Monday, August 1, 2011

*** Ý NGHĨA LỄ KÍNH CHƯ PHẬT VÀ THỜ PHẬT

LỄ KÍNH CHƯ PHẬT

Thích-Chân-Tuệ
Cơ-sở Phật-học Tịnh-Quang Canada

Trrong thập phương tam thế khắp pháp giới, có vô số Đức Phật, chúng ta đều dùng thân khẩu ý, tam nghiệp thanh tịnh, thường tu hạnh lễ kính chư Phật. Nghĩa là chúng ta thường xuyên một lòng thành tâm kính lễ chư Phật mười phương, điều này là lẽ đương nhiên đối với những người Phật Tử. Điều quan trọng cần lưu ý là chúng ta không những kính lễ mười phương chư Phật quá khứ, tức là chư Phật đã thành, mà chúng ta luôn luôn kính lễ chư Phật trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai.

Chư Phật hiện tại và vị lai là những vị nào, ở đâu, làm sao chúng ta biết được mà kính lễ?
Thông thường ở thế gian, chỉ khi nào các bậc thánh nhân viên tịch, các nhà hiền triết qua đời rồi, người đời sau mới nhận ra được và tôn sùng, chiêm bái. Còn khi các vị đó đương thời, tại thế, vì mê muội, vì ganh tị đố kỵ, vì gièm pha phỉ báng, nói chung, vì vọng tâm tham sân si che lấp, không có bao nhiêu người thấy được, hiểu được, cảm nhận được sự siêu phàm, sự thanh cao bên trong cái hình tướng thế nhân của các vị đó.

Đó là nói về các bậc chân tu thực học, đạo cao đức trọng, còn đối với mọi người khác thì sao?

Con người thường tưởng tượng rằng thánh nhân phải là những người có hình tướng dị thường, có hào quang tỏa khắp thân, có phép lạ chữa lành bệnh tật, có thần thông đi mây, cưỡi gió, lướt trên mặt nước, hô phong hoán vũ, làm được những chuyện kỳ đặc khác người. Cho nên con người thích chiêm ngưỡng, lễ lạy các vách tường, nóc nhà, gò mối, ụ đất, buồng chuối, gốc cây cao, ngọn cây sao, khe suối, hốc đá, hang sâu, bất cứ chỗ nào có người phao tin rằng có tiên thánh hiện ra nơi đó!

Hoặc là tôn sùng, lễ bái các người có hình tướng dị kỳ, râu tóc xồm xoàm, mười năm chưa tắm, bụi bặm dơ bẩn, móng tay cả tấc, thậm chí có người không bận quần áo gì cả!  Hay sùng bái các người làm những việc khác thường như ngồi trên bàn chông, đi trên đống lửa, quanh năm ngủ ngồi không nằm, ăn cơm muối mè, không dùng thức ăn nào khác, chỉ uống nước lạnh, không chịu uống thuốc men gì cả!

Tại sao có nhiều mê tín dị đoan như vậy, kể cả những người gọi là học thức, trí thức thế gian, bằng cấp này nọ? – Bởi vì con người thường quá quan tâm đến phương diện vật chất, chỉ chú trọng đến cái thân xác của con người, hình tướng bề ngoài, mà quên đi phần tâm linh.

Ngay khi còn sống tại thế gian, cái thân xác này còn không phải là mình, huống là sau khi chết.  Tại sao vậy? -  Bởi vì chúng ta ai ai cũng muốn được trường sanh bất tử, muốn thân xác này trẻ mãi không già, đẹp mãi không nhăn, khỏe mãi không đau, sống hoài không chết, nhưng nào có được đâu?  Đến khi nghỉ thở hai hôm là không ai dám đến gần!

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy:
Nhứt thiết chúng sanh
giai hữu Phật Tánh.

Nghĩa là bất cứ chúng sanh nào, bất cứ người nào trên thế gian này, không phân biệt hình tướng, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc, không phân biệt sang hèn, không phân biệt địa vị, không phân biệt nam nữ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt học thức, không phân biệt xuất xứ, không phân biệt gì hết, mọi người đều có Phật Tánh đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có sự khác biệt.

Chính vì con người chấp chặt cái hình tướng bên ngoài cho nên phân biệt tốt xấu, phải quấy, đúng sai, không hiểu được ngoài các thân xác ra, chính mình có Phật Tánh, không hiểu được mọi người đều có Phật Tánh như nhau. Do đó phiền não khởi lên, cuộc đời chìm đắm trong các sự tranh chấp, hơn thua, kiện thưa, đấu tranh, giành giựt, phê phán, chỉ trích, chiếm đoạt.

Nếu thực sự hiểu được mọi người đều bình đẳng, đều có Phật Tánh như nhau, thì con người không dám xúc phạm lẫn nhau, dù bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ, huống là âm mưu hại nhau, kiện nhau ra trước ba tòa quan lớn, đòi bồi thường vài triệu đô la, để cả nhà xúm nhau chia chác!  Thiệt là tội nghiệp lắm thay! Con người tạo ác nghiệp mà không hay, không biết! Hoặc biết mà cố phạm!

Chư Tổ có dạy:
Chúng sanh nhìn chư Phật là chúng sanh, cho nên phiền não khổ đau.
Chư Phật nhìn chúng sanh là chư Phật, cho nên niết bàn an lạc.

Nghĩa là những người phàm phu không biết mình có Phật Tánh, không biết mọi người đều có thể thành một vị Phật trong tương lai, thường mang tâm trạng tự ti, hèn kém, luôn luôn mang “cặp kiếng chúng sanh”, đó là cặp kiếng kỳ thị, bất bình đẳng, cho nên nhìn thấy tất cả mọi người chung quanh đều là chúng sanh như mình, thường là tệ hơn mình, xấu xa hơn mình, cho nên sanh tâm chán nản, ghét bỏ, khinh khi, giận tức, bực dọc, từ đó phiền não khổ đau bắt đầu.

Nói một cách thông thường đó là: suy bụng ta ra bụng người. Người mang cặp kiếng màu đen, nhìn chỗ nào cũng thấy tối thui, nhìn người nào cũng tưởng là ma đen thùi!

Còn chư Phật từ nhãn thị chúng sanh, thương nhìn cuộc đời bằng Phật nhãn, với tâm bồ đề giác ngộ, với “cặp kiếng bình đẳng”, cho nên nhìn thấy rõ ràng người nào cũng có Phật Tánh, cũng có khả năng thành một vị Phật, nếu giác ngộ, biết quày đầu hướng thiện, từ bỏ nghiệp chướng.

Trong nhà Phật, mọi người trân quí Phật Tánh của nhau, nên thường chắp tay trước ngực, cúi đầu, chào nhau bằng câu “Mô Phật” hay “A Di Đà Phật”, ngụ ý rằng: “Búp sen xin tặng người.  Một vị Phật tương lai”.

Bởi vậy cho nên, tu hạnh “Lễ Kính Chư Phật”, chúng ta tạo không biết bao nhiêu phước đức, được không biết bao nhiêu công đức, tránh không biết bao nhiêu phiền não khổ đau.

Phước báu này sẽ giúp đỡ chúng ta giải trừ nghiệp chướng đã tạo từ trước, được tai qua nạn khỏi, gặp được những sự may mắn trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây, những khi gặp may, gặp hên, chúng ta thường nghĩ là tự nhiên có, hay do trời cho, hoặc do cầu nguyện. Đôi khi được phước báo lớn, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không, chúng ta cho là phép lạ nhiệm mầu, chứ có biết đâu đó chính là phước báo do chính mình tạo tác, giờ đây chính mình được hưởng, gọi là “có phước” vậy mà!

Từ đó chúng ta sống trong sự cảm thông, tương kính, cho nên cuộc đời của chúng ta sẽ được an lạc và hạnh phúc, không nghi, dù chúng ta đang sống ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ
 


Ý NGHĨA THỜ PHẬT

TÁC GIẢ: NHẬT MINH

Theo truyền thống văn hóa của Phật giáo, mỗi khi tư gia Phật tử nào sau khi sửa chữa hoặc xây dựng xong ngôi nhà mới thường phát nguyện thỉnh tượng Phật về thờ và để cho sự thờ tự được trang nghiêm, chu toàn thì thỉnh quý Sư, quý Thầy về cử hành nghi lễ An vị Phật.
 
An vị Phật, trước hết là chúng ta thỉnh một tượng Phật (hay Bồ tát) tôn trí trên bàn thờ Phật tại tư gia để khi nhìn thấy tượng Phật trên bàn thờ đó mà chúng ta nhớ vị Phật trong lòng của mỗi chúng ta và cũng để làm duyên cho mọi người khác phát tâm thờ Phật cùng với chúng ta có thể nhìn thấy Phật mà phát huy Đức Phật trong lòng của mình lên.

Việc phát tâm thỉnh Phật về thờ là một việc làm vô cùng đúng đắn, để "mỗi ngày mỗi chiêm ngưỡng" nhưng đó vẫn chưa đủ, bởi khi chúng ta thờ Phật, mà chúng ta không hiểu hết  ý nghĩa của việc thờ Phật là để ngày đêm chiêm ngưỡng, tự thức tĩnh “Phật tâm” của mình để đừng làm việc xâu ác thì cũng chưa thật sự trọn vẹn.

Phật dạy, Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác, cũng có thể hiểu ở Phật ngay trong lòng mình, không ở đâu xa, tâm ta mà sáng thì là tâm Phật, tâm đen tối thì là tâm tà. Việc thỉnh Phật về thờ là để phương tiện làm cho tâm mỗi ngày mỗi sáng lên, đấy mới là ý nghĩa đích thực của việc thờ Phật. Ca dao Việt Nam cũng có câu:
Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ
Thứ ba tu chùa
Tu ở đâu cũng là tu, tại gia, hay chợ, hay chùa đều là tu cả, bởi tu là sửa mình, sửa mình từ xấu thành tốt, sửa mình từ việc chư toàn thiện thành toàn thiện. Nên các câu trên cần phải hiểu đúng đắn rằng không ngoài sự tướng thế gian, không ngoài công việc thế gian mà có Phật pháp. Chính trong công việc thế gian hàng ngày như việc nhà, việc chợ nếu biết “bỏ chín làm mười” thì đều có Phật. Phật ở trong đó với những tinh thần sáng suốt giác ngộ của những người hiểu Phật.

Vì vậy, nếu chúng ta thờ Phật bằng một tấm lòng thành mà thiết bàn thờ Phật và thỉnh chư Tăng về cử hành nghi lễ an vị Phật một cách trang nghiêm thanh tịnh thì chúng ta phải hiểu ý nghĩa của việc thờ Phật, khi ấy việc thờ Phật của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa và việc thờ Phật của chúng ta mới đem lại sự an lạc cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.

Vì vậy khi người Phật tử đã phát tâm thờ Phật thì cần có sự tinh tấn, cố gắng hàng ngày phải chiêm ngưỡng tượng Phật tôn trí trong nhà mình hoặc trên các chùa để phát huy Đức Phật ở trong lòng của chúng ta lên. Được như thế thì sự thờ Phật của chúng ta mới đầy đủ ý nghĩa và mới đem lại cho chúng ta sự an lành thiết thực mà Đức Phật đã dạy bảo cho chúng ta.

N.M