Sunday, June 12, 2011

*** AN CƯ KHO BÁU NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ




 TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU

Ngày nay, y theo lời dạy của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khắp nơi nơi, Chùa chiền, Tu viện, Thiền viện hằng năm đều trang trọng tổ chức chu toàn cho tứ chúng được hội tụ về an cư, sau đại lễ Phật đản. Với trí tuệ của một bậc toàn giác, Đức Phật đã để lại kho báu quí giá vô tận, củng cố niềm tin vào chân lý bất biến và khai mở trí tuệ bát nhã cho hàng đệ tử trong các mùa an cư khi Ngài còn tại thế.
Thế nào là an cư?

Tâm tĩnh lặng tự tại gọi là AN. Thân ở yên một chỗ gọi là CƯ. Tứ chúng là bốn hình tướng của người tu bao gồm xuất gia và tại gia (Tăng, Ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ). Ngày xưa chỉ có chư Tăng và chư Ni hành pháp an cư. Ngày nay, khá nhiều nơi, vì muốn gieo duyên xuất gia thù thắng trong một thời gian hạn định, các bậc Tôn túc cho phép hàng cư sĩ, Phật tử tại gia tham dự an cư, tập tu đời sống xuất gia, tìm hiểu học hỏi kinh Phật, nghe giảng pháp, làm quen cách sống đơn giản tri túc trong thiền môn và còn có dịp tạo phước hộ trì tam bảo. Tứ chúng tùng hạ an cư đều chân thành thúc liễm thân tâm, thăng tiến giới hạnh, trưởng dưỡng từ bi, khai mở trí tuệ, cùng chung mục tiêu giác ngộ và giải thoát.

Mùa an cư giúp người tu xa rời sinh hoạt ồn ào của cảnh trần, sáu căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý) được thanh tịnh, an trụ một nơi, có thời gian nghiên tầm kinh điển. An cư chính là mong thân tâm được an định, ý nghĩ lời nói việc làm tỉnh giác và luôn sống với tâm vô ngã vị tha, tâm từ bi tâm hỷ xả. Đó cũng là con đường tìm về “kho báu niềm tin và trí tuệ”.

KHO BÁU CỦA NIỀM TIN

Đạo tràng an cư giúp người tu thanh tịnh tâm và là nơi câu hội của tứ chúng tu học, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, trì chú, nghe pháp, học hiểu kinh luật, tham luận… để phát sanh niềm tin chánh tín vào giáo lý Đức Bổn Sư Thích Ca; hiểu rõ được chân lý vô thường, sanh, lão, bịnh, tử đang chi phối trong cuộc sống con người.

** Niềm tin vào luật nhân quả bình đẳng, người tạo nghiệp thiện nhận kết quả an vui, tạo nghiệp ác phải tự lãnh chịu hậu quả đau khổ, phát sanh từ nghiệp tạo tác của thân khẩu ý. Dụ như hòn đá nặng (nghiệp ác, tâm sân nặng nề) tất phải chìm trong nước, giọt dầu nhẹ (nghiệp thiện, tâm khinh an) tất nhiên nổi trên mặt nước, đó là nhân quả không sai.

** Niềm tin nơi chính mình, thấy được bản tâm thanh tịnh vốn không sanh không diệt. Cứu cánh giải thoát sanh tử y cứ vào văn tư tu tức là lắng nghe pháp, thực hành thấy có lợi lạc, tu dứt hết phiền não, sạch tội nghiệp đạt đến niết bàn tịch tĩnh.

** Niềm tin là căn bản của sự thành công chiến thắng tự tâm, là nguồn gốc của muôn hạnh lành. Lòng tin của người tu theo Phật một cách sáng suốt là không cuồng nhiệt, không sôi nổi, không so đo và không bản ngã (cái tôi).

** Niềm tin chân chánh là sự tự do thật sự, không bị ép buộc, cũng không vì động lực của lòng tham, sân, si sai khiến. Tu và học phải song hành, từ đó phát sinh niềm tin vững mạnh, phân biệt chánh tà, đúng sai rõ ràng, không còn rơi vào mê tín hay bị dụ dẫn.

** Niềm tin Tam bảo là thấy giá trị lợi ích của Phật Pháp Tăng đối với đời sống con người trong xã hội. Những điều Đức Phật dạy và những gì bản thân Ngài  chứng đắc trong quá trình tu và hành đạo khổ hạnh, đã để lại cho hàng đệ tử xuất gia tại gia con đường đi đến Niết Bàn là sự giải thoát hoàn toàn viên mãn. Thế nào là Tam Bảo?

- Phật: Bậc sáng suốt, giác ngộ cao tột, tự giác, giác tha giác hạnh viên mãn, phước đức và trí tuệ lưỡng toàn .
- Pháp: Con đường lợi ích rốt ráo đưa đến giải thoát sanh tử, là cứu cánh để trao giồi giá trị phẩm hạnh đạo đức thánh thiện và trong sạch thanh tịnh.
- Tăng: Tăng già thanh tịnh hòa hợp, đời sống đơn giản thanh bần, vì lợi ích chúng sanh, quên mình cứu người giúp đời, tu hành theo hạnh Bồ Tát.

Những buổi cúng dường trai tăng, trai nghi trong mùa an cư, được tổ chức rất trang nghiêm thanh tịnh, tứ chúng đồng tu tụng niệm, hồi huớng cho gia đình thí chủ và cho tất cả mọi chúng sanh trong khắp pháp giới, đời đời được gặp chánh pháp, để tiến tu cho đến ngày giác ngộ và giải thoát. Trước khi thọ thực, mọi người đều thầm niệm tam đề và ngũ quán.

Tam đề:
Một là nguyện không làm các điều ác,
Hai là nguyện siêng làm các việc lành,
Ba là nguyện độ tất cả chúng sanh.

Ngũ quán:
1.   Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,
2.   Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,
3.   Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,
4.   Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,
5.   Năm là tạm dùng vật thực để có sức khoẻ hành đạo.

Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu nhiếp phục tâm, trước và trong khi thọ dụng vật thực cúng dường của đàn na tín thí. Điều quan trọng là giúp hành giả trên đường hành đạo luôn tinh tấn dũng mãnh, cố gắng trau giồi đức hạnh, tăng trưởng lòng từ bi, quyết tâm đạt đến Phật quả và nguyện độ tất cả chúng sanh được viên mãn. Đó là “Kho Báu Của Niềm Tin” mà mọi người tu xuất gia hay tại gia đều mong đợi và tin tưởng.


KHO BÁU CỦA TRÍ TUỆ

“Nhân thân nan đắc. Diệu đạo nan cầu” - Thân người khó được. Chánh pháp khó gặp. Kiếp này đã được thân người, hội ngộ Phật Pháp, lại được gặp bạn đồng tu. Người biết cách tu không phí thì giờ về những phiền não thị phi, quyết tâm tu tiến, trừ sạch các tâm ô nhiễm ganh tỵ, đố kị, tham lam, sân hận, si mê. “Phản quan tự kỷ” - xoay lại xét mình, không phê phán người, người tu sẽ thấy rõ thật tánh của bản thân. Thúc liễm thân tâm thanh tịnh, trau giồi giới, định, tuệ, đó là tìm về trí tuệ sáng suốt Phật tánh và phật tâm.

Sinh hoạt tập thể là cơ hội tốt thực hành nếp sống tri túc, phát triển tâm vị tha khiêm tốn, đối trị tâm vị kỷ ngã mạn. Tứ chúng đồng tu theo pháp lục hòa, tuy có khác nhau về xuất xứ, trong hay ngoài giáo hội, nhưng tất cả đều bất tùy phân biệt, cư xử bình đẳng, từ vật chất đến tinh thần. Thân hòa, tâm hòa vui vẻ chấp tác, hăng hái hành đường, giúp đở nhau công quả từ chuyện lớn nhỏ, việc nặng nhẹ, tất cả đều hiểu biết và kính quí nhau trong tình đạo vị của chốn thiền môn an tịnh. Mục đích đưa người tu đến chân thiện mỹ, pháp Lục Hòa là sáu phương pháp hòa hợp thanh tịnh trong đời sống tập thể như sau:

  • Thân hòa đồng trú: Sống chung tập thể, hòa thuận đùm bọc nhường nhịn nhau trong tình thân. Không ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô. Tránh việc phe phái chia rẽ.
  • Khẩu hòa vô tranh: Với tinh thần đồng tu, giữ gìn lời nói ôn hòa. Không tranh chấp từng câu từng lời. Luận bàn trong sự tương kính và bao dung.
  • Ý hòa đồng duyệt: Ý nghĩ thiện lành, vui vẻ trong sáng, thanh tịnh. Không cố ý tạo bất hòa, đố kỵ, ganh ghét. Đặt sự tôn trọng nhau và đồng hòa giải trên hết.
  • Giới hòa đồng tu: Giữ giới cùng tu, tự giác giữ mình trong kỷ luật và qui tắc. Không xét việc người tự soi mình, kính trên hòa dưới. Giúp đạo tràng trang nghiêm tề chỉnh và qui củ.
  • Kiến hòa đồng giải: Sách tấn nhắc nhở, cùng nhau học hỏi trong sự bình đẳng. Không phân cao thấp, hay dở, khen chê, chỉ trích. Dìu dắt cùng tu, cùng lợi lạc.
  • Lợi hòa đồng quân: Lợi dưỡng đồng chia, tài lợi vật chất đối xử công bằng. Không giành phần tốt để người khác chịu thiệt thòi, so đo tính toán. Chia xẻ đồng đều quân bình như nhau.

Con người còn sống là còn động, còn sinh hoạt là còn phiền não. “Pháp Lục Hòa” tạo được hòa khí trong tình đạo vị, xóa tan phiền não ngăn cách. Hơn vậy nữa, pháp nầy có công dụng nhắc nhở sự bình đẳng trong tăng đoàn, dùng đức phục chúng, người tu trước biết thương yêu lo lắng người tu sau. Kỷ luật tự giác, thời khóa đúng giờ, tinh tấn khắc phục giải đãi, tăng niềm tự tin trong cuộc sống. Đó là “Kho Báu Của Trí Tuệ” ngàn năm vô cùng trân quí không bao giờ mất.


LỢI ÍCH CỦA AN CƯ

Những tháng ngày an cư, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng tu có thêm niềm tin chánh tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chánh pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật Pháp được duy trì, đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian không thể nghĩ bàn.

Trong thời gian mùa an cư, mỗi buổi sáng, tứ chúng thức dậy thật sớm, trước thời khóa tụng kinh Lăng Nghiêm có 30 phút tịnh tâm, mọi người trong chúng từng bước nhẹ nhàng ngồi vào chỗ của mình, xếp chân với tư thế hoa sen, yên lặng thiền tọa, niệm Phật, trì chú trong yên lặng. Trong khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh, không tạp niệm, buông bỏ phiền não, không nói chuyện, không niệm Phật ra tiếng, cũng không lễ lạy. Thời khắc đó mọi người thấy rằng, nếp sống thanh tịnh của người tu cần thiết và lợi lạc vô cùng.

Những thời khóa tụng kinh như nhắc lại lời Phật dạy, tiếp thu Phật Pháp trong lời giảng Chư tôn đức mở mang trí tuệ, sinh hoạt đối xử nhau đầy đạo tình đạo vị giúp cho tứ chúng đồng tu niềm tin sâu xa nơi Tam bảo. Nhờ có những mùa an cư lợi lạc, người tu mới hiểu biết cách tu đúng chánh pháp, trang nghiêm giới hạnh và đi đúng theo con đường Phật dạy để đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Đó là phước báu của kiếp được làm thân người lại được sống trong giới Pháp của Chư Phật.

Tứ chúng xuất gia và tại gia đảnh lễ thành tâm cung kính tri ân Chư Tôn Thiền Đức tổ chức những mùa an cư hằng năm, đem tâm từ bi hỷ xả cao thượng trao truyền ngọn đuốc Phật Pháp vi diệu. Các Ngài đã tạo duyên lành cho hàng Phật tử xuất gia và tại gia chúng con được học hiểu sự lợi ích thực tế của công đức và phước đức, có thể áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nơi trụ xứ. Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ chánh pháp trường tồn chúng sanh dị độ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
TKN. Thích Nữ Chân Liễu 




TỊCH LẠC

Năm uẩn thảy đều không
Có chi là gánh nặng
Tự chuyển hóa thân tâm
Đó mới mong diệt khổ
Tâm như đài gương sáng
Trí tuệ giác thường hằng
Luân hồi không tái sanh
Tâm không thường tịnh lạc.


**HỎI ĐẠO

-      Sư tỷ à! Tiểu muội hỏi đạo nha!
      Tại sao con người ai cũng phải già, rồi cũng phải chết vậy.

-      Vô thường!

-      Nhưng mà Tiểu muội thì lại không muốn già, cũng không muốn chết.

-      Vô ngã!

-      Cái gì là “vô thường rồi vô ngã” Tiểu muội không hiểu gì hết?

-      Vô minh!

-      Tiểu muội giận à nghen! Thôi không học, không hỏi cũng không muốn tu nữa!!!

-      Vô duyên!

-      Hả?!!

-      Ý của Sư tỷ là, cái gì Tiểu muội cũng không muốn, thì vô duyên với đạo đó mà.


Kính mời xem bài viết theo link: 
SEN HỒNG MỘT ĐÓA

DIỆU ĐẠO NAN CẦU

CHUỖI NGỌC TRÂN BẢO PHÁP THÍ

Saturday, June 11, 2011

*** CÁC PHÁP DUYÊN SANH, KHÔNG THẬT



HT THÍCH THANH TỪ

Trong kinh A Hàm đức Phật có dạy, người nào thấy được lý nhân duyên thì người đó thấy được pháp. Thấy được pháp tức là thấy đạo hay thấy Phật. Qua đó chúng ta thấy tầm quan trọng của lý nhân duyên như thế nào rồi. Cũng như vậy, con người do nhân duyên sinh nên không chủ thể, không cố định. Muôn vật trên thế gian này do nhân duyên sinh cũng không chủ thể, không cố định. Tuy không cố định, không chủ thể nhưng muôn sự muôn vật vẫn có, đủ duyên thì nó hiện tiền. Hiểu lý này rồi chúng ta mới hiểu chữ Không trong kinh Bát Nhã.
Chúng ta đừng lầm chữ Không trong kinh Bát Nhã là trống rỗng, không có gì hết. Không là đối với có. Nhưng chữ Không đây là ngay nơi sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được song chủ thể nó là không, không cố định. Như vậy dù mắt thấy, tay sờ mó được mà nói là Không, đó là không chủ thể, không cố định. Bát Nhã nói Không vì nó do nhân duyên sinh nên không chủ thể. Cho nên chữ Không trong kinh Bát Nhã còn gọi là tánh Không. Hệ thống Bát Nhã gọi đó là tự tánh Không. Tức là không có chủ thể, không tự tánh nhưng sự vật vẫn có giả tướng của nó khi đủ duyên tụ hội.

Con người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, cố định. Vậy gọi ta được không ? Chỉ là cái ta tạm bợ, còn mất theo duyên, không có giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận ta là thật, sự vật là thật. Nhà Phật gọi lầm nhận đó là vô minh, là si mê. Người học Phật phải có trí tuệ sáng suốt, thấy đúng như thật. Những gì Phật dạy chúng ta quán sát, thấu suốt mới đem ra hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, chớ không phải học hiểu suông mà thấy được lẽ thật.

Chúng ta thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không ? Nếu thân chắc chắn chân thật thì không bao giờ hoại. Vì do duyên hợp nên thiếu duyên thì nó sanh ra bệnh tật rồi đi đến bại hoại. Đó là lẽ thật, không còn gì nghi ngờ nữa. Vì vậy đức Phật nói thân này vô ngã. Vì vô ngã nên không chủ thể, bởi không chủ thể nên tùy duyên mà thành, tùy duyên mà hoại, không phải lúc nào cũng nguyên vẹn.

Chúng ta thấy rõ ý nghĩa của chữ Không rồi thì đối với sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được là thật có hay thật không ? Nói thật có hay thật không đều sai cả vì nó tạm bợ, chỉ có giả tướng hiện tiền. Như vậy phải nói sao ? Nói các pháp không thật có, do duyên sinh, chỉ tạm có nên nhà Phật gọi như huyễn, như hóa. Đến đây tôi nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở đời Lý có bài kệ:

Tác hữu trần sa hữu,
Vi không nhất thiết không.
Hữu không như thủy nguyệt,
Vật trước hữu không không.

Tạm dịch:

Có thì muôn sự có,
Không thì tất cả không.
Có không trăng đáy nước,
Đừng mắc có không không.

Ngài Từ Đạo Hạnh diễn đạt hình ảnh cho chúng ta thấy rất linh động. Tất cả sự vật nếu nói có thì vật nào cũng có hết. Tại sao ? Vì trên giả tướng mắt thấy, tay sờ mó được. Còn nếu nói không thì tất cả đều không hết, vì chúng là duyên hợp không thật. Không thật nên nói là không. Như vậy nói có và không giống như mặt trăng dưới đáy nước. Đêm rằm ta nhìn xuống hồ nước, thấy mặt trăng hiện dưới đáy nước. Mặt trăng ở đáy nước là thực có hay thực không ? Nếu thực có sao đưa tay vớt lên không được. Nếu thực không sao mắt chúng ta thấy rõ ràng. Nên gọi là có mà chỉ là cái bóng, chớ không phải không ngơ. Nhưng là bóng thì nó không thật.
 


Muôn sự vật ở thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước, nhìn thấy như có nhưng rốt cuộc không thực thể. Cho nên có cũng như không, chỉ vì duyên hợp tạm có. Người ta cứ ngỡ rằng những gì mắt thấy tai nghe là thực có, nhưng không ngờ chúng là duyên hợp. Đã là duyên hợp, chúng ta đừng lầm chấp nó thật thì sẽ không đau khổ. Đây là chỗ khó của người học Phật. Nếu thấy được lý này thì chúng ta sẽ thấy đạo Phật hay đáo để.
 

Chúng ta tu khó khăn vì chúng ta thấy cái gì cũng thật nên dễ nhiễm, dễ kẹt. Nhiễm kẹt thì sự tu không tiến, còn thấy các pháp không thật thì chúng ta không có gì để chấp, mà không chấp thì đường tu hết sức dễ dàng. Cho nên si mê là động cơ chủ yếu đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Từ sai lầm đó khiến chúng ta không thấy lẽ thật, rồi bị chìm đắm trong sinh tử kiếp này kiếp nọ không cùng. Các pháp là tướng duyên hợp không thật, nhưng không khéo tu chúng ta sẽ không ra khỏi nó, chỗ này rất là quan trọng.

Kinh Bát Nhã có câu : “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là, Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát Nhã, Ngài xem thấy tất cả sự vật, tất cả pháp đều không có thực thể, không cố định. Khi thấy như vậy Ngài liền qua hết thảy khổ nạn.

Ngày nay chúng ta tụng kinh Bát Nhã từ lúc mới vào chùa cho tới năm sáu mươi tuổi, biết bao nhiêu biến ? Trăm ngàn biến mà khổ ách vẫn là khổ ách. Bởi vì tụng Bát Nhã thì tụng mà nhìn thấy thân năm uẩn thật. Nếu thấy thân năm uẩn duyên hợp hư dối thì có ai chửi chúng ta thấy sao ? Thân năm uẩn đã không thật thì lời chửi có thật đâu. Chẳng qua cũng là tạm bợ hư giả thôi. Mình hư giả, người hư giả, lời nói hư giả, có gì mà khổ, có gì mà phiền. Cho tới tất cả những thiệt thòi, khổ sở khác, nếu xét kỹ chúng có thật không ? Cũng không thật. Như vậy có gì làm chúng ta khổ sở đâu ? Chỉ cần dùng trí tuệ Bát Nhã soi thấu muôn sự vật, soi thấu lại bản thân mình đều là duyên hợp hư giả. Thấy được như vậy thì khổ ách nào cũng qua hết.

Chúng ta đọc kinh đúng ra là đọc cho mình nhớ và thực hành theo lời Phật dạy. Nhưng thường Phật tử cứ nghĩ rằng đọc như vậy có phước. Đọc hai lần phước nhiều hơn một chút. Do không biết lời Phật dạy để ứng dụng quán chiếu lại bản thân và mọi vật chung quanh, thấu triệt được lẽ thật của nó nên chúng ta cứ đọc cho Phật nghe hoài, còn mình thì không dính dáng gì hết. Phật nói chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách, chúng ta tụng hoài sao không qua được khổ ách ? Bởi vì có chiếu kiến đâu ! Chiếu kiến là soi sáng, mà chúng ta không chịu soi sáng thì làm sao thấu tỏ được. Đó là lầm lẫn của chúng ta.

Tất cả sự vật đến với ta, ta không chấp thì dễ tu biết mấy. Mình có phải khổ sở để dẹp nóng giận, dẹp phiền não không ? Sở dĩ chúng ta phiền não, chúng ta nóng giận là vì chúng ta chấp nó thật. Nếu biết rõ nó không thật, chỉ tạm bợ do duyên hợp thì có gì mà chấp. Do không chấp nên thảnh thơi tự tại đi giữa cuộc đời mà chúng ta không dính mắc gì cả.

Như vậy Phật độ chúng ta hết khổ, hay chúng ta dùng trí tuệ thấy muôn sự vật xảy đến với mình không thật, liền vượt qua các khổ. Nỗi khổ không ai cứu ta được mà do ta nhận ra chân tướng của nó không thật thì có gì làm ta phiền hà, khổ sở nữa ! Thấy tường tận đạo lý thì không còn chấp. Nên nhớ chấp là gốc từ si mê, là nhân của đau khổ. Nhờ trí tuệ sáng không chấp nên đau khổ cũng không còn. Tụng một bài kinh Bát Nhã mà thấu triệt rồi thì chúng ta tự tại đi trong cuộc đời. Đó là điều chắc chắn vậy.
H.T Thích Thanh Từ

Friday, June 10, 2011

*** CẢM NIỆM MÙA AN CƯ

 
 
TKN THÍCH NỮ CHÂN LIỄU

Hằng năm, vào mùa an cư, khắp nơi chùa và tự viện đều có tổ chức khóa "An Cư " dành cho tứ chúng khắp nơi vân tập về nghiên tầm kinh điển, tu học Phật pháp, thụ thanh văn giới, cùng bồ tát giới, sinh hoạt Phật sự, thiết lễ trai tăng, sửa soạn trai nghi, bố thí cúng dường, niệm Phật tọa thiền, tụng kinh bái sám.

Truyền thống an cư có từ thời Đức Phật, đem lại lợi ích cho chúng sanh theo nhiều phương diện. Sau những tháng năm du phương hành đạo, tùy theo hoàn cảnh, trong nếp sống và sinh hoạt hàng ngày của mỗi cá nhân, không sao tránh khỏi những giây phút bị phiền não chi phối, tâm bị buông lung. 

Lại nữa, côn trùng thường sinh sôi nẩy nở trong mùa mưa, cho nên để thúc liễm thân tâm, trưởng dưỡng tâm từ bi, tránh sự giẫm đạp lên sinh mạng côn trùng, chư Tăng Ni cần vân tập về một nơi để tịnh tu.

Sau này tứ chúng đồng tu, mùa an cư trở thành rất quan trọng cho việc trau giồi, thăng tiến về hai mặt: từ bi và trí tuệ. Đây là cơ hội tứ chúng được thầy tổ và các bậc tôn túc, nhắc nhở lời Phật dạy để áp dụng trong đời sống tu hành hàng ngày.

Cũng như mọi năm, năm nay được đủ phước duyên, chúng tôi về tham dự khóa tu an cư , cảm nhận được sự lợi lạc vô cùng, nhờ ân triêm công đức của  chư Tôn Đức, cũng như sự phát tâm đóng góp, công quả, cúng dường vật lực, tài lực và sức lực của tứ chúng qui tụ về nơi đây. Xin thực lòng hoan hỷ ghi lại để chia sẻ và cầu mong mọi người hữu duyên cùng tham dự các khóa sang năm để thêm phần lợi ích trên bước đường tu học.

Thời gian 2 tuần của khóa an cư tuy rất ngắn với các kỷ luật tự giác như: không nói chuyện nhiều, giữ tâm thanh tịnh, thời khóa đúng giờ, đã đem lại cho tứ chúng niềm hỷ lạc vô biên, cảm nhận được sự tu tập hành trì có phần tiến bộ hơn trước rất nhiều. Mọi người được sống trong sự tự do đúng nghĩa của người tu, những ràng buộc, những chướng ngại, những khổ đau, những phiền não, từ nội tâm cho đến ngoại cảnh, từ lâu không buông bỏ được, nay như được giải tỏa.

Trong thế giới hiện nay, có quá nhiều phương tiện vật chất, con người gần như thỏa mãn  được các nhu cầu và tham vọng.  Nhưng có mấy ai thấy được sự tự do thực sự đâu? Tâm trí con người thế gian luôn bị trói buộc, quấy nhiểu và chi phối bởi sự ham muốn và ích kỷ. Chỉ có chánh đạo là con đường giải thoát, giúp con người vượt qua được tất cả phiền não và khổ đau.

Nơi sinh hoạt chính của khóa nghiên tu an cư tại Chánh điện, được thiết kế rất mỹ quan, ánh sáng dịu dàng trong mát, trần cao sáng sủa, không gian rộng rãi, thanh tịnh, trầm hùng và uy nghiêm. 

Tôn tượng của Đức Phật Thích Ca trong tư thế hành thiền, mắt khép lại, mỉm nụ cười thanh thoát, biểu tượng rõ ràng nhất của sự giác ngộ và giải thoát, được an vị nơi trang nghiêm nhất. Hai bên có tôn tượng của Bồ Tát Quán Âm và Bồ Tát Địa Tạng rất đơn giản và trang nghiêm.

Mỗi buổi sáng, chúng tôi thức dậy thật sớm, nhẹ nhàng từng bước chân yên lặng lên chánh điện, ngồi vào chỗ của mình, xếp chân và hành thiền trong tỉnh lặng. 30 phút tọa thiền, trước khóa công phu sáng tụng chú Thủ Lăng Nghiêm, giúp cho người tu trở về với bản tâm thanh tịnh, tránh những giây phút căng thẳng, ồn ào, phiền muộn, cảm nhận được sự thoải mái, hạnh phúc trong nội tâm.

Chư Tổ có dạy:
Tỉnh tọa thường tư kỷ quá.
Nhàn đàm bất luận nhân phi.

Ngồi yên lặng để suy tư, nhận ra những lỗi lầm của mình. Lúc nhàn rỗi không luận bàn cái sai, cái dỡ của thế nhân. Tỉnh tọa hay thiền tọa giúp cho người tu đạt được niềm an lạc hạnh phúc vô biên, can đảm nhìn thấy sự thô tháo, sai quấy của bản thân và phát huy được sức mạnh của nội tâm. Tinh tấn khắc phục được sự giải đãi, tăng niềm tự tin trong cuộc sống, thấy được các pháp thế gian là tạm bợ, là vô thường, biến đổi trong từng sát na, từng giây phút, từng hơi thở vào ra.

Các thời khóa tụng chú Thủ Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa hay các khóa bái sám, giúp người tụng đọc cũng như người ngồi nghe lắng lòng tiếp thu những lời dạy quí báu của Đức Thế Tôn và đem áp dụng ngay trong đời sống hằng ngày.

Không khí trang nghiêm thanh tịnh của các buổi tụng kinh bái sám tăng thêm tín tâm của người con Phật nơi con đường trung đạo đã được chư Phật chỉ bày, chư Tổ dẫn dắt và chư hiện tiền Tôn đức Tăng Ni thực hành hàng ngày trong cuộc sống tu hành. Không có những khóa tu "An Cư" như thế này, chắc giáo pháp không được truyền tụng cho đến ngày nay.

Đời sống tu tập trong một tập thể đông người, chư Tôn đức và các bạn đồng tu thường xuyên nhắc nhở mọi người, tâm luôn cảnh giác, luôn tỉnh thức, không để các vọng tâm vọng niệm có nhân duyên khởi lên trong tâm trí và hết thảy phải an trú trong hiện tại.  Muốn được như vậy, tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả phải bàng bạc khắp chốn, khắp nơi trong suốt khóa  tu an cư, tâm không sân hận, không cố chấp, không hơn thua, không thị phi, không nhìn lỗi người, không ganh tị đố kỵ nhỏ nhoi, đừng làm mất đi giá trị tích cực của người tu.

Đức Phật Thích Ca là bậc thiên nhơn sư, bậc toàn giác đạo hạnh viên mãn, đã chứng đạt thông suốt, chỉ dạy con đường tu giác ngộ và giải thoát cho tứ chúng một cách đồng đều và bình đẳng.

Bổn phận chúng ta phải sống thế nào, hành trì thế nào, giữ gìn giáo pháp thế nào để đạt được mục đích cứu cánh của đạo Phật, để xứng đáng là người con Phật, dù tại gia hay xuất gia.
Con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, kiếp sống thật là ngắn ngủi, hết kiếp này tái sanh kiếp khác tùy theo nghiệp lực của từng người. Con người thường không thích nhìn nhận sự thật đó, muốn lãng quên sự thật, để được sống trong mơ, có được ảo giác đời sống sung sướng an nhàn, tìm pháp tu dễ tu dễ chứng, dễ lên cõi sung sướng khác, để tiếp tục được hưởng thụ!

Cho nên, dù là người tu tại gia hay xuất gia, con người thường quên rằng mình là hành giả, phải tỉnh thức, phải tự cất bước, tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên ngọn đuốc chánh pháp, để soi sáng con đường chánh đạo, không để rơi vào tà đạo do sự dễ duôi của chính bản thân mình!

Thực tế, con người còn sống là còn động, còn sinh hoạt là còn phiền não, còn ưu tư, lo lắng. Hãy nhìn vào thực tế bằng tâm tỉnh thức, không chấp trước, chuyện gì rồi cũng qua, hãy để cho qua luôn, đừng dính mắc, con người sẽ tháo gỡ được bao nhiêu là muộn phiền, khổ đau! Trong khung cảnh thanh tịnh của khóa nghiên tu an cư, mọi người rồi sẽ tìm được pháp môn tu thích hợp cho căn cơ trình độ hay hoàn cảnh của riêng mình, đừng phí phạm thời gian quí báu này!

Đức Phật dạy:
“Nhơn thân nan đắc
Diệu đạo nan cầu”.

Thân người khó được. Chánh pháp khó gặp. Kiếp này đã được thân người, được gặp bạn đồng tu, lại gặp chánh pháp trong những khóa tu an cư này, mọi người đều quyết tâm tu tiến, không chờ đợi gì nữa, quyết trừ sạch các tâm ô nhiễm ganh tỵ đố kị, tham lam, sân hận, si mê.

Sau thời khóa công phu sáng, mọi người được thưởng thức tách trà đậm đà hương vị hay ly cà phê nóng. Có người thì kinh hành niệm Phật chung quanh tôn tượng Bồ Tát Quán Âm lộ thiên trong sân chùa. Có người tham dự lớp tập thể dục hay lớp tập khí công. Trong khi đó, nhiều người có trách nhiệm trai soạn và hành đường chuẩn bị dọn buổi điểm tâm cho đại chúng. Ban trai soạn phải lo chuẩn bị các thứ sẵn sàng từ đêm hôm trước. 

Sáng ra, các cụ bà trong ban trai soạn thức dậy thực sớm, khoảng 4 giờ sáng, trong lúc mọi người còn an giấc, để nấu những chỏ xôi thật lớn, vo nắn những chiếc bánh ít trần thực khéo, hấp những đòn chả chay được cuộn tròn thực công phu, để phục vụ đại chúng hàng trăm người tham dự khóa tu an cư có được những bửa ăn thanh đạm, có sức khỏe để tu tập được tốt!

Nhắc đến các cụ bà trong ban trai soạn, ai cũng phải nghiêng mình cảm phục, tán thán sức tinh tấn và tấm lòng vị đạo pháp, vì bá tánh đồng tu, ngày đêm không quản việc nặng việc nhẹ, luôn luôn tươi cười an lạc với những chảo đồ xào to lớn, những nồi súp khổng lồ, những thùng rau cải cao ngất, áo quần đôi lúc lắm lem những bột trắng, dầu ăn, và nhất là cụ bà nào cũng có cái thắt lưng dày cứng chống đau lưng, ẩn hiện dưới lớp tạp dề làm bếp!... 

Có cụ bà tâm sự, tôi mới ở nhà thương về, nghe có khóa tu an cư, liền đến chùa, xem có việc gì nhẹ nhẹ làm giúp, đỡ tay đỡ chân đó mà, nhưng đến đây thấy công việc quá bề bộn, quên luôn cơn bệnh, nhờ Bồ Tát gia hộ, làm luôn mấy hôm rồi đó, khoẻ lắm!

Từng giọt mồ hôi trên những gương mặt trải dài tháng năm, hơn 70 tuổi đời, nhiều cụ bà dù chưa thọ Bồ Tát giới, nhưng rõ ràng đang hành Bồ Tát hạnh, tận tâm tận sức phục vụ đại chúng tham dự khóa nghiên tu an cư, một lòng mõi mệt không nài, tấm lòng của các cụ bà như những viên ngọc quí, thực hành lời chư Tổ dạy:"Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật!"

Cho nên mọi người, không ai bảo ai, tất cả đều tâm niệm trân quí những vật thực do quí cụ bà làm ra với công sức khéo léo, công phu miệt mài ngày đêm, không phí phạm, không khen chê!
Trước khi thọ thực, mọi người đều thầm niệm tam đề và ngũ quán.

Tam đề:
    Một là nguyện không làm các điều ác,
    Hai là nguyện siêng làm các việc lành,
    Ba là nguyện độ tất cả chúng sanh.

Ngũ quán:
    Một là nghĩ đến công sức cực khổ của thí chủ cúng dường vật thực,
    Hai là xem xét đức hạnh có xứng đáng thọ dụng vật thực,
    Ba là ngăn ngừa lòng tham ăn và thói quen chê khen,
    Bốn là xem vật thực như món thuốc trị bệnh đói,
    Năm là tạm dùng vật thực để có sức khoẻ hành đạo.


Tam đề và ngũ quán là phương tiện chư Tổ dạy người tu để nhiếp phục tâm, trước và trong khi thọ dụng vật thực cúng dường, để tăng trưởng từ bi và trí tuệ. Những buổi cúng dường trai nghi, trai tăng rất trang nghiêm thanh tịnh, tứ chúng đồng tu tụng niệm hồi hướng cho gia đình thí chủ và cho chúng sanh trong khắp pháp giới đời đời được gặp chánh pháp để tiến tu cho đến ngày giác ngộ và giải thoát. 

Tứ chúng đồng tu theo pháp lục hòa, tuy có khác nhau về xuất xứ, trong hay ngoài giáo hội, nhưng tất cả đều bất tùy phân biệt, cư xử bình đẳng, thanh tịnh và hòa hợp, từ vật chất cho đến tinh thần, hòa vui chấp tác, hành đường, giúp nhau từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, việc nặng hay việc nhẹ, tất cả đều hiểu biết và thương yêu nhau trong tình đạo vị của chốn thiền môn an tịnh trong suốt khóa tu an cư. Đó mới thật là chân chánh tu hành.

Trong các ngày mùng một hay ngày rằm, cũng là ngày trưởng tịnh, lễ bố tát cũng được sự quan tâm đại chúng, thực hành tụng đọc giới bổn, phát lồ sám hối, nhắc nhở tứ chúng tâm chớ buông lung trong sinh hoạt hàng ngày, phải biết tàm quí và sám hối khi lỗi lầm, không có ai không phạm lỗi, điều quan trọng là phải nhận thấy và biết tu sửa. 

Giữ gìn giới bổn người tu có đầy đủ đức độ, oai nghi tế hạnh, giúp ích cho bản thân, cho tứ chúng đồng tu phạm hạnh, giảm bớt niềm khổ đau phiền muộn, tăng trưởng an lạc hạnh phúc nội tâm.

Đức Phật dạy:
“Tâm dẫn đầu các pháp. Ý tạo tác mọi việc thiện ác”. Cho nên tứ chúng đồng tu cần giữ gìn lời nói ôn hòa nhã nhặn, tránh hành động làm buồn lòng người khác, đối xử bất tùy phân biệt dù trước mặt hay sau lưng.

Tóm lại, được các Bậc Tôn Đức giảng dạy kinh luật luận, được tứ chúng câu hội về cùng tu, nhắc nhở nhau về phạm hạnh, nhiếp tâm thanh tịnh, trao đổi kinh nghiệm tu tập và hành đạo, tăng trưởng mối đạo tình, đạo vị nồng thắm, đưa đến các mối quan hệ thân hữu có giá trị giáo dục cao, đó là phước của tứ chúng, cho nên mùa an cư được Đức Phật đánh giá cao.

Đức Phật dạy: Quả thật tất cả đời sống đồng phạm hạnh của tứ chúng cốt yếu ở tình thân hữu giữa những người ưa thích những điều thiện, ở tình đồng đạo, đồng chí hướng. Một tỳ kheo làm bạn với điều thiện, là người bạn giao du có triễn vọng tu tập và làm sung mãn bát chánh đạo, giải thoát cho đồng bạn cũng như cho bản thân vị ấy.

Trong nhiều năm qua, tứ chúng khắp nơi đã ân triêm công đức giáo dưỡng của chư Tôn Đức chân tu thật học, đó là phước báu của kiếp được làm thân người, lại được gặp chánh pháp và biết tu tập. Chúng con đê đầu đảnh lễ, thành kính tri ân Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, ngưỡng nguyện Hồng ân Tam Bảo thùy từ gia hộ cho  Phật Pháp trường tồn, chúng sanh dị độ, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự chu viên, Phật quả chóng thành.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 
 TKN Thích Nữ Chân Liễu


Kính mời xem bài viết cùng tác giả theo link:
AN CƯ KHO BÁO NIỀM TIN VÀ TRÍ TUỆ
TRĂM NGÀN MUÔN KIẾP KHÔNG DỄ GẶP
TỰ TÁNH TAM BẢO VIÊN NGỌC MINH CHÂU