn. Nghĩ vậy thay gì Ngoại cho nó tiền, Ngoại mua hết rỗ bánh cam còn lại đó thôi, cháu hiểu thì đừng cằn nhằn Ngoại nữa được không?.
-     Cám ơn Ngoại, đã dạy cho con biết suy nghĩ vì người không vì mình quá nhiều!!!

CHẤP HAY KHÔNG CHẤP?
-     Má à! anh rể và chị Hai mê tín chấp rằng trong nhà mình đang có tang Ba xui lắm, không muốn Má đi dự đám cưới cháu ngoại, thôi thì Má cũng đừng thèm đi nha!
-     Hồi sáng nầy, anh rể và chị Hai của con có đến xin lỗi và xin Má tha thứ những lời nói vô tình xúc phạm đến Má. Năn nỉ Má thương con cháu đừng chấp. Má quyết định rồi, Má sẽ đi đưa cháu ngoại về nhà chồng. Nếu Má không đi, thì người chấp, người mê tín là Má đó.

PHƯỚC Ở ĐÂU?
-     Anh làm người tốt có ích gì, phải nghĩ cho bản thân, cho vợ con gia đình anh sung sướng, đầy đủ giàu có trước, khi nào có dư giả rồi hãy nghĩ đến làm tốt giúp người khác có được không?
-     Được chứ! Như vậy anh sẽ hưởng hết phước rồi, còn đâu dành cho em và con nữa!! khi muốn em thỏa mãn sung sướng và giàu có thì anh phải tạo nghiệp bất thiện, vì gia đình hại người, cuối cùng thì phước hay họa tới đây?!!..Anh làm chuyện tốt giúp người là đang tạo phước an lành, hạnh phúc cho các con và em đó.

CÓ NÊN MUA HAY KHÔNG MUA?
-     Thưa Ba, có một số người đến nhà con bán nhang đèn, có khi mặc y phục tu sĩ. Con lưỡng lự, không biết có nên mua không, họ là người tu thật hay giả?
Con có cần dùng nhang đèn hay không? Đó mới là điều cần thiết phải suy nghĩ mua hay không mua. Họ là người bán con là người mua, có sự trao đổi, việc gì không thiệt thòi mình cũng không hại người thì con làm đúng 
MỤC ĐÍCH CỦA NIỆM PHẬT 
Phan Minh Đức
 
Nếu dành thời gian cho việc niệm Phật để tâm định tĩnh, sáng suốt trước những sự việc, biến cố không may, thì nhờ đó mà mình bớt khổ, bớt não; hoặc khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc mà mình biết niệm Phật để có được sự bình tâm, tỉnh trí, nhờ nhiếp tâm vào câu niệm Phật mà tâm an ổn, trí sáng suốt, từ đó có thể tìm ra những giải pháp làm thay đổi hoàn cảnh khó khăn, bế tắc. Nhờ tâm an định, trí sáng suốt, hành giả nhìn thấy rõ vấn đề đang đối mặt là gì, nguyên nhân sanh ra những vấn đề đó nằm ở đâu và cách giải quyết nó. Từ đó hành giả chủ động giải quyết nhưng trên tinh thần tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không cố chấp, làm hết sức mình, hết khả năng mình, nhưng làm trên tinh thần duyên sanh nhân quả, phù hợp với quy luật duyên sanh nhân quả. 

Không nên niệm Phật với tâm cầu Phật gia hộ cho mình bình an. Bởi vì nếu tâm không thanh tịnh, vọng niệm điên đảo, phiền não tham sân si dẫy đầy (thương, ghét, tham muốn, giận hờn, đố kỵ, oán thù…) thì không thể nào có sự bình an được, dù niệm Phật ngày đêm cũng khó có sự cảm ứng, làm sao Phật gia hộ cho mình an được? Phật và ta không phải là một, cũng không phải khác. Phật không phải ngoài ta, cũng không phải trong ta; không phải ở xa, cũng không phải ở gần. Khi tâm là tâm Phật (thanh tịnh, sáng suốt) thì Phật hiện, tâm không cầu mà có Phật, vắng bóng phiền não, vọng tưởng đảo điên thì tâm tự bình an mà không cần ai gia hộ.

Không nên niệm Phật với ý niệm cầu Phật đưa lối dẫn đường hoặc giải quyết giúp mình những khó khăn trong đời sống. Nên niệm Phật để lòng bình an, tâm định tĩnh, sáng suốt, từ đó trí tuệ soi sáng cho hành giả tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn, khai thông những bế tắc gặp phải trong đời sống. Tùy nhân quả, nghiệp duyên mà việc làm của mình có thành tựu hay không, những vấn đề mình gặp phải có giải quyết được hay không dù mình đã cố gắng, tuy nhiên nếu tâm an ổn, trí sáng suốt thì mình vẫn thấy bình an, vẫn không khổ, không não, hoặc ít khổ, ít não. Nếu thành tựu được niệm Phật tam muội thì mọi vấn đề chẳng còn là vấn đề nữa.

Người niệm Phật phải có niềm tin chân chính, đúng đắn, phải căn cứ vào lời dạy của Đức Phật được ghi lại trong các kinh và những lời khai thị dựa trên kinh nghiệm của chư vị Tổ sư, các bậc thiện hữu tri thức mà thực hành, không nên tu tập theo niềm tin, theo hiểu biết, suy luận của riêng mình. 
Phan Minh Đức


LÀM SAO TU THEO ĐỨC PHẬT?
TÁM ĐIỀU NGƯỜI TRÍ CẦN BIẾT RÕ.(PHTQ 16)
HẠNH BỐ THÍ (CTLĐ 1)
QUA CƠN MÊ (CTLĐ 2)
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHƯỚC ĐỨC
BÀN VỀ THIỆN VÀ ÁC
 *TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
*TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU
*BỒ TÁT THIÊN THỦ THIÊN NHÃN
*CHO TRỌN NIỀM VUI MÙA VU LAN